Phiên họp đối thoại và quyền đặt câu hỏi của đương sự theo Luật tố tụng hành chính năm 2015

14/06/2017
Luật Tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 và Nghị quyết số 104/2015/QH13 về việc thi hành Luật tố tụng hành chính được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25/11/2015. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016 quy định nhiều nội dung mới so với Luật Tố tụng hành chính năm 2010. Trong đó có quy định về việc thực hiện thủ tục đối thoại là thủ tục tố tụng bắt buộc phải thực hiện khi Tòa án giải quyết vụ án hành chính.
Do tính đặc thù của lĩnh vực hành chính với quan hệ một bên là cơ quan hành chính nhà nước thi hành quyền lực hành chính công và một bên là cá nhân, cơ quan, tổ chức chịu sự điều hành quản lý, nên Luật Tố tụng hành chính (Luật TTHC) năm 2015 không quy định nguyên tắc hoà giải như khi giải quyết các vụ việc dân sự. Khi giải quyết vụ án hành chính, Tòa án thực hiện thủ tục đối thoại để tạo điều kiện cho các đương sự (người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) gặp gỡ trao đổi trực tiếp với nhau, để hiểu biết nhau hơn, làm rõ được những nguyên nhân của những khác biệt trong nhận thức, những sai sót, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước (nếu có). Cũng thông qua đó, người khởi kiện có thể hiểu rõ hơn về những quy định pháp luật liên quan đến việc khởi kiện, từ đó, các bên có thể đi đến quan điểm đồng nhất, làm giảm hoặc giải quyết được mâu thuẫn, xung đột, có thể tự giải quyết với nhau, người khởi kiện có thể rút một phần hoặc toàn bộ nội dung đơn kiện, người bị kiện có thể sửa đổi hoặc huỷ bỏ quyết định hành chính, hành vi hành chính là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính. Như vậy, sẽ giúp quá trình giải quyết vụ án hành chính được nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian, chi phí và công sức, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động xét xử. 
Điều 20 Luật TTHC năm 2015 quy định đối thoại là thủ tục bắt buộc, cụ thể: “Tòa án có trách nhiệm tiến hành đối thoại và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự đối thoại với nhau về việc giải quyết các vụ án theo quy định của Luật này”. Đồng thời, Luật TTHC năm 2015 cũng đã bổ sung mới các quy định về nguyên tắc đối thoại; những vụ án không tiến hành đối thoại được; về thông báo phiên họp đối thoại; thành phần, thủ tục đối thoại; biên bản đối thoại và xử lý kết quả đối thoại (từ Điều 134 đến Điều 140). Mặc dù, những quy định mới này khá rõ ràng, tương đối dễ hiểu, dễ áp dụng, nhưng vẫn còn một số vướng mắc qua thực tiễn áp dụng đã bộc lộ hạn chế nhất định, ảnh hưởng đến tiến trình giải quyết vụ án phải kéo dài so với thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án hành chính theo quy định tại Điều 130[1] Luật TTHC năn 2015, gây tâm lí “bức xúc” cho đương sự do phải tốn kém nhiều chi phí đi lại và chi phí khác; mất quá nhiều thời gian đeo đuổi vụ kiện chỉ vì sự vắng mặt nhiều lần của nhiều đương sự, thậm chí có biểu hiện thiếu hợp tác của người bị kiện; người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan chỉ xoay quanh phiên họp đối thoại. Hoặc tại phiên tòa, người bị kiện vắng mặt (hợp lệ), nhưng có mặt người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện, như: Giám đốc Sở hoặc (Trưởng phòng) Tài nguyên và Môi trường; Tư pháp cấp tỉnh, huyện, thì người khởi kiện có được đặt câu hỏi đối với những người này không? 
Thứ nhất: Theo quy định của Điều 137 Luật TTHC năm 2015, về thành phần phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại, như sau:
1. Thành phần tham gia phiên họp gồm có:
a) Thẩm phán chủ trì phiên họp;
b) Thư ký phiên họp ghi biên bản;
c) Đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự;
d) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (nếu có);
đ) Người phiên dịch (nếu có).
2. Trường hợp cần thiết, Thẩm phán có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia phiên họp.
3. Trong vụ án có nhiều đương sự, mà có đương sự vắng mặt, nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành phiên họp và việc tiến hành phiên họp đó không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì Thẩm phán tiến hành phiên họp giữa các đương sự có mặt; nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên họp để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì Thẩm phán phải hoãn phiên họp thông báo bằng văn bản việc hoãn phiên họp, mở lại phiên họp cho các đương sự.
Từ quy định vừa trích vẫn, các chủ thể được liệt kê tại khoản 1 Điều 137 Luật này phải có mặt tại phiên họp đối thoại. Đối với đương sự hoặc người đại diện thì chỉ cần một trong hai có mặt. Trường hợp, vụ án hành chính có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì họ có quyền đến tham dự phiên đối thoại. người phiên dịch bắt buộc phải có mặt tại phiên họp đối thoại nếu như trong vụ án hành chính có đương sự là người nước ngoài, người dân tộc thiểu số hoặc đương sự bị khuyết tật nghe, nói, nhìn. Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 137 Luật TTHC năm 2015, trường hợp cần thiết, Thẩm phán có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia phiên họp. Đây là những cá nhân, cơ quan và tổ chức có thể không có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án nhưng được Thẩm phán mời đến phiên họp để hỗ trợ Thẩm phán, các bên đương sự trong việc thống nhất với nhau về việc giải quyết vụ án, như: Người làm chứng, Người giám định,…
Có lẽ vướng mắc gây nhiều “bức xúc” nhất, mà người viết đề cập đến, đó là, quy định về sự vắng mặt của đương sự tại phiên họp đối thoại (khoản 3 Điều 137 Luật TTHC năm 2015). Cụ thể:
Một là, theo quy định tại ý 1 của khoản 3 Điều 137 Luật này: Trong vụ án có nhiều đương sự, mà có đương sự vắng mặt, nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành phiên họp và việc tiến hành phiên họp đó không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì Thẩm phán tiến hành phiên họp giữa các đương sự có mặt.
Qua nghiên cứu người viết thấy rằng, nội dung quy định này phải chăng là sự “dễ dãi” cho người bị khởi kiện; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập tham gia tố tụng với bên bị kiện?. Theo quy định tại Điều 53 Luật TTHC năm 2015, về người tham gia tố tụng hành chính gồm đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch. Như vậy, đương sự là đối tượng được quy định thuộc nhóm những người tham gia tố tụng. Vậy, đương sự trong vụ án hành chính bao gồm những ai?
Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật TTHC năm 2015, đương sự trong vụ án hành chính bao gồm: Người khởi kiện, người bị kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Tại các khoản 8, 9, 10 của Điều luật này có quy định về người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, như sau:
+Người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, danh sách cử tri trưng cầu ý dân (sau đây gọi chung là danh sách cử tri).
+ Người bị kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện.
+ Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức, cá nhân tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án hành chính có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ tự mình hoặc đương sự khác đề nghị và được Tòa án nhân dân (sau đây gọi là Tòa án) chấp nhận hoặc được Tòa án đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Việc xác định quyền và nghĩa vụ của đương sự, người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng được quy định cụ thể tại Điều 55, Điều 56, Điều 57, Điều 58 Luật TTHC năm 2015.
+ Về quyền, nghĩa vụ của đương sự, được quy định tại Điều 55 Luật TTHC năm 2015, như sau:
Đương sự có quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng, bao gồm:
1. Tôn trọng Tòa án, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên tòa;
2. Nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, lệ phí và chi phí tố tụng khác theo quy định của pháp luật;
3. Giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu;
4. Cung cấp đầy đủ, chính xác địa chỉ nơi cư trú, trụ sở của mình; trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án nếu có thay đổi địa chỉ, nơi cư trú, trụ sở thì phải thông báo kịp thời cho đương sự khác và Tòa án;
5. Cung cấp tài liệu, chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình;
6. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình để giao nộp cho Tòa án;
7. Đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ án mà tự mình không thể thực hiện được; đề nghị Tòa án buộc bên đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang lưu giữ, quản lý; đề nghị Tòa án ra quyết định buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý chứng cứ cung cấp chứng cứ; đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá tài sản;
8. Được biết, ghi chép và sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập, trừ tài liệu, chứng cứ không được công khai theo quy định tại khoản 2 Điều 96 của Luật này;
9. Nộp bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ cho Tòa án để Tòa án gửi cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác, trừ tài liệu, chứng cứ không được công khai theo quy định tại khoản 2 Điều 96 của Luật này;
10. Đề nghị Tòa án quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời;
11. Đề nghị Tòa án tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, đối thoại và tham gia phiên họp trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án;
12. Nhận thông báo hợp lệ để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình;
13. Tự bảo vệ, nhờ luật sư hoặc người khác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình;
14. Yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng;
15. Tham gia phiên tòa, phiên họp;
16. Phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án và chấp hành quyết định của Tòa án trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án;
17. Đề nghị Tòa án đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng;
18. Đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án;
19. Đưa ra câu hỏi với người khác về vấn đề liên quan đến vụ án hoặc đề xuất với Tòa án những vấn đề cần hỏi với người khác; được đối chất với nhau hoặc với người làm chứng;
20. Tranh luận tại phiên tòa, đưa ra lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng;
21. Được cấp trích lục bản án, quyết định của Tòa án;
22. Kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của Tòa án;
23 Đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
24. Chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
25. Sử dụng quyền của đương sự một cách thiện chí, không được lạm dụng để gây cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án, đương sự khác;
26. Quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.”
+ Quyền, nghĩa vụ của người khởi kiện, theo Điều 56 Luật TTHC năm 2015:
Người khởi kiện có các quyền, nghĩa vụ sau đây:
1. Các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 55 của Luật này;
2. Thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn; rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện.
+ Quyền, nghĩa vụ của người bị kiện, theo quy định tại Điều 57 Luật TTHC năm 2015:
Người bị kiện có các quyền, nghĩa vụ sau đây:
1. Các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 55 của Luật này;
2. Được Tòa án thông báo về việc bị kiện;
3. Chứng minh tính đúng đắn, hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện;
4. Sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện; dừng, khắc phục hành vi hành chính bị khởi kiện.
+ Quyền, nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được quy định tại Điều 58 Luật TTHC năm 2015, như sau:
1. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể có yêu cầu độc lập, tham gia tố tụng với bên khởi kiện hoặc với bên bị kiện.
2. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì có quyền, nghĩa vụ của người khởi kiện quy định tại Điều 56 của Luật này.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu tham gia tố tụng với bên khởi kiện hoặc chỉ có quyền lợi thì có quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 55 của Luật này.
4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu tham gia tố tụng với bên bị kiện hoặc chỉ có nghĩa vụ thì có quyền, nghĩa vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 57 của Luật này.
Đáng lưu ý nhất, đó là quy định tại khoản 25 Điều 55 Luật TTHC năm 2015. Mà theo đó, đương sự sử dụng quyền của mình một cách thiện chí, không được lạm dụng để gây cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án, đương sự khác. Quy định của pháp luật là thế, nhưng thực tế Luật TTHC năm 2015 và các văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng chưa có quy định chế tài cụ thể nhằm xử lý những trường hợp đương sự sử dụng quyền của mình tỏ ra thiếu thiện chí, “trì hoãn” gây khó khăn buộc Tòa án phải kéo dài thời gian chuẩn bị xét xử. Thực trạng này đã và đang tồn tại trong rất nhiều vụ án hành chính, mà các Tòa án địa phương gặp phải.
Thông thường, người khởi kiện họ rất muốn việc giải quyết vụ án của Tòa án “càng sớm càng tốt”, nên họ rất tích cực và nghiêm túc chấp hành nội dung thông báo triệu tập của Tòa án liên quan đến nội dung vụ kiện, cho dù, qua kết quả xét xử sơ thẩm họ có bị thua kiện đi chăng nữa, nhưng đó cũng là “cơ hội” để người khởi kiện “thoát khỏi” sự chờ đợi, mất thời gian và trong nhiều trường hợp phải chịu nhiều áp lực, đồng thời, thực hiện quyền đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại bản án Tòa án sơ thẩm đã xét xử. Ngược lại, người bị kiện và trong nhiều trường hợp khác, có cả người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập tham gia tố tụng bên phía người bị kiện (do quyền lợi và nghĩa vụ bị ảnh hưởng), nên có tâm lí “né tránh” một khi bị khởi kiện, từ đó, họ đưa ra nhiều lý do, như: Bận chủ trì cuộc hợp quan trọng; Do công tác đột xuất; … không thể có mặt. Thậm chí có trường hợp, qua Trợ lý văn phòng gọi điện thoại “thông báo” do chưa ủy quyền cấp phó, nên đề nghị hoãn phiên họp đối thoại! Và thực tế còn nhiều lý do khác, “buộc” Thẩm phán chủ trì phiên họp phải chấp nhận! Trong khi đó, các  đương sự khác nghiêm túc có mặt đầy đủ ngồi đợi trong phòng họp của Tòa án!
Và đương nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 137 Luật TTHC năm 2015, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án, phải hoãn phiên đối thoại. Ở đây, nếu xem xét kỹ quy định về quyền và nghĩa vụ của đượng sự nói chung; quyền và nghĩa vụ của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính nói riêng luôn “đan xen” với nhau. Chính vì lẽ đó, việc pháp luật quy định việc tiến hành phiên họp đối thoại nếu không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì Thẩm phán tiến hành phiên họp giữa các đương sự có mặt là thiếu tính khả thi. Hay nói cách khác, tại phiên họp đối thoại chỉ cần một trong số nhiều đương sự mà vắng mặt, thì phiên họp đó chắc chắn phải bị hoãn. Bởi lẽ, dù lý giải bằng cách nào đi chăng nữa, quyền lợi và nghĩa vụ của đương sự vắng mặt tại phiên họp đối thoại cũng bị ảnh hưởng.
+Hai là, theo quy định tại ý 2 khoản 3 Điều 137 Luật TTHC năm 2015“nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên họp để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì thẩm phán phải hoãn phiên họp…”
Theo quan điểm của tác giả, quy định này đã tạo nên sự rắc rối cho cả Tòa án và phía đương sự. Bởi lẽ, xét về mặt ngữ nghĩa của quy phạm trên, cho thấy, nhà làm luật đòi hỏi khi và chỉ khi “các đương sự có mặt tại phiên họp đối thoại đều đề nghị hoãn phiên họp, thì Thẩm phán phải hoãn phiên họp đối thoại. Vậy, từ “các” ở đây được hiểu là bao gồm tất cả đương sự đang có mặt tại phiên họp đối thoại, hay chỉ là số đông trong số đương sự đó mà thôi? Theo Từ điển Tiếng Việt của nhà xuất bản Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, năm 1998, tại trang 98 có giải thích từ “các” như sau: Các (dùng phụ trước danh từ hay danh ngữ hoặc tổ hợp tương đương). Từ dùng để chỉ số lượng nhiều được xác định, gồm tất cả sự vật muốn nói đến. Các nước Đông Dương; Các thầy giáo trong trường. Với cách giải thích này, đối chiếu với quy định tại ý 2 khoản 3 Điều 137 Luật TTHC năm 2015, thì từ “các” đương sự trong quy định này phải được hiểu bao gồm là tất cả các đương sự đang có mặt tại phiên họp đối thoại.
Nếu như vậy, thì Thẩm phán chủ trì phiên họp sẽ đưa ra quyết định thế nào đối với trường hợp chỉ có một người trong số nhiều người khởi kiện hoặc một người trong số nhiều người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không đồng ý đề nghị hoãn phiên họp để có mặt tất cả đương sự vắng mặt, trong khi đó, những người khởi kiện còn lại và những đương sự khác, như: Người bị kiện; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khác đều đồng ý đề nghị hoãn phiên đối thoại? Lý do mà người khởi kiện không đồng ý đề nghị hoãn phiên họp đưa ra, đó là, họ đã mất nhiều thời gian do phải đi lại nhiều lần theo giấy thông báo triệu tập phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại trước đó mà Tòa án đã phát hành, nhưng những lần đó đều chẳng có kết quả gì, do phải hoãn bởi có đương sự vì nhiều lý do khác nhau không có mặt dự phiên họp. Và cứ nếu tiếp tục tình trạng, phiên họp hôm nay đương sự này vắng – đề nghị phải hoãn; phiên họp đối thoại hôm sau đương sự kia vắng – lại phải hoãn; lần sau đương sự vắng lần đầu tiếp tục vắng mặt (có thể có lý do) – nên đành phải hoãn,… Nhưng tất cả không rơi vào các trường hợp được coi là vụ án hành chính không tiến hành đối thoại được, theo quy định tại Điều 135[2] Luật TTHC năm 2015. Cứ như vậy, không chỉ ảnh hưởng đến công việc làm, thu nhập và chi phí đi lại, kể cả nghỉ trọ mà bản thân họ phải bỏ ra, mà không biết “điệp khúc” vắng mặt của đương sự do thiếu tinh thần thiện chí đến bao giờ có hồi kết. Điều đáng nói hơn, đó là niềm tin của người dân vào quá trình thực thi pháp luật, bị xói mòn!
