Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự trong Bộ luật Hình sự 2015

20/05/2019
Công bằng, nhân đạo, dân chủ, pháp chế là giá trị chung của nền văn minh nhân loại, là mục tiêu mà Đảng, Nhà nước hướng tới. Điều này đồng nghĩa rằng, mọi hành vi xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của con người, của công dân đều phải được xử lý kịp thời, công minh nhằm tạo lập trật tự pháp luật, duy trì sự ổn định của đời sống xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để cá nhân hoàn thiện và phát triển bản thân, sáng tạo và cống hiến không hạn chế. Việc nghiên cứu làm sáng tỏ bản chất của một số chế định trong Luật Hình sự góp phần nâng cao khả năng nhận thức pháp luật, tư duy pháp lý và kỹ năng thực hành, đặc biệt những việc làm mà pháp luật không cấm (công dân được phép và có quyền làm trong tình huống nhất định) là việc làm hết sức cần thiết. Bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu làm sáng tỏ sự cần thiết của các quy định về những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự trong Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015.
1. Khái niệm những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự
Xét dưới góc độ lịch sử lập pháp hình sự, chế định các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự (TNHS) đã được ghi nhận khá sớm trong pháp luật hình sự, được đánh dấu bằng sự ra đời của Chỉ thị số 07 ngày 22/12/1983 của TANDTC về việc chỉ đạo Tòa án các cấp thống nhất xét xử hành vi xâm phạm sức khỏe, tính mạng của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong khi thi hành công vụ (1). Trong lần pháp điển hóa BLHS năm 1985 đã quy định 04 trường hợp được coi là trường hợp loại trừ TNHS bao gồm: Phòng vệ chính đáng (Điều 13), tình thế cấp thiết (Điều 14), sự kiện bất ngờ (Điều 11), tình trạng không có năng lực TNHS (Điều 12) nằm trong chương Tội phạm (chương III). BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) tiếp tục quy định 04 trường hợp nói trên trong chương Tội phạm (chương III). Đến BLHS năm 2015, quy định về các trường hợp loại trừ TNHS đã được hoàn thiện với việc chính thức quy định thống nhất một chương – Chương các trường hợp loại trừ TNHS (chương IV) bao gồm 04 trường hợp như trong BLHS năm 1999, bổ sung thêm 03 trường hợp mới.
Xét dưới góc độ pháp luật quốc tế, chế định các trường hợp loại trừ TNHS được quy định trong pháp luật hình sự của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có sự quy định khác nhau: BLHS của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa xác định các trường hợp loại trừ TNHS bao gồm: sự kiện bất ngờ, hành vi nguy hiểm do người mắc bệnh tâm thần thực hiện, phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết thuộc chương tội phạm và TNHS (2). BLHS cộng hòa Pháp xác định các trường hợp như: phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, người mắc bệnh rối loạn tâm thần hoặc rối loạn thần kinh khiến không nhận thức hoặc không kiểm soát được hành vi của mình, hành động dưới sự chi phối của một sức mạnh hoặc một sự cưỡng bức, do lầm tưởng mình có quyền thực hiện một cách hợp pháp, thực hiện hành vi do lệnh của nhà chức trách hợp pháp là các trường hợp loại trừ TNHS (miễn TNHS) (3).... BLHS của Liên bang Nga bên cạnh các tình tiết loại trừ có tính chất phổ biến như phòng vệ cấp thiết, tình thế cấp thiết, sự kiện bất ngờ còn quy định hành vi gây thiệt hại khi bắt giữ người phạm tội, cưỡng bức thân thể hoặc tinh thần, sự rủi ro chính đáng, thi hành mệnh lệnh hoặc chỉ thị là các tình tiết loại trừ TNHS và tách riêng thành 01 chương các tình tiết loại trừ tính chất tội phạm.
Xét dưới góc độ pháp luật thực định, Bộ luật hình sự năm 2015 quy định 07 trường hợp loại trừ TNHS bao gồm: Sự kiện bất ngờ; tình trạng không có năng lực TNHS; Phòng vệ chính đáng; Tình thế cấp thiết; Gây thiệt hại trong khi bắt giữ tội phạm; rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ và Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên. Điều này đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới; tăng cường tính minh bạch của BLHS; thể hiện rõ chính sách của Đảng và nhà nước trong khuyến khích, động viên người dân tự bảo vệ mình hoặc tham gia ngăn chặn tội phạm, động viên mọi người tích cực sáng tạo, thử nghiệm các tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống con người; góp phần vào sự nhận thức thống nhất về các trường hợp loại trừ TNHS trong BLHS (4).
