Một số vấn đề cần trao đổi liên quan đến cơ chế giao quyền xử phạt vi phạm hành chính ở việt nam hiện nay

16/07/2019
Sau gần 05 năm thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, công tác xử lý vi phạm hành chính đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt hiệu quả cao, góp phần ổn định tình hình an ninh - chính trị, trật tự - an toàn xã hội, công tác quản lý nhà nước nói chung cũng như trong các lĩnh vực cụ thể của đời sống. Bên cạnh những nội dung quy định cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính một cách chính xác, đúng các nguyên tắc xử lý theo quy định thì Luật xử lý vi phạm hành chính và các nghị định quy định chi tiết thi hành có một số nội dung mà cách hiểu, cách áp dụng chưa được thống nhất hoặc chưa được sự đồng thuận cao trong quá trình tác nghiệp của các chức danh có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính nói chung và xử phạt vi phạm hành chính nói riêng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do quy định của pháp luật không rõ ràng, cụ thể nên đã gây khó khăn cho việc thực hiện, trong đó có nội dung về ủy quyền, giao quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn đi sâu phân tích, làm rõ một số vấn đề liên quan đến cơ chế ủy quyền, giao quyền xử phạt vi phạm hành chính ở Việt Nam hiện nay, từ đó, đưa ra một số đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về vấn đề này.
1. Cơ chế “ủy quyền” và “giao quyền” trong xử phạt vi phạm hành chính ở Việt Nam hiện nay
Theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các chức danh đều được gọi tên cụ thể và với các chức danh quản lý thì chỉ áp dụng cho cấp trưởng. Cấp phó dù có vị trí quan trọng nhưng không có thẩm quyền xử phạt. Để thuận lợi và linh hoạt trong xử phạt, bảo đảm xử phạt kịp thời thì Luật xử lý vi phạm hành chính đã có quy định “giao quyền” xử phạt của cấp trưởng cho cấp phó tại Điều 54 (Giao quyền xử phạt), khoản 2 Điều 87 (Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính), khoản 2 Điều 123 (Tạm giữ người theo thủ tục hành chính).
Luật thể hiện rõ cơ chế giao quyền xử phạt vi phạm hành chính tại Điều 54, cụ thể như sau:
“1. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 38; các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 39; các khoản 2, 3 và 4 Điều 40; các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 41; các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 42; các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 43; các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 44; các khoản 2, 3 và 4 Điều 45; các khoản 2, 3 và 4 Điều 46; Điều 47; khoản 3 và khoản 4 Điều 48; các khoản 2, 4 và 5 Điều 49; Điều 50 và Điều 51 của Luật này có thể giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
2. Việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện thường xuyên hoặc theo vụ việc và phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền.
3. Cấp phó được giao quyền xử phạt vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm về quyết định xử phạt vi phạm hành chính của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được giao quyền không được giao quyền, ủy quyền cho bất kỳ người nào khác”.  
Khoản 2 Điều 87 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: “Người có thẩm quyền cưỡng chế quy định tại khoản 1 Điều này có thể giao quyền cho cấp phó. Việc giao quyền chỉ được thực hiện khi cấp trưởng vắng mặt và phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn được giao quyền. Cấp phó được giao quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được giao quyền không được giao quyền, ủy quyền tiếp cho bất kì cá nhân nào khác”.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 123 Luật xử lý vi phạm hành chính thì: việc tạm giữ người có thể được giao quyền, tuy nhiên, trong số các chức danh có thẩm quyền tạm giữ người nêu tại khoản 1 Điều 123 Luật xử lý vi phạm hành chính, người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa đã rời sân bay, bến cảng, nhà ga và thẩm phán chủ tọa phiên tòa không được giao quyền cho cấp phó. Việc giao quyền tạm giữ người được quy định chặt chẽ hơn việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 54 Luật xử lý vi phạm hành chính cụ thể là chỉ được thực hiện khi cấp trưởng “vắng mặt”, không được giao quyền thường xuyên. Về thủ tục, việc giao quyền phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn được giao quyền. Cấp phó được giao quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được giao quyền không được giao quyền, ủy quyền cho bất kì cá nhân nào khác.
Quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính có nhiều điểm khác so với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 được sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008, cụ thể: Luật xử lý vi phạm hành chính thay đổi từ ngữ, từ “ủy quyền” thành “giao quyền”, quy định cụ thể hơn về cách thức cũng như trách nhiệm phát sinh trong quá trình thực hiện quyền được giao và mở rộng phạm vi giao quyền, không chỉ giao quyền trong xử phạt vi phạm hành chính mà cấp trưởng còn được giao quyền cho cấp phó trong việc ban hành quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên, Luật không cho phép giao quyền trong việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Trên cơ sở quy định tại Điều 54 của Luật xử lý vi phạm hành chính về giao quyền xử phạt như đã nêu trên, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính (Nghị định số 81/2013/NĐ-CP) tại khoản 4 Điều 5 quy định rõ một số nội dung về văn bản giao quyền.
Theo đó, (i) văn bản giao quyền phải xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền; (ii) văn bản giao quyền phải đánh số, ghi rõ ngày, tháng, năm, ký và đóng dấu; trường hợp cơ quan, đơn vị của người giao quyền không được sử dụng dấu riêng, thì đóng dấu treo của cơ quan cấp trên; (iii) phần căn cứ pháp lý ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cấp phó được giao quyền phải thể hiện rõ số, ngày, tháng, năm, trích yếu của văn bản giao quyền.
Tại khoản 5 Điều 5 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP cũng quy định: Người được giao nhiệm vụ đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt, thì có thẩm quyền xử phạt và được giao quyền xử phạt như cấp trưởng (ví dụ Quyền Chánh Thanh tra).
Tuy nhiên, do Luật xử lý vi phạm hành chính chưa có quy định cụ thể về việc cấp trưởng được giao quyền cho cấp phó áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, dẫn đến có những cách hiểu và áp dụng khác nhau về vấn đề này trong thực tiễn triển khai thi hành. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nói trên, ngày 18/8/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP, trong đó, bổ sung quy định về việc người được giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thì cũng có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, đồng thời làm rõ hơn hình thức của văn bản giao quyền, cụ thể:
- Khoản 4 Điều 5 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) quy định theo hướng, thống nhất hình thức của văn bản giao quyền là quyết định giao quyền. Theo đó, quyết định giao quyền quy định tại Điều 54, khoản 2 Điều 87 và khoản 2 Điều 123 Luật xử lý vi phạm hành chính phải xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền. Quyết định giao quyền phải được đánh số, ghi rõ ngày, tháng, năm, trích yếu, ký và đóng dấu; trường hợp cơ quan, đơn vị của người giao quyền không được sử dụng dấu riêng, thì đóng dấu treo của cơ quan cấp trên. Phần căn cứ pháp lý ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cấp phó được giao quyền phải thể hiện rõ số, ngày, tháng, năm, trích yếu của quyết định giao quyền.
- Nghị định số 97/2017/NĐ-CP bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5 Điều 5 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP, theo đó, cấp phó của những người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính được giao quyền thì có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 119 Luật xử lý vi phạm hành chính.
- Nghị định số 97/2017/NĐ-CP bổ sung khoản 6 vào sau khoản 5a Điều 5 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP để quy định cụ thể về các trường hợp chấm dứt việc giao quyền. Theo đó, việc giao quyền chấm dứt khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: (i) Quyết định giao quyền hết thời hạn; (ii) Công việc được giao quyền đã hoàn thành; (iii) Cấp trưởng chấm dứt việc giao quyền cho cấp phó. Trong trường hợp này, việc chấm dứt giao quyền phải được thể hiện bằng quyết định; (iv) Người giao quyền hoặc người được giao quyền nghỉ hưu, thôi việc, được điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức hoặc tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật; (v) Người giao quyền hoặc người được giao quyền chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; (vi) Công việc được giao quyền tuy chưa hoàn thành nhưng vụ việc phải chuyển giao cho cơ quan, người có thẩm quyền khác xử lý theo quy định của pháp luật; (vii) Người giao quyền hoặc người được giao quyền bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.