Như vậy, rõ ràng nếu áp dụng quy định tại ý 2 khoản 3 Điều 137 Luật TTHC năm 2015, Thẩm phán chấp nhận đề nghị theo số đông của đương sự có mặt tại phiên họp để  hoãn phiên họp đối thoại và ra văn bản thông báo, mở lại phiên họp lần sau là không đúng với tinh thần quy định tại Điều luật vừa trích dẫn. Nhưng nếu không chấp nhận đề nghị của số đông đương sự, nghĩa là phiên họp đối thoại vẫn cứ tiến hành, thì chắc chắn rằng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ liên quan của đương sự đã vắng mặt tại phiên họp đó, nghĩa là đã vi phạm quy định tại ý 1 khoản 3 Điều 137 Luật TTHC năm 2015. Đây thật sự là điều khó khăn cho Thẩm phán được phân công chủ trì phiên họp. Thiết nghĩ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu ban hành hướng dẫn thống nhất nhận thức cũng như áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 137 Luật TTHC năm 2017.
Thứ hai: Một trong những quyền của đương sự, theo quy định tại khoản 19 Điều 55 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, đó là: Đưa ra câu hỏi với người khác về vấn đề liên quan đến vụ án hoặc đề xuất với Tòa án những vấn đề cần hỏi với người khác;…”. Từ quy định này, vấn đề đặt ra, trường hợp nếu người bị kiện có đơn báo vắng mặt tại phiên tòa, mà có mặt người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện, thì người khởi kiện có được quyền được câu hỏi với phía người bị kiện không?
Về vấn đề này, do Luật TTHC năm 2015 không quy định cụ thể, do vậy, từ thực tiễn xét xử có các quan điểm sau:
+Quan điểm thứ nhất: Trường hợp tại phiên tòa người bị kiện vắng mặt, dù người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện có mặt thì người khởi kiện cũng không được đặt câu hỏi với phía người bị kiện. Lý lẽ của những người ủng hộ quan điểm này, cho rằng: Quá trình giải quyết của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại; Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Luật Viên chức năm 2010; Bộ luật Lao động năm 2012;… và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, như: Nghị định 27/2012 NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ, quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức về xử lý kỷ luật viên chức; Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Thông tư 21/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban hành điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học;… trước đó, đều được các bên trao đổi, thông tin đối thoại công khai, dân chủ. Do vậy, không cần thiết người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện phải trả lời lại những nội dung đó.
+Quan điểm thứ hai: Trường hợp tại phiên tòa người bị kiện vắng mặt mà người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện có mặt thì người khởi kiện vẫn được quyền được câu hỏi với phía người bị kiện và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện trả lời thay.
Tác giả bài viết đồng tình với quan điểm này, vì: Luật TTHC năm 2015, quy định đương sự có quyền tự đặt câu hỏi đối với người khác hoặc thông qua Tòa án bằng hình thức đề nghị Tòa án hỏi những người khác các vấn đề liên quan đến vụ án. Mà không có quy định trường hợp nào đương sự không được hỏi hoặc trường hợp nào đương sự không phải trả lời hoặc từ chối trả lời. Khoản 3 Điều 179 Luật TTHC năm 2015, quy định: “Người bị kiện có thể tự mình trả lời hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện trả lời thay cho người bị kiện…”. Mặt khác, Điều 8 Luật TTHC năm 2015, quy định:“…Đương sự được thực hiện các quyền tố tụng khác của mình theo quy định của Luật này”. Như vậy, đối chiếu các quy định của pháp luật hiện hành, tại phiên tòa đương sự nói chung và người khởi kiện trong trường hợp này nói riêng có quyền được đặt câu hỏi với đương sự khác mà không phụ thuộc vào việc đương sự đó có mặt hoặc vắng mặt tại phiên tòa.
Tuy nhiên, để pháp luật tố tụng hành chính được áp dụng thống nhất, theo tác giả, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, cần hướng dẫn cụ thể về vấn đề đã nêu.
Từ những vướng mắc thực tiễn như đã trình bày, tác giả đề xuất mấy kiến nghị sau:
Một là, căn cứ vào thời hạn chuẩn bị xét xử theo quy định tại Điều 130 Luật TTHC năm 2015, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án hành chính, cần chủ động sắp xếp kế hoạch tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại theo quy định tại Điều 137 Luật TTHC năm 2015. Mà theo đó, phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại, dự kiến tổ chức phiên thứ nhất (nếu phải bị hoãn) thì sẽ tổ chức phiên thứ hai. Khoảng cách thời gian giữa phiên thứ nhất với phiên thứ hai trong phạm vi từ 20 đến 30 ngày. Tất nhiên, việc tổ chức các phiên họp đối thoại này đều trong phạm vi thời hạn chuẩn bị xét xử theo Luật định.
Hai là, để không bị coi là vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 135 Luật TTHC năm 2015, chỉ cho phép đương sự trong vụ án được vắng mặt tại phiên họp đối thoại tối đa một lần. Như vậy, với trường hợp đương sự trong vụ án buộc phải vắng mặt tại phiên đối thoại lần thứ hai, thì trước khi phiên họp đối thoại lần thứ hai tiến hành, đương sự đó phải gửi đến Tòa án văn bản trình bày yêu cầu của chính mình liên quan đến nội dung vụ án và những căn cứ, lý lẽ để bảo vệ cho yêu cầu đưa ra. Nội dung văn bản này, được công khai tại phiên họp. Nếu sau khi kết thúc phiên đối thoại, nội dung trình bày của các đương sự có mặt, khác với nội dung văn bản thể hiện ý chí của đương sự vắng mặt, thì Thẩm phán chủ trì phiên họp phải lấy ý kiến bằng văn bản của đương sự vắng mặt tại phiên đối thoại về thỏa thuận của các đương sự tại phiên đối thoại, mà không phải tiến hành thêm phiên đối thoại nào khác.
Ba là, nếu trong vụ án có nhiều quan hệ pháp luật mà quan hệ pháp luật này liên quan đến đương sự này, quan hệ pháp luật kia liên quan đến đương sự khác và việc nội dung đối thoại quan hệ pháp luật đó chỉ liên quan đến các đương sự có mặt, không liên quan đến các đương sự vắng mặt. Chẳng hạn, cùng một thửa đất ở, thuộc quyền sử dụng riêng, nhưng UBND thành phố X cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho hai người sử dụng đất khác nhau. Khi triển khai xây dựng công trình nhà ở, thì phát sinh khiếu nại, khiếu kiện, trường hợp này Thẩm phán tiến hành phiên đối thoại những vấn đề có liên quan đến các đương sự có mặt cùng có quyền lợi và nghĩa vụ bị ảnh hưởng bởi quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính có liên quan của cán bộ UBND thành phố X.
Với hy vọng từ những đề xuất này, sẽ góp phần hạn chế việc Tòa án bị “buộc” phải “rơi” vào tình trạng phải kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử, do những “trở ngại” từ phía đương sự trong tiến trình đối thoại vụ án hành chính.
 
ThS.LS Lê Văn Sua
 
 

[1] Điều 130. Thời hạn chuẩn bị xét xử

Thời hạn chuẩn bị xét xử các vụ án, trừ vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn, vụ án có yếu tố nước ngoài và vụ án khiếu kiện về danh sách cử tri được quy định như sau:
1. 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 116 của Luật này;
2. 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 116 của Luật này;
3. Đối với vụ án phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử một lần, nhưng không quá 02 tháng đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này và không quá 01 tháng đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;
4. Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
 
[2] Điều 135. Những vụ án hành chính không tiến hành đối thoại được
1. Người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.
2. Đương sự không thể tham gia đối thoại được vì có lý do chính đáng.
3. Các bên đương sự thống nhất đề nghị không tiến hành đối thoại.