Quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 về thủ tục rút gọn, vướng mắc, bất cập và hướng hoàn thiện

30/06/2017
Trên cơ sở yêu cầu cải cách tư pháp cũng như kế thừa các hướng dẫn về thủ tục rút gọn (sau đây được viết tắt là TTRG) trong các văn bản pháp luật trước đó, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (sau đây được viết tắt là BLTTHS năm 2003) đã quy định TTRG tại Chương XXXIV gồm 07 điều từ Điều 318 đến Điều 324 với các quy định về phạm vi, điều kiện, thẩm quyền, thời hạn và thủ tục áp dụng. Tuy nhiên, số lượng các vụ án được giải quyết theo TTRG trên thực tiễn không đáng kể so với số vụ án các các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết hàng năm[1]. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ quy định của BLTTHS năm 2003 còn chưa hoàn chỉnh về trình tự, thủ tục tiến hành; tính ràng buộc cũng như trách nhiệm khi không áp dụng thủ tục này chưa được quy định nên tạo sự tùy nghi trong việc áp dụng; các điều kiện áp dụng chưa bám sát thực tiễn, quy định còn chung chung, thiếu chặt chẽ; thời gian giải quyết quá ngắn nên gây áp lực cho cơ quan, người tiến hành tố tụng khi áp dụng thủ tục này.
Chính vì vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sau đây được viết tắt là BLTTHS năm 2015) được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2015 (đang bị lùi thời gian có hiệu lực theo Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội)[2] đã quy định TTRG tại Chương XXXI gồm 11 điều từ Điều 455 đến Điều 465 với nhiều sửa đổi, bổ sung, quy định mới để phát huy ý nghĩa, vai trò của TTRG trong giải quyết các vụ án hình sự, khắc phục các vướng mắc, bất cập qua thực tiễn áp dụng.
Nhìn chung, quy định về TTRG trong BLTTHS năm 2015 đã cụ thể hóa quan điểm của Đảng theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/12/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; kế thừa các quy định tương ứng trong BLTTHS năm 2003; khắc phục các khó khăn, vương mắc qua thực tiễn áp dụng TTRG để giải quyết các vụ án hình sự trong thời gian qua… Tuy nhiên, một vài quy định về TTRG trong BLTTHS năm 2015 chưa được quy định chi tiết, cụ thể nên vẫn chưa có cách hiểu, áp dụng thống nhất.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày quy định của BLTTHS năm 2015 về TTRG trong đó có phân tích, đánh giá những điểm mới so với quy định tương ứng trong BLTTHS năm 2003, nêu lên những vướng mắc, bất cập và kiến nghị giải pháp hoàn thiện.
1. Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về thủ tục rút gọn
1.1. Về phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn
Theo Điều 455 BLTTHS năm 2015, TTRG được áp dụng đối với việc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm được thực hiện theo quy định của Chương XXXI BLTTHS năm 2015 và những quy định khác của BLTTHS năm 2015 không trái với quy định của Chương này.
TTRG là 01 trong các thủ tục đặc biệt được BLTTHS năm 2015 quy định. Xuất phát từ mục đích, ý nghĩa của TTRG cho nên phạm vi áp dụng TTRG chỉ áp dụng ở giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm mà không áp dụng đến giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm. Bởi vì, khi vụ án được xem xét theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm thì vụ án cần được xem xét thận trọng nên cần có thời gian để nghiên cứu, đánh giá toàn diện các tình tiết của vụ án.
Bên cạnh đó, khi đã quyết định giải quyết vụ án theo TTRG thì quy định tại Chương XXXI BLTTHS năm 2015 sẽ ưu tiên được áp dụng trước. Đồng thời, để tránh quy định về TTRG một cách rườm rà và tận dụng các quy định chung về thủ tục giải quyết vụ án, đối với những thủ tục mà Chương XXXI BLTTHS năm 2015 không quy định thì được áp dụng quy định khác của BLTTHS năm 2015 để giải quyết nhưng phải đảm bảo các đặc thù về việc giải quyết vụ án theo TTRG, nhất là phải đảm bảo thời hạn giải quyết vụ án.
So với quy định hiện hành, phạm vi áp dụng TTRG đã được mở rộng đến giai đoạn xét xử phúc thẩm. Việc mở rộng phạm vi này đã đảm bảo mục đích, ý nghĩa, vai trò của TTRG, rút ngắn thời gian giải quyết vụ án hình sự ở giai đoạn xét xử phúc thẩm. Bởi vì, với điều kiện để giải quyết vụ án hình sự theo TTRG ở giai đoạn xét xử phúc thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm chỉ phải xem xét lại việc áp dụng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm liên quan đến kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt cho người phạm tội, cho người phạm tội hưởng án treo.
1.2. Về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn
Theo Điều 456 BLTTHS năm 2015, tùy thuộc vào giai đoạn tố tụng mà điều kiện áp dụng TTRG được quy định khác nhau. Cụ thể:
1.2.1. Đối với giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm
Việc áp dụng TTRG khi có đủ 04 điều kiện sau: (1) người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú; (2) sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; (3) tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; (4) người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng. Chỉ khi nào đảm bảo tất cả các điều này thì TTRG mới được áp dụng. Nếu thiếu 01 trong 04 điều kiện này thì vụ án phải được giải quyết theo thủ tục chung.
So với quy định tương ứng trong BLTTHS năm 2003, về cơ bản, quy định về điều kiện áp dụng TTRG ở giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm tại khoản 1 Điều 456 BLTTHS năm 2015 kế thừa quy định tại Điều 319 BLTTHS năm 2003 nhưng có sự mở rộng, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính lôgic và đảm bảo ý nghĩa của TTRG.
Theo đó, về dấu hiệu liên quan đến người phạm tội, bên cạnh dấu hiệu “người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang” đã bổ sung dấu hiệu “người phạm tội tự thú” cũng được áp dụng TTRG. Việc bổ sung này phản ánh yêu cầu đấu trang phòng chống tội phạm và phát huy ý nghĩa của việc áp dụng TTRG. Bởi vì, việc quy định điều kiện liên quan đến người phạm tội không nhằm mục đích nào khác là dễ dàng điều tra, truy tố, xét xử vụ án vì khi đó, các tài liệu, chứng cứ để chứng minh các vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự đã có thể xác định ngay thời điểm xác định được dấu hiệu này, rút ngắn thời gian điều tra vụ án. Trên thực tế, có nhiều vụ án mà “người phạm tội tự thú” về hành vi phạm tội của mình thì nội dung sự việc đơn giản, chứng cứ rõ ràng phù hợp với việc áp dụng TTRG để giải quyết. Tuy nhiên, do BLTTHS năm 2003 không quy định dấu hiệu “người phạm tội tự thú” được áp dụng TTRG nên phải áp dụng thủ tục chung giải quyết dẫn đến tốn thời gian, chi phí không cần thiết. Vì vậy, BLTTHS năm 2015 khắc phục hạn chế này qua việc bổ sung dấu hiệu “người phạm tội tự thú” là điều kiện xem xét, giải quyết vụ án theo TTRG.
