Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Các yêu cầu về hội nhập không cho phép Việt Nam chậm trễ

17/01/2008
Đó là một trong những nguyên tắc mà Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nhắc nhở những người làm công tác xây dựng pháp luật. Nhân dịp đầu xuân Mậu Tý, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông về những dự định của người đứng đầu ngành Tư pháp trong năm 2008.

PV:  Với tư cách là người đứng đầu cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, chủ động hội nhập khu vực, quốc tế, xin Bộ trưởng cho biết những ấp ủ, dự định quan trọng của mình trong việc quản lý, điều hành Bộ Tư pháp năm 2008.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Chính phủ đã xác định năm 2008 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch 2006-2010. Đó cũng là một năm rất bận rộn đối với các cơ quan xây dựng pháp luật, trong đó Bộ Tư pháp có chức năng là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật. Trong năm 2008 và có thể nói cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, ngành Tư pháp xác định công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, nhất là nhiệm vụ thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản là hoạt động trọng tâm, với mục tiêu là cố gắng cao nhất để hệ thống pháp luật, nhất là về pháp luật kinh tế, ngoài việc bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi có tính dự báo cao, dễ thực hiện, áp dụng, trong nội tại còn phải đáp ứng yêu cầu tương thích, hài hoà với pháp luật quốc tế.

Về xây dựng pháp luật: Năm 2008, Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng và tiếp tục chỉnh lý một số dự án luật, pháp lệnh quan trọng như: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Luật Quốc tịch (sửa đổi), Luật Thi hành án dân sự, Luật Lý lịch tư pháp, Luật sửa đổi một số điều của Bộ luật Hình sự, Luật Bồi thường nhà nước, Luật Đăng ký bất động sản, Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và nhiều nghị định của Chính phủ.

Về thẩm định văn bản pháp luật: Bộ Tư pháp coi đây là một trong những nhiệm vụ cần cải cách nhiều nhất. Vừa qua Bộ đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học - thực tiễn về vấn đề này. Tôi tin rằng năm 2008, công tác thẩm định văn bản pháp luật của Bộ Tư pháp sẽ có những chuyển biến tích cực về chất lượng, về tiến độ, nhờ những cải cách về quy trình thẩm định; tăng cường phối kết hợp giữa Bộ Tư pháp với cơ quan chủ trì soạn thảo, giữa các đơn vị thuộc Bộ nhằm tập trung trí tuệ tập thể; tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác thẩm định...

Về kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản pháp luật: Trong những năm gần đây một số lượng lớn văn bản pháp luật được ban hành trong các lĩnh vực, một mặt, thiết lập thể chế đồng bộ cho đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở nước ta, nhưng mặt khác làm phát sinh các quy định chồng chéo, trùng dẫm, mâu thuẫn, chế khắc lẫn nhau, hệ thống pháp luật quá phức tạp, khó thực hiện, áp dụng. Như thế thì có thể sẽ cản trở, chứ không phải thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật được Bộ Tư pháp đặc biệt coi trọng trong giai đoạn hiện nay. Bộ sẽ triển khai nghiên cứu xây dựng Đề án Tổng rà soát hệ thống pháp luật của Việt Nam, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định; nếu được sẽ thực hiện trong các năm 2009-2010. Hy vọng, những nỗ lực trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam.

          PV: Về những mặt công tác cụ thể, có thể nói thi hành án dân sự là một trong những lĩnh vực  mà Bộ trưởng có nhiều trăn trở. Là cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ Tư pháp sẽ xây dựng dự án Luật thi hành án dân sự theo hướng nào để tháo gỡ những khó khăn hiện nay của công tác này, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Đúng là hiện nay có rất nhiều nguyên nhân làm giảm hiệu quả của công tác thi hành án dân sự mà một trong số đó là những bất cập về thể chế. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tư pháp đã triển khai xây dựng dự án Luật Thi hành án dân sự (trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua trong năm 2008) theo các hướng sau: Thứ nhất, quán triệt và thể chế hoá các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24 tháng 5 năm 2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; thứ hai, xây dựng Luật Thi hành án dân sự trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn về thi hành án dân sự; kế thừa, phát triển và pháp điển hoá các quy định còn phù hợp của pháp luật thi hành án trong những năm qua, có tham khảo, chọn lọc kinh nghiệm của các nước để kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả thi hành án, đáp ứng các yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước; thứ ba, những vướng mắc, bất cập hiện nay liên quan đến pháp luật cần phải được nghiên cứu, tháo gỡ và chuyển hóa thành các quy định của Luật nhằm tạo cơ chế hữu hiệu giải quyết tình trạng án tồn đọng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thi hành án, nâng cao kỷ luật, kỷ cương pháp luật của Nhà nước; thứ tư, bảo đảm sự quản lý, chỉ đạo tập trung, thống nhất đối với hoạt động thi hành án dân sự trong phạm vi cả nước; xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thi hành án dân sự; thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, từng bước xã hội hoá thi hành án, phù hợp với tình hình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Ngoài ra, Ban Cán sự Bộ Tư pháp sẽ tăng cường phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương trong việc giải quyết các vướng mắc hiện nay; báo cáo Ban Tổ chức Trung ương, Ban Cán sự Đảng Chính phủ tạo cơ chế phối hợp tốt hơn với cấp uỷ địa phương trong công tác cán bộ thi hành án.       

PV:  Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XII vừa qua, Bộ trưởng là người rất cương quyết trong việc đề nghị Quốc hội quan tâm tới vị trí, vai trò của đội ngũ luật sư trong quá trình cải cách tư pháp. Với tư cách là Cơ quan quản lý nhà nước về luật sư, xin Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới Bộ Tư pháp cần phải làm gì để phát triển đội ngũ luật sư ngang tầm với yêu cầu của quá trình cải cách tư pháp và đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Theo tôi, có rất nhiều việc cần phải làm ngay. Bên cạnh việc phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, thì rất cần phát triển đội ngũ luật sư giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ. Chúng tôi cũng sẽ chú trọng tăng cường trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư trong hành nghề, xây dựng đội ngũ luật sư có bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp. Để bảo đảm luật sư thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ mình, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn việc tham gia tố tụng của luật sư theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự và Luật Luật sư.

Một điều rất quan trọng mà tôi muốn nhấn mạnh, đó là nhận thức của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng về vị trí, vai trò của luật sư trong quá trình giải quyết vụ án, từ đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong các giai đoạn tố tụng. Các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không nên nghĩ luật sư là ở vị trí đối trọng với mình mà nên quan niệm rằng luật sư ở “cùng bên” với mình, hỗ trợ mình làm rõ sự thật khách quan của vụ án để việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần bảo đảm trật tự công, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, công dân. Bên cạnh đó, trong khi hành nghề, luật sư cũng phải tuyệt đối tôn trọng pháp luật, đề cao đạo đức nghề nghiệp, việc bảo vệ quyền lợi thân chủ phải gắn liền với bảo vệ công lý và pháp chế XHCN. Bộ Tư pháp sẽ thường xuyên giám sát, kiểm tra việc thi hành những quy định của pháp luật tố tụng liên quan đến quyền của luật sư trong hoạt động tố tụng; đồng thời xử lý nghiêm minh những vi phạm của luật sư trong hoạt động hành nghề.  Ngoài ra, có nhiều nhiệm vụ khác cần tiến hành đồng thời như  phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thành lập tổ chức luật sư toàn quốc. Tin tưởng rằng năm 2008 tổ chức đó sẽ ra đời và như thế sẽ thực hiện tốt hơn nguyên tắc kết hợp giữa quản lý nhà nước và quản lý của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư.

PV: Tuy đã gắn bó với công tác tư pháp từ lâu,  nhưng Tết Nguyên đán Mậu Tý 2008 là Tết đầu tiên ông đón xuân ở cương vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ông có điều gì chia sẻ, nhắn nhủ với cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành Tư pháp?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Quả thật, những sự kiện quan trọng trong cuộc đời tôi đều gắn liền với nghề tư pháp, ngành Tư pháp. Ngay cả khi đi địa phương theo yêu cầu công tác thì tôi vẫn luôn dõi theo từng bước phát triển của Ngành và rất mừng khi thấy rằng ngành Tư pháp của chúng ta có nhiều tiến bộ. Nhân dịp đầu Xuân mới, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức đã và đang công tác trong Ngành vì đã chung tay, góp sức xây dựng Ngành ta lớn mạnh như ngày hôm nay. Trước mắt chúng ta là những cơ hội lớn Đảng, Nhà nước đã tạo ra để Ngành ta tiếp tục lớn mạnh, góp phần đắc lực hơn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với phương châm "Dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Bên cạnh đó cũng còn nhiều thách thức mà lớn nhất là năng lực, trình độ, sự tâm huyết đối với sự nghiệp phát triển của đất nước, với nghề nghiệp của mỗi người, sự tận tâm đối với công việc được giao, đòi hỏi chúng ta phải vượt qua. Chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt của mọi người, mọi gia đình.

Chúc Ngành ta ngày càng "đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, đổi mới, phát triển".  

 

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng !

 

Hồng Thúy