2. Một số vấn đề đặt ra trong thực tiễn thực hiện các quy định pháp luật về “ủy quyền”, “giao quyền” xử phạt vi phạm hành chính
Sau khi Luật xử lý vi phạm hành chính được ban hành, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã ban hành các quyết định giao quyền xử phạt cho cấp phó. Ví dụ như: Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã ban hành Quyết định giao quyền cho Phó Chủ tịch[1] hay Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn và quy định về mẫu giao quyền xử phạt áp dụng trong ngành thuế[2].
Có thể thấy, các quy định về giao quyền xử phạt vi phạm hành chính đã góp phần giảm tải áp lực cho người có thẩm quyền xử phạt là cấp trưởng, giúp việc xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, tăng cường trách nhiệm của cấp phó khi được giao quyền xử phạt, được quy định chi tiết và phù hợp với thực tế hơn để bảo đảm linh hoạt, thuận tiện trong công tác điều hành nói chung và trong hoạt động của cơ quan, của ngưởi có thẩm quyền xử phạt, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của người giao quyền và người được giao quyền.
Tuy nhiên, quy định pháp luật về vấn đề này chưa rõ ràng, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên trong quá trình tổ chức thực hiện, có nhiều quan điểm hiểu và vận dụng khác nhau, cụ thể:
Thứ nhất, Luật xử lý vi phạm hành chính không có quy định giải thích từ ngữ “giao quyền”. Bên cạnh đó, Luật cũng không quy định về “ủy quyền”. Vì vậy, trên thực tế gây nhiều tranh cãi trong quá trình áp dụng, đặc biệt là vấn đề bên cạnh việc giao quyền thì trường hợp nào là ủy quyền?
Thứ hai, thực tế giữa các địa phương có nhiều cách hiểu khác nhau về văn bản giao quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Một số ý kiến thì cho rằng không cần thiết phải ban hành quyết định giao quyền xử phạt vi phạm hành chính mà trong quyết định phân công nhiệm vụ có thể hiện nội dung giao cho cấp phó phụ trách từng lĩnh vực được thực hiện quyền hạn của cấp trưởng trong lĩnh vực được phân công. Và như vậy thì cấp phó đương nhiên được giao quyền xử phạt mà không cần phải ban hành văn bản giao quyền riêng.
Một số ý kiến không đồng tình với quan điểm trên, cho rằng: Kể từ khi Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành thì tất cả trường hợp giao quyền xử phạt vi phạm hành chính phải có văn bản riêng chứ không thể giao chung chung trong quyết định phân công nhiệm vụ được. Bởi lẽ, Luật quy định cụ thể thời hạn giao quyền xử phạt, đặt biệt việc cưỡng chế chỉ giao cho cấp phó ban hành quyết định khi cấp trưởng vắng mặt.
Thứ ba, một vướng mắc phát sinh nữa là trong trường hợp cấp trưởng đã giao quyền cho cấp phó thì cấp trưởng có được quyền ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính nữa hay không? Vấn đề này đang bị bỏ ngỏ trong Luật xử lý vi phạm hành chính, do đó, có nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau trong việc áp dụng pháp luật về vấn đề này.