Bên cạnh đó, dấu hiệu “người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng” tại khoản 4 Điều 319 BLTTHS năm 2003 cũng được sửa đổi, bổ sung. Bởi vì, qua thực tiễn, khó xác định thế nào là “có căn cước, lai lịch rõ ràng” do chúng thuộc về yếu tố nhân thân của người phạm tội và có phạm vi rất rộng. Nếu làm rõ căn cước, lai lịch của người phạm tội sẽ tốn nhiều thời gian, không đảm bảo yêu cầu của TTRG. Cho nên, BLTTHS năm 2015 đã thay sửa đổi, bổ sung điều kiện “người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng” tại khoản 4 Điều 319 BLTTHS năm 2003 thành “người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng” tại điểm d khoản 1 Điều 456 cho dễ dàng áp dụng trong thực tiễn.
1.2.2. Đối với giai đoạn xét xử phúc thẩm
Với việc mở rộng phạm vi áp dụng TTRG đến giai đoạn xét xử phúc thẩm, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung điều kiện áp dụng TTRG ở giai đoạn xét xử phúc thẩm tại khoản 2 Điều 457. Theo đó, TTRG được áp dụng trong xét xử phúc thẩm khi có một trong hai điều kiện:
Một là, vụ án đã được áp dụng TTRG trong xét xử sơ thẩm và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo;
Hai là, vụ án chưa được áp dụng TTRG trong xét xử sơ thẩm nhưng có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 456 BLTTHS năm 2015 và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo.
Như vậy, TTRG chỉ được áp dụng ở giai đoạn xét xử phúc thẩm khi vụ án đó đảm bảo các điều kiện áp dụng TTRG ở giai đoạn xét xử sơ thẩm (có thể TTRG đã được áp dụng ở giai đoạn xét xử sơ thẩm hoặc chưa áp dụng) và nội dung kháng cáo, kháng nghị chỉ xoay quanh việc áp dụng pháp luật khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, chứ không liên quan đến các vấn đề khác cần phải giải quyết trong vụ án (như: tội danh, vấn đề dân sự trong vụ án hình sự…).
1.3. Về quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, hủy quyết định áp dụng thủ tục rút gọn
1.3.1. Về tính ràng buộc trong việc áp dụng thủ tục rút gọn và chủ thể có thẩm quyền áp dụng thủ tục rút gọn
Theo đoạn 1 khoản 1 Điều 457 BLTTHS năm 2015, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi vụ án có đủ điều kiện quy định tại Điều 456 BLTTHS năm 2015, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải ra quyết định áp dụng TTRG. Đồng thời, theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 36, điểm l khoản 2 Điều 41 và điểm c khoản 2 Điều 44 BLTTHS năm 2015, thẩm quyền này này lần lượt thuộc về Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án.
Đối chiếu với quy định tương ứng trong BLTTHS năm 2003, quy định này có một vài điểm mới. Theo khoản 1 Điều 320 BLTTHS năm 2003, “Sau khi khởi tố vụ án, theo đề nghị của Cơ quan điều tra hoặc xét thấy vụ án có đủ các điều kiện quy định tại Điều 319 của Bộ luật này, Viện kiểm sát có thể ra quyết định áp dụng TTRG”. Với quy định này thì việc có quyết định áp dụng TTRG hay không tùy thuộc vào cơ quan tiến hành tố tụng vì điều luật chỉ quy định là “có thể” mà không bắt buộc phải ra quyết định áp dụng TTRG khi có những điều kiện nhất định. Với quy định này không tạo ra sự ràng buộc cũng như kích thích các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng TTRG trong điều tra, truy tố, xét xử.
Bên cạnh đó, theo các khoản 1, 3 Điều 320 BLTTHS năm 2003, thẩm quyền đề nghị áp dụng TTRG là Cơ quan điều tra và thẩm quyền áp dụng TTRG là Viện kiểm sát mà chưa trao quyền quyết định áp dụng cho Cơ quan điều tra, Tòa án khi có đầy đủ các điều kiện áp dụng do luật định. Quy định này đã hạn chế việc áp dụng TTRG trong quá trình giải quyết vụ án do việc áp dụng TTRG trong các giai đoạn tố tụng phụ thuộc vào việc Viện kiểm sát có áp dụng hay không.
Vì vậy, quy định tại đoạn 1 khoản 1 Điều 457 BLTTHS năm 2015 đã khắc phục hạn chế về chủ thể có thẩm quyền quyết đinh áp dụng TTRG và sự tùy nghi trong việc áp dụng TTRG được quy định trong BLTTHS năm 2003.
1.3.2. Về thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc việc áp dụng thủ tục rút gọn
Theo đoạn 2 khoản 1 Điều 457 BLTTHS năm 2015, TTRG được áp dụng kể từ khi ra quyết định cho đến khi kết thúc việc xét xử phúc thẩm, trừ trường hợp bị hủy bỏ theo quy định tại Điều 458 BLTTHS năm 2015.
Tuy nhiên, không phải mọi vụ án được giải quyết theo TTRG đều phải qua thủ tục xét xử phúc thẩm mà tùy theo từng vụ án, chúng có thể kết ở giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hoặc xét xử phúc thẩm.
Đây là điểm mới so với quy định về TTRG trong BLTTHS năm 2003. Do BLTTHS năm 2003 không quy định thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc của TTRG nên đã tồn tại những quan điểm khác nhau trong thực tiễn về sự ràng buộc của TTRG đối với giai đoạn xét xử sơ thẩm trong trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn ở các giai đoan tố tụng trước đó. Vì vậy, sự bổ sung này của BLTTHS năm 2015 đã đảm bảo tính xuyên suốt của việc áp dụng TTRG trong quá trình giải quyết vụ án từ giai đoạn điều tra đến giai đoạn xét xử phúc thẩm.
1.3.3. Việc xử lý quyết định áp dụng thủ tục rút gọn không đúng quy định
Theo các khoản 3, 4 Điều 457 và Điều 458 BLTTHS năm 2015, khi phát hiện quyết định áp dụng TTRG không đúng quy định thì tùy theo giai đoạn tố tụng, cơ quan đang tiến hành tố tụng phải tiến hành xử lý. Cụ thể:
- Nếu quyết định áp dụng TTRG do Cơ quan điều tra ban hành không đúng pháp luật thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được quyết định, Viện kiểm sát phải ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng TTRG và gửi cho Cơ quan điều tra.
- Nếu quyết định áp dụng TTRG do Tòa án ban hành không đúng pháp luật thì Viện kiểm sát kiến nghị với Chánh án Tòa án đã ra quyết định. Chánh án Tòa án phải xem xét, trả lời trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được kiến nghị của Viện kiểm sát.
- Trong quá trình áp dụng TTRG, nếu một trong các điều kiện áp dụng TTRG không còn hoặc vụ án thuộc trường hợp tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định của BLTTHS năm 2015 thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng TTRG và giải quyết vụ án theo thủ tục chung. Thời hạn tố tụng của vụ án được tính tiếp theo thủ tục chung kể từ khi có quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng TTRG.
