Tìm hiểu về chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật của Việt Nam và các nước khác trong ASEAN năm 2018

13/06/2019
1. Khái niệm chi phí tuân thủ pháp luật Theo thông lệ quốc tế, đặc biệt là tại các quốc gia thuộc thành viên tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (Organization for Economic Co-operation and Development viết tắt là OEDC), “chi phí tuân thủ pháp luật” được hiểu là các loại chi phí liên quan tới việc tuân thủ, thực hiện một quy định của pháp luật, bao gồm các chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp. Đối tượng chịu chi phí đó có thể là doanh nghiệp, người dân và chính phủ .
Chi phí tuân thủ pháp luật được tạo ra từ một quy định pháp luật qua hoạt động của cơ quan nhà nước (khi tiến hành các hoạt động soạn thảo, thông qua, thực thi các văn bản pháp luật) và cá nhân, tổ chức khi tuân thủ quy định pháp luật[1].
Chi phí tuân thủ pháp luật của cá nhân, tổ chức được hiểu theo hai nghĩa (theo nghĩa hẹp và theo nghĩa rộng). Theo đó, chi phí tuân thủ pháp luật được hiểu là các chi phí mà người dân, tổ chức (trong đó có các doanh nghiệp) phải gánh chịu trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật. Chi phí tuân thủ pháp luật (theo nghĩa hẹp) bao gồm 03 loại chi phí: Chi phí hành chính, chi phí đầu tư để tuân thủ quy định, Phí và lệ phí. Theo điểm 1.1 mục 1 phần I Tài liệu hướng dẫn nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (Kèm theo Công văn số 1083/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 29/3/2019 của Bộ Tư pháp), các chi phí được định nghĩa như sau:
- Chi phí hành chính: Chi phí về nhân công và thời gian mà doanh nghiệp, người dân phải gánh chịu để thực hiện các yêu cầu của pháp luật, bao gồm thực hiện thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước và các nghĩa vụ khác (ví dụ, lưu giữ thông tin hoặc cung cấp thông tin cho khách hàng, người tiêu dùng…).
- Chi phí đầu tư để tuân thủ quy định: Chi phí mà doanh nghiệp, người dân phải đầu tư về cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, nhân công, đào tạo,… để đáp ứng các yêu cầu theo quy định pháp luật.
- Phí và lệ phí: Các khoản phí, lệ phí chính thức mà doanh nghiệp, người dân phải nộp trong quá trình thực hiện các thủ tục có liên quan.
Chi phí tuân thủ pháp luật (theo nghĩa rộng) bao gồm 05 loại chi phí. Theo đó, chi phí tuân thủ pháp luật ngoài 03 loại chi phí (theo nghĩa hẹp) như đã nêu trên: chi phí hành chính, chi phí đầu tư để tuân thủ quy định, Phí và lệ phí, thì còn có thêm 02 loại chi phí là: Chi phí rủi ro pháp lý (nếu có) và chi phí không chính thức[2].
- Chi phí rủi ro pháp lý (nếu có): Chi phí tăng thêm, thiệt hại hoặc mất cơ hội kinh doanh mà doanh nghiệp, người dân phải gánh chịu do chất lượng kém của quy định pháp luật dẫn đến bị xử phạt hoặc chậm trễ trong giải quyết thủ tục.
- Chi phí không chính thức: Các khoản trả thêm hoặc “lót tay” liên quan đến việc xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng dịch vụ công cộng (ví dụ: điện thoại, điện năng), trả thuế,… hoặc để được nhận các hợp đồng, giấy phép trong lĩnh vực công hoặc để có được các quyết định thuận lợi.
2. Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật
Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum-WEF), chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật (Burden of government regulation, gọi tắt là chỉ số B1) là một trong những chỉ số nằm trong mục hiệu quả khu vực công (D-Public-sector performance) thuộc trụ cột thể chế (trụ cột 1)[3]. Mục hiệu quả khu vực công được tính với thang đo/đơn vị tính là từ 0-100, với 100 là điểm số tốt nhất – Điểm số lý tưởng.
Theo điểm 1.2 mục 1 phần I Tài liệu hướng dẫn nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (Kèm theo Công văn số 1083/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 29/3/2019 của Bộ Tư pháp), chỉ số B1 có thể hiểu là chỉ số tổng hợp ý kiến cảm nhận (thông qua trả lời câu hỏi khảo sát) về mức độ tạo thuận lợi hay gây khó khăn cho doanh nghiệp trong tuân thủ những quy định của pháp luật (làm phát sinh chi phí tuân thủ pháp luật: Chi phí hành chính; Chi phí đầu tư để tuân thủ quy định; Phí, lệ phí; Chi phí rủi ro pháp lý; Chi phí không chính thức), được xếp theo thang bậc đánh giá tính từ mức 01 (kém nhất) đến mức 07 (tốt nhất).