Theo quy định BLHS năm 2015, các trường hợp loại trừ TNHS sẽ bao gồm 02 nhóm: Nhóm các trường hợp loại trừ TNHS do chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, do vậy vấn đề TNHS không được đặt ra, bao gồm: Sự kiện bất ngờ; tình trạng không có năng lực TNHS và Nhóm các trường hợp loại trừ TNHS đủ hoặc có thể đủ yếu tố cấu thành tội phạm, nhưng có những “căn cứ” làm cho hành vi gây thiệt hại có tính hợp pháp, không còn tính trái pháp luật hình sự nên không coi là tội phạm bao gồm: Phòng vệ chính đáng; Tình thế cấp thiết; Gây thiệt hại trong khi bắt giữ tội phạm; rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ và Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên.
2. Sự cần thiết của việc quy định những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự trong Bộ luật hình sự năm 2015.
Tội phạm là một hiện tượng xã hội, có tính lịch sử và tính giai cấp. Việc quy định một hành vi nào đó là tội phạm hay không phải là tội phạm phụ thuộc vào ý chí của giai cấp thống trị xã hội, phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện kinh tế trong từng giai đoạn nhất định. Ở Việt Nam, Điều 8 BLHS quy định: tội phạm được hiểu là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự. Nhận thức và quy định về tội phạm như đã nêu trên thể hiện rõ chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; cụ thể hóa các nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội và hành vi phạm tội; tạo tiền đề cho việc xây dựng và hoàn thiện các chế định khác trong Luật hình sự. Đồng thời, là cơ sở thực tiễn cho việc áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật hình sự trong khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự; phân biệt tội phạm với các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Việc xác định một người phạm tội không chỉ ảnh hưởng tới một cá nhân mà còn thể hiện chính sách, quan điểm của Nhà nước về bảo vệ trật tự xã hội nói chung. Do đó, trong BLHS bên cạnh những quy định về tội phạm là những quy định về loại trừ trách nhiệm hình sự đối với những hành vi có tính nguy hiểm cho xã hội nhưng được thực hiện vì lợi ích của Nhà nước, tập thể hoặc của cá nhân. Sau hơn 10 năm thi hành BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), thực tế đã phát sinh nhiều trường hợp mặc dù có tính nguy hiểm cho xã hội nhưng lại được thực hiện với mục đích vì lợi ích xã hội như: rủi ro trong nghiên cứu khoa học; gây thiệt hại cho người bị bắt trong trường hợp bắt, giữ người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã; gây thiệt hại khi thi hành mệnh lệnh của cấp trên… Các trường hợp này, theo quy định của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này đã tạo ra một số hạn chế như:
 Thứ nhất, chưa thực sự khuyến khích được những hành vi thực hiện vì mục đích cộng đồng nhưng có rủi ro hoặc gây ra thiệt hại, do vậy, đã gián tiếp ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước;
Thứ hai, việc bảo vệ lợi ích của cá nhân thực hiện hành vi gây thiệt hại nhưng động cơ vì lợi ích chung hoặc chấp hành mệnh lệnh của cấp trên vẫn phải chịu TNHS là chưa thỏa đáng về cả tình và lý;
Thứ ba, xét về thực tiễn phòng, chống tội phạm, thì tính nguy hiểm cho xã hội của các hành vi này và hậu quả xảy ra là rủi ro và ngoài khả năng kiểm soát của người thực hiện hành vi. Do đó, việc truy cứu TNHS đối với người thực hiện hành vi gây thiệt hại trên thực tế là tương đối nặng, chưa phù hợp với bản chất của hành vi. Việc xử lý hình sự đối với các hành vi này chưa thật phù hợp với quan điểm nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta.
Xuất phát từ những bất cập trên, việc nghiên cứu bổ sung thêm các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự trong BLHS là cần thiết đảm bảo các mục tiêu: Phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền cơ bản của công dân; thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước trong điều kiện mới; góp phần thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước và đề cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc thi hành công vụ.
