Cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề đặt ra cho khoa học pháp lý Việt Nam hiện nay

19/06/2019
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các công nghệ cốt lõi như blockchain (chuỗi khối), trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence), Internet vạn vật (Internet of Things), công nghệ in 3D, thực tại ảo v.v.[1] đang tác động trực diện tới hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội từ lĩnh vực sản xuất (việc xuất hiện các nhà máy thông minh – smart factory với sự tự động hóa và sử dụng robot – người máy trong hầu hết các công đoạn của quá trình sản xuất), tiêu thụ sản phẩm tới quản trị xã hội (chính phủ điện tử, chính phủ số, việc xây dựng các thành phố thông minh – smart city).[2]
Những tác động này đang thúc đẩy mạnh mẽ việc hình thành nền kinh tế số trong đó dữ liệu trở thành nguồn tài nguyên quý giá nhất cần được bảo đảm sự lưu thông một cách thuận lợi nhất. Cũng dưới tác động của các công nghệ 4.0, hoạt động thương mại điện tử tiếp tục phát triển ở quy mô và cường độ mới với sự phổ cập của các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ qua mạng Internet, mạng xã hội cùng với sự phổ cập của việc thanh toán trực tuyến và các loại công nghệ tài chính mới (fintech). Tác động của công nghệ 4.0 còn góp phần hình thành nền kinh tế chia sẻ (sharing economy) với các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ mới nhằm tận dụng các nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội, thể hiện tính ưu việt trong kinh doanh. Việc xuất hiện loại hình dịch vụ vận tải dựa trên các phần mềm ứng dụng qua mạng Internet như Uber, Grab, Bee là các ví dụ.
Khoa học pháp lý của một quốc gia là hệ thống tri thức được kiểm chứng chặt chẽ theo quy trình logic, hợp lý về nhà nước và pháp luật cũng như về các hiện tượng pháp lý trong xã hội (trong đó có sự tương tác hai chiều giữa nhà nước, pháp luật với xã hội). Khoa học này phản ánh, chứng minh tính hữu dụng và vai trò cần thiết của nhà nước (các thiết chế nhà nước) và pháp luật (hoặc từng lĩnh vực pháp luật) trong sự duy trì trật tự, an toàn xã hội, trong quản lý và vận hành xã hội, trong quá trình phát triển xã hội để từ đó đề ra các giải pháp phát huy vai trò, tác dụng và tính hữu dụng này trong quản lý, phát triển xã hội. Nền khoa học pháp lý được thể hiện rõ ở những thành tố chủ yếu sau: (1) Hệ thống chủ đề (hoặc vấn đề hoặc đề tài) được quan tâm nghiên cứu; (2) Phương pháp được sử dụng để nghiên cứu, tìm hiểu về chủ đề nghiên cứu đó; (3) Đội ngũ nhân lực (các nhà khoa học và các cán bộ phụ trợ) triển khai các hoạt động nghiên cứu; (4) Hệ thống thiết chế (các viện nghiên cứu hoặc các cơ sở nghiên cứu) tiến hành hoạt động nghiên cứu; (5) Mối liên kết giữa các thành tố này cũng như giữa hệ thống thiết chế nghiên cứu với nhau hoặc với các chủ thể khác phục vụ hoạt động nghiên cứu.
Khoa học pháp lý có 2 chức năng chính là chức năng phản ánh quy luật, tính quy luật trong sự vận động của đối tượng, khách thể nghiên cứu và chức năng cung cấp các giải pháp giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra. Với tư cách là một trong các lĩnh vực khoa học phản ánh sự tồn tại, vận động, phát triển của xã hội, mà trước hết là các mối quan hệ lợi ích, tương tác giữa nhà nước và pháp luật với xã hội, thông qua lăng kính lợi ích, quyền lực và trật tự công (lăng kính pháp lý), những biến đổi trong đời sống kinh tế-xã hội, những hiện tượng kinh tế-xã hội mới cũng được phản ánh trong khoa học pháp lý. Những biến đổi mới của đời sống kinh tế-xã hội cũng tất yếu đặt ra những vấn đề pháp lý mới cần giải quyết mà khoa học pháp lý được kỳ vọng cung cấp các giải pháp cần thiết.
Có thể nói, những thay đổi trong kinh tế-xã hội dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đặt ra hàng loạt vấn đề mới xét ở cả 5 phương diện của một nền khoa học pháp lý như trên:
Thứ nhất, cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm nảy sinh những chủ đề nghiên cứu mới: logic chung là khi công nghệ có sự thay đổi, nâng cấp hoặc được thay thế bởi các công nghệ mới sẽ làm cho các lực lượng trong xã hội có sự đổi ngôi trong vai trò kiến tạo sự phát triển xã hội. Điều này sẽ làm cho phát sinh những quan hệ xã hội mới, những xung đột lợi ích mới, từ đó, đặt ra vấn đề nghiên cứu mới, các hiện tượng pháp lý mới cần được luận giải.
Thời gian gần đây, các nhà khoa học pháp lý đã nhận diện ra một số chủ đề nghiên cứu mới hoặc có thể chủ đề nghiên cứu truyền thống nhưng đặt trong bối cảnh mới.[3]
Qua tìm hiểu trực tiếp tại Hàn Quốc và tương tác với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo bằng công nghệ 4.0, có thể thấy, các chủ đề mới sau đây sẽ phát sinh cần được sự quan tâm, luận giải của khoa học pháp lý:
- Nghiên cứu nhận diện chung về các khía canh pháp lý của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chẳng hạn: Nghiên cứu về tư duy xây dựng pháp luật điều chỉnh các quan hệ kinh tế-xã hội, quản trị trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Lý thuyết luật hành chính trong việc thiết kế hệ thống quản trị và điều tiết theo yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nhu cầu hoàn thiện pháp luật trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;  Nghiên cứu tạo dựng khung pháp luật cho các ngành công nghiệp mới và đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
- Nghiên cứu nhận diện các khía cạnh pháp lý của công nghệ lõi trong cách mạng công nghiệp 4.0:
+ Công nghệ tài chính (Fintech): Nghiên cứu pháp luật bảo đảm ổn định tài chính điện tử dựa trên công nghệ mới; Nghiên cứu về các quy định thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ tài chính (fintech); Nghiên cứu về hệ thống quy định quản lý tiền mã hóa; Nghiên cứu so sánh về xây dựng hệ thống quy định điều tiết hoạt động cấp tín dụng ngang cấp (P2P lending);
+ Nghiên cứu về việc ứng dụng công nghệ trong chính quá trình xây dựng, hoàn thiện, tổ chức thực thi hệ thống pháp luật, trong phát hiện, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp. Sự phổ biến của công nghệ pháp lý mới (legal tech, law tech, regtech v.v.) trong thời gian gần đây cho thấy điều này. Việc Trung Quốc thiết lập 3 Tòa án Internet trong thời gian vừa rồi là ví dụ cụ thể. Ở nước ta, những khái niệm như “legal tech”, “law tech” hoặc “regtech” xem ra vẫn còn khá xa lạ.
+ Thiết bị tự hành (và thiết bị bay không người lái): Nghiên cứu các khía cạnh pháp lý của việc sử dụng thiết bị không người lái (xe tự hành, thiết bị bay không người lái v.v.) (chẳng hạn, giới hạn hoạt động của các loại thiết bị vận tải, tiêu chuẩn và quy chuẩn áp dụng, quy trình cấp phép, thử nghiệm, trách nhiệm pháp lý phát sinh khi có rủi ro v.v.): đây là các nghiên cứu có thể ảnh hưởng tới quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Hàng không dân dụng v.v.
- Trí thông minh nhân tạo: Nghiên cứu các khía cạnh pháp lý của việc ứng dụng trí thông minh nhân tạo (trong đó có cả khía cạnh về quyền tác giả đối với các sản phẩm trí tuệ do phần mềm trí thông minh nhân tạo tạo ra).
- Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT): Nghiên cứu tình huống về quy định điều tiết lĩnh vực hội tụ các công nghệ thông tin và truyền thông; Nghiên cứu về cải thiện các quy định quản lý việc sử dụng các thông tin về địa điểm cá nhân trong cứu hộ khẩn cấp; Nghiên cứu về kế hoạch xây dựng pháp luật phục vụ việc quản lý khoa học dựa trên công nghệ dữ liệu lớn; Nghiên cứu về cải thiện đạo luật về làn sóng phát thanh, truyền hình trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư;
- Công nghệ chuỗi khối (blockchain) và thuật toán (algorithm): Các vấn đề pháp lý để triển khai sổ cái phân tán sử dụng công nghệ chuỗi khối; Nghiên cứu các vấn đề pháp lý trong việc bảo đảm tính trung lập về thuật toán; Nghiên cứu các vấn đề pháp lý về hợp đồng thông minh dựa trên ứng dụng công nghệ chuỗi khối; Xu hướng và triển vọng đối với các vấn đề pháp lý trong kỷ nguyên toàn cầu, tập trung và các vấn đề bảo đảm tính trung lập của các hệ thống kết nối;
- Thành phố thông minh (smart city): Nghiên cứu cải thiện các quy định để mở rộng việc áp dụng mô hình thành phố thông minh
Ngoài ra, một số vấn đề khác như tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới quan hệ lao động, tới hệ thống an sinh xã hội, tới hệ thống đăng ký tài sản và giao dịch, tới quản lý dữ liệu dân cư và thông tin cá nhân, tới an ninh, an toàn mạng đều là các chủ đề quan trọng.
Thứ hai, các cách tiếp cận nghiên cứu truyền thống, các phương pháp nghiên cứu trước đây cũng có thể được làm mới. Tất nhiên, cách tiếp cận động, cách tiếp cận liên ngành vẫn luôn luôn có giá trị. Các phương pháp như phân tích, tổng hợp, quy nạp, diễn dịch vẫn luôn cần để quá trình nhận thức của chúng ta gần hơn với chân lý khách quan. Tuy nhiên, cách làm nghiên cứu sẽ có bước hiện đại. Trước đây nghiên cứu thiên về thủ công, ít ứng dụng những công nghệ mới (hoặc cũng chỉ là các phương tiện ghi âm, ghi hình truyền thống), thì ngày nay hệ thống “chiếu/chụp/phản ánh” hiện thực này cũng có bước thay đổi. Ví dụ: công nghệ định vị, sử dụng bản đồ thông minh, việc ứng dụng big data, việc ứng dụng các phần mềm xử lý dữ liệu mới góp phần nâng cao năng suất lao động khoa học, giảm bớt những tính toán mang tính thủ công. Tới đây, tôi tin rằng, nhiều format của các đề cương nghiên cứu, đề tài nghiên cứu, bài tạp chí khoa học cũng có thể được hình thành để tiết kiệm thời gian hình thành các sản phẩm khoa học, gia tăng thời gian dành cho sự sáng tạo. Sự thu hẹp khái niệm về “không gian”, “thời gian” có thể giúp tiết kiệm nhiều chi phí trong hoạt động nghiên cứu. Việc lưu trữ bằng chứng nghiên cứu cũng được thực hiện bài bản hơn.
Thứ ba, đối với nhân lực khoa học công nghệ: chưa bao giờ đội ngũ làm khoa học pháp lý cần tăng cường chất lượng như hiện nay và cần được đào tạo bài bản, với các phương pháp nghiên cứu hiện đại, sử dụng được các phần mềm, cơ sở dữ liệu hiện đại (bên cạnh những yêu cầu truyền thống về kỹ năng tư duy, kỹ năng làm việc nhóm, ngoại ngữ v.v.). Hiểu biết về những công nghệ mới và biết cách sử dụng những công nghệ mới có thể sẽ trở thành những tiền đề tiên quyết đối với những người làm công tác nghiên cứu khoa học pháp lý.
Thứ tư, đối với các thiết chế làm công tác khoa học pháp lý: cần căn chỉnh lại danh mục đầu tư, qua đó dịch chuyển nguồn lực đầu tư mình có theo hướng thiết lập các cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động nghiên cứu hoặc kết nối với các cơ sở dữ liệu phục vụ nghiên cứu xây dựng các phần mềm quản lý áp dụng hệ thống KPI trong đánh giá đơn vị hoặc đánh giá cán bộ.
Thứ năm, về mối liên kết trong nước và quốc tế: các liên kết trong nước và quốc tế trong nghiên cứu khoa học pháp lý sẽ ngày càng được tăng cường và có thể được triển khai thuận lợi hơn. Chưa bao giờ, sự kết nối quốc tế của học giả trong nước và quốc tế chưa bao giờ dễ dàng và có thể đa dạng, bền chặt hơn so với ngày nay. Sự gia tăng các liên kết này sẽ góp phần thúc đẩy sự lưu chuyển dữ liệu trong giới khoa học pháp lý trong nước và quốc tế mạnh mẽ hơn nữa. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của các công trình nghiên cứu khoa học pháp lý ở trong nước và quốc tế. Nếu chúng ta tận dụng tốt các mối liên kết này, việc thu hẹp khoảng cách phát triển trong khoa học pháp lý giữa các quốc gia sẽ có cơ hội hiện thực hóa sớm hơn và ngược lại.
Trên đây là hình dung bước đầu của tôi về những tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới hoạt động khoa học pháp lý trong thời gian tới. Có thể nói, sẽ còn nhiều điều chúng ta chưa lường tới trước. Cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra cả thời cơ cho nền khoa học pháp lý nước nhà nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong đầu tư, tổ chức nền khoa học pháp lý này. Việc liên tục cải thiện hiệu quả sử dụng các nguồn lực của nền khoa học pháp lý và việc tiếp tục hiện đại hóa cách thức tổ chức nghiên cứu khoa học sẽ là hướng đi quan trọng để chúng ta đáp ứng tốt hơn các yêu cầu, đòi hỏi của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
TS. Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp
 
[1] Klaus Schwab, The Fourth Industrial Revolution (Davos: World Economic Forum, 2016).
[2] Klaus Schwab and Nicholas Davis, Shaping the Fourth Industrial Revolution (Davos: World Economic Forum, 2018).
[3] Trong thời gian gần đây, nhiều công trình nghiên cứu quan trọng về các khía cạnh pháp lý của một số loại công nghệ lõi của cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề pháp lý phát sinh từ cuộc cách mạng này đã được xuất bản. Đáng chú ý là các công trình sau:
- Joseph J. Bambara and Paul R. Allen, Blockchain A Practical Guide to Developing Business, Law, and Technology Solutions (New York: Mc Grawhill, 2018).
- Robert Herian, Regulating Blockchain: Critical Perspectives in Law and Technology (London and New York: Routledge, 2019);
- Marcelo Corrales, Mark Fenwick, and Nikolaus Forgó (eds.), Robotics, AI and the Future of the Law (Singapore: Springer, 2018);
- Marcelo Corrales, Mark Fenwick, and Nikolaus Forgó (eds.), New Technology, Big Data and the Law (Singapore: Springer, 2017);
- David Hodgkinson and Rebecca Johnston, Aviation Law and Drones: Unmanned Aircraft and the Future of Aviation (New York: Routledge, 2018);
- Jacob Turner, Robot Rules: Regulating Artificial Intelligence (London: Palgrave, 2019);
- Manuel Pedro and Rodríguez-Bolívar (eds.), Transforming City Governments for Successful Smart Cities (Switzerland: Springer, 2015); Schahram Dustdar, Stefan Nastić, Ognjen Šćekić, Smart Cities: The Internet of Things, People and Systems (Switzerland: Springer, 2018);
- Christopher T. Anglim (ed.), Privacy Rights in the Digital Age (New York: Leslie Mackenzie, 2015);
- Aurelia Tamò-Larrieux, Designing for Privacy and its Legal Framework Data Protection by Design and Default for the Internet of Things (Switzerland: Springer, 2018);
- Maria Angela Biasiotti, Jeanne Pia Mifsud Bonnici, Joe Cannataci, and Fabrizio Turchi (eds.), Handling and Exchanging Electronic Evidence Across Europe (Switzerland: Springer, 2018)…