Xung quanh Dự án Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi): Chưa thống nhất bốn vấn đề lớn

11/01/2008
Dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) năm 2002 đang được Tổ Biên tập tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý hoàn thiện trên cơ sở ý kiến tham gia của các bộ, ngành và ý kiến của Hội đồng thẩm định. Song, Ban Soạn thảo cho biết, hiện vẫn còn 4 vấn đề có ý kiến khác nhau cần sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ trước khi trình UBTVQH xem xét, ban hành.

Về xử lý các hành vi cản trở Tòa án trong quá trình tố tụng

Theo một số ý kiến, nên quy định ngay trong Dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung các hành vi cụ thể và hình thức, mức xử phạt đối với các hành vi cản trở Tòa án trong quá trình tố tụng. Ví dụ như, các hành vi cản trở việc giao, nhận, tống đạt văn bản tố tụng của Toà án; các hành vi cản trợ việc thi hành lệnh, quyết định áp dụng, thay thế hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn của Toà án; các hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tiến hành tố tụng…

Tuy nhiên, theo Ban soạn thảo, Pháp lệnh XLVPHC là văn bản pháp luật quy định có tính chất khung, chỉ quy định các vấn đề cơ bản, quan trọng về xử phạt VPHC, còn các hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với các hành vi VPHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước do Chính phủ quy định. Do đó, việc quy định ngay trong Dự án Pháp lệnh này các hành vi cản trở cụ thể và hình thức, mức xử phạt đối với các hành vi. Hơn nữa, Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12/12/2005 quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội đã quy định các hành vi cản trở Tòa án trong hoạt động tố tụng. Vì vậy, không nên quy định lại các hành vi này trong Pháp lệnh mà nên rà soát, có thể bổ sung thêm một số hành vi cản trở Tòa mà Nghị định số 150/2005/NĐ-CP chưa quy định. Nếu cần thiết, Dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung chỉ quy định bổ sung một số chức danh của cơ quan TAND có thẩm quyền xử phạt VPHC.

Về thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt trục xuất

Hiện nay, theo quy định của Pháp lệnh Xuất cảnh, nhập cảnh, chỉ Bộ trưởng Bộ Công an và Tòa án mới có thẩm quyền trục xuất đối với người nước ngoài vi phạm pháp luật tại Việt Nam. Nhưng, Bộ Công an đề nghị sửa đổi thẩm quyền trục xuất của Bộ trưởng Bộ Công an theo hướng quy định thẩm quyền này cho Giám đốc Công an cấp tỉnh và Cục trưởng Cục xuất nhập cảnh để đơn giản hóa về thủ tục trục xuất, bảo đảm cho việc áp dụng hình thức xử phạt này được nhanh chóng, thuận tiện.

Sau khi cân nhắc kỹ, Ban soạn thảo thấy rằng việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất người nước ngoài vi phạm pháp luật tại Việt Nam cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật quốc gia hiện hành. Mặt khác, người nước ngoài vi phạm pháp luật đến mức bị trục xuất khỏi Việt Nam cũng không phổ biến. Việc trục xuất người nước ngoài còn liên quan trực tiếp đến quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại của Nhà nước ta, Bởi thế, vẫn nên quy định thẩm quyền trục xuất cho Bộ trưởng Bộ Công an để đảm bảo tính thận trọng.

Về Quỹ hỗ trợ phòng, chống VPHC

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2711/VPCP-V1 ngày 21/05/2007 của Văn phòng Chính phủ, Ban soạn thảo đã nghiên cứu, bổ sung Điều 120a tại Khoản 39 Điều 1 Dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung theo hướng thành lập Quỹ phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật hành chính nói chung, các hành vi kinh doanh trái pháp luật nói riêng theo nguyên tắc số tiền thu được từ xử phạt VPHC, từ bán đấu giá tang vật, phương tiện VPHC phải được nộp vào Ngân sách nhà nước qua tài khoản được mở tại Kho bạc Nhà nước. Số tiền này được sử dụng để mua sắm thêm trang thiết bị cần thiết; mua thêm xăng dầu; mua tin; hỗ trợ khen thưởng cho cá nhân, tổ chức trong việc phát hiện và xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật.

Song, cũng có ý kiến không nhất trí với việc bổ sung Điều 120a vào Dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung vì kinh phí cho hoạt động xử phạt VPHC đã được ngân sách bảo đảm. Ngoài ra, việc quy định sử dụng số tiền thu được từ xử phạt VPHC, từ bán đấu giá tang vật, phương tiện VPHC để lập Quỹ trong đó sử dụng cả cho việc hỗ trợ để trích thưởng cá nhân, tổ chức có thẩm quyền xử phạt VPHC sẽ là nhân tố dễ dẫn đến tình trạng xử phạt tràn lan; đồng thời không bảo đảm tính công bằng trong đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ ở các lĩnh vực khác nhau.

Về việc sửa đổi Điều 113 Pháp lệnh XLVPHC hiện hành

Theo quy định tại Điều 113 Pháp lệnh XLVPHC hiện hành, đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật phải bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo đường hoặc cơ sở giáo dục nhưng lại nghiện ma túy thì phải đưa họ vào cơ sở chữa bệnh để điều trị, chữa bệnh cho các đối tượng này. Quy định này thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Pháp lệnh cho thấy các đối tượng này khi ở cơ sở chữa bệnh thường có hành vi quậy phá, trốn trại, thể hiện tính côn đồ, hung hãn, gây khó khăn cho việc quản lý giáo dục, chữa bệnh. Do đó, các địa phương đề nghị sửa đổi Điều 113 theo hướng chuyển luôn các đối tượng này vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục để Bộ Công an quản lý. Trong khi đó, Bộ Công an nhận định, hiện nay phần lớn các cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng đều đã quá tải, không thể nhận tất cả các đối tượng trên.

Vì vậy, Dự án đang được đề xuất sửa đổi theo 2 phương án: Phương án 1 là các đối tượng phải bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục nhưng nghiện ma túy thì trước tiên phải được đưa vào cơ sở chữa bệnh để điều trị. Nếu trong quá trình điều trị, các đối tượng này quậy phá, trốn trại hay chống người thi hành công vụ thì cơ sở chữa bệnh lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa họ vào trường giáo đường hoặc cơ sở giáo dục thuộc Bộ Công an quản lý theo đúng trình tự thủ tục do pháp luật quy định. Phương án 2 giữ như quy định hiện hành, nhưng đối với các đối tượng nêu trên mà có nhiều tiền án, tiền sự hoặc thuộc loại lưu manh côn đồ hung hãn thì đưa luôn các đối tượng này vào cơ sở giáo dục. Cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức điều trị nghiện ma túy cho các đối tượng này.

Hoàng Thư