Xử lý đối tượng đang chấp hành biện pháp giáo dục tại XPTT do nghiện ma túy có hành vi sử dụng ma túy trái phép

16/05/2019
Hiện nay, việc xử lý đối tượng đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn (BPXLHC GDTXPTT) do nghiện ma túy mà lại tiếp tục thực hiện hành vi sử dụng ma túy trái phép đang có những vướng mắc xuất phát từ các quy định pháp luật.
Các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Luật xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC), Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29/6/2016) và Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 136/2016/NĐ-CP ngày 09/9/2016) đều không có quy định cụ thể về việc xử lý đối với trường hợp đối tượng đang chấp hành BPXLHC GDTXPTT do nghiện ma túy mà lại tiếp tục thực hiện hành vi sử dụng ma túy trái phép. Do vậy, các địa phương đang có những cách hiểu và áp dụng khác nhau:
Cách hiểu và áp dụng thứ nhất: Xem xét, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình[1].
Cách hiểu và áp dụng thứ hai: Không XPVPHC theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, vì đối tượng từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định đang bị áp dụng biện pháp GDTXPTT do nghiện ma túy, nghĩa là, đối tượng này đã bị xác định là người nghiện ma túy. Khi đã xác định là người nghiện ma túy thì phải áp dụng BPXLHC, không XPVPHC. Hơn nữa, trong thời gian đang chấp hành biện pháp GDTXPTT, người nghiện ma túy cũng đang đồng thời tham gia cai nghiện tự nguyện tại gia đình hoặc cộng đồng hoặc tham gia chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế theo quy định của pháp luật. Người nghiện ma túy phải cam kết về việc tự nguyện cai nghiện, điều trị nghiện[2]. Khoản 4 Điều 29 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 56/2016/NĐ-CP) cũng quy định rõ việc xử lý đối với người đang chấp hành biện pháp GDTXPTT (trừ trường hợp người được giáo dục đã chấp hành được ít nhất ½ thời gian giáo dục tại xã, phường, thị trấn) nhưng không tiến bộ, vi phạm cam kết (tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy). Theo đó, trong thời gian chấp hành biện pháp GDTXPTT, nếu người được giáo dục không tiến bộ, vi phạm cam kết và đã được người được phân công giúp đỡ nhắc nhở nhiều lần mà vẫn không chịu sửa chữa, thì tổ chức được giao quản lý, giáo dục báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức cuộc họp tại cơ sở để góp ý đối với người được giáo dục. Vì các lý do nêu trên, việc XPVPHC về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy đối với đối tượng đang chấp hành biện pháp GDTXPTT (do nghiện ma túy), đồng thời đang tham gia chương trình cai nghiện, điều trị nghiện tại cộng đồng là không phù hợp.
Liên quan đến vấn đề này, hiện nay, khoản 2 Điều 35a Nghị định số 111/2013/NĐ-CP (được bổ sung theo quy định tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 56/2016/NĐ-CP) cũng đã có quy định, nhưng chưa thực sự đầy đủ, rõ ràng. Theo đó, người đang chấp hành BPXLHC GDTXPTT do nghiện ma túy nếu đã chấp hành ít nhất ½ thời gian GDTXPTT mà không tiến bộ, tiếp tục có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thì Chủ tịch UBND cấp xã đã ra quyết định áp dụng biện pháp GDTXPTT ra quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp GDTXPTT và đề nghị áp dụng BPXLHC ĐVCSCNBB. Như vậy, trong trường hợp này, nếu đối tượng đã chấp hành ít nhất ½ thời gian GDTXPTT sẽ bị chấm dứt giữa chừng việc áp dụng biện pháp GDTXPTT và chuyển sang áp dụng BPXLHC ĐVCSCNBB mà không phải chờ đến khi chấp hành hết toàn bộ thời gian theo quyết định áp dụng biện pháp GDTXPTT. Vấn đề đặt ra là liệu có phải ra quyết định XPVPHC về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy trước khi áp dụng BPXLHC ĐVCSCNBB đối với đối tượng không? Có quan điểm cho rằng, Luật XLVPHC không quy định hành vi là cơ sở áp dụng BPXLHC thì không bị XPVPHC; tại Điều 11 và 65 của Luật XLVPHC[3] cũng không quy định trường hợp đối tượng đang chấp hành biện pháp GDTXPTT, tiếp tục có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thì không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Do vậy, trong trường hợp này, vẫn phải ra quyết định XPVPHC về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy rồi mới chuyển sang áp dụng BPXLHC ĐVCSCNBB. Quan điểm khác (người viết tán thành quan điểm này) cho rằng, mặc dù Luật XLVPHC và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật không có quy định cụ thể về việc hành vi là cơ sở áp dụng BPXLHC thì không bị XPVPHC, nhưng qua nghiên cứu các quy định khác có liên quan của Luật XLVPHC và Nghị định số 221/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 136/2016/NĐ-CP) thấy rằng: Một hành vi nếu đã bị XPVPHC thì không thể cùng lúc bị áp dụng BPXLHC, hay nói cách khác, không thể vừa ra quyết định XPVPHC, vừa ra quyết định áp dụng BPXLHC đối với hành vi vi phạm hành chính, ví dụ một số quy định sau đây:
Một là, quy định về việc xử lý đối tượng đang chấp hành biện pháp ĐVCSCNBB nhưng có hành vi vi phạm thuộc trường hợp phải áp dụng BPXLHC đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Khoản 3 Điều 118 Luật XLVPHC quy định:
Trong giai đoạn cắt cơn, phục hồi, đối tượng đang chấp hành quyết định tại CSCNBB nếu có hành vi vi phạm các quy định tại Điều 94 của Luật này thì bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