(i) Quan điểm thứ nhất cho rằng, trường hợp cấp trưởng đã giao quyền cho cấp phó xử phạt các vụ việc vi phạm hành chính thì trong thời gian đó, cấp trưởng sẽ không được thực hiện ký bất kỳ quyết định xử phạt vi phạm hành chính nào thuộc thẩm quyền giải quyết của mình vì quyền này đã được giao cho cấp phó. Bởi vì, trong văn bản giao quyền đã thể hiện rõ trong thời hạn giao quyền thì cấp phó được quyền xử phạt đối với những hành vi vi phạm thuộc quyền xử phạt của cấp trưởng, chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật, đặc biệt không được giao quyền cho người khác. Như vậy, một khi quyền xử phạt đã được chuyển giao cho cấp phó thì quyền đó hoàn toàn thuộc về cấp phó. Nếu cấp trưởng muốn xử phạt thì phải có văn bản hủy bỏ việc giao quyền, lúc đó quyền xử phạt mới thuộc về cấp trưởng. Trong quá trình thực hiện việc giao quyền, nếu có khó khăn, vướng mắc cần xin ý kiến thì có thể có sự trao đổi, xin ý kiến giữa cấp phó với cấp trưởng về từng vụ việc cụ thể, nhưng cấp phó được giao quyền phải tự chịu trách nhiệm cá nhân trước cấp trưởng và trước pháp luật về quyết định xử phạt vi phạm của mình.
(ii) Quan điểm thứ hai cho rằng, mặc dù về nguyên tắc cấp trưởng đã giao quyền cho cấp phó của mình xử lý các vụ việc vi phạm hành chính, nhưng trong thời gian thực hiện giao quyền, cấp trưởng vẫn có quyền yêu cầu bộ phận giúp việc trình hồ sơ trực tiếp cho mình và cấp trưởng sẽ là người quyết định và ký các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của mình.
Thứ tư, do kiện toàn về tổ chức nên một số cơ quan nhà nước không có cấp trưởng. Vì vậy, những người là cấp phó trong các cơ quan này đều không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, mặc dù họ có thể phải thực hiện những công việc quản lý như cấp trưởng, nếu vậy, cấp phó trong trường hợp này có được thẩm quyền xử phạt như cấp trưởng hay không phụ thuộc vào việc có hay không sự giao quyền của cấp trưởng. Hoặc trường hợp giao quyền được thực hiện bởi Thủ trưởng tiền nhiệm và hiện chưa có Thủ trưởng thì cấp phó có được xử phạt theo văn bản giao quyền của cấp trưởng tiền nhiệm hay không. Vấn đề này hiện vẫn chưa được quy định cụ thể và trong thực tế việc giao quyền hay ủy quyền nói chung trong cơ quan nhà nước giữa cấp trưởng và cấp phó là ủy quyền, giao quyền thường xuyên nên nhiều cấp phó vẫn sử dụng quyền được giao trong trường hợp cấp trưởng hiện không còn đương nhiệm.
Thứ năm, trong thực tế, nhiều đơn vị có chức danh được xử phạt vi phạm hành chính theo quy định nhưng không có cấp trưởng mà chỉ có cấp phó được giao quyền phụ trách và cấp phó khác. Trường hợp này, khoản 5 Điều 5 Nghị định số 81/2013//NĐ-CP chỉ quy định: “Người được giao nhiệm vụ đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt, thì có thẩm quyền xử phạt và được giao quyền xử phạt như cấp trưởng” mà không quy định, hướng dẫn rõ người được giao quyền như cấp trưởng có thẩm quyền giao quyền để áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính cho cấp phó hay không. Do hai hình thức này hoàn toàn khác nhau nhưng pháp luật chưa đề cập đến vấn đề giao quyền xử lý trong trường hợp không có cấp trưởng nên gây khó khăn, lúng túng trong việc thực hiện nhất là đối với Ủy ban nhân dân các cấp.