3. Các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015
- Sự kiện bất ngờ 
Điều 20 BLHS năm 2015 khẳng định: Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu TNHS. So với BLHS năm 1999, quy định về sự kiện bất ngờ trong BLHS năm 2015 không có sự thay đổi về bản chất pháp lý, mà chỉ là sự sửa đổi, bổ sung về mặt kỹ thuật lập pháp theo hướng quy định trực tiếp một người thực hiện hành vi được coi là sự kiện bất ngờ và hậu quả pháp lý của nó.
Bản chất pháp lý của trường hợp sự kiện bất ngờ là người thực hiện hành vi không có lỗi do họ không tự lựa chọn thực hiện hành vi gây thiệt hại. Họ đã không thấy trước được tính chất nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình gây ra. Hoàn cảnh khách quan không cho phép họ có thể thấy trước hậu quả của hành vi. Họ cũng không có nghĩa vụ phải thấy trước việc gây ra hậu quả đó. Do vậy, tính có lỗi - cơ sở để xem xét một hành vi có là tội phạm không, có cần phải xử lý hình sự không đã không được thỏa mãn. Như vậy, trong trường hợp sự kiện bất ngờ, việc chủ thể đã không thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà hành vi của mình đã gây ra là do khách quan. Đây chính là điểm khác biệt so với các trường hợp như sự kiện bất khả kháng, tình trạng không thể khắc phục được hoặc đối với trường hợp lỗi vô ý vì cẩu thả.
- Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
Điều 21 BLHS năm 2015 khẳng định: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu TNHS. So với BLHS năm 1999, quy định về tình trạng không có năng lực TNHS trong BLHS năm 2015 có sự thay đổi về mặt kỹ thuật theo hướng bỏ quy định về việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tại điều luật mà quy định thống nhất về việc áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh tại Điều 49 BLHS năm 2015.
Do đó, người thực hiện nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 của BLHS năm 2015, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Theo quy định của điều luật, tình trạng không có năng lực TNHS được hiểu là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong trường hợp mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi do đang trong tình trạng mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác. Như vậy, có 02 dấu hiệu để xác định tình trạng không có năng lực TNHS, đó là dấu hiệu y học – điều kiện cần, dấu hiệu tâm lý – điều kiện đủ. Cả hai dấu hiệu này có mối liên quan chặt chẽ với nhau, dấu hiệu này là tiền đề của dấu hiệu kia và ngược lại. Có nghĩa rằng họ phải thỏa mãn đồng thời hai dấu hiệu trên, thì mới được coi là người không có năng lực TNHS (5).
Phòng vệ chính đáng 
Khoản 1 điều 22 BLHS 2015 quy định: Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm. Một hành vi được coi là phòng vệ chính đáng khi thoả mãn các dấu hiệu sau: Thứ nhất: Có hành vi tấn công đang hiện hữu, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, của tập thể, tổ chức, quyền và lợi ích chính đánh của người phòng vệ hoặc của người khác (cơ sở phát sinh quyền phòng vệ chính đáng). Thứ hai: Hành vi phòng vệ gây thiệt hại cho người xâm phạm là cần thiết (nội dung và phạm vi của phòng vệ chính đáng);
Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu TNHS theo quy định của Bộ luật này. Đây là trường hợp người phòng vệ do đánh giá sai tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm phạm, do đó người phòng vệ đã dùng những phương tiện và phương pháp gây ra thiệt hại quá đáng cho người xâm hại mà tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại cũng như hoàn cảnh cụ thể chưa đòi hỏi phải dùng các phương tiện và phương pháp đó. Người phòng vệ vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu TNHS do lỗi vượt quá của mình. Tuy nhiên, TNHS của họ được giảm nhẹ hơn so với các trường hợp bình thường. Mức độ TNHS được giảm nhẹ nhiều hay ít phụ thuộc vào mức độ vượt quá giới hạn phòng vệ và các trường hợp giảm nhẹ khác.