Đối tượng khảo sát để xếp hạng của chỉ số B1 là các doanh nghiệp. Để đánh giá, xếp hạng về chỉ số B1, năm 2018, WEF đã lấy phiếu khảo sát một số doanh nghiệp của các quốc gia (những nước được khảo sát), trong đó, người trả lời là lãnh đạo các doanh nghiệp. Kết quả trả lời câu hỏi khảo sát[4]Ở nước bạn, các công ty phải tuân thủ các yêu cầu của cơ quan nhà nước (ví dụ: giấy phép, quy định, báo cáo) như thế nào? [1=cực kỳ nặng nề; 7=không nặng nề chút nào]  Đo bằng phương pháp trung bình có trọng số của giai đoạn 2017-2018 hoặc giai đoạn gần nhất có dữ liệu[5].
Kết quả trả lời câu hỏi khảo sát về chỉ số B1 nêu trên được tổng hợp, đánh giá dựa trên ý kiến trả lời mang tính cảm nhận của các doanh nghiệp khi được hỏi về gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật mà các doanh nghiệp đang phải thực hiện. Việc đánh giá về chỉ số B1 - là một trong những chỉ số có ảnh hưởng đến việc đánh giá về  năng lực cạnh tranh theo chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 (GCI 4.0).  Thực hiện cải thiện chỉ số B1 là góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh theo GCI 4.0 vì nếu gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật mà các doanh nghiệp phải gánh chịu lớn do quy định pháp luật phức tạp, đặt ra nhiều yêu cầu, điều kiện do mức phí và lệ phí không hợp lý thì sẽ tạo ra chi phí hành chính, chi phí đầu tư, phí và lệ phí cao; quy định pháp luật không rõ ràng, không khả thi sẽ tạo thêm chi phí cơ hội và chi phí không chính thức cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nếu việc tổ chức thi hành pháp luật không tốt sẽ làm gia tăng chi phí hành chính, chi phí không chính thức hoặc chi phí rủi ro pháp lý, làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này gây tốn kém cho doanh nghiệp, cản trở các doanh nghiệp đầu tư, hạn chế năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cản trở phát triển kinh tế - xã hội[6].
3. Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật của Việt Nam các nước khác trong  ASEAN 2018
Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2018 (The global Competitiveness Report 2018) được phát hành ngày 16/10/2018 của WEF[7], chỉ số B1 của Việt Nam được chấm đạt giá trị 3.1 trên thang điểm 1-7, tương ứng với điểm 34.6  (giảm) trên thang điểm 0-100, đứng thứ 96/140 nước – Đây là điểm số và thứ hạng thấp nhất trong khu vực ASEAN, theo đó, Việt Nam đứng thứ 9 trong tổng số 9 nước ASEAN được WEF khảo sát về chỉ số B1, cụ thể:
(1) Singapore: Chỉ số B1 đạt 5.6 trên thang điểm 1-7, tương ứng với số điểm 76.1 (giảm) trên thang điểm 0 -100, xếp thứ 1/140 nước và đứng vị trí thứ 1 trong các nước ASEAN.
(2) Malaysia: Chỉ số B1 đạt 5.0 trên thang điểm 1-7, tương ứng với số điểm 66.8 (tăng) trên thang điểm 0 -100, xếp thứ 5/140 nước và đứng vị trí thứ 2 trong các nước ASEAN.
(3) Indonesia: Chỉ số B1 đạt 4.1 trên thang điểm 1-7, tương ứng với số điểm 52.0 (tăng) trên thang điểm 0 -100, xếp thứ 26/140 nước và đứng vị trí thứ 3 trong các nước ASEAN.
(4) Lào: Chỉ số B1 đạt 3.8 trên thang điểm 1-7, tương ứng với số điểm  45.9 (giảm) trên thang điểm 0 -100, xếp thứ 47/140 nước và đứng vị trí thứ 4 trong các nước ASEAN.
(5) Thái Lan: Chỉ số B1 đạt 3.6 trên thang điểm 1-7, tương ứng với số điểm 43.3 (tăng) trên thang điểm 0 -100, xếp thứ 58/140 nước và đứng vị trí thứ 5 trong các nước ASEAN.
