Hội nghị tổng kết công tác năm 2007 ngành Thanh tra: Phát hiện nhiều vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực

11/01/2008
Hôm nay (11/1), Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2007 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2008 của ngành Thanh tra với sự tham dự của đại diện các cơ quan, ban, ngành và các cơ quan thanh tra trên toàn quốc.

Trong năm qua, để tạo thuận lợi cho hoạt động của cơ quan TTCP và của toàn ngành, lãnh đạo TTCP đã chỉ đạo triển khai xây dựng Luật Khiếu nại và giải quyết khiếu nại, Luật Tố cáo và giải quyết tố cáo; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thanh tra; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN, trong đó Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN đã được ban hành. Ngoài ra, TTCP còn xây dựng trình Chính phủ ban hành 04 Nghị định, xây dựng 7 đề án, 11 Thông tư và 36 VB QPPL thuộc thẩm quyền của Tổng Thanh tra.

Công tác thanh tra năm 2007 cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả trên nhiều mặt đã được nâng lên, đáng ghi nhận là sự phân công trách nhiệm và phối hợp trong hoạt động thanh tra. Hầu hết các cuộc thanh tra được xác định chủ động, triển khai kịp thời, kết thúc gọn. Nội dung thanh tra đa dạng những rất tập trung vào các lĩnh vực đang có nhiều tiêu cực, yếu kém trong quản lý như đất đai, đầu tư xây dựng, tài chính ngân hàng, hải quan, thực hiện các chính sách xã hội. Đặc biệt, một cố gắng mới trong hoạt động tranh tra là việc tiến hành một số cuộc thanh tra hành chính công vụ gắn với thanh tra kinh tế - xã hội. Kết quả thanh tra đã góp phần chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.

Trong năm, toàn ngành đã triển khai 14.928 cuộc thanh tra, kết thúc 13.937 cuộc, phát hiện 8.327,165 tỷ đồng và 1.261.806USD vi phạm về tài chính; 8.738,76 ha đất vi phạm; thu hồi 3.475,895 tỷ đồng và 214,12ha đất; xuất toán, giảm trừ quyết toán, ghi thu chi và xử lý khác là 2.041,718 tỷ đồng, 13.000 USD; kiến nghị xử lý kỷ luật 234 tập thể, hơn 2.300 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 153 vụ với trên 200 người.

Trước tình hình KNTC diễn biến phức tạp hơn các năm trước, các vụ việc khiếu nại nói chung và khiếu nại đông người có xu hướng gia tăng, phần lớn liên quan đến đất đai (bồi thường, giải phóng mặt bằng, đòi lại đất cũ), nhằm vào CBCC địa phương có hành vi vi phạm, tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư, xây dựng cơ bản, quản lý tài chính, ngân sách, thực hiện chính sách xã hội, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng để giải quyết KNTcủa công dân. Nhờ đó, các cấp, các ngành đã giải quyết được 87,2% vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền (tăng 2% so với năm 2006), kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 30.309 tỷ đồng; 244,9ha đất, trả lại cho công dân 20,94 tỷ đồng, 513ha đất; kiến nghị kỷ luật hành chính 826 người; chuyển cơ quan điều tra xử lý 35 vụ, 69 người.

Công tác PCTN được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của TTCP trong năm 2007 nên đã kết quả thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý tham nhũng đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Thanh tra tỉnh, thành phố đã phát hiện nhiều vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực với giá trị tài sản tham nhũng 35,44 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 534 người, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 90 vụ và 151 người. Những kết quả trên đã tạo được ảnh hưởng tốt với dư luật xã hội trong nước và tạo niềm tin đối với cộng đồng quốc tế về quyết tâm PCTN của Đảng và Nhà nước ta.

Để công tác thanh tra năm 2008 đạt hiệu quả tốt hơn, toàn ngành Thanh tra phấn đấu “làm ít hơn nhưng kết quả, tác dụng nhiều hơn, hiệu quả lớn hơn” và quyết tâm đổi mới công tác thanh tra theo hướng phân cấp, phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền, chủ động tiến hành thanh tra, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng, phức tạp, có nhiều yếu kém, vi phạm như quản lý và sử dụng đất, các dự án đầu tư công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, khoa học công nghệ, quản lý và sử dụng tài chính công, quản lý và thu nộp thuế, cổ phần hóa DN, chứng khoán, XK lao động. Bên cạnh đó, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ KNTC ngay tại địa phương, cơ sở; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung về PCTN và đưa vào hoạt động hiệu quả; chấn chỉnh, nâng cao chất lượng báo cáo, thông tin về PCTN; xử ký kịp thời các đơn thư tố cáo, thông tin phản ánh về tham nhũng; xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu trong PCTN; kiến nghị xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các hành vi tham nhũng…/.

H.Giang