Quy định này đã khắc phục hạn chế của quy định tương ứng trong BLTTHS năm 2003. Theo khoản 2 Điều 323 BLTTHS năm 2003, việc hủy quyết định áp dụng TTRG chuyển sang giải quyết theo thủ tục chung xảy ra trong giai đoạn truy tố khi Viện kiểm sát trả hồ sơ điều tra bổ sung, tạm đình chỉ và việc hủy quyết định sẽ có giá trị cho cả 03 giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, BLTTHS năm 2003 không quy định trong giai đoạn điều tra, sau khi có quyết định mà thấy việc đánh giá điều kiện không phù hợp thì cơ quan đã ban hành quyết định áp dụng TTRG có quyền hủy quyết định hay không nên đã hạn chế việc khắc phục sai sót do áp dụng TTRG không đúng. Tương tự, trong giai đoạn truy tố, xét xử cũng gặp khó khăn khi Viện kiểm sát, Tòa án đánh giá các điều kiện áp dụng TTRG không đảm bảo nhưng không thuộc trường hợp trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc tạm đình chỉ thì lại không được hủy việc áp dụng TTRG.
1.3.4. Việc gửi, tống đạt, kiến nghị, khiếu nại và giải quyết kiến nghị, khiếu nại việc đối quyết định áp dụng thủ tục rút gọn
Theo các khoản 2, 5 Điều 457 BLTTHS năm 2015, quyết định áp dụng TTRG được giao cho bị can, bị cáo hoặc người đại diện của họ, gửi cho người bào chữa trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định. Quyết định áp dụng TTRG của Cơ quan điều tra, Tòa án được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định.
Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn có thể bị khiếu nại. Bị can, bị cáo hoặc người đại diện của họ có quyền khiếu nại quyết định áp dụng thủ tục rút gọn; thời hiệu khiếu nại là 05 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Khiếu nại được gửi đến Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đã ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và phải được giải quyết trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại.
So với quy định của BLTTHS năm 2003, quy định tại các khoản 2, 5 Điều 457 BLTTHS năm 2015 đã mở rộng phạm vi chủ thể được nhận quyết định áp dụng TTRG (người bào chữa) và tăng cường sự kiểm sát của Viện kiểm sát cùng cấp đối với quyết định áp dụng TTRG do Cơ quan điều tra, Tòa án ban hành.
Quy định này nhằm đảm bảo việc áp dụng TTRG là đúng đắn, tránh sự tùy tiện khi áp dụng và bảo đảm một cách tốt nhất quyền lợi của người phạm tội, nhất là quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Bởi vì, mục đích của việc áp dụng TTRG nhằm phục vụ cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm là chính (chủ yếu là tránh tồn đọng án, bớt chi phí tiền hành các hoạt động tố tụng). Đồng thời, trong các điều kiện áp dụng TTRG, không có điều kiện phải có sự chấp nhận áp dụng của người phạm tội nên người phạm tội là người thụ động trong việc TTRG được áp dụng.
Mặc dù, BLTTHS năm 2015 không quy định rõ nội dung khiếu nại, kiến nghị và kết quả giải quyết khiếu nại, kiến nghị. Tuy nhiên, dựa vào quy định của điều luật có thể hiểu nội dung khiếu nại là không chấp nhận, phản đối việc áp dụng thủ tục rút gọn từ Viện kiểm sát cùng cấp, bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ. Đồng thời, kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án cũng được hiểu là chấp nhận hoặc không chấp nhận khiếu nại. Trong trường hợp chấp nhận khiếu nại thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải ban hành quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng TTRG và vụ án được giải quyết theo thủ tục chung.
1.4. Về điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục rút gọn
1.4.1. Về thời hạn điều tra, truy tố, xét xử
Theo quy định tại các Điều 460, 461, 462 và 464 BLTTHS năm 2015, thời hạn tiến hành các giai đoạn tố tụng điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm ngắn hơn theo thủ tục chung. Theo đó, thời hạn tiến hành tố tụng theo TTRG không quá 64 ngày. Trong đó, thời hạn điều tra không quá 20 ngày; thời hạn truy tố không quá 05 ngày; thời hạn xét xử sơ thẩm không quá 17 ngày (thời hạn chuẩn bị xét xử là 10 ngày và thời hạn mở phiên tòa từ khi ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử là 07 ngày); thời hạn xét xử phúc thẩm không quá 22 ngày (thời hạn chuẩn bị xét xử là 15 ngày và thời hạn mở phiên tòa từ khi ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử là 07 ngày).
Việc quy định thời hạn tố tụng của từng giai đoạn tố tụng ngắn hơn so với thủ tục chung xuất phát từ bản chất của TTRG là rút ngắn thời gian giải quyết vụ án với các điều kiện áp dụng nhất định. Cho nên, thời hạn tiến hành tố tụng phải đảm bảo việc diễn ra nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo tính chính xác, khách quan của quá trình tố tụng.
Nhìn chung, thời hạn tố tụng mà BLTTHS năm 2015 quy định đối với TTRG đảm bảo cho việc tiến hành các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng; điều kiện hoàn cảnh xảy ra tội phạm; khối lượng công việc của cơ quan, người tiến hành tố tụng; cơ sở vật chất phục vụ cho việc tiến hành các hoạt động tố tụng; năng lực của cơ quan tiến hành tố tụng.
So với quy định tương ứng trong BLTTHS năm 2003, BLTTHS năm 2015 đã nâng thời hạn tố tụng của từng giai đoạn tố tụng. Theo quy định tại các Điều 321, 322 và 324 BLTTHS năm 2003 thì thời hạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm lần lược là 12, 04 và 14 ngày. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc các cơ quan tiến hành tố tụng hạn chế áp dụng TTRG theo quy định của BLTTHS năm 2003. Bởi vì, do thời hạn trong từng giai đoạn tố tụng quá ngắn, trong khi các hoạt động bổ trợ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử (như: định giá, giám định, trích lục tiền án, tiền sự, cung cấp thông tin về lý lịch bị can …) chưa đáp ứng đối với thời hạn rút ngắn theo TTRG. Đồng thời, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, việc phát sinh tình tiết mới so với đánh giá ban đầu thường xuyên xảy ra. Cho nên, quy định về thời hạn tố tụng của từng giai đoạn tố tụng đã khắc phục bất cập quy định của BLTTHS năm 2003 về thời hạn tiến hành các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
1.4.2. Về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam để điều tra, truy tố, xét xử
Theo quy định tại Điều 459 BLTTHS năm 2015, việc áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam được quy định như sau:
- Về căn cứ, thẩm quyền và thủ tục áp dụng: Căn cứ, thẩm quyền và thủ tục áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam được thực hiện theo quy định của BLTTHS năm 2015.
- Về thời hạn tạm giữ, tạm giam:
+ Thời hạn tạm giữ không được quá 03 ngày kể từ ngày Cơ quan điều tra nhận người bị bắt.
+ Thời hạn tạm giam trong giai đoạn điều tra không quá 20 ngày, trong giai đoạn truy tố không quá 05 ngày, trong giai đoạn xét xử sơ thẩm không quá 17 ngày, trong giai đoạn xét xử phúc thẩm không quá 22 ngày.
Quy định về thời hạn tạm giữ giống với thời hạn tạm giữ theo thủ tục chung. Tuy nhiên, điểm khác nhau giữa việc áp dụng biện pháp tạm giữ theo TTRG với thủ tục chung là không được gia hạn thời hạn tạm giữ. Quy định này xuất phát từ đặc thù của TTRG là rút ngắn thời gian giải quyết vụ án và tài liệu, chứng cứ đã rõ ràng, đơn giản. Trong khoảng thời gian 03 ngày, Cơ quan điều tra hoàn toàn có đủ thời gian quyết định việc có khởi tố bị can hay không.
Đối với biện pháp tạm giam, thời hạn tạm giam để điều tra, truy tố, xét xử không vượt quá thời hạn tiến hành các hoạt động tương ứng. Quy đinh này xuất phát từ đặc thù của vụ án được giải quyết theo TTRG và để nâng cao trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, đảm bảo việc hoàn thành điều tra, truy tố đúng thời hạn tố tụng, không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người phạm tội.
So với quy định tương ứng của BLTTHS năm 2003, quy định về thời hạn tạm giam để điều tra, truy tố trong BLTTHS năm 2015 khắc phục hạn chế của BLTTHS năm 2003. Bởi vì, khoản 3 Điều 322 BLTTHS năm 2003 quy định thời hạn tạm giam để điều tra, truy tố không được quá 16 ngày nhưng không quy định tách bạch thời hạn tạm giam để điều tra, thời hạn tạm giam để truy tố nên dẫn đến vướng mắc hoặc là Cơ quan điều tra ra lệnh tạm giam cho cả thời hạn điều tra, truy tố hoặc là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra lệnh tạm giam riêng tương ứng với thời hạn tố tụng của từng giai đoạn điều tra, truy tố.
1.4.3. Về các hoạt động trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm
* Đối với giai đoạn điều tra:
Theo các khoản 2, 3 Điều 460 BLTTHS, khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra ra quyết định đề nghị truy tố.
Quyết định đề nghị truy tố thể hiện các nội dung: (1) ghi tóm tắt hành vi phạm tội, thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; (2) việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; (3) việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật và xử lý vật chứng; (4) đặc điểm nhân thân của bị can, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; (5) lý do và căn cứ đề nghị truy tố; (6) tội danh, điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự được áp dụng; (7) ghi rõ thời gian, địa điểm, họ tên và chữ ký của người ra quyết định.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định đề nghị truy tố, Cơ quan điều tra phải giao quyết định đề nghị truy tố cho bị can hoặc người đại diện của bị can, gửi cho người bào chữa, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ và chuyển quyết định đề nghị truy tố cùng hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát.
So với điều tra theo thủ tục chung, việc điều tra theo TTRG có điểm khác biệt cơ bản là khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra không phải làm bản kết luận điều tra mà ra quyết định đề nghị truy tố và không được gia hạn thời hạn điều tra. Do tính chất của vụ án theo TTRG tương đối đơn giản, chứng cứ chứng minh các tình tiết của vụ án phần lớn đã được thu thập khi phát hiện tội phạm và chủ yếu được phản ánh trong biên bản bắt người phạm tội quả tang, văn bản tiếp nhận người phạm tội tự thú nên hoạt động điều tra được tiến hành tương đối dễ dàng. Cho nên, khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra không cần phải làm bản kết luận điều tra mà chỉ cần ra quyết định đề nghị truy tố đề nghị viện kiểm sát truy tố.
Về thẩm quyền ban hành các quyết định của Cơ quan điều tra trong giai đoạn điều tra, do BLTTHS không quy định nên thẩm quyền của Cơ quan điều tra sẽ thực hiện theo thủ tục chung.
* Đối với giai đoạn truy tố:
- Về thẩm quyền ban hành các quyết định: Không như giai đoạn điều tra, Điều 461 BLTTHS năm 2015 quy định rõ thẩm quyền ban hành quyết định của Viện kiểm sát trong giai đoạn truy tố. Theo đó, trong thời hạn truy tố, Viện kiểm sát có quyền ban hành một trong các quyết định: (1) Truy tố bị can trước Tòa án bằng quyết định truy tố; (2) Không truy tố bị can và ra quyết định đình chỉ vụ án; (3) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung; (4) Tạm đình chỉ vụ án; (5) Đình chỉ vụ án.
Đồng thời, theo Điều 458 BLTTHS năm 2015, trong trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc tạm đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát phải ra quyết định huỷ bỏ quyết định áp dụng TTRG và vụ án được giải quyết theo thủ tục chung. Bởi vì, khi đó bản chất của vụ án là phức tạp, không đảm bảo điều kiện áp dụng TTRG như Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đánh giá ban đầu.
- Về nội dung quyết định truy tố: Quyết định truy tố thể hiện các nội dung sau: (1) ghi tóm tắt hành vi phạm tội, thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; (2) việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; (3) việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật và việc xử lý vật chứng; (4) đặc điểm nhân thân của bị can, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nêu rõ lý do và căn cứ truy tố; (6) tội danh, điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự được áp dụng và (7) ghi rõ thời gian, địa điểm, họ tên và chữ ký của người ra quyết định.
- Việc giao, gửi quyết định truy tố: Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định truy tố, Viện kiểm sát phải giao quyết định cho bị can hoặc người đại diện của họ; gửi cho Cơ quan điều tra, người bào chữa, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ và chuyển quyết định truy tố cùng hồ sơ vụ án cho Tòa án.
* Đối với giai đoạn xét xử sơ thẩm:
BLTTHS năm 2015 đã có sự phân chia giai đoạn xét xử sơ thẩm thành chuẩn bị xét xử và phiên tòa xét xử sơ thẩm.
- Đối với giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm:
+ Về thẩm quyền ban hành các quyết định: Theo khoản 1 Điều 462 BLTTHS năm 2015, trong thời hạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định: (1) Đưa vụ án ra xét xử; (2) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung; (3) Tạm đình chỉ vụ án hoặc (4) Đình chỉ vụ án.
Trong trường hợp Tòa án ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử thì trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày ra quyết định, Toà án phải mở phiên toà xét xử vụ án.
+ Về việc gửi, giao quyết định đưa vụ án ra xét xử: Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi quyết định đó cho Viện kiểm sát cùng cấp; giao cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo; gửi cho người bào chữa, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ.
- Đối với phiên tòa sơ thẩm: Về cơ bản, phiên tòa sơ thẩm giải quyết vụ án theo TTRG vẫn được tiến hành theo thủ tục chung. Riêng chủ thể có thẩm quyền xét xử, nghị án được quy định theo hướng rút gọn trên cơ sở cụ thể hóa quy định từ Hiến pháp năm 2013. Theo khoản 1 và khoản 4 Điều 103 Hiến pháp năm 2013, “Việc xét xử sơ thẩm của Toà án nhân dân có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo TTRG” và “Toà án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo TTRG”. Cụ thể hóa quy định này của Hiến pháp và đảm báo mục đích, ý nghĩa của TTRG, Điều 463 BLTTHS năm 2015 đã quy định phiên tòa xét xử sơ thẩm theo TTRG do một Thẩm phán tiến hành và không tiến hành nghị án trong quá trình xét xử sơ thẩm. Sau phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, Kiểm sát viên công bố quyết định truy tố. Các trình tự, thủ tục khác tại phiên tòa xét xử sơ thẩm được thực hiện theo thủ tục chung quy định tại BLTTHS năm 2015.
Cũng như giai đoạn truy tố, trong trường hợp Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc tạm đình chỉ vụ án thì Tòa án phải ra quyết định huỷ bỏ quyết định áp dụng TTRG và vụ án được giải quyết theo thủ tục chung.
So với quy định của BLTTHS năm 2003, quy định về về điều tra, truy tố, xét xử của BLTTHS năm 2015 có một số điểm được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới như sau:
Một là, luật hóa các văn bản tố tụng đánh dấu kết thúc giai đoạn điều tra, truy tố theo TTRG chuyển sang giai đoạn tố tụng khác và ấn định thời gian chuyển giao các văn bản tố tụng này cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan
Các Điều 321, 323 BLTTHS năm 2003 chỉ quy định ngắn gọn về văn bản tố tụng đánh dấu kết thúc giai đoạn điều tra, truy tố chuyển sang giai đoạn tố tụng khác. Theo đó, khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra ra quyết định đề nghị truy tố và gửi hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát. Trong thời hạn truy tố, Viện kiểm sát phải ra một trong những quyết định: (1) Truy tố bị can trước Tòa án bằng quyết định truy tố; (2) trả hồ sơ để điều tra bổ sung; (3) tạm đình chỉ vụ án; (4) đình chỉ vụ án. Với quy định này, trong trường hợp vụ án đang trong giai đoạn điều tra, truy tố chuyển sang giai đoạn tố tụng khác thì mỗi nơi sẽ ra quyết định đề nghị truy tố, quyết định truy tố theo TTRG là khác nhau tạo nên sự tùy nghi, gây khó khăn cho người tham gia tố tụng, nhất là những người không am hiểu pháp luật.
Bên cạnh đó, do BLTTHS năm 2003 không quy định việc giao, thời hạn giao văn bản tố tụng đánh dấu kết thúc giai đoạn điều tra, truy tố chuyển sang giai đoạn tố tụng khác nên dễ dẫn đến việc Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát không tống đạt hoặc tống đạt trễ quyết định đề nghị truy tố, quyết định truy tố theo TTRG cho bị can, người bào chữa, trong đó có trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát giao quyết định đề nghị truy tố, quyết định truy tố theo TTRG sau khi hết thời hạn điều tra, truy tố, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan.
Hai là, phân chia giai đoạn xét xử sơ thẩm thành chuẩn bị xét xử và phiên tòa xét xử sơ thẩm
BLTTHS năm 2003 chỉ quy định về xét xử sơ thẩm tại Điều 324 mà không có sự phân chia thành chuẩn bị xét xử sơ thẩm và phiên tòa sơ thẩm nên gây khó khăn trong việc xác định hoạt động tố tụng nào thuộc về chuẩn bị xét xử sơ thẩm, hoạt động tố tụng nào thuộc về phiên tòa sơ thẩm. Khắc phục hạn chế này, BLTTHS năm 2015 đã có sự phân chia giai đoạn xét xử sơ thẩm thành chuẩn bị xét xử (Điều 462) và phiên tòa xét xử sơ thẩm (Điều 463).
1.4.4. Về xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn
Theo khoản 5 Điều 324 BLTTHS năm 2003, việc xét xử phúc thẩm đối với vụ án đã xét xử sơ thẩm theo TTRG được tiến hành theo thủ tục chung.
Với việc mở rộng phạm vi áp dụng TTRG ở cấp phúc thẩm, BLTTHS năm 2015 bổ sung quy định về xét xử phúc thẩm theo TTRG tại Điều 464 về chuẩn bị xét xử phúc thẩm và Điều 465 về phiên tòa xét xử phúc thẩm. Nhìn chung, quy định về xét xử phúc thẩm theo TTRG được tiến hành theo thủ tục chung nhưng có một số điểm khác biệt quan trọng sau:
* Đối với giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm:
Bên cạnh quy định về thời gian tố tụng, thời hạn tạm giam như trình bày ở các phần trên, Điều 464 BLTTHS năm 2015 còn quy định các vấn đề sau:
- Về thẩm quyền ban hành quyết định: Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán được phân công xét xử ra một trong 02 quyết định: (1) Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và (2) Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án.
- Về việc chuyển giao hồ sơ vụ án với Viện kiểm sát cùng cấp: Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án phải chuyển ngay hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát phải trả hồ sơ vụ án cho Tòa án.
- Về việc gửi, giao quyết định đưa vụ án ra xét xử: Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định đó cho Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa; giao cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ.
* Đối với phiên tòa phúc thẩm:
Theo Điều 465 BLTTHS năm 2015, về cơ bản, phiên tòa phúc thẩm giải quyết vụ án theo TTRG vẫn được tiến hành theo thủ tục chung. Riêng chủ thể có thẩm quyền xét xử, nghị án được quy định theo hướng rút gọn trên cơ sở cụ thể hóa quy định từ Hiến pháp năm 2013. Theo đó, việc xét xử phúc thẩm theo TTRG do một Thẩm phán tiến hành. Các trình tự, thủ tục tại phiên tòa phúc thẩm được thực hiện theo thủ tục chung nhưng không tiến hành nghị án.
2. Một vài khó khăn, vướng mắc, bất cập và kiến nghị khắc phục
2.1. Một vài khó khăn, vướng mắc, bất cập
Qua nghiên cứu quy định về TTRG, các quy định có liên quan của BLTTHS năm 2015 và thực tiễn áp dụng TTRG trong thời gian, chúng tôi nhận thấy việc áp dụng quy định TTRG trong BLTTHS năm 2015 trong thời gian tới sẽ gặp phảỉ một số khó khăn, vướng mắc, bất cập sau:
Thứ nhất, việc ban hành quyết định tạm giam, quyết định bắt tạm giam tại phiên tòa
Do BLTTHS năm 2015 không quy định rõ nên trong trường hợp tại phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm mà Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa thấy cần tiếp tục tam giam bị cáo hoặc cần bắt tạm giam bị cáo để đảm bảo việc thi hành án, tránh việc bị cáo bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội thì chủ thể nào có thẩm quyền ban hành quyết định tạm giam, quyết định bắt, tạm giam vẫn chưa có cách hiểu thống nhất.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa được tự mình ban hành quyết định.
Quan điểm thứ hai cho rằng, Điều 329 và Điều 347 BLTTHS năm 2015 quy định chỉ Hội đồng xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm mới được ban hành quyết định tạm giam, quyết định bắt, tạm giam. Đồng thời, theo khoản 3 Điều 459 BLTTHS năm 2015 thì thời hạn tạm giam trong giai đoạn xét xử sơ thẩm không quá 17 ngày, trong giai đoạn xét xử phúc thẩm không quá 22 ngày mà không quy định thẩm quyền của Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa được ban hành quyết định tạm giam bị cáo hoặc quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay tại phiên tòa. Cho nên, trong trường hợp này, thẩm quyền ban hành quyết định tạm giam bị cáo hoặc quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay tại phiên tòa vẫn thuộc về Chánh án hoặc Phó Chánh án theo khoản 1 Điều 278 và khoản 1 Điều 347 BLTTHS năm 2015.
Tác giả thống nhất với quan điểm thứ nhất. Bởi vì, theo Điều 455 BLTTHS năm 2015, TTRG đối với việc xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm được thực hiện theo quy định của Chương XXXI và những quy định khác của BLTTHS năm 2015 không trái với quy định của Chương XXXI. Đồng thời, khoản 3 Điều 363 và khoản 2 Điều 465 BLTTHS năm 2015, các trình tự, thủ tục khác tại phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm được thực hiện theo thủ tục chung quy định tại BLTTHS năm 2015 nhưng không tiến hành nghị án. Cho nên, việc xác định thẩm quyền ban hành quyết định tạm giam, quyết định bắt, tạm giam bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm phải dựa vào quy định khác của BLTTHS năm 2015 có liên quan.
