Hoàn thiện quy định pháp luật về “trợ giúp pháp lý tiền tố tụng”

12/09/2016
Trong hoạt động trợ giúp pháp lý (gọi tắt là TGPL) bằng hình thức tham gia tố tụng[1], thì hoạt động TGPL tiền tố tụng (gọi tắt là TGPLTTT) đóng vai trò hết sức quan trọng, quyết định chất lượng, hiệu quả quá trình tham gia tố tụng của người thực hiện TGPL trong việc bào chữa, bảo vệ cho các đối tượng được TGPL[2] là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị bắt, người bị tạm giữ (gọi tắt là người bị tình nghi); góp phần đảm bảo các quyền con người, hạn chế tình trạng mớm cung, ép cung, dùng nhục hình; tạo nên phiên tòa xét xử công bằng, khách quan, đúng người, đúng tội và kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng được TGPL.
Mặc dù, TGPLTTT có vai trò, ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng được TGPL tại các cơ quan tiến hành tố tụng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tố tụng; song, hiện nay trong hệ thống pháp luật về TGPL và tố tụng chưa quy định về TGPLTTT hoặc quy định nhưng không cụ thể, rõ ràng. Trước yêu cầu cải cách tư pháp, đảm bảo quyền con người, quyền công dân, quyền tư pháp được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 và quyền tiếp cận TGPL trong tư pháp hình sự theo Hướng dẫn của Liên Hợp quốc ngày 20/12/2014 mà Việt Nam là nước thành viên thì việc nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện quy định về TGPLTTT là hết sức cần thiết.
Trong phạm vi bài viết này, người viết xin nêu ra sự cần thiết phải hoàn thiện quy định TGPLTTT theo pháp luật về TGPL, tố tụng hình sự và từ đó đề xuất một số kiến nghị.
1. Khái quát về TGPLTTT
a) Khái niệm về TGPLTTT
Hiện nay, trong một số văn bản pháp luật về tố tụng ở nước ta tuy có đề cập đến thuật ngữ “tiền tố tụng”, song chưa có một khái niệm cụ thể nào về thuật ngữ này; tuy nhiên, trên phương diện tiếp cận pháp luật về tố tụng hình sự, người viết hiểu: Tiền tố tụng là giai đoạn đầu do các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện theo một trình tự, thủ tục nhất định (xác minh, thu thập chứng cứ và áp dụng các pháp hình sự) trước khi ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Đối với khái niệm TGPL, tại Điều 3 Luật TGPL năm 2006 quy định: “TGPL là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được TGPL theo quy định của Luật này, giúp người được TGPL bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật”. Còn theo Điều 3 Dự thảo Luật TGPL (sửa đổi) đang lấy ý kiến thì “ Trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này là việc tham gia tố tụng; tư vấn pháp luật; đại diện ngoài tố tụng, hòa giải, tham gia giải quyết khiếu nại do Nhà nước bảo đảm được cung cấp miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý”. Về bản chất, hai khái niệm này đều khái quát TGPL là việc Nhà nước cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí (tư vấn pháp luật; tham gia tố tụng; đại diện ngoài tố tụng, hòa giải, tham gia giải quyết khiếu nại) cho người được TGPL, giúp họ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Từ phân tích trên, có thể hiểu: TGPLTTT là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí (tư vấn pháp luật, đại diện bào chữa, bảo vệ) cho đối tượng được TGPL là người bị bị tình nghi ở giai đoạn đầu (giai đoạn tiền tố tụng) trước khi cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
b) Vai trò TGPLTTT trong việc đảm bảo các quyền con người, quyền tố tụng và nâng cao hiệu quả hoạt động tố tụng
Thứ nhất, TGPLTTT đảm bảo các quyền con người, quyền tố tụng
- Tại Khoản 4 Điều 31 Hiến pháp năm 2013; Điều 11 (đảm bảo quyền bào chữa của người bị tạm giữ), Điểm d Khoản 2 Điều 48 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Điều 16, Điểm e Khoản 1 Điều 57, Điểm g Khoản 1 Điều 58, Điểm d Khoản 2 Điều 59 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì người bị tình nghi có quyền tự mình hoặc nhờ người khác bào chữa, bảo vệ. Do đó, việc cung cấp TGPL cho người bị tình nghi ở giai đoạn tiền tố tụng là đảm bảo quyền tư pháp của họ theo Hiến pháp, pháp luật tố tụng và Hướng dẫn của Liên Hợp quốc ngày 20/12/2014 (quyền tiếp cận sớm TGPL); ngược lại, nếu không có TGPLTTT, quyền tư pháp của họ dễ bị xâm phạm.
- Theo pháp luật hình sự, bắt người, tạm giữ người là các biện pháp ngăn chặn của các cơ quan tố tụng đối với người bị tình nghi nhằm đảm bảo công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho con người, công dân; tuy nhiên, khi áp dụng các biện pháp này, các quyền về tự do, bất khả xâm phạm về thân thể, tiếp cận thông tin, được pháp luật bảo hộ về danh dự, nhân phẩm,,… của người bị tình nghi[3] dễ bị tác động, ảnh hưởng tiêu cực. Đặc biệt, đối với người bị tình nghi là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em (người chưa thành niên), người khuyết tật, người nhiễm HIV (đối tượng được TGPL phần lớn là đối tượng yếu thế, hạn chế hiểu biết về pháp luật) thì việc áp dụng các biện pháp hình sự trên dễ gây tổn thương về tinh thần, quyền và lợi ích hợp pháp của họ dễ bị xâm phạm. Do vậy, với việc TGPLTTT, người thực hiện TGPL (Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên TGPL) được tiếp cận với người bị tình nghi là đối tượng được TGPL ngay giai đoạn đầu trước khi bị khởi tố (giai đoạn tố tụng), kịp thời hướng dẫn các thủ tục pháp lý hoặc thay mặt (đại diện) họ để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, giúp họ trách được việc bắt, tạm giữ không đúng quy định của pháp luật[4].
- Việc người bị tình nghi được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí -TGPLTTT trong quá trình bị tạm giữ sẽ giúp cho họ thực hiện đầy đủ các quyền con người, quyền công dân, quyền tố tụng mà Hiến pháp 2013, pháp luật tố tụng hình sự ghi nhận; đồng thời, đảm bảo các cuộc thẩm vấn đối với họ được tiến hành đúng quy trình, tuân thủ pháp luật về tố tụng, hạn chế tình trạng mớm cung, ép cung, dùng nhục hình (đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về thân thể) hoặc dùng các biện pháp gây bất lợi trong giai đoạn tố tụng (thời gian qua, vì thành tích phá án nên trong quá trình thẩm vấn, lấy lời khai, các điều tra viên hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan tiến hành tố tụng mớm cung, ép cung, hoặc dùng các biện pháp gây bất lợi cho người bị tình nghi dẫn đến oan sai[5]).
Hơn nữa, trong giai đoạn bị tạm giữ, người bị tình nghi gặp khó khăn trong việc tự mình thu thập chứng cứ (tài liệu, đồ vật, thông tin,…) để chứng minh mình không phạm tội hoặc phạm tội nhưng tính chất, mức độ nhẹ hơn so với kết quả xác minh, thu thập chứng cứ của cơ quan điều tra. Đối với trường hợp này, việc người bị tình nghi tiếp cận sớm với dịch vụ TGPL sẽ giúp họ tránh được sự tạm giữ kéo dài hoặc khởi tố bởi một một tội mà hậu quả pháp lý lớn hơn so với hành vi của họ đã vi phạm pháp luật hình sự.
Bên cạnh đó, trong trường hợp người bị tình nghi phạm tội, thì việc họ được cung cấp dịch vụ TGPL ở giai đoạn tạm giữ (giai đoạn tiền tố tụng) có vai trò hết sức quan trọng và tác động tích cực đến hiệu quả của quá trình trước, trong và sau tố tụng. Đó là trong quá trình tư vấn, hướng dẫn hoặc đại diện, người thực hiện TGPL tạo cho người bị tình nghi sự tin tưởng vào một quá trình tố tụng công bằng, công khai, các quyền của họ được bảo vệ, từ đó giúp họ nhận thức, hiểu biết về hành vi phạm tội của mình cũng như định hướng quá trình tố tụng, hậu quả pháp lý mà họ phải gánh chịu đối với hành vi phạm tội.
- Đối với người bị tình nghi là trẻ em, nạn nhân nạn buôn bán người, bạo lực gia đình (phụ nữ), khuyết tật và người nhiễm HIV (đối tượng được TGPL) thì khi áp dụng các biện pháp hình sự (bắt, tạm giữ) không những ảnh hưởng lớn đến tâm, sinh lý của họ mà tạo nhiều hậu quả tiêu cực cho xã hội (trầm cảm, tự ty, tăng tốc độ lây lan HIV). Vì vậy, việc TGPLTTT đối với họ là cần thiết, giúp họ nhận thức và thực hiện, bảo vệ các quyền đặc biệt mà pháp luật quy định[6], đồng thời hạn chế các tác động xấu ảnh hưởng đến con người và xã hội.
Thứ hai, TGPLTTT nâng cao hiệu quả hoạt động tố tụng
- Việc tham gia TGPL cho người bị tình nghi là đối tượng được TGPL ở giai đoạn tiền tố tụng không những kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho họ mà còn giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện đúng các quy định pháp luật về bắt, tạm giữ người và ra quyết định khởi tố vụ án nhanh chóng, kịp thời và đúng đối tượng.
- Thông qua TGPLTTT, các cơ quan tiến hành tố tụng trao đổi thông tin về đối tượng bị tình nghi một cách khách quan, kịp thời (có sự phản biện, bào chữa, bảo vệ của người thực hiện TGPL), từ đó đưa ra các quyết định, nhận định về phạm vi, đối tượng phạm tội, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho quá trình tố tụng sau này (nhất là giai đoạn truy tố, xét xử) diễn ra công bằng, khách quan, hiệu suất, hiệu quả và đảm bảo nguyên tắc pháp quyền, tránh oan sai.
- Với vai trò là người bảo vệ công lý, sự tham gia của người thực hiện TGPL ở giai đoạn tiền tố tụng sẽ tác động tích cực đến vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thực hiện quyền và nhiệm vụ trong hoạt động tố tụng như đảm bảo các quyền của người bị tình nghi (quyền thông tin, quyền được giải thích quyền và nghĩa vụ, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, đảm bảo về nhân phẩm, danh dự, tiếp cận sớm TGPL và quyền bào chữa…) và đảm bảo quyền tham gia tố tụng của người thực hiện TGPL.
- Việc đảm bảo các quyền con người, quyền công dân, quyền tố tụng của người bị tình nghi, quyền đại diện bào chữa, bảo vệ của người thực hiện TGPL trong giai đoạn tiền tố tụng và tuân thủ các quy trình, thủ tục về tiền tố tụng sẽ tạo ra sự liên tục, hiệu quả trong các giai đoạn tố tụng (đảm bảo 03 giai đoạn là điều tra, truy tố và xét xử). Điều