Thứ sáu, việc giao quyền xử phạt cho cấp phó phụ thuộc vào ý chí của cấp trưởng, cấp phó trong các cơ quan hành chính nhà nước nói chung luôn được xác định là “người giúp việc” cho cấp trưởng và làm việc theo sự phân công của cấp trưởng (đặc biệt là những cơ quan hoạt động theo chế độ thủ trưởng) thì tính chất “giúp việc” của cấp phó cho cấp trưởng càng thể hiện rõ, nên không có quy định nào thể hiện rằng việc giao quyền, ủy quyền nói chung và giao quyền xử phạt nói riêng cần có sự “phản hồi” từ phía cấp phó, Luật xử lý vi phạm hành chính cũng chỉ đòi hỏi “việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện thường xuyên hoặc theo vụ việc và phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền” mà không có yêu cầu việc giao quyền phải bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ quản lý của người được giao quyền. Bất cập đó có thể xảy ra tình trạng một số người là cấp phó trong cơ quan nhà nước không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thẩm quyền xử phạt không tương xứng với nhiệm vụ quản lý mà họ được giao (nhiều hơn hoặc ít hơn hoặc không phù hợp với loại việc được phân công quản lý). Điều đó gây nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính của những người này, càng khó khăn hơn khi Luật quy định rõ ràng “cấp phó được giao quyền xử phạt vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm về quyết định về quyết định xử phạt vi phạm hành chính của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được giao quyền không được giao quyền, ủy quyền cho bất kỳ người nào khác”.
Thứ bảy, Luật xử lý vi phạm hành chính quy định cấp phó được giao quyền xử phạt vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm về quyết định xử phạt vi phạm hành chính của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật[3]. Tuy nhiên Luật không quy định trách nhiệm của người giao quyền (cấp trưởng) khi người được giao quyền (cấp phó) vi phạm pháp luật.
 Hiện có 3 quan điểm khác nhau về vấn đề này:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, người được giao quyền vi phạm pháp luật thì người giao quyền không phải chịu trách nhiệm gì. Vì người giao quyền không làm gì sai nên không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật;
Quan điểm thứ hai cho rằng, người giao quyền phải chịu trách nhiệm khi người được giao quyền vi phạm pháp luật.
Quan điểm thứ ba cho rằng, trường hợp người được giao quyền vi phạm pháp luật hành chính thì người giao quyền phải chịu trách nhiệm hành chính nhưng không chịu trách nhiệm hành chính trực tiếp, mà chỉ chịu trách nhiệm hành chính liên đới dưới góc độ của người quản lý, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Vì nếu không phải chịu trách nhiệm gì thì người giao quyền “chả dại gì” mà không giao quyền, vì theo lý giải ở trên thì khi cấp trưởng đã giao quyền cho cấp phó mà cấp phó vi phạm pháp luật thì cấp trưởng là vô can.
3. Một số đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về “ủy quyền”, “giao quyền” xử phạt vi phạm hành chính
Từ những bất cập nêu trên, chúng tôi xin đề xuất, kiến nghị một số nội dung nhằm hoàn thiện pháp luật về cơ chế ủy quyền, giao quyền xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể như sau:
Một là, bổ sung vào Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính nội dung giải thích các thuật ngữ “ủy quyền”, “giao quyền”; đồng thời, quy định, hướng dẫn cụ thể và thống nhất 02 thuật ngữ trên (trường hợp nào là “ủy quyền”; trường hợp nào là “giao quyền” hay chỉ sử dụng thống nhất một thuật ngữ “ủy quyền” hoặc “giao quyền) trong các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tránh sự hiểu và áp dụng không thống nhất ở các địa phương.
Hai là, mặc dù Nghị định số 97/2017/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung Nghị định số 81/2013/NĐ-CP theo hướng quy định thống nhất hình thức của văn bản giao quyền (quyết định giao quyền), quy định cấp phó của những người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính được giao quyền thì có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để những vướng mắc, bất cập nói trên, cũng như bảo đảm thống nhất trong thực tiễn áp dụng pháp luật về vấn đề này trong phạm vi toàn quốc, cần nghiên cứu, bổ sung các quy định đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 97/2017/NĐ-CP vào Luật xử lý vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật xử lý vi phạm hành chính theo hướng cấp trưởng được giao quyền cho cấp phó trong tất cả các quyết định về xử lý vi phạm hành chính nói chung và các quyết định về xử phạt vi phạm hành chính nói riêng, không chỉ giới hạn trong 03 trường hợp quy định tại Điều 54, khoản 2 Điều 87 và khoản 2 Điều 123 Luật xử lý vi phạm hành chính.
Ba là, cần nghiên cứu quy định rõ trong thời gian cấp trưởng giao quyền cho cấp phó thì cấp trưởng có được thực hiện thẩm quyền của mình theo quy định hay không để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng. Qua nghiên cứu, phân tích, chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ hai (nêu tại mục 3 bài viết này), bởi vì, trong trường hợp này, cấp trưởng chỉ giao quyền cho cấp phó xử phạt vi phạm hành chính mà không phải là từ bỏ quyền xử phạt của mình, mặc dù đã giao quyền cho cấp phó của mình xử lý các vụ việc vi phạm hành chính, nhưng cấp trưởng vẫn có quyền yêu cầu bộ phận tham mưu, giúp việc trình hồ sơ trực tiếp cho mình để xem xét, xử lý, quyết định và ký các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của mình. Đồng thời, vì đây là quyền đương nhiên của cấp trưởng, việc giao quyền cho cấp phó không làm mất đi thẩm quyền xử phạt của mình đã được pháp luật quy định. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để những hạn chế, bất cập liên quan đến vấn đề này, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm của cấp trưởng (người giao quyền) và cấp phó (người được giao quyền) trong Luật xử lý vi phạm hành chính.
Bốn là, cần nghiên cứu, bổ sung quy định để xử lý vấn đề giao quyền xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp không có cấp trưởng nhằm đảm bảo tính liên tục và kịp thời hoạt động quản lý nhà nước, mà cụ thể là hoạt động xử phạt vi phạm hành chính.
Năm là, mặc dù Điều 18 Luật xử lý vi phạm hành chính đã có quy định về trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, tuy nhiên, cần nghiên cứu, quy định rõ ràng, cụ thể hơn về trách nhiệm pháp lý khi người được giao quyền vi phạm pháp luật. Theo đó, chúng tôi cho rằng, cấp trưởng (người giao quyền) có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra và kịp thời xử lý đối với vi phạm của cấp dưới (người được giao quyền) thuộc phạm vi quản lý của mình, có trách nhiệm phát hiện quyết định về xử lý vi phạm hành chính do cấp dưới (người được giao quyền) ban hành có sai sót và phải kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới theo thẩm quyền. Trường hợp người được giao quyền vi phạm pháp luật thì người giao quyền phải chịu trách nhiệm liên đới về hành vi vi phạm của người được giao quyền theo quy định của pháp luật.
“Giao quyền”, “ủy quyền” xử phạt vi phạm hành chính có ý nghĩa, vai trò quan trong trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và là việc thường xuyên xảy ra trong thực tế, do đó, thiết nghĩ cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tạo cơ sở pháp lý chung, áp dụng thống nhất công tác xử phạt vi phạm hành chính trên toàn quốc, đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính./.
ThS. Phạm Thị Hồng Vân - Cục QLXLVPHC&TDTHPL
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
  2. Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.
  3. Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.
  4. GS. Hoàng Phê - Viện Ngôn ngữ học, “Từ điển tiếng Việt”, Nhà xuất bản Hồng Đức, Hà Nội, năm 2018, trang 1088.
  5. Đặng Thị Hà (2016), “Bàn về ủy quyền ban hành quyết định hành chính”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (Bộ Tư pháp), số tháng 5 (290) năm 2016, trang 44.
 
 
[1] Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ - Vũ Thành Thống ký Quyết định số 31/QĐ-UBND ngày 05/01/2017 về việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ giao quyền cho ông: Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố được thực hiện các thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định chuyên ngành.
[2] Thông tư số 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về thuế.
[3] Khoản 3 Điều 54 Luật xử lý vi phạm hành chính.