Giám đốc CSCNBB tiến hành lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với đối tượng có hành vi quy định tại đoạn 1 khoản này trên cơ sở hồ sơ hiện có và biên bản về hành vi vi phạm mới gửi Trưởng Công an cấp huyện nơi có CSCNBB. Trưởng Công an cấp huyện có trách nhiệm lấy ý kiến của Trưởng phòng Tư pháp về tính pháp lý của hồ sơ trước khi xem xét, gửi hồ sơ đề nghị TAND nơi có CSCNBB quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
Đây là quy định về việc xử lý đối tượng đang chấp hành biện pháp ĐVCSCNBB nhưng có hành vi vi phạm thuộc trường hợp phải áp dụng BPXLHC đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc theo Điều 94 Luật XLVPHC, thì Luật quy định chỉ cần lập “biên bản về hành vi vi phạm mới”, cùng với hồ sơ hiện có của đối tượng (hồ sơ về biện pháp ĐVCSCNBB) là có thể áp dụng BPXLHC đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Luật không quy định việc phải ra quyết định XPVPHC rồi mới áp dụng BPXLHC đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
Hai là, quy định về hồ sơ đề nghị áp dụng BPXLHC ĐVCSCNBB. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 9 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 136/2016/NĐ-CP) thì trong hồ sơ đề nghị áp dụng BPXLHC ĐVCSCNBB phải có một trong những loại giấy tờ, tài liệu sau: “Biên bản vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy”. Điều luật cũng không quy định là phải có quyết định XPVPHC về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thì mới bị áp dụng BPXLHC ĐVCSCNBB.
Đó là trường hợp đối tượng đã chấp hành được ít nhất ½ thời gian GDTXPTT, Điều 35a Nghị định số 111/2013/NĐ-CP (được bổ sung theo quy định tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 56/2016/NĐ-CP) đã có quy định, mặc dù ít nhiều còn có tranh cãi. Tuy nhiên, đối với trường hợp đối tượng chưa chấp hành được ít nhất ½ thời gian GDTXPTT, tiếp tục có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thì Nghị định số 56/2016/NĐ-CP chưa có hướng dẫn, từ đó lại dẫn đến câu chuyện có XPVPHC hay không XPVPHC về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy như đã nêu trên.
Người viết cho rằng, trường hợp đối tượng chưa chấp hành được ít nhất ½ thời gian GDTXPTT, tiếp tục có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, thì phải bị XPVPHC về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP. Bởi vì, về mặt thực tiễn, nếu không XPVPHC sẽ dẫn đến tình trạng đối tượng lợi dụng quy định pháp luật về áp dụng BPXLHC GDTXPTT và biện pháp cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, biện pháp điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế để tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy mà không bị xử lý.
Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, để bảo đảm sự minh bạch, rõ ràng, tránh những cách hiểu không thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho người áp dụng pháp luật, Quốc hội, Chính phủ cầnxem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan sau đây:
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC để quy định cụ thể hơn nguyên tắc “một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần”. Theo đó, cần quy định rõ: Một hành vi vi phạm hành chính đã được người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định XPVPHC, thì không đồng thời áp dụng BPXLHC đối với hành vi đó (tương tự quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008).
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung Điều 35a Nghị định số 111/2013/NĐ-CP (đã được bổ sung theo quy định tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 56/2016/NĐ-CP) theo hướng quy định rõ việc xử lý đối với người đang chấp hành BPXLHC GDTXPTT do nghiện ma túy mà lại tiếp tục thực hiện hành vi sử dụng ma túy trái phép, theo đó, cần phân tách 02 trường hợp:
Trường hợp thứ nhất, nếu đối tượng chưa chấp hành được ít nhất ½ thời gian GDTXPTT, tiếp tục có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, thì phải bị XPVPHC về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội.
Trường hợp thứ hai, nếu đối tượng đã chấp hành ít nhất ½ thời gian GDTXPTT, tiếp tục có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thì Chủ tịch UBND cấp xã đã ra quyết định áp dụng biện pháp GDTXPTT ra quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp GDTXPTT và đề nghị áp dụng biện pháp ĐVCSCNBB trên cơ sở hồ sơ hiện có và biên bản vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
ThS. Nguyễn Hoàng Việt - Phó trưởng phòng Phòng QLXLVPHC - Cục QLXLVPHC&TDTHPL
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012
  2. Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn
  3. Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29/6/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn
  4. Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
  5. Nghị định số 136/2016/NĐ-CP ngày 09/9/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
  6. Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
 
[1] Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Bên cạnh đó, người thực hiện hành vi vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (theo quy định tại khoản 6 Điều 21 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP) Ngoài ra, người nước ngoài có hành vi vi phạm thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (theo quy định tại khoản 7 Điều 21 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP).
[2] Xem điểm g khoản 5 Điều 18 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 56/2016/NĐ-CP).
[3] Xem Điều 11 Luật XLVPHC về “Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính” và Điều 65 Luật XLVPHC về “Những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính”.