Chế định người đại diện của người bị buộc tội dưới 18 tuổi

12/06/2019
Người đại diện nói chung và người đại diện của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi (người bị buộc tội dưới 18 tuổi) nói riêng là người tham gia tố tụng theo quy định tại khoản 20 Điều 55 BLTTHS năm 2015. Đây là điểm mới của BLTTHS năm 2015 vì trước đây BLTTHS năm 2003 không có quy định người đại diện là người tham gia tố tụng. Trong phạm vi bài viết, tác giả trình bày quy định của pháp luật về ai là người đại diện của người bị buộc tội, quyền và nghĩa vụ của người đại diện của người bị buộc tội dưới 18 tuổi khi tham gia tố tụng và một số vướng mắc trong thực tiễn hiện nay.
I. VỀ NGƯỜI ĐẠI DIỆN CỦA NGƯỜI BỊ BUỘC TỘI DƯỚI 18 TUỔI.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không quy định cụ thể về người đại diện của người bị buộc tội dưới 18 tuổi gồm những ai. Tuy nhiên, tại Thông tư liên tịch số: 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ Tư pháp - Bộ Lao động-Thương binh và xã hội về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi thì có quy định như sau: Người đại diện của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự và có đủ điều kiện làm người đại diện theo quy định tại các điều 134, 135 và 136 Bộ luật Dân sự và được xác định theo thứ tự sau đây: 
- Cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi;
- Người giám hộ
- Người do Tòa án chỉ định.
1. Về người giám hộ của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi.
Người giám hộ của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi bao gồm người giám hộ đương nhiên hoặc người được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người dưới 18 tuổi cư trú cử hoặc Tòa án chỉ định theo quy định tại các điều 46, 47, 48, 52 và 54 Mục 4 Chương III Bộ luật Dân sự.
1.1. Về người giám hộ đương nhiên của người bị buộc tội dưới 18 tuổi.
Nếu như Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 dùng cụm từ “người dưới 18 tuổi” để chỉ người chưa thành niên thì Bộ luật Dân sự năm 2015 không sử dụng cụm từ “người dưới 18 tuổi” mà sử dụng cụm từ “người chưa thành niên”. Người chưa thành niên theo quy định tại khoản 1 Điều 21 BLDS năm 2015 là người chưa đủ 18 tuổi. Do đó, người giám hộ đương nhiên của người bị buộc tội dưới 18 tuổi được hiểu là người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên.
Theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 47 BLDS năm 2015 thì trường hợp người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ; người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ thì có người giám hộ đương nhiên. Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên được xác định theo quy định tại Điều 52 BLDS năm 2015. Cụ thể là việc xác định người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên theo thứ tự sau đây:
- Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ;
- Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 Điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ;
- Trường hợp không có người giám hộ như hai trường hợp trên thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.
1.2. Về người giám hộ của người bị buộc tội dưới 18 tuổi được Ủy ban nhân dân cấp xã cử.
Việc cử người giám hộ của người chưa thành niên được thực hiện theo quy định tại Điều 54 của BLDS năm 2015. Theo đó, người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ; người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ mà không có người giám hộ đương nhiên thì Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người chưa thành niên có trách nhiệm cử người giám hộ cho họ.
Việc cử người giám hộ phải được sự đồng ý của người được cử làm người giám hộ. Việc cử người giám hộ phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do cử người giám hộ, quyền, nghĩa vụ cụ thể của người giám hộ, tình trạng tài sản của người được giám hộ. Trường hợp cử người giám hộ cho người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của người chưa thành niên.
1.3. Về người giám hộ của người bị buộc tội dưới 18 tuổi được Tòa án chỉ định
Theo quy định tại Điều 54 của BLDS năm 2015 Tòa án chỉ định người giám hộ của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi trong các trường hợp sau:
a) Khi có tranh chấp giữa những người giám hộ quy định tại Điều 52 và Điều 53 của Bộ luật này về người giám hộ (khoản 1 Điều 54 BLDS năm 2015).
Theo quy định của BLDS năm 2015 thì khi có sự tranh chấp về người giám hộ giữa những người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 47 BLDS năm 2015 và người mất năng lực hành vi dân sự thì Tòa án sẽ chỉ định người giám hộ. Đối với người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi trở lên thì khi Tòa án chỉ định người giám hộ cho họ phải xem xét nguyện vọng của người này.
Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 47 BLDS năm 2015 được xác định theo thứ tự sau đây:
- Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.
- Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 Điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.
- Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.
Đối với người mất năng lực hành vi dân sự không thuộc trường hợp trước khi bị mất năng lực hành vi dân sự người này đã lựa chọn người giám hộ cho mình (theo khoản 2 Điều 48 BLDS năm 2015) thì người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:
- Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.
- Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.
- Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.
b) Khi có tranh chấp về việc cử người giám hộ (khoản 1 Điều 54 BLDS năm 2015)
Theo quy định tại khoản 1 Điều 54 BLDS năm 2015, trường hợp người chưa thành niên quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 47 BLDS năm 2015, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ.
Nơi cư trú của người được giám hộ theo khoản 1 Điều 42 BLDS năm 2015 là nơi cư trú của người giám hộ. Người giám hộ theo khoản 1 Điều 48 BLDS năm 2015 có thể là cá nhân hoặc pháp nhân. Nơi cư trú của cá nhân theo khoản 1, 2 Điều 40 BLDS năm 2015 là nơi người đó thường xuyên sinh sống hoặc là nơi người đó đang sinh sống.
1.3 Về người đại diện của người bị buộc tội dưới 18 tuổi do Tòa án chỉ định
Theo khoản 3 Điều 136 BLDS năm 2015 thì trong trường hợp không xác định được người đại diện là cha mẹ của người chưa thành niên, người giám hộ cho người chưa thành niên (bao gồm người giám hộ đương nhiên, người giám hộ do Ủy ban nhân dân cấp xã cử hoặc do Tòa án chỉ định) thì Tòa án chỉ định người đại diện cho người chưa thành niên.
Như vậy, khi có sự tranh chấp về việc cử người giám hộ giữa Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giám hộ cư trú thì Tòa án chỉ định người giám hộ cho người chưa thành niên quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 47 BLDS năm 2015, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên.
          II. QUYỀN, NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI ĐẠI DIỆN CỦA NGƯỜI BỊ BUỘC TỘI DƯỚI 18 TUỔI.
Mặc dù Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định người đại diện là người tham gia tố tụng nhưng lại không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của họ trong một điều luật cụ thể như những người tham gia tố tụng khác. Tuy nhiên, quyền, nghĩa vụ của người đại diện của  người bị buộc tội dưới 18 tuổi được quy định tại nhiều điều khoản khác nhau tại các Điều 331, 338, 418, 420, 421, 422, 423, 469, 470 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Cụ thể như sau:
- Phải có nghĩa vụ giám sát người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi để bảo đảm sự có mặt của họ khi có giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; theo dõi tư cách, đạo đức và giáo dục người đó theo quyết định của  Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án (khoản 1 Điều 418);
- Phải kịp thời thông báo và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời đối với trường hợp người dưới 18 tuổi có dấu hiệu bỏ trốn hoặc có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này hoặc tiếp tục phạm tội (khoản 2 Điều 418);
- Tham gia tố tụng theo quyết định của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án (khoản 1 Điều 420);
- Được tham gia việc lấy lời khai, hỏi cung người dưới 18 tuổi; đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu, khiếu nại, tố cáo; đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu liên quan đến việc buộc tội người dưới 18 tuổi trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra (khoản 2 Điều 420);
- Được đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu và đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng; phát biểu ý kiến, tranh luận; khiếu nại các hành vi tố tụng của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các quyết định của Tòa án khi tham gia phiên tòa (khoản 3 Điều 420);
- Được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo trước thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và có mặt khi lấy lời khai người bị bắt, hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi (khoản 1 Điều 421)
- Được quyền có mặt khi cơ quan tiến hành tố tụng lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, hỏi cung bị can (khoản 2 Điều 421)
- Được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can là người dưới 18 tuổi nếu được Điều tra viên, Kiểm sát viên đồng ý (khoản 3 Điều 421).
- Được hỏi người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc khoản 3 Điều 421. 
- Được quyền lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội (khoản 2 Điều 422);
- Được quyền có mặt tại phiên tòa xét xử bị cáo là người dưới 18 tuổi (khoản 3 Điều 423);
- Được quyền khiếu nại quyết định tố tụng của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (các quyết định của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra;  hành vi tố tụng của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng  (hành vi được thực hiện trong hoạt động tố tụng của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Thẩm tra viên, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra) khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người mà mình là người đại diện (khoản 1 Điều 469; Điều 470).
- Được quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm (khoản 1 Điều 331);
Được Tòa án cấp sơ thẩm thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo (khoản 1 Điều 338);
- Được Viện kiểm sát gửi quyết định kháng nghị kèm theo chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung (nếu có) trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định kháng nghị nếu có liên quan đến kháng nghị.