(6) Campuchia: Chỉ số B1 đạt 3.6 trên thang điểm 1-7, tương ứng với số điểm  42.5 (tăng) trên thang điểm 0-100, xếp thứ 61/140 nước và đứng vị trí thứ 6 trong các nước ASEAN.
(7) Brunay: Chỉ số B1 đạt 3.2 trên thang điểm 1-7, tương ứng với số điểm 37.1 (giảm) trên thang điểm 0-100, xếp thứ 85/140 nước và đứng vị trí thứ 7 trong các nước ASEAN.
(8) Philippin: Chỉ số B1 đạt 3.1 trên thang điểm 1-7, tương ứng với số điểm 35.1 (tăng) trên thang điểm 0-100, xếp thứ 91/140 nước và đứng vị trí thứ 8 trong các nước ASEAN.
(9) Việt Nam: Chỉ số B1 đạt 3.1 trên thang điểm 1-7, tương ứng với số điểm 34.6 (giảm), xếp thứ 96/140 nước và đứng vị trí thứ 9 trong các nước ASEAN.
          Điểm số và thứ hạng chỉ số B1 của Việt Nam và các nước khác trong ASEAN (2018)
 
 Nguồn: World Economic Forum (2018)
Chỉ số B1 là một trong những chỉ số có ảnh hưởng đến việc đánh giá về  năng lực cạnh tranh theo chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 (GCI 4.0).  Hiện nay, năng lực cạnh tranh của Việt Nam mới ở mức trung bình khá trên bình diện quốc tế (xếp thứ 69/190 về môi trường kinh doanh, thứ 77/140 về năng lực cạnh tranh). Trong khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn chưa vào nhóm 4 nước dẫn đầu (đứng thứ 5 về môi trường kinh doanh, thứ 7 về năng lực cạnh tranh)[8]. Mục tiêu Chính phủ đề ra là phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Việt Nam thuộc nhóm ASEAN 4. Trong đó, nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh – GCI 4.0 (của WEF) tăng 5-10 bậc; trong năm 2019 tăng 3-5 bậc[9]. Chỉ số B1 là một trong 10 chỉ số mà Chính phủ đưa ra mục tiêu nâng xếp hạng nhằm góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh theo GCI 4.0[10]:
- Chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật (B1).
- Chỉ số Kiểm soát tham nhũng (B2).
- Chỉ số Chất lượng quản lý hành chính đất đai (B3).
- Chỉ số Hạ tầng (B4).
- Chỉ số Ứng dụng công nghệ thông tin (B5).
- Chỉ số Chất lượng đào tạo nghề (B6).
- Chỉ số Vốn hóa thị trường chứng khoán (B7).
- Chỉ số Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (B8).
- Chỉ số Tăng trưởng về doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (B9).
- Chỉ số Công ty có ý tưởng sáng tạo mới đột phá (B10).
Với thực trạng chỉ số B1 năm 2018 của Việt Nam như đã nêu trên, năm 2019, Chính phủ đặt ra mục tiêu từ năm 2019 đến năm 2021 nâng xếp hạng chỉ số B1 của Việt Nam lên từ 5-10 bậc, năm 2019 ít nhất 2 bậc[11]. Theo đó, hướng đến mục tiêu đạt được kết quả nâng xếp hạng chỉ số B1 lên từ 5-10 bậc, thì năm 2019 đặt ra mục tiêu tăng chỉ số B1 ít nhất 2 bậc. Năm 2020 tăng chỉ số B1 lên từ 3-5 bậc và năm 2021 tăng chỉ số B1 lên từ 5-10 bậc[12].
Tác giả cho rằng, việc cải thiện vị trí xếp hạng chỉ số B1 có mối liên hệ mật thiết với việc cải thiện, đặt ra mục tiêu nâng cao về điểm số vì nếu điểm số của chỉ số B1 tăng thì vị trí xếp hạng mới được cải thiện. Điểm số luôn luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện vị trí xếp hạng. Do vậy, theo tác giả, điểm số quan trọng hơn thứ hạng nên đồng thời với việc đặt ra mục tiêu về cải thiện vị trí xếp hạng như đã nêu trên thì luôn luôn phải đề cập đến cải thiện điểm số trên thang điểm từ 1-7. Điều này tương ứng với điểm tiến bộ đạt được trên thang điểm 0-100, trong đó 100 điểm đại diện cho điểm số lý tưởng.
Trên đây là một số nghiên cứu, tìm hiểu bước đầu của tác giả về chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật của Việt Nam và các nước khác trong ASEAN năm 2018, tác giả hy vọng những tìm hiểu này sẽ phần nào giúp cho bạn đọc có những hiểu biết nhất định về chi phí tuân thủ pháp luật và chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật năm 2018 của Việt Nam so với các nước khác trong ASEAN theo đánh giá, xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF). Tác giả mong muốn tiếp tục nhận được những ý kiến góp ý, trao đổi của các cá nhân, cơ quan, tổ chức quan tâm đến vấn đề này./.
Nguyễn Thị Minh Phương, Phó Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL.
 

[1] Xem: Phan Đức Hiếu (2019) “Chi phí tuân thủ pháp luật: nhận biết và phương thức cắt giảm” - Tài liệu Hội nghị “Về các giải pháp cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật” do Bộ Tư pháp tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 16/4/2019.
[2] Xem: Bộ Tư pháp (2019), Tài liệu hướng dẫn nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (Kèm theo Công văn số 1083/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 29/3/2019 của Bộ Tư pháp), điểm 1.1 mục 1 Phần I.
[3] Xem: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019), “Tìm hiểu về chỉ số Năng lực cạnh tranh 4.0 (GCI 4.0) của Diễn đàn kinh tế thế giới” – Tài liệu hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2019 và định hướng đến năm 2021 (Kèm theo Công văn số 1424/BKHĐT-QLKTTW ngày 07/3/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trang 10.
[4] Xem Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019), “Tìm hiểu về chỉ số Năng lực cạnh tranh 4.0 (GCI 4.0) của Diễn đàn kinh tế thế giới” – Tài liệu hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2019 và định hướng đến năm 2021 (Kèm theo Công văn số 1424/BKHĐT-QLKTTW ngày 07/3/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bảng 2 Chương II,  trang 21.
[5] Response to the survey question “In your country, how burdensome is it for companies to comply with public administration’s requirements (e.g., permits, regulations, reporting)?” [1=extremely burdensome; 7 = not burdensome at all]   2017-2018 weighted average or most recent period available.
[6] Xem: Bộ Tư pháp (2019), Tài liệu hướng dẫn nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (Kèm theo Công văn số 1083/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 29/3/2019 của Bộ Tư pháp), điểm 1.2 mục 1 phần I.
[7] Xem: World Economic Forum (2018), “The Global Competitiveness Report 2018”, retrieved from https://www.weforum.org/reports/the-global-competitveness-report-2018, trang 119, 135, 283, 335, 371, 463, 511, 555 và 599.
[8]  Xem: Chính phủ (2019), Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, phần I.
[9] Xem: Chính phủ (2019), Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, điểm b mục 1 phần II.
[10] Xem: Chính phủ (2019), Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, điểm b khoản 1 mục II.
[11] Xem: Chính phủ (2019), Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, điểm b mục 2 phần II.
[12] Xem: Bộ Tư pháp (2019), Tài liệu hướng dẫn nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (Kèm theo Công văn số 1083/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 29/3/2019 của Bộ Tư pháp), mục 2 phần II.
 Tài liệu tham khảo
1. Bộ Tư pháp (2019), Tài liệu hướng dẫn nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (Kèm theo Công văn số 1083/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 29/3/2019 của Bộ Tư pháp).
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019), “Tìm hiểu về chỉ số Năng lực cạnh tranh 4.0 (GCI 4.0) của Diễn đàn kinh tế thế giới” – Tài liệu hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2019 và định hướng đến năm 2021 (Kèm theo Công văn số 1424/BKHĐT-QLKTTW ngày 07/3/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
3. Chính phủ (2019), Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
4. Lê Duy Bình (2019) “Cải thiện chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật theo báo cáo năng lực cạnh tranh quốc gia (GCI) của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF): Một số đề xuất về hướng tiếp cận và giải pháp” – Tài liệu Hội nghị “Về các giải pháp cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật” do Bộ Tư pháp tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 16/4/2019.  
5. Phan Đức Hiếu (2019) “Chi phí tuân thủ pháp luật: nhận biết và phương thức cắt giảm” - Tài liệu Hội nghị “Về các giải pháp cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật” do Bộ Tư pháp tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 16/4/2019.
6. World Economic Forum (2018), “The Global Competitiveness Report 2018”, retrieved from https://www.weforum.org/reports/the-global-competitveness-report-2018.