Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản
[1]. Thi hành các quyết định của Tòa án giải quyết phá sản là một trong những nội dung hoạt động của cơ quan Thi hành án Dân sự (THADS). Theo Điều
119 Luật Phá sản năm 2014, thẩm quyền thi hành quyết định tuyên bố phá sản được thực hiện theo quy định của Luật Phá sản năm 2014, pháp luật về THADS và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Vấn đề tổ chức thi hành các quyết định của Tòa án liên quan đến giải quyết phá sản được thực hiện chủ yếu theo quy định tại khoản 2 Điều 36; Điều 137 Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014( sau đây gọi tắt là Luật THADS), Điều 17 và Chương XII (từ Điều 119 đến Điều 127) Luật Phá sản năm 2014; Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản (Nghị định số 22/2015/NĐ-CP) và một số điều khoản tại các văn bản pháp luật khác có liên quan như Bộ luật dân sự năm 2015; Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao quy định một số vấn đề về thủ tục THADS và phối hợp liên ngành trong THADS; Công văn số 3089/BTP-TCTHADS ngày 09/9/2016 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về việc thi hành quyết định của Tòa án liên quan đến giải quyết phá sản(Công văn số 3089/BTP-TCTHADS).
Theo quy định tại Điều 17 Luật Phá sản năm 2014, thì thi hành Quyết định tuyên bố phá sản là một trong những nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan THADS trong quá trình giải quyết phá sản. Do tính chất đặc thù của quá trình giải quyết phá sản, việc tổ chức thi hành các quyết định của Tòa án trong quá trình giải quyết phá sản nói chung và thi hành quyết định tuyên bố phá sản nói riêng là một quá trình đặc biệt với những trình tự, thủ tục riêng biệt, không giống với những việc thi hành án thông thường khác. Khi tổ chức thi hành các Quyết định tuyên bố phá sản, cơ quan THADS cần lưu ý các vấn đề sau:
1. Về đối tượng thi hành trong Quyết định tuyên bố phá sản thuộc thẩm quyền của cơ quan THADS:
Trong Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản có rất nhiều nội dung như: Chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản; đình chỉ giao dịch liên quan đến doanh nghiệp, hợp tác xã; chấm dứt thực hiện nghĩa vụ tính lãi đối với doanh nghiệp, hợp tác xã; giải quyết hậu quả của giao dịch bị đình chỉ; tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu; chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, giải quyết quyền lợi của người lao động; Chấm dứt quyền hạn của đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã; Thanh lý tài sản và bán đấu giá tài sản còn lại của doanh nghiệp, hợp tác xã
[2] …
Trong Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản có những nội dung không thuộc thẩm quyền tổ chức thi hành của cơ quan THADS. Do đó, cơ quan THADS cần lưu ý các nội dung của Quyết định tuyên bố phá sản để xác định nội dung Quyết định thi hành án. Các khoản thuộc diện thu hồi nợ cho doanh nghiệp phá sản là phần liên quan đến tài sản nên thuộc trách nhiệm thi hành của cơ quan THADS. Đối với phần thanh lý tài sản còn lại của doanh nghiệp hợp tác xã phá sản, cơ quan THADS vẫn chủ động ra quyết định thi hành án nhưng sau đó có văn bản yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý thanh lý tài sản tổ chức thi hành nội dung này
[3].
2. Việc ra quyết định thi hành án:
Khoản 1 Điều 120 Luật Phá sản năm 2014 quy định: trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tuyên bố phá sản, cơ quan THADS có trách nhiệm chủ động ra quyết định thi hành, phân công Chấp hành viên thi hành quyết định tuyên bố phá sản. Tuy nhiên, về mặt thời hạn ra quyết định thi hành án, khoản 2 Điều 36 Luật THADS lại quy định: Đối với quyết định của Tòa án giải quyết phá sản thì cơ quan THADS phải ra quyết định thi hành án trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định. Điều chỉnh vấn đề này, Điểm a mục 2.2. Công văn số 3089/BTP-TCTHADS quy định: Đối với quyết định của Tòa án giải quyết phá sản, cơ quan THADS căn cứ điểm e khoản 2 Điều 36 Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 để xác định thời hạn ra quyết định thi hành án đối với quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.
3. Vị trí của chấp hành viên và cơ quan Thi hành án dân sự trong quá trình giải quyết phá sản:
Một điểm mới của Luật Phá sản năm 2014 là Luật đã thay thế chế định Tổ quản lý, thanh lý tài sản bằng một chế định hoàn toàn mới là Quản tài viên và Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Trước đây, Luật Phá sản năm 2004 quy định việc quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản do Tổ quản lý, thanh lý tài sản thực hiện và được thành lập bởi quyết định của Thẩm phán đồng thời với quyết định mở thủ tục phá sản
[4]. Theo quy định này thì Chấp hành viên tham gia giải quyết các vụ án phá sản với tư cách là thành viên của Tổ quản lý, thanh lý tài sản do Toà án thành lập; thẩm quyền quyết định trong quá trình giải quyết vụ việc thuộc về Thẩm phán toà án. Thủ trưởng Cơ quan THADS không ra các quyết định thi hành án đối với các quyết định của Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản, kể cả quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
[5].
Luật Phá sản năm 2014 đã có quy định mới về thẩm quyền, trình tự thủ tục thi hành quyết định tuyên bố phá sản của cơ quan THADS. Theo đó vai trò của Chấp hành viên và cơ quan THADS đã mang tính độc lập hơn. Cơ quan THADS có trách nhiệm chủ động ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định tuyên bố giao dịch vô hiệu, quyết định tuyên bố phá sản và các quyết định khác
[6]. Chấp hành viên cơ quan THADS chỉ thực hiện nhiệm vụ thi hành án sau khi có quyết định thi hành án của Thủ trưởng cơ quan THADS.
4. Thủ tục thi hành quyết định tuyên bố phá sản
Theo quy định tại khoản 2 Điều 120 Luật Phá sản năm 2014, sau khi được phân công tổ chức thi hành quyết định tuyên bố phá sản, Chấp hành viên thực hiện các công việc sau:
Một là: Mở một tài khoản tại ngân hàng đứng tên cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành quyết định tuyên bố phá sản để gửi các khoản tiền thu hồi được của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản;
Hai là: Giám sát Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện thanh lý tài sản;
Chấp hành viên có vai trò rất quan trọng trong việc giám sát Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Vấn đề giám sát của chấp hành viên đối với Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được quy định cụ thể tại Điều 17, Điều 18 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP.
Trường hợp Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không thực hiện được việc thanh lý tài sản: Theo quy định tại khoản 4 Điều 121 Luật Phá sản năm 2014 thì tài sản mà Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không thực hiện được việc thanh lý sau 02 năm kể từ ngày nhận
được văn bản yêu cầu của Chấp hành viên thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải chấm dứt việc thanh lý tài sản và bàn giao toàn bộ giấy tờ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản cho cơ quan THADS xử lý, thanh lý tài sản này theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp Chấp hành viên phát hiện Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có hành vi vi phạm quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về phá sản, Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Quản tài viên thì Chấp hành viên đề xuất Thẩm phán thay đổi Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản
[7].
Ba là: Thực hiện cưỡng chế để thu hồi tài sản, giao tài sản cho người mua được tài sản trong vụ việc phá sản theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;
Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 120 Luật Phá sản năm 2014 thì Chấp hành viên thực hiện việc cưỡng chế để thu hồi tài sản, giao tài sản cho người mua được tài sản trong vụ việc phá sản theo quy định của pháp luật về THADS. Do đó, trong trường hợp quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án có nội dung thu hồi tài sản hoặc trường hợp Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đã bán tài sản mà người phải thi hành án không tự nguyện giao tài sản thì Chấp hành viên có trách nhiệm thực hiện việc cưỡng chế thu hồi tài sản đó từ người phải thi hành án và cưỡng chế giao tài sản cho người mua được tài sản.
Bốn là: thực hiện phương án phân chia tài sản theo quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.
Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 120 Luật Phá sản năm 2014, sau khi nhận được báo cáo của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản về kết quả thanh lý tài sản, Chấp hành viên thực hiện phương án phân chia tài sản theo quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.
Điều 127 Luật Phá sản năm 2014 cũng quy định: Sau khi quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản mà phát hiện tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã chưa chia thì TAND đã tuyên bố phá sản xem xét và quyết định phân chia tài sản theo quy định tại Điều 54 Luật Phá sản năm 2014 về thứ tự phân chia tài sản. Cơ quan THADS sẽ tổ chức thực hiện quyết định phân chia tài sản theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, việc thi hành các quyết định của tòa án trong quá trình giải quyết phá sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Về mặt thể chế, một số quy định của pháp luật còn chưa hoàn thiện, có thể kể tới một số bất cập như sau:
Một là: Việc tổ chức thi hành các quyết định trong quá trình giải quyết phá sản hiện nay còn quy định rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng.
Hai là: Một số quy định trong Luật THADS và Luật Phá sản còn chưa có sự thống nhất.
-Về thời điểm
Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản tiến hành định giá tài sản: Khoản 1
Điều 121 Luật Phá sản năm 2014 quy định: Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định phân công của Thủ trưởng cơ quan THADS, Chấp hành viên có văn bản yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện việc thanh lý tài sản. Tuy nhiên khoản 1 Điều 122 Luật Phá sản năm 2014 quy định:
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tuyên bố phá sản, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải tổ chức định giá tài sản theo quy định của pháp luật. Như vậy, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản hoàn toàn chủ động trong việc định giá tài sản mà không phụ thuộc vào việc cơ quan THADS đã ra quyết định thi hành án cũng như việc Chấp hành viên có văn bản yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện việc thanh lý tài sản
[8]. Do đó cần có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa Chấp hành viên và
Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trong giai đoạn này.
- Về vấn đề định giá lại: Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP quy định nếu phát hiện Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về phá sản, pháp luật về định giá tài sản dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản, Chấp hành viên yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện việc định giá lại tài sản, trừ trường hợp Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đó bị thay đổi theo quy định tại khoản 1 và Khoản 2 Điều 18 của Nghị định này.
Điều 99 Luật THADS quy định việc định giá lại tài sản kê biên được thực hiện trong các trường hợp sau: Chấp hành viên có vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 98 của Luật này dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản; Đương sự có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản. Yêu cầu định giá lại chỉ được thực hiện một lần và chỉ được chấp nhận nếu đương sự có đơn yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo về kết quả thẩm định giá và phải nộp ngay tạm ứng chi phí định giá lại tài sản.
Như vậy, chủ thể được quyền yêu cầu định giá lại bao gồm đương sự (người được thi hành án, người phải thi hành án)
[9] tuy nhiên tại Luật Phá sản 2014 không quy định quyền yêu cầu định giá lại của những chủ nợ (người được thi hành án). Do đó cần xem xét quy định thống nhất về vấn đề này.
Ba là: Quy định về việc áp dụng pháp luật còn chưa rõ ràng
Tại khoản 4 Điều 121 Luật Phá sản 2014 quy định:
Tài sản mà Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không thực hiện được việc thanh lý sau 02 năm kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Chấp hành viên theo quy định tại khoản 2 Điều này thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải chấm dứt việc thanh lý tài sản và bàn giao toàn bộ giấy tờ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản cho cơ quan thi hành án dân sự xử lý, thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, cần quy định rõ hơn nữa về việc cơ quan THADS xử lý, thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật về Phá sản 2014 hay pháp luật về THADS để tiếp tục tổ chức việc thanh lý tài sản?.
Hiện nay ngoài các quy định tại Luật phá sản năm 2014, Luật THADS, Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản thì chỉ có một văn bản hướng dẫn thi hành các quyết định của Tòa án liên quan đến giải quyết phá sản là Công văn số 3089/BTP-TCTHADS ngày 09/9/2016 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về việc thi hành quyết định của Tòa án liên quan đến giải quyết phá sản. Theo cá nhân tác giả, tổ chức thi hành các quyết định của Tòa án trong quá trình giải quyết phá sản là một vấn đề hết sức khó khăn, phức tạp và có những đặc thù riêng, không giống với những việc thi hành án thông thường khác; do đó vấn đề này cần được quy định tại một văn bản pháp lý cao hơn. Mặt khác cần quan tâm đến công tác tập huấn chuyên sâu về Luật Phá sản năm 2014 và các văn bản pháp luật có liên quan cho Chấp hành viên và cơ quan THADS để nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành án đối với các loại việc này.
Ths. Hoàng Thị Thanh Hoa
Chi cục THADS huyện Phú Xuyên, Hà Nội
[1]Khoản 2 Điều 4 Luật phá sản năm 2014
[2] Điều 108 Luật phá sản năm 2014
[3] Khoản 1 Điều 121 Luật Phá sản năm 2014
[4] Điều 9 Luật Phá sản năm 2004
[5] Điều 138 Luật THADS năm 2008 đã bị xóa bỏ
[6] Điều 17 Luật Phá sản năm 2014