III. MỘT SỐ VƯỚNG MẮC VỀ NGƯỜI ĐẠI DIỆN CỦA NGƯỜI BỊ BUỘC TỘI DƯỚI 18 TUỔI.
Trên cơ sở nghiên cứu quy định của pháp luật về người đại diện của người bị buộc tội và thực tiễn xét xử các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi của các Tòa án trong thời gian qua, Tác giả nhận thấy việc xác định người đại diện của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi có một số vướng mắc cần trong thực tiễn cần được hướng dẫn như sau:
1. Trường hợp người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi đăng ký thường trú một nơi và đang sinh sống một nơi thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nào có trách nhiệm cử người giám hộ.
Theo quy định tại Điều 12 Luật Cư trú năm 2006 thì nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú. Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú. Tuy nhiên, trong thực tiễn có nhiều trường hợp người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi đăng ký thường trú một nơi nhưng sinh sống một nơi (có đăng ký hoặc không có đăng ký tạm trú). Như vậy, trong trường hợp này thì Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người bị buộc tội dưới 18 tuổi đăng ký thường trú hay nơi người bị buộc tội 18 tuổi có trách nhiệm cử người giám hộ cho họ. Trường hợp, có tranh chấp việc cử người giám hộ thì Tòa án nơi người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi đăng ký thường trú hay tạm trú có thẩm quyền chỉ định người giám hộ.
2. Trình tự, thủ tục Tòa án chỉ định người giám hoặc chỉ định người đại diện cho người bị buộc tội dưới 18 tuổi được thực hiện như thế nào.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì trong trường hợp có tranh chấp về người giám hộ hoặc tranh chấp về cử người giám hộ thì Tòa án chỉ định người giám hộ cho người chưa thành niên. Hoặc trong trường hợp không xác định được người đại diện là cha mẹ của người chưa thành niên, người giám hộ cho người chưa thành niên thì Tòa án chỉ định người đại diện cho người chưa thành niên. Như vậy, trình tự, thủ tục để Tòa án chỉ định người giám hộ hoặc chỉ định người đại diện cho người bị buộc tội dưới 18 tuổi được thực hiện như thế nào. Tòa án sẽ chỉ định ai là người giám hộ hoặc ai là người đại diện cho người bị buộc tội dưới 18 tuổi. Hoặc là khi có sự tranh chấp về thẩm quyền giữa các Tòa án trong việc chỉ định người giám hộ, chỉ định người đại diện thì trình tự, thủ tục giải quyết như thế nào.
3. Trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, nếu thuộc trường hợp Tòa án phải chỉ định người giám hộ hoặc chỉ định người đại diện cho người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi nhưng thời hạn điều, truy tố, xét xử đã hết thì giải quyết như thế nào.
Trường hợp trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, nếu thuộc trường hợp Tòa án phải chỉ định người giám hộ hoặc chỉ định người đại diện cho người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi nhưng thời hạn điều, truy tố, xét xử đã hết thì có quan điểm cho rằng cơ quan tiến hành tố tụng trong mỗi giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sẽ tạm đình chỉ điều tra hoặc tạm đình chỉ vụ án để chờ Tòa án có thẩm quyền chỉ định người giám hộ hoặc chỉ định người đại diện cho người tham giá tố tụng là người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên đối chiếu quy định tại khoản 1 Điều 229, khoản 1 Điều 247 và khoản 1 Điều 281 của BLTTHS năm 2015 thì việc tạm đình chỉ điều tra hay tạm đình chỉ vụ án trong trường hợp này là không có căn cứ.
4. Người nhận nuôi người bị buộc tội dưới 18 tuổi nhưng không đăng ký nhận con nuôi theo quy định pháp luật thì có được làm người giám hộ đương nhiên của người bị buộc tội dưới 18 tuổi không.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên được xác định trước tiên là cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi. Thực tiễn có trường hợp người bị buộc tội dưới 18 tuổi không còn cha mẹ đẻ nhưng có cha mẹ nuôi từ nhỏ. Tuy nhiên, việc nuôi con nuôi không thực hiện việc đăng ký nhận nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật thì có được làm người giám hộ đương nhiên của người bị buộc tội dưới 18 tuổi không và họ có được làm người đại diện của người bị buộc tội dưới 18 tuổi để tham gia tố tụng không. Vấn đề này hiện cũng còn quan điểm khác nhau do nhận thức khác nhau. Có quan điểm cho rằng trường hợp này cha mẹ nuôi thực tế có quan hệ nuôi dưỡng người bị buộc tội dưới 18 tuổi từ nhỏ nên được xác định là người giám hộ đương nhiên của người bị buộc tội dưới 18 tuổi và họ được làm người đại diện của người bị buộc tội dưới 18 tuổi để tham gia tố tụng. Nhưng cũng có quan điểm ngược lại. Điều này gây khó khăn trong việc xác định người đại diện của người bị buộc tội dưới 18 tuổi trong một số vụ án hình sự hiện nay.
Dương Tấn Thanh - TAND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh