Một trong những nội dung cần sửa đổi, bổ sung của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) năm 2002 là nâng mức phạt tiền tối đa đối với các lĩnh vực quản lý nhà nước. Tuy nhiên, nâng mức phạt tiền tối đa như thế nào cho hợp lý, có nên nâng bằng, thậm chí hơn mức phạt tiền theo Bộ luật Hình sự, đang là vấn đề được Tổ biên tập Dự án Pháp lệnh sửa đổi cân nhắc và tính toán một cách thận trọng.
Mức phạt hiện hành – không còn đủ sức răn đe
Điều 14 Pháp lệnh năm 2002 quy định có 5 mức phạt tiền tối đa theo lĩnh vực: 20 triệu, 30 triệu, 70 triệu, 100 triệu và 500 triệu đồng. Các mức phạt này được thiết kế thấp hơn mức phạt tối đa của tội phạm xảy ra trong cùng lĩnh vực. Đó là do nhà làm luật xuất phát từ quan điểm hành vi VPHC có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội thấp hơn tội phạm trong cùng lĩnh vực. Và cũng chính vì thế, mức phạt tiền tối đa của hành chính phải thấp hơn mức tối đa của hình phạt tiền trong luật hình sự. Theo tính toán của Tổ biên tập, mức tối đa của XPHC bằng 2 phần 3 mức tối đa của hình sự.
Về vấn đề trên, có ý kiến cho rằng, tuy VPHC có mức độ và tính chất ít nguy hiểm cho xã hội hơn là tội phạm, nhưng chế tài hành chính có những nét đặc thù so với chế tài hình sự. Trước hết, xét về hình thức phạt chính, trong chế tài hành chính thì chỉ có cảnh cáo và phạt tiền, còn trong chế tài hình sự có cả một thang hình phạt, trong đó có phạt tiền và phạt tiền vừa là hình phạt chính, vừa là hình phạt bổ sung. Thứ nữa, xét về hậu quả pháp lý, xử lý hình sự nặng hơn nhiều xử lý hành chính, người bị xử lý hình sự dù là phạt cảnh cáo cũng phải chịu án tích trong một thời gian nhất định. Ngoài ra, xử lý hành chính còn có mục đích răn đe, phòng ngừa, do đó chế tài hành chính phải đủ nghiêm khắc để răn đe người vi phạm (ở nhiều nước trên thế giới chỉ một vi phạm quy tắc vệ sinh đường phố cũng bị phạt rất nặng, đến mức người dân phải sợ, không dám vi phạm).
Tổ biên tập nhận định, các mức phạt tiền tối đa đối với các lĩnh vực quản lý nhà nước của Pháp lệnh XLVPHC hiện hành không còn đủ sức răn đe, giáo dục người vi phạm. Một mặt, các mức đó được xây dựng từ năm 2002, đến nay đã có quá nhiều thay đổi về phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi phải được căn chỉnh lại cho phù hợp. Mặt khác, trong 6 năm này, một số lĩnh vực quản lý nhà nước mới đã xuất hiện mà Pháp lệnh hiện hành chưa kịp ghi nhận hoặc tuy đã nhìn thấy song chưa rõ nét nên không ghi nhận trong Pháp lệnh. Bởi thế, một trong những quan điểm chỉ đạo sửa Pháp lệnh năm 2002 là phải thể hiện được tinh thần xử lý kiên quyết và triệt để các VPHC, không bỏ lọt vi phạm, nhất là các vi phạm nghiêm trọng, lập lại trật tự, kỷ cương xã hội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Trên tinh thần đó, cần tăng mức phạt tiền tối đa đối với VPHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, sao cho mức phạt tiền có đủ sức răn đe, phòng ngừa vi phạm, đặc biệt là trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, sở hữu công nghiệp… đang diễn ra hết sức phức tạp, gây bất bình trong dư luận xã hội.
Nâng sao cho phù hợp?
VPHC là một loại hành vi vi phạm quy tắc quản lý nhà nước có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội thấp hơn vi phạm hình sự (tội phạm). Do đó, so với các loại chế tài khác như hành chính, dân sự, chế tài hình sự - hình phạt là một thứ cưỡng chế có mức độ mạnh mẽ nhất của riêng pháp luật hình sự. Hay nói một cách tượng hình, ''hành chính là em hình sự'', VPHC nhỏ hơn tội phạm hình sự. Trong Bộ luật Hình sự năm 1999, có tới 65 cấu thành tội phạm có yếu tố tiên quyết là ''đã bị XPHC mà còn vi phạm'', tức là 65 hành vi đó, nếu chưa bị XPHC thì chưa thể coi là tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự. Thí dụ, hành vi xâm phạm bí mật thư tín (lĩnh vực an ninh, trật tự) muốn trở thành tội phạm thì ngoài các hành vi khách quan như chiếm đoạt thư, điện báo, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính… còn phải ''đã bị XPHC về hành vi này mà còn vi phạm''. Hay hành vi xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, để trở thành tội phạm cũng phải có yếu tố ''đã bị XPHC về hành vi này mà còn vi phạm''… Như vậy, mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có thể nâng lên để khỏi ''lạc hậu'' với thời cuộc, đồng thời đáp ứng yêu cầu giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, và không thể không tính đến mối tương quan với pháp luật hình sự khi xử phạt những hành vi hành chính.
Theo Tổ biên tập không nên nâng đồng đều mức phạt tiền tối đa của các lĩnh vực quản lý nhà nước mà cần có sự phân biệt. Với hơn 70 nghị định của Chính phủ về xử phạt VPHC hiện nay, có thể phân làm hai loại: loại thứ nhất gồm các lĩnh vực mà việc xử phạt đòi hỏi phải nghiêm khắc hơn gồm các lĩnh vực xây dựng, đất đai, sở hữu công nghiệp, hải quan, chứng khoán, chuyển giao công nghệ… Nếu giữ mức phạt tối đa hiện nay là 30 triệu, 70 triệu hoặc 100 triệu đồng thì cũng chỉ như ''gãi ghẻ'' đối với người vi phạm. Thực tế xử lý việc xây nhà trái phép thời gian qua (không phép, không đúng giấy phép) đã chứng minh một điều rằng các mức phạt của Pháp lệnh tỏ ra rất bất cập với thực tế. Loại thứ hai gồm các lĩnh vực còn lại, loại này cần nâng lên song có tính cơ học theo kiểu ''nước lên thì thuyền cũng lên'' để không lạc hậu cùng thời giá. Cụ thể hơn, mức phạt tiền tối đa của loại thứ nhất có thể nâng lên khoảng bằng 4 phần 5 hoặc ngang bằng mức hình phạt tiền của pháp luật hình sự. Với mức phạt mới, lĩnh vực đất đai có thể nâng lên đến 50 triệu đồng, hay lĩnh vực xây dựng sẽ đến 100 triệu đồng, sở hữu công nghiệp sẽ là 200 triệu đồng và mức phạt tiền cao nhất của hành chính không còn giới hạn ở 500 triệu đồng nữa mà có thể lên tới 1 tỷ đồng (đối với hành vi xâm phạm vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam nhằm thăm dò, khai thác nguồn lợi hải quan, dầu khí, các tài nguyên thiên nhiên khác). Loại thứ hai có thể nâng lên bằng 3 phần 4 của mức phạt tiền trong pháp luật hình sự. Theo tỷ lệ này, các lĩnh vực an toàn trật tự, quản lý và bảo vệ công trình giao thông, lao động, thống kê, tư pháp… sẽ nâng lên 30 triệu đồng, còn những lĩnh vực giao thông đường bộ, phòng chống tệ nạn xã hội, văn hoá, du lịch… sẽ nâng lên 40 triệu đồng.
Hoàng Thư
Hành chính đúng là “em” hình sự: Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (thuộc lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ) có mức phạt tiền tối đa đến 50 triệu đồng (Điều 202 Bộ luật Hình sự 1999), trong khi hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong xử phạt hành chính (XPHC) có mức phạt tiền tối đa là 30 triệu đồng hoặc tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (thuộc lĩnh vực xây dựng) có mức phạt tiền cao nhất là 100 triệu (Điều 229 Bộ luật Hình sự) còn hành vi VPHC trong lĩnh vực xây dựng có mức phạt cao nhất đến 70 triệu đồng… Có nhiều cách tính mức tiền phạt: Pháp lệnh XLVPHC năm 2002 và các nghị định có liên quan xác định mức tiền phạt trong giới hạn từ bao nhiêu tiền đến bao nhiêu tiền theo từng lĩnh vực và từng loại hành vi VPHC cụ thể. Còn trong một số luật như Luật Quản lý thuế, Luật Chứng khoán, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Cạnh tranh, đối với một số loại hành vi vi phạm, mức tiền phạt lại được xác định theo giá trị đã bị VPHC. Điều này dẫn đến sự không thống nhất trong cách tính mức phạt tiền, thậm chí có trường hợp mức phạt hành chính cao hơn cả mức phạt tiền tối đa của hình sự đối với cùng một loại hành vi phạm tội. |