Thanh tra tư pháp với việc xử phạt vi phạm hành chính: Không “xử” được vì lực lượng quá mỏng?

27/03/2008
Thanh tra tư pháp được coi là lực lượng xung kích trong việc phát hiện và xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp, đặc biệt kể từ khi Nghị định 74/CP ngày 1/8/2006 về tổ chức hoạt động của Thanh tra tư pháp ra đời. Tuy nhiên, tại các địa phương rất ít vi phạm được xử lý, hoạt động của thanh tra chủ yếu vẫn chỉ cầm chừng là thanh tra các vấn đề thuộc nội bộ của ngành.

Thẩm quyền rộng nhưng…

Với các quy định hiện hành, Thanh tra tư pháp được trao những quyền năng khá lớn. Ngoài việc thanh tra khi có dấu hiệu tiêu cực trong ngành, họ còn được xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tư pháp ngoài xã hội (16 lĩnh vực theo sự quản lý của ngành tư pháp). Đây là những lĩnh vực liên quan mật thiết đến đời sống của người dân như công chứng, chứng thực, hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, thi hành án, tư vấn pháp luật…Không chủ quan mà nói rằng, các vi phạm diễn ra hàng ngày ở mọi nơi. Đơn cử, đi khai sinh muộn cho trẻ, kết hôn khi chưa đến tuổi luật định, người chết mà họ hàng không chịu khai tử hoặc khai tử quá thời hạn…đều bị phạt với các mức tiền khác nhau. Đặc biệt là trong lĩnh vực thi hành án dân sự, rất nhiều hành vi có thể bị xử phạt ví dụ như cố tình không nhận giấy báo, giấy triệu tập của cơ quan thi hành án, nhận giấy báo đến lần thứ 2 nhưng không đến, làm hư hỏng tài sản kê biên…Theo Nghị định 74/CP, chỉ cần có thông tin về hành vi nói trên, không cần lập đoàn thanh tra, thanh tra viên có thể đến ngay hiện trường để lập biên bản xử phạt. Bên cạnh đó, thanh tra tư pháp còn có thuận lợi lớn trong việc phát hiện vi phạm là thông tin từ mạng lưới cán bộ, công chức trong ngành. Tuy nhiên, việc xử phạt ở các địa phương hầu như vẫn không được thực hiện. Ông Hoàng Quốc Hùng – Phó Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp thừa nhận: các tổ chức thanh tra địa phương hiện mới chủ yếu nặng về thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, nhằm vào đối tượng cán bộ, công chức trong ngành mà “quên” việc xử phạt ngoài xã hội. Do đó, lĩnh vực này có thể nói đang bị thả nổi.

Khi xây dựng Nghị định 76/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp và Nghị định 74 về tổ chức và hoạt động của thanh tra tư pháp (2 Nghị định này ban hành cùng thời điểm) , các nhà làm luật đã kỳ vọng thanh tra tư pháp sẽ là lực lượng nòng cốt trong việc xử phạt vi phạm, từ đó góp phần vào việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, phổ biến pháp luật trong nhân dân. Tuy nhiên, kỳ vọng đó đã không trở thành hiện thực.

Do lực lượng quá mỏng?

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, năm vừa qua, các tổ chức thanh tra thuộc Sở Tư pháp địa phương đã một bước được kiện toàn. Nếu trước kia nhiều địa phương còn chưa thành lập tổ chức thanh tra hoặc đã có nhưng cán bộ thanh tra phải kiêm nhiều công việc khác (như tổ chức, văn phòng..) thì nay, hầu hết các Sở Tư pháp đều đã thành lập tổ chức thanh tra. Có nơi đã bố trí được 3-4 cán bộ thanh tra chuyên trách. Hiện tại, nhiều địa phương vẫn đang tiếp tục có đề án kiện toàn tổ chức thanh tra và xin thêm biên chế. Tuy nhiên, bên cạnh đó – Bộ Tư pháp thừa nhận- nhiều Thanh tra Sở vẫn chỉ có một biên chế, hoạt động cầm chừng.

Với số lượng nhiều là 3-4 thanh tra viên/1 tỉnh, thành phố, và ít là chỉ 1 như hiện nay, đó là con số quá mỏng. Trong khi đó, cần lưu ý là các hành vi vi phạm lại chủ yếu diễn ra ở cơ sở (cấp xã, phường). Như vậy, làm sao thanh tra viên có thể đến đó để xử phạt (mà có lẽ cũng chẳng có thanh tra nào từ tỉnh xuống tận xã để xử phạt, hoặc đến nơi, đối tượng đã đi mất, phương tiện vi phạm cũng chả còn gì). Còn ở phạm vi nơi Sở Tư pháp đặt trụ sở, thanh tra viên cũng không thể tự mình phát hiện vi phạm nếu không có thông tin từ các đầu mối (như công chứng viên, cán bộ tư pháp, luật sư, chấp hành viên…). Nhưng, các công chức này, không phải ai cũng thiện chí đến nỗi cứ phát hiện vi phạm là …giữ lại hiện trường để thanh tra tư pháp đến lập biên bản. Mà đi “vi hành” để phát hiện vi phạm thì trước đến nay chưa có tiền lệ. Công bằng mà nói, cũng đã có một vài ý tưởng được nêu ra như thành lập tổ công tác cơ động để xử phạt, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy có địa phương nào thực hiện.

Như vậy, cái khó trong việc thực thi quyền hạn của thanh tra viên không chỉ là họ có quá ít người. Đã hơn 1 năm Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp ra đời, chưa thấy Sở Tư pháp nào sơ kết, tổng kết để tìm ra nguyên nhân sâu xa vì sao Nghị định không triển khai được. Sở Tư pháp không làm thì nên chăng, Bộ Tư pháp cũng cần có một đánh giá toàn diện về vấn đề này để từ đó có những chỉ đạo quyết liệt, hay ít ra là tìm kiếm những giải pháp để pháp luật được thực thi trên thực tế?

Thu Hằng – Bao PLVN

Thẩm quyền xử phạt của thanh tra viên theo quy định của Nghị định 76/CP ngày 2/8/2006 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp gồm: thi hành án dân sự, công chứng, chứng thực, hộ tịch, quốc tịch; lý lịch tư pháp, giám định tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, hợp đồng cho thuê tài chính, hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, nuôi con nuôi.