- Tình thế cấp thiết
Khoản 1 điều 23 BLHS 2015 quy định: Tình thế cấp thiết là một trong những trường hợp loại trừ TNHS, đó là tình thế của người đứng trước sự đe dọa đến một lợi ích được pháp luật bảo vệ, và để bảo vệ lợi ích này, người đó không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại cho một lợi ích khác được pháp luật bảo vệ. Để được coi là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết và không phải chịu TNHS thì phải có đầy đủ các điều kiện sau đây: Thứ nhất: Phải có sự đe dọa hiện hữu và thực tế xâm phạm đối với lợi ích được pháp luật bảo vệ (tức là lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, lợi ích chính đáng của bản thân người thực hiện hành vi hay của người khác); Thứ hai: Hành vi gây thiệt hại là biện pháp duy nhất để khắc phục sự nguy hiểm; Thứ ba: Thiệt hại trong tình thế cấp thiết gây ra phải nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết là tình trạng một người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe doạ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là gây thiệt hại bằng hoặc lớn hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Đây là trường hợp chủ thể có cơ sở để hành động trong tình thế cấp thiết nhưng đã vượt quá phạm vi cho phép. Cũng giống như vượt quá yêu cầu của phòng vệ chính đáng, người có hành vi gây thiệt hại do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì cũng phải chịu TNHS. Khoản 2 Điều 24 khẳng định: trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu TNHS.  Mặc dù, vượt quá tình thế cấp thiết phải chịu TNHS nhưng được giảm nhẹ vì tính chất của động cơ và vì hoàn cảnh phạm tội. Khoản 1 Điều 51 BLHS có quy định một cách cụ thể, rõ ràng: vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết là một trong những tình tiết để giảm nhẹ TNHS. Đây được coi là tình tiết giảm nhẹ TNHS - cơ sở để giảm nhẹ hình phạt trong phạm vi của khung luật tương ứng.
- Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội 
Khoản 1 điều 24 BLHS 2015 quy đinh: hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.
Việc ghi nhận, bổ sung trường hợp này là trường hợp loại trừ TNHS có ý nghĩa quan trọng trong thực tiễn đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Quy định này phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong đấu tranh phòng, chống tội phạm là phải dựa vào sức mạnh của cả hệ thống chính trị, huy động toàn thể xã hội chung sức, chung lòng phát huy tính tích cực của công dân trong cuộc đấu tranh này(6). Mặt khác, khuyến khích, phát huy tinh thần chủ động đấu tranh ngăn chặn hành vi phạm tội và bắt giữ kịp thời những người đang lẩn trốn sự trừng trị của pháp luật, cũng như là “minh chứng về ý thức pháp luật và tính tích cực đối với trách nhiệm công dân của người bắt giữ…” (7).
Để được coi là gây thiệt hại trong bắt giữ người phạm tội là một trường hợp loại trừ TNHS, hành vi bắt giữ phải thỏa măn các điều kiện sau: Thứ nhất: Hành vi bắt giữ phải thuộc về các chủ thể có thẩm quyền bắt giữ người phạm tội; Thứ hai: Hành vi dùng vũ lực gây thiệt hại cho người bị bắt giữ phải là biện pháp cuối cùng, không còn cách nào khác để bắt giữ người phạm tội; Thứ ba: Hành vi dùng vũ lực gây thiệt hại cho người bị bắt giữ phải là cần thiết.
Bên cạnh đó, để tránh tình trạng lạm dụng quy định này mà những người bắt giữ người phạm tội đã sử dụng vũ lực quá mức cần thiết gây tổn hại sức khỏe, thể chất của người bị bắt giữ cũng như các quyền, lợi ích hợp pháp khác của họ, Khoản 2 Điều 24 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự”. Quy định này được xây dựng dựa trên tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về quyền được bảo vệ về sức khỏe, về thân thể kể cả khi người đó là người bị bắt giữ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Đồng thời, quy định này cũng thể hiện tính ưu việt của hoạt động nội luật hóa Công ước Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người     
Tuy nhiên, đối với trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết cho người bị bắt giữ, thì người gây thiệt hại tuy phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng pháp luật hình sự Việt Nam vẫn xác định đó là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm đ Khoản 1 Điều 51 và trong một số tội phạm liên quan đến việc bắt giữ người phạm tội, thì mức độ trách nhiệm hình sự cũng được quy định theo hướng giảm nhẹ, cụ thể: Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội quy định tại Điều 126 và Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội quy định tại Điều 136 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Quy định này thể hiện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước đối với các trường hợp phạm tội cụ thể, đảm bảo cơ chế pháp lý để mọi người dân có ý thức tôn trọng và bảo vệ pháp luật.
- Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ
Điều 25 BLHS 2015 quy định: Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ là một trường hợp loại trừ TNHS lần đầu tiên được quy định trong BLHS năm 2015, đó là hành vi của một người đã gây thiệt hại khi tiến hành, thực hiện việc nghiên cứu, thủ nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa. Hành vi gây thiệt trong trường hợp nói trên không phải là tội phạm. Việc quy định, bổ sung trường hợp này là trường hợp loại trừ TNHS có ý nghĩa khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới công nghệ, tạo động lực, động viên sự sáng tạo của các nhà khoa học, nhà sản xuất. Mặt khác, tạo hành lang pháp lý an toàn để người dân an tâm tham gia vào các hoạt động sản xuất, nghiên cứu khoa học có tính chất “đột phá” vì lợi ích chung (8).
Để coi rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ là một trường hợp loại trừ TNHS, hành vi gây thiệt hại trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ phải thỏa mãn các điều kiện sau: Thứ nhất: Hành vi gây thiệt hại trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ phải nhằm mục đích đem lại lợi ích cho xã hội; Thứ hai: Lĩnh vực của hành vi gây thiệt hại chỉ giới hạn trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ; Thứ ba: Người gây ra thiệt hại đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa.
Thực tế cho thấy, được coi là rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ nếu những rủi ro này xảy ra khi tiến hành các hoạt động nhằm mục đích phục vụ lợi ích xã hội và mục đích đó không thể đạt được nếu không có sự mạo hiểm cần thiết và người thực hiện sự mạo hiểm cần thiết đó đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra cho các lợi ích hợp pháp được pháp luật hình sự bảo vệ. Việc quy định trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự này có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo ra động lực mới cho sự phát triển, tiến bộ không ngừng của nền khoa học, kỹ thuật nước nhà, khơi dậy tinh thần và ngọn lửa đam mê nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới của các nhà khoa học, các chuyên gia và của mọi người dân trong xã hội.
Bên cạnh đó, không được thừa nhận là rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ nếu người nào đó trước khi tiến hành hoạt động nghề nghiệp, sản xuất hoặc nghiên cứu khoa học đã nhìn thấy trước nguy cơ đe dọa tính mạng con người, đe dọa gây ra thảm họa môi trường hoặc tai họa cho xã hội và không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa mà gây thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Quy định này góp phần khắc phục tình trạng thiếu trách nhiệm trong các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất những nguy cơ xảy ra thiệt hại của các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ.
- Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên
Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên là một trường hợp loại trừ TNHS chính thức được quy định trong BLHS năm 2015, đó là hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó. Hành vi gây thiệt hại trong trường hợp này không phải chịu TNHS. Việc quy định, bổ sung trường hợp thi hành mệnh lệnh của người chủ huy hoặc cấp trên là một trường hợp loại trừ TNHS sẽ góp phần đảm bảo tuân thủ tuyệt đối, triệt để nguyên tắc "cấp dưới phải phục tùng cấp trên" đối với mệnh lệnh, chỉ thị hay quyết định trong lực lượng vũ trang nhân dân(9), đảm bảo tính kỷ luật, sức mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân.
Để coi thi hành mệnh lệnh của người chủ huy hoặc cấp trên là một trường hợp loại trừ TNHS, khi hành vi gây thiệt hại khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên phải thỏa mãn các điều kiện sau: Thứ nhất: mệnh lệnh mà người có hành vi gây thiệt hại thi hành phải là mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên (người có thẩm quyền) thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; Thứ hai: mục đích của việc thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên thuộc lực lượng vũ trang phải nhằm mục đích thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; Thứ ba: người có hành vi gây thiệt hại đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó; Thứ tư: việc thi hành mệnh lệnh này không thuộc trường hợp phạm tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược do thi hành mệnh lệnh của cấp trên (khoản 2 Điều 421), tội chống loài người do thi hành mệnh lệnh của cấp trên (khoản 2 Điều 422), tội phạm chiến tranh do thi hành mệnh lệnh của cấp trên (khoản 2 Điều 423). Như vậy, hành vi gây thiệt hại thi hành mệnh lệnh của người chủ huy hoặc cấp trên thỏa mãn các điều kiện nói trên sẽ được coi là trường hợp loại trừ TNHS và người thực hiện hành vi gây thiệt hại này sẽ không phải chịu TNHS. Tuy nhiên, đối với người ra mệnh lệnh nói trên sẽ phải chịu TNHS theo quy định của pháp luật.