Theo Điều 329 và Điều 347 BLTTHS năm 2015, thẩm quyền ra quyết định tạm giam bị cáo hoặc quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay tại phiên tòa thuộc về Hội đồng xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm. Do phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm chỉ có 01 Thẩm phán xét xử nên Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa có thẩm quyền như Hội đồng xét xử. Vì vậy, trong trường hợp này, Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm được ban hành quyết định tạm giam bị cáo hoặc quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay tại phiên tòa.
Thứ hai, về cách tính thời hạn xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm trong trường hợp hoãn phiên tòa
Theo quy định tại các Điều 462, 464 BLTTHS năm 2015, thời hạn giải quyết vụ án ở giai đoạn xét xử sơ thẩm không quá 17 ngày; thời hạn giải quyết vụ án ở giai đoạn xét xử phúc thẩm không quá 22 ngày. Tuy nhiên, khi có một trong các căn cứ được quy định tại khoản 1 Điều 297 BLTTHS năm 2015[3] đối với phiên tòa sơ thẩm hoặc khi có một trong các căn cứ được quy định tại khoản 1 Điều 352 BLTTHS năm 2015[4] đối với phiên tòa phúc thẩm thì Tòa án phải hoãn phiên tòa. Trường hợp hoãn phiên tòa thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu. Thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa. Do BLTTHS năm 2015 không quy định trong trường hợp Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa hoãn phiên tòa thì thời hạn hoãn phiên tòa có tính vào thời hạn giải quyết vụ án hay không nên chưa có cách hiểu thống nhất.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, thời gian hoãn phiên tòa không tính vào thời hạn giải quyết vụ án. Bởi vì, thời hạn giải quyết vụ án được quy định tại các Điều 462, 464 BLTTHS năm 2015 chỉ tính từ ngày thụ lý vụ án đến ngày mở phiên tòa mà không điều chỉnh thời gian từ khi phiên tòa được mở. Đồng thời, một trong các căn cứ để Tòa án ban hành quyết quyết định hủy quyết định áp dụng TTRG được quy định tại Điều 458 BLTTHS năm 2015 lại không có trường hợp này. Cho nên, việc Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa ban hành quyết định hoãn phiên tòa không vi phạm thời hạn giải quyết vụ án.
Quan điểm thứ hai cho rằng, một trong những mục đích, ý nghĩa của TTRG là thời gian giải quyết ngắn, ít tốn thời gian, chi phí. Trong khi đó, thời hạn hoãn phiên tòa theo thủ tục chung đến không quá 30 ngày nên không đảm bảo mục đích, ý nghĩa này của TTRG. Vì vậy, trong trường hợp Tòa án hoãn phiên tòa thì thời hạn hoãn phiên tòa vẫn phải tính vào thời hạn giải quyết vụ án được quy định tại các Điều 462, 464 BLTTHS năm 2015.
Với những quy định trong BLTTHS năm 2015, tác giả thống nhất với quan điểm thứ nhất. Tuy nhiên, để đảm bảo mục đích, ý nghĩa của TTRG, kiến nghị bổ sung vào BLTTHS năm 2015 về thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm đối với vụ án giải quyết theo TTRG theo hướng thời gian này ngắn hơn thời hạn hoãn phiên tòa theo thủ tục thông thường. Trong trường hợp hết thời hạn hoãn phiên tòa mà phiên tòa không thể được tiến hành thì bổ sung căn cứ này vào điều kiện hủy quyết định áp dụng TTRG tại Điều 458 BLTTHS năm 2015.
Thứ ba, về việc ban hành bản án, các quyết định của Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm
Chương XXXI BLTTHS năm 2015 không quy định về nội dung bản án, các quyết định có thể tuyên tại phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm nên về nguyên tắc, bản án, các quyết định khác được ban hành theo thủ tục chung. Đối với phiên tòa sơ thẩm, theo các khoản 1, 2 Điều 299 BLTTHS năm 2015, bản án, quyết định về việc thay đổi thành viên Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án, hoãn phiên tòa, bắt tạm giam hoặc trả tự do cho bị cáo phải được thảo luận, thông qua tại phòng nghị án và được lập văn bản. Đối với phiên tòa phúc thẩm, do BLTTHS năm 2015 không quy định cụ thể việc ban hành bản án, các quyết định khác nên dựa vào quy định tại Điều 354, khoản 1 Điều 299 BLTTHS năm 2015, việc ban hành bản án, các quyết định khác của Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa cũng tiến hành như việc ban hành bản án, quyết định ở phiên tòa sơ thẩm.
Đồng thời, theo Điều 260 BLTTHS năm 2015, bản án hình sự sơ thẩm, bản án hình sự phúc thẩm phải trình bày nhiều nội dung, trong đó, có việc nhận định, đánh giá của Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa về các vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án trên cơ sở tài liệu, chứng cứ xem xét tại phiên tòa.
Trong khi đó, theo quy định của BLTTHS năm 2015, phiên tòa hình sự sơ thẩm, phiên tòa hình sự phúc thẩm lại không có giai đoạn nghị án và không có thủ tục để Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa có thời gian xem xét, đánh giá tài liệu, chứng cứ và chuẩn bị bản án và các quyết định khác. Cho nên, chưa có sự thống nhất về cách thức Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa ban hành bản án, các quyết định khác tại phiên tòa.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa cần tạm dừng phiên tòa để chuẩn bị bán án và các quyết định cần ban hành tại phiên tòa.
Quan điểm thứ hai cho rằng, đối với việc chuẩn bị bán án, sau khi kết thúc phần tranh luận, Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa phải chuẩn bị bản án tại phiên tòa rồi tuyên án ngay mà không vào phòng nghị án. Bởi vì, việc xét xử theo TTRG không có giai đoạn nghị án nên thủ tục tranh tụng tại phiên tòa và tuyên án phải tiến hành liên tục. Đối với việc chuẩn bị các quyết định khác, Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa cũng phải chuẩn bị tại phòng xử án.
Tác giả thống nhất với quan điểm thứ nhất. Theo đó, đối với việc chuẩn bị bán án, sau khi kết thúc phần tranh tụng, Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa tạm dừng phiên tòa vào phòng nghị án để xem xét, đánh giá các tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa trên cơ sở đó chuẩn bị bản án. Đối với việc chuẩn bị các quyết định khác, tùy vào từng quyết định, Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa có thể tạm dừng phiên tòa vào những thời điểm khi cần ban hành quyết định đó để chuẩn bị quyết định. Bởi vì, theo các Điều 463, 465 BLTTHS năm 2015, các trình tự, thủ tục khác tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm được thực hiện theo thủ tục chung nhưng không tiến hành nghị án. Việc không nghị án được hiểu là không có sự thảo luận, trao đổi của nhiều người. Việc Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa tạm dừng phiên tòa, vào phòng nghị án chuẩn bị bản án, quyết định trước khi công bố không trái quy định này.
Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 không quy định việc tạm dừng phiên tòa để Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa chuẩn bị bản án, các quyết định mà theo khoản 2 Điều 299 BLTTHS năm 2015 phải vào phòng nghị án tiến hành nên khó áp dụng trên thực tiễn. Để khắc phục vấn đề này, kiến nghị bổ sung vào BLTTHS năm 2015 Điều 461a quy định về việc ban hành bản án, quyết định của Tòa án tại phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm đối với vụ án được giải quyết theo TTRG.
Thứ tư, về thời hạn kháng cáo, kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm và thời hạn chuyển hồ sơ vụ án từ Tòa án cấp sơ thẩm đến Tòa án cấp phúc thẩm
Do chương XXXI BLTTHS năm 2015 không quy định thời hạn kháng cáo, kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm và thời hạn chuyển hồ sơ vụ án từ Tòa án cấp sơ thẩm đến Tòa án cấp phúc thẩm nên về nguyên tắc phải dựa vào thời hạn kháng cáo, kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm và thời hạn chuyển bản án từ Tòa án cấp sơ thẩm đến Tòa án cấp phúc thẩm được quy định đối với vụ án được giải quyết thông thường. Theo khoản 1 Điều 333, khoản 1 Điều 337 BLTTHS năm 2015, thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày Tòa án tuyên án. Đồng thời, theo Điều 329 BLTTHS năm 2015, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có) cho Tòa áp cấp phúc thẩm trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Tuy nhiên, thời hạn kháng cáo, kháng nghị, chuyển hồ sơ vụ án như quy định chung là quá dài, không đảm bảo mục đích, yêu cầu của TTRG.
Để khắc phục hạn chế này, kiến nghị cần bổ sung quy định rút ngắn thời hạn kháng cáo, kháng nghị và thời gian chuyển vụ án từ Tòa án cấp sơ thẩm đến Tòa án cấp phúc thẩm đối với vụ án được giải quyết theo TTRG so với vụ án được giải quyết theo thủ tục thông thường.
Thứ năm, về chế tài khi không ban hành hoặc ban hành không kịp thời quyết định áp dụng thủ tục rút gọn
Mặc dù, khoản 1 Điều 457 BLTTHS năm 2015 đã khắc phục hạn chế của khoản 1 Điều 320 BLTTHS năm 2003 với quy định, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi vụ án có đủ điều kiện quy định tại Điều 456 BLTTHS năm 2015, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, do không có chế tài kèm theo nên trên thực tế dễ xảy ra tình trạng vi phạm quy định này với các biểu hiện hoặc là chậm ban hành quyết định áp dụng TTRG khi có đủ điều kiện áp dụng TTRG hoặc là không ban hành quyết định áp dụng TTRG.
Trong khi đó, theo các quy định khác tại tại Chương XXXI BLTTHS năm 2015, khi có đủ điều kiện áp dụng TTRG mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án cấp sơ thẩm không ban hành quyết định áp dụng TTRG lại không thuộc trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nên Viện kiểm sát, Tòa án cấp sơ thẩm không được trả hồ sơ điều tra bổ sung và Tòa án cấp phúc thẩm không được hủy bản án của Tòa án cấp sơ thẩm khi có vi phạm.
Đồng thời, BLTTHS năm 2015 cũng chưa quy định căn cứ xác định thời hạn 24 giờ để tính thời gian ràng buộc Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án ban hành quyết định áp dụng TTRG.
Vì vậy, khi BLTTHS năm 2015 có hiệu lực, việc áp dụng TTRG trong việc giải quyết các vụ án hình sự sẽ dễ bị vi phạm. Để khắc phục vấn đề này, kiến nghị bổ sung vào Điều 457 BLTTHS năm 2015 quy định về chế tài khi Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vi phạm quy định liên quan đến việc áp dụng TTRG và cách xác định thời gian 24 giờ để tính thời hạn ban hành quyết định áp dụng TTRG.
Thứ sáu, việc vi phạm thời hạn điều tra, truy tố, xét xử
Mặc dù, Chương XXXI BLTTHS năm 2015 quy định chặt chẽ thời hạn của từng giai đoạn tố tụng nhưng lại không quy định cách thức xử lý trong trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vi phạm thời hạn giải quyết vụ án mà không thuộc một trong các trường hợp được ban hành quyết định hủy quyết định áp dụng TTRG nên gây bất cập trong việc xử lý.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, thời hạn tiến hành các hoạt động tố tụng đã được quy định cụ thể tại các Điều 460, 461, 462 và 464 BLTTHS năm 2015. Việc Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm thời hạn này thuộc trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nên Viện kiểm sát, Tòa án cấp sơ thẩm có quyền trả hồ sơ điều tra bổ sung, Tòa án cấp phúc thẩm có quyền hủy án để giải quyết lại theo thủ tục chung.
Quan điểm thứ hai cho rằng, mặc dù, thời hạn tiến hành các hoạt động tố tụng đã được quy định cụ thể tại các Điều 460, 461, 462 và 464 BLTTHS năm 2015. Tuy nhiên, mục đích của việc giải quyết vụ án theo TTRG nhằm rút ngắn thời gian giải quyết vụ án. Cho nên, trong trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm thời hạn này không thuộc trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nên Tòa án cấp sơ thẩm không được trả hồ sơ điều tra bổ sung, Tòa án cấp phúc thẩm không được hủy án để giải quyết lại theo thủ tục chung.
Tác giả thống nhất với quan điểm thứ nhất. Tuy nhiên, để có sự áp dụng thống nhất, kiến nghị bổ sung vào Điều 457 khoản 7 quy định về chế tài đối với vi phạm quy định về thời hạn giải quyết vụ án của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.
Thứ bảy, về cách tính thời hạn giải quyết vụ án theo thủ tục chung khi chuyển từ thủ tục rút gọn sang thủ tục chung
Theo Điều 458 BLTTHS năm 2015, trong quá trình áp dụng thủ tục rút gọn, nếu một trong các điều kiện áp dụng TTRG không còn hoặc vụ án thuộc trường hợp tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định của BLTTHS thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và giải quyết vụ án theo thủ tục chung. Trong trường hợp này, thời hạn tố tụng của vụ án được tính tiếp theo thủ tục chung quy định của BLTTHS năm 2015 kể từ khi có quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.
Do quy định tại Điều 458 BLTTHS năm 2015 chưa rõ ràng nên cách tính thời hạn tiếp theo có nhiều cách hiểu khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, “thời hạn tố tụng của vụ án được tính tiếp theo thủ tục chung” được hiểu là thời hạn giải quyết vụ án được tính theo thủ tục chung nhưng trừ thời hạn đã tiến hành của giai đoạn tố tụng đó.
Quan điểm thứ hai cho rằng, “thời hạn tố tụng của vụ án được tính tiếp theo thủ tục chung” được hiểu là thời hạn giải quyết vụ án được tính theo thủ tục chung và tính từ khi có quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng TTRG, không trừ thời hạn đã tiến hành của giai đoạn tố tụng đó. Bởi vì, việc Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án chuyển từ TTRG sang thủ tục chung trên cơ sở quy định pháp luật, không phải lỗi của cơ quan tiến hành tố tụng. Vì vậy, không trừ thời gian giải quyết vụ án theo TTRG vào thời gian giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
Tác giả thống nhất với quan điểm thứ nhất. Bởi vì, với cách hiểu này sẽ tránh kéo dài thời hạn giải quyết vụ án và tránh vi phạm thời hạn tạm giam nếu Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có áp dụng biện pháp ngăn chặn này. Tuy nhiên, cần bổ sung cách hiểu này vào đoạn 2 Điều 458 BLTTHS năm 2015.
