Nhìn lại công tác bán đấu giá tài sản 2007: Môi trường vẫn chưa ổn định

10/01/2008
Nhìn vào kết quả bán đấu giá tài sản của các địa phương cho thấy giá trị tài sản năm sau luôn cao hơn năm trước, tuy nhiên lĩnh vực này vẫn tiềm tàng nguy cơ mất ổn định do hiện nay đang tồn tại nhiều cơ quan cùng thực hiện một chức năng. Bên cạnh đó là bất cập của những quy định pháp luật hiện hành.

Tài sản nào “ngon” không đến tay đấu giá?

Mặc dù hiện nay theo quy định của pháp luật, mỗi địa phương chỉ có một Trung tâm bán đấu giá tài sản, và việc tịch thu các phương tiện vi phạm hành chính có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên buộc phải chuyển giao cho Trung tâm đấu giá, tuy nhiên tại nhiều địa phương vẫn tồn tại tình trạng mạnh ai nấy bán. Điển hình là ở Hà Tĩnh, giám đốc Sở Tư pháp Phan Duy Phong bức xúc: hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều đơn vị cùng thực hiện chức năng bán đấu giá, đó là Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp và Trung tâm dịch vụ tài chính công thuộc Sở Tài chính. Đã nhiều lần chúng tôi đề nghị bỏ chức năng bán đấu giá của Trung tâm dịch vụ tài chính công theo đúng tinh thần các văn bản của Chính phủ nhưng đến nay chưa được giải quyết.

Nhiều tỉnh đang trong tình trạng tương tự như Hà Tĩnh. Tài sản mà các Trung tâm bán chủ yếu vẫn là tài sản của Thi hành án (chiếm đến 70-80%). Các nguồn khác không đáng kể, có chăng đến tay đấu giá chỉ là những tài sản khó bán, “xương xẩu”. Thậm chí, để “lách” luật nhiều ngành khi tịch thu phương tiện vi phạm hành chính đã xé lẻ thành các lô hàng có giá trị dưới 10 triệu để tự bán mà không chuyển cho Trung tâm đấu giá. Hậu quả là gì? những cuộc bán “âm thầm” chắc chắn sẽ làm thất thoát cho ngân sách nhà nước và không có cách gì kiểm soát được.

Vấn đề nói trên rõ ràng không phải là bế tắc, vì khoảng 5 năm trước đây, việc bán đấu giá tài sản do nhiều cơ quan cùng thực hiện. Tuy nhiên, sau đó thì việc này đã được chấn chỉnh bằng cách thu chức năng về một mối cho các Trung tâm bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp. Hải Dương là một ví dụ. Bàn giao công việc, Trung tâm dịch vụ tài chính công còn chuyển luôn cả con người sang cho Trung tâm đấu giá. Thậm chí các tài sản dưới 10 triệu đồng các ngành cũng tin tưởng ký hợp đồng với Trung tâm bởi đơn giản vì họ muốn tài sản của mình được bán một cách chuyên nghiệp, với giá cao, làm lợi cho ngân sách nhà nước. Hải Dương, Yên Bái…là những tỉnh còn thực hiện cả việc bán đấu giá quyền sử dụng đất.

Để giải quyết việc “ngành ngành đều bán đấu giá”, theo một Giám đốc Sở Tư pháp thì UBND tỉnh cần thể hiện rõ thái độ, có biện pháp mạnh với những đơn vị cố tình vi phạm. Tuy nhiên, làm được việc này thì trước tiên nhận thức phải thông suốt.

Xã hội hoá đến đâu?

Chủ trương xã hội hoá hoạt động bán đấu giá tài sản thể hiện rất rõ trong Nghị định 05 cho phép thành lập các doanh nghiệp đấu giá. Trên thực tế tại nhiều địa phương như Hà Nội., TP Hồ Chí Minh…các doanh nghiệp đấu giá mọc lên ngày càng nhiều. Tuy nhiên, do mới thành lập nên nhiều doanh nghiệp không có đủ đấu giá viên (bởi Nghị định 05 quy định chỉ cần có một đấu giá viên là được thành lập doanh nghiệp bán đấu giá), nên họ phải thuê của các Trung tâm đấu giá. Điều này dẫn đến chuyện các đấu giá viên đi “chạy sô”, và giá cả thì bị thả nổi.

Các quy định về bổ nhiệm đấu giá viên hiện nay nhiều ý kiến cho rằng quá dễ dàng. Theo Nghị định 05 bên cạnh các tiêu chuẩn về đạo đức, năng lực hành vi dân sự..thì chỉ cần bằng tốt nghiệp ĐH cùng với 2 năm công tác theo ngành học! Theo ông Nguyễn Đại Dân, Giám đốc Trung tâm bán đấu giá tài sản Hải Dương thì quy định rất dễ dẫn đến tình trạng cấp thẻ đấu giá viên một cách tràn lan, không thực chất. ông Dân đề nghị: phải quy định ít nhất phải 5 năm mới được bổ nhiệm đấu giá viên. Còn theo ông Phạm Văn Hoa- Giám đốc Trung tâm đấu giá tài sản Nghệ An thì nên bổ sung quy định, muốn trở thành đấu giá viên phải qua một lớp đào tạo từ khoảng 3 đến 6 tháng, giống như đào tạo chấp hành viên, luật sư hay công chứng viên…

Được biết trong năm 2008 này, Bộ Tư pháp có kế hoạch báo cáo Chỉnh phủ về việc sửa đổi Nghị định 05. Việc rà soát, hệ thống hoá các văn bản liên quan đến hoạt động bán đấu giá cũng sẽ được tiến hành đồng thời trong quá trình sửa đổi Nghị định. Tuy nhiên, theo nhiều địa phương, việc trước mắt là Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính nên ngồi lại để thống nhất giao cho một đầu mối thực hiện việc bán đấu giá tài sản theo đúng chỉ đạo của Chính phủ để sớm ổn định lại môi trường đấu giá sao cho hiệu quả.

Bình An