Thực tiễn cho thấy, trong hoạt động quản lý nhà nước, quản lý hành chính nhà nước nói chung, trong tổ chức và hoạt động của các lực lượng vũ trang nhân dân nói riêng, quan hệ phục tùng - mệnh lệnh có tính đặc thù, xuất phát từ tính chất và yêu cầu kỷ luật tuyệt đối, thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên là yêu cầu bắt buộc đối với cấp dưới để thực hiện những nhiệm vụ liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Mặc dù vậy, những người cấp dưới thuộc biên chế của lực lượng vũ trang nhân dân đều là những người am hiểu về lĩnh vực công tác của mình, có khả năng nhận thức được đầy đủ tính chất của mệnh lệnh mà cấp trên ban hành là đúng hay không đúng. Vì vậy, việc thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên không phải bao giờ cũng loại trừ trách nhiệm hình sự của người thi hành mệnh lệnh. Nói cách khác, nếu người thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên không biết hoặc không có nghĩa vụ phải biết rõ mệnh lệnh là bất hợp pháp thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Ngược lại, trách nhiệm hình sự có thể được đặt ra đối với người thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên có tính chất trái pháp luật và nguy hiểm đáng kể gây thiệt hại cho xã hội, nếu người thi hành mệnh lệnh nhận thức được và buộc phải nhận thức được tính trái pháp luật của mệnh lệnh mà không thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người chỉ huy hoặc cấp trên đã ra mệnh lệnh.
Đặc biệt, quy định về loại trừ trách nhiệm hình sự trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên không được áp dụng đối với các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 421 (Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược), Khoản 2 Điều 422 (Tội chống loài người) và Khoản 2 Điều 423 (Tội phạm chiến tranh) chương XXVI (Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh) của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
BLHS năm 2015 đã chính thức quy định các trường hợp loại trừ TNHS thành một chương thống nhất với 07 trường hợp cụ thể thay vì, quy định mang tính chất tản mạn như trong BLHS năm 1999. Điều này đã góp phần vào việc nhận thức thống nhất về phạm vi các trường hợp được coi là trường hợp loại trừ TNHS. Tuy nhiên, nên sử dụng thống nhất thuật ngữ quy định về hậu quả pháp lý của các trường hợp loại trừ TNHS là không phải chịu TNHS thay vì có trường hợp quy định không phải chịu TNHS (Sự kiện bất ngờ, tình trạng không có năng lực TNHS, Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên), có trường hợp quy định không phải là tội phạm (04 trường hợp còn lại). Bởi lẽ, suy cho cùng dù có thuộc trường hợp không phải là tội phạm hay trường hợp đã hoặc có thể là tội phạm, nhưng được coi không phải là tội phạm thì đều không đặt ra vấn đề TNHS đối với người có hành vi gây thiệt hại, vì hành vi gây thiệt hại của họ thuộc các trường hợp được loại trừ TNHS.
Có thể nói, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã thể chế hóa chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta trong bối cảnh cải cách tư pháp, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, tiếp thu những giá trị của nền văn minh nhân loại và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tham khảo kinh nghiệm lập pháp của một số nước trên thế giới. Đồng thời, tiếp tục nội luật hóa những cam kết quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn vào hệ thống pháp luật quốc gia, góp phần từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Th.s Nguyễn Văn Điền - Viện KSND thị xã Xơn Tây
Tài liệu tham khảo
1. Chỉ thị 07/ 22.12.1983 của TANDTC đã hướng dẫn cụ thể các hành vi được xác định là phòng vệ chính đáng(1)
2. Đinh Bích Hà, (2007), Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Nxb Tư pháp, trang 43, 44, 45(2)
3, Hoàng Quốc Việt (2015), Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự trong Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), Số Chuyên đề sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, trang 87(6), 94(3)
4. Bộ Tư pháp, (2016), Tài liệu hội nghị Quán triệt, phổ biên BLHS năm 2015 và Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật hình sự, Tháng 4/2016, trang 16(4)
5. GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa (2010), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (tập 1 – chủ biên), Nxb Công an nhân dân, trang 124(5).
6. GS.TSKH. Lê Văn Cảm, Sách chuyên khảo Sau đại học: Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự (Phần chung), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005, trang 579(6).
7. Bộ Tư pháp (2016), Tài liệu hội nghị Quán triệt, phổ biên BLHS năm 2015 và Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật hình sự, Tháng 4/2016, trang 11(7)
8. Luật Công an nhân dân năm 2005(8).