1. Sự cần thiết thực hiện chủ động trong phòng vệ thương mại đối với doanh nghiệp
Phòng vệ thương mại là biện pháp mà các quốc gia sử dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước khỏi sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng hóa nhập khẩu, chẳng hạn như bán phá giá hoặc trợ cấp. Biện pháp này chỉ áp dụng cho hàng hóa, không bao gồm dịch vụ, đầu tư hay sở hữu trí tuệ.
Dễ nhận thấy nội dung hợp tác kinh tế là trọng tâm của đối ngoại cấp cao Việt Nam trong những năm gần đây, cụ thể là đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch, lao động với các thị trường lớn, các đối tác đầu tư chủ chốt, quan trọng, nhất là khu vực Đông Bắc Á, châu Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông...; thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, ngoại giao công nghệ, ngoại giao bán dẫn... với các đối tác chủ chốt và các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới; đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác, tạo đột phá ở các thị trường mới và tiềm năng, trong đó có các thị trường còn nhiều dư địa như khu vực Mỹ Latin, Trung Đông - châu Phi, Trung-Đông Âu. Năm 2024, Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới, nâng tổng số FTA ký kết và tham gia lên con số 17
[1].
Tình hình phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam trong các FTA và bối cảnh hội nhập quốc tế, theo số liệu quản lý từ Chính phủ: Các vụ việc do Việt Nam điều tra, áp dụng với hàng hóa nhập khẩu trong năm 2023: Các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) là tên gọi chung của ba nhóm biện pháp: chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC) và tự vệ (TV). Đây là các công cụ được WTO cho phép các thành viên sử dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Các FTA nhìn chung cũng thừa nhận các công cụ chính sách này. Nguyên tắc chung của các biện pháp PVTM là các quốc gia có quyền tăng thuế nhập khẩu hoặc áp dụng một số biện pháp hạn chế nhập khẩu phù hợp mà không vi phạm cam kết trong WTO hoặc cam kết trong các FTA nếu xác định rằng việc gia tăng hàng hóa nhập khẩu là nguyên nhân gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước. Để đi đến quyết định áp dụng một biện pháp PVTM, các hiệp định của WTO quy định nước nhập khẩu phải tiến hành một quy trình điều tra, đánh giá trên cơ sở thu thập thông tin từ các bên liên quan, trong đó có thông tin từ các doanh nghiệp sản xuất trong nước, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của nước ngoài và doanh nghiệp nhập khẩu. Quy trình điều tra này có thể kéo dài từ 12 đến 18 tháng. Nếu các đánh giá cho thấy các điều kiện áp dụng biện pháp PVTM được đáp ứng, nước nhập khẩu mới có thể đưa ra quyết định áp dụng biện pháp PVTM. Tại Việt Nam, quy trình điều tra này được cụ thể hóa trong Luật Quản lý ngoại thương, Nghị định số 10/2018/NĐ-CP và các văn bản pháp lý liên quan.
Đến hết năm 2023, Việt Nam đã tiến hành điều tra tổng cộng 27 vụ việc PVTM đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó có 18 vụ việc CBPG, 01 vụ việc CTC, 06 vụ việc TV và 02 vụ việc CLT. Trong năm 2023, Bộ Công Thương tiếp nhận và xử lý 05 hồ sơ đề nghị điều tra áp dụng biện pháp CBPG của ngành sản xuất trong nước, trong đó đã ban hành quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp CBPG với 02 vụ việc, đối với 03 hồ sơ còn lại, Bộ Công Thương đang tiếp tục đề nghị ngành sản xuất trong nước hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã hoàn thành rà soát với 07 vụ việc và triển khai điều tra, rà soát với 04 vụ việc rà soát các biện pháp PVTM đang được áp dụng theo quy định để đảm bảo các biện pháp được áp dụng đúng đối tượng, đúng mức độ và đúng điều kiện, trong đó có 04 vụ việc rà soát nhà xuất khẩu mới, 04 vụ việc rà soát hàng năm và 03 vụ việc rà soát cuối kỳ
[2].
Năm 2024 Việt Nam đối diện 27 vụ điều tra phòng vệ thương mại từ nước ngoài. Năm 2024 là một trong những năm có tổng số vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhiều nhất từ trước đến nay
. Năm 2024 là một trong những năm có tổng số vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhiều nhất từ trước đến nay
. Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), năm 2024 ghi nhận dấu hiệu gia tăng đáng kể về số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu Việt Nam, bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ và điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đối phó với tổng 27 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ nước ngoài. Trong đó, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canada, Indonesia là các thị trường có xu hướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất đối với Việt Nam. Đặc biệt, Hoa Kỳ chiếm gần 50% tổng số vụ việc đã khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Như vậy, năm 2024 là một trong những năm có tổng số vụ việc phòng vệ thương mại nhiều nhất từ trước đến nay, chỉ sau năm 2020 (với 39 vụ), điều này cho thấy xu hướng bảo hộ đang ngày càng gia tăng và dự kiến tiếp tục trong thời gian tới. Về mức độ phức tạp, các cuộc điều tra phòng vệ thương mại không chỉ gia tăng về số lượng mà còn trở nên phức tạp hơn khi nhiều quốc gia điều tra các nội dung mới chưa từng có tiền lệ. Năm 2024, lần đầu tiên Hoa Kỳ điều tra trợ cấp xuyên quốc gia trong vụ việc chống trợ cấp đối với pin mặt trời và tiếp đó là vỏ viên nhộng từ Việt Nam. Các nước cũng có xu hướng đồng thời điều tra/áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ và chống lẩn tránh phòng vệ thương mại với cùng một sản phẩm. Về phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng, tập trung ở cả các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu cao như pin mặt trời (4,2 tỷ USD), tôm (800 triệu USD), thép chống ăn mòn (242 triệu USD) đến các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu thấp hơn như khay đúc bằng sợi (50 triệu USD), đĩa giấy (9 triệu USD)…Đặc biệt, Cục Phòng vệ thương mại nhận định, năm 2024, các nước trên thế giới có xu hướng điều tra kép chống bán phá giá/chống trợ cấp. Đối với Việt Nam ta ghi nhận tổng số 5 vụ việc kép đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, điều tra chống trợ cấp lên tới 6 vụ việc trong năm 2024
[3].
Do đó, những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt khi ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại do thiếu kiến thức về pháp lý và các quy định trong thương mại quốc tế. Vì vậy, phòng vệ thương mại cần được coi là chiến lược hành động chung của toàn ngành sản xuất nội địa, không phải trách nhiệm của từng doanh nghiệp riêng lẻ. Để bảo vệ quyền lợi và đối phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ, tạo thành một lực lượng mạnh mẽ đại diện cho ngành.
2. Một số nguyên nhân dẫn đến việc các nước gia tăng điều tra phòng vệ thương mại đối với Việt Nam
Thứ nhất, tác động của các FTA và cơ hội xuất khẩu, việc tham gia vào các FTA đã mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu, nhưng cũng khiến hàng hóa Việt Nam dễ bị các quốc gia áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Mặc dù việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan giúp sản phẩm Việt cạnh tranh hơn, nhưng cũng tạo ra áp lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu khi phải đối mặt với biện pháp phòng vệ từ các quốc gia nhập khẩu.
Thứ hai, hậu quả của dịch bệnh COVID-19 và tình hình chính trị toàn cầu, đã khiến các nền kinh tế thu hẹp sản xuất, tăng cường sử dụng các biện pháp bảo vệ ngành sản xuất trong nước, trong đó có phòng vệ thương mại.
Thứ ba, tình hình gia tăng điều tra phòng vệ thương mại từ các quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn đối với Việt Nam. Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là với các quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, thường xuyên bị điều tra phòng vệ thương mại. Các vụ việc này chủ yếu tập trung vào các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, và chống lẩn tránh thuế, gây ảnh hưởng đến các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.Nội dung quy định cơ bản liên quan đến thực hiện chủ động trong phòng vệ thương mại đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
3. Giải pháp thực hiện chủ động trong phòng vệ thương mại đối với doanh nghiệp
Thứ nhất, doanh nghiệp cần thiết lập hệ thống giám sát và cảnh báo sớm về nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại từ các quốc gia nhập khẩu. Việc này giúp doanh nghiệp chủ động chuẩn bị kế hoạch ứng phó phù hợp. Cùng với đó, các hiệp hội ngành và các doanh nghiệp cần trao đổi thông tin kịp thời về diễn biến các vụ kiện, để cung cấp thông tin cập nhật, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc hiểu rõ quy trình, thủ tục điều tra của các quốc gia khởi kiện. Tăng cường tư vấn pháp lý sẽ giúp doanh nghiệp có những chỉ dẫn rõ ràng về quy định và thông lệ điều tra của quốc gia liên quan, từ đó đề ra các khuyến nghị cụ thể, giúp doanh nghiệp có những bước đi phù hợp.
Thứ hai, khi đối diện với các cáo buộc về việc Chính phủ Việt Nam trợ cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp cần tham gia vào quá trình giải trình chính sách của Chính phủ. Điều này có thể bao gồm việc phản biện các cáo buộc sai sự thật về trợ cấp, đồng thời tham gia vào các hoạt động giải quyết tranh chấp tại WTO nếu cần thiết. Ngoài ra, việc hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực kháng kiện phòng vệ thương mại cũng rất quan trọng, giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các quy định quốc tế và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Thứ ba, việc tăng cường các hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp từ các cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của các quốc gia ngoài sẽ mang lại kết quả tích cực. Điều này đã được chứng minh qua nhiều vụ việc, trong đó Việt Nam đã thành công trong việc chứng minh doanh nghiệp xuất khẩu không vi phạm hành vi bán phá giá hay Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng. Nhờ vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu không chỉ tránh được việc bị áp thuế phòng vệ thương mại mà còn có thể giảm mức thuế so với những cáo buộc ban đầu hoặc so với các quốc gia khác cùng đối diện với các biện pháp này, từ đó góp phần củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Thứ tư, việc tiếp tục xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại và chống hành vi lẩn tránh các biện pháp này do các quốc gia ngoài khởi xướng là rất quan trọng. Các vụ việc này đặc biệt cần chú trọng đối với những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn như gỗ, pin năng lượng mặt trời và thép, do ảnh hưởng lớn của thuế chống lẩn tránh, thường ở mức cao. Đồng thời, cần duy trì công tác theo dõi, nghiên cứu các xu hướng mới trong chính sách và pháp luật phòng vệ thương mại của các quốc gia, cũng như những cải cách tại WTO về giải quyết tranh chấp; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng vệ thương mại.
Thứ năm, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các quy định pháp lý và thực tiễn điều tra phòng vệ thương mại tại các quốc gia xuất khẩu, đặc biệt là đối với các thị trường mục tiêu. Doanh nghiệp nên thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo từ Bộ Công Thương để có thể xây dựng các chiến lược xuất khẩu phù hợp cho từng giai đoạn, đồng thời thiết lập các kênh liên lạc với các đối tác, hiệp hội và ngành hàng để kịp thời xử lý các vụ kiện và tình huống phát sinh.
Thứ sáu, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tìm kiếm các thị trường mới là một chiến lược cần thiết. Doanh nghiệp cũng cần tránh sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất, đặc biệt là các thị trường thường xuyên áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hoặc đã từng kiện hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Việc nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, chuyển sang cạnh tranh bằng chất lượng thay vì giá, và xây dựng chiến lược kiểm soát lượng hàng hóa xuất khẩu và giá cả một cách hợp lý sẽ giúp tránh việc bị coi là bán phá giá hay nhận trợ cấp không hợp lệ.
Thứ bảy, doanh nghiệp cần cải thiện hệ thống quản trị, triển khai hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng và minh bạch. Đồng thời, áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế và bảo quản đầy đủ hóa đơn chứng từ để có thể chứng minh mình không tham gia hành vi bán phá giá hay lẩn tránh thuế khi bị điều tra. Doanh nghiệp cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tham gia vào các hành vi gian lận xuất xứ hoặc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để ngăn chặn các hành vi gian lận và chuyển tải bất hợp pháp, cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan điều tra nước ngoài khi cần thiết, đồng thời hợp tác với Cục Phòng vệ thương mại trong suốt quá trình xử lý vụ việc./.