2.2. Một vài kiến nghị khắc phục
Để khắc phục các khó khăn, vướng mắc, bất cập bên trên và kịp thời áp dụng các quy định về TTRG của BLTTHS năm 2015 để xét xử các vụ án hình sự, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, để áp dụng thống nhất chủ thể có thẩm quyền ban hành ban hành quyết định tạm giam, quyết định bắt tạm giam tại phiên tòa, đề xuất bổ sung vào khoản 1 Điều 459 BLTTHS năm 2015 thẩm quyền của Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa trong việc ban hành quyết định tạm giam bị cáo hoặc quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay tại phiên tòa với nội dung:
1. …
Tại phiên tòa, Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa được ban hành quyết định tạm giam bị cáo hoặc quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay tại phiên tòa khi có căn cứ do Bộ luật này quy định”.
Thứ hai, về cách tính thời hạn xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm trong trường hợp hoãn phiên tòa, kiến nghị bổ sung vào khoản 2 Điều 463 BLTTHS năm 2015 nội dung: “Thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm không được quá 07 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa” và bổ sung vào khoản 2 Điều 465 BLTTHS năm 2015 nội dung “Thời hạn hoãn phiên tòa phúc thẩm không được quá 07 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa”.
Đồng thời, kiến nghị bổ sung vào điều kiện hủy quyết định áp dụng TTRG tại Điều 458 BLTTHS năm 2015 đối với trường hợp thời hạn hoãn phiên tòa vượt quá tời hạn 07 ngày. Theo đó, đoạn 1 Điều 458 BLTTHS năm 2015 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Trong quá trình áp dụng thủ tục rút gọn, nếu một trong các điều kiện quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 456 của Bộ luật này không còn hoặc vụ án thuộc trường hợp tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án, hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định của Bộ luật này hoặc việc hoãn phiên tòa khi vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn quá thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 463, khoản 2 Điều 465 của Bộ luật này thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và giải quyết vụ án theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này.”
Thứ ba, về việc ban hành bản án, các quyết định của Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa tại phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm, kiến nghị bổ sung vào BLTTHS năm 2015 Điều 461a quy định về việc ban hành bản án, quyết định của Tòa án tại phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm đối với vụ án được giải quyết theo TTRG với nội dung như sau:
Điều 461a. Việc ra bản án, quyết định của Tòa án
1. Bản án phải được Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa thông qua tại phòng nghị án.
2. Quyết định về việc thay đổi Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án, hoãn phiên tòa, bắt tạm giam hoặc trả tự do cho bị cáo phải được Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa thông qua tại phòng nghị án và được lập văn bản.
3. Quyết định các vấn đề khác được Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa thông qua tại phòng xử án không phải lập văn bản nhưng phải được ghi vào biên bản phiên tòa.
Thứ tư, về thời hạn kháng cáo, kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm và thời hạn chuyển hồ sơ vụ án từ Tòa án cấp sơ thẩm đến Tòa án cấp phúc thẩm, kiến nghị bổ sung vào BLTTHS năm 2015 Điều 463a quy định về thời hạn kháng cáo, kháng ghị và việc chuyển hồ sơ vụ án bị kháng cáo, kháng nghị đến Tòa án cấp phúc thẩm với nội dung như sau:
Điều 463a. Thời hạn kháng cáo, kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và việc chuyển hồ sơ vụ án bị kháng cáo, kháng nghị
1. Thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 07 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.
Thời hạn kháng cáo đối với quyết định sơ thẩm là 03 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định.
2. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 10 ngày kể từ ngày Tòa án tuyên án.
3. Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có) cho Tòa áp cấp phúc thẩm trong thời hạn 04 ngày kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.”
Thứ năm, về chế tài khi không ban hành hoặc ban hành không kịp thời quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và việc vi phạm thời hạn điều tra, truy tố, xét xử, kiến nghị bổ sung vào Điều 457 BLTTHS năm 2015 các khoản 6, 7 quy định về chế tài khi Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vi phạm quy định liên quan đến việc áp dụng TTRG, vi phạm quy định về thời hạn giải quyết vụ án và cách xác định thời gian 24 giờ để tính thời hạn ban hành quyết định áp dụng TTRG với nội dung như sau:
Điều 457. Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn

6. Khi có đủ kiện áp dụng thủ tục rút gọn mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án chậm hoặc không ban hành quyết định áp dụng thủ tục rút gọn thì được xem là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Căn cứ xác định thời hạn 24 giờ để tính thời gian ban hành quyết định áp dụng thủ tục rút gọn là thời điểm có đầy đủ tài liệu, chứng cứ để xác định căn cứ áp dụng thủ tục rút gọn.
7. Việc vi phạm thời hạn điều tra, truy tố, xét xử được quy định tại Chương XXXI Bộ luật này được xem là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Vụ án bị trả hồ sơ điều tra bổ sung, hủy bản án để xét xử lại do vi phạm quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều này vẫn được tiến hành theo thủ tục rút gọn”.
Thứ bảy, về cách tính thời hạn giải quyết vụ án theo thủ tục chung khi chuyển từ TTRG sang thủ tục chung, kiến nghị bổ sung vào đoạn 2 Điều 458 BLTTHS năm 2015 nội dung “…nhưng trừ thời hạn đã tiến hành của giai đoạn tố tụng đó.”
Như vậy, BLTTHS năm 2015 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng đối với chế định TTRG trong tố tụng hình sự. Những sửa đổi, bổ sung này đã cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp, trong đó có việc áp dụng TTRG trong giải quyết các vụ án hình sự; một số quy định có liên quan của Hiến pháp năm 2013 và tổng kết thực tiễn áp dụng chế định TTRG, khắc phục các hạn chế, bất cập nảy sinh trong thực tiễn áp dụng. Tuy nhiên, một vài quy định về chế định TTRG trong BLTTHS năm 2015 chưa được hoàn chỉnh nên gây khó khăn cho nhận thức, áp dụng trong thời gian tới. Với các vướng mắc, bất cập và kiến nghị hoàn thiện mà bài viết này nêu lên, hy vọng sẽ góp phần hoàn thiện chế định TTRG trong BLTTHS năm 2015, góp phần phát huy ý nghĩa, vai trò, mục đích của TTRG trong việc giải quyết các vụ án hình sự; đấu tranh phòng chống tội phạm ngày càng hiệu quả hơn và bảo vệ tốt quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự.
 
[1] Theo Báo cáo số 11/BC-VKSTC ngày 19/01/2015 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tổng kết thực tiễn 10 năm thi hành BLTTHS năm 2003, một trong những hạn chế được chỉ ra là “Việc áp dụng thủ tục rút gọn chưa được chú trọng, tỷ lệ vụ án áp dụng thủ tục rút gọn rất thấp”. Đồng thời, theo Báo cáo số 205/TANDTC-KHXX ngày 02/10/2012 của Tòa án nhân dân tối cao về tổng kết việc thi hành BLTTHS năm 2003, có xấp xỉ 0,5% số vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn.
[2] Theo Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật hình sự đã được sửa đổi, bổ sung và các luật liên quan được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2017, sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.
[3] Đó là các căn cứ: (1) Có một trong những căn cứ quy định tại các Điều 52, 53, 288, 289, 290, 291, 292, 293, 294 và 295 của BLTTHS năm 2015; (2) Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa; (3) Cần tiến hành giám định bổ sung, giám định lại; (4) Cần định giá tài sản, định giá lại tài sản.
[4] Đó là các căn cứ: (1) Có một trong những căn cứ quy định tại các Điều 52, 53, 349, 350 và 351 của BLTTHS năm 2015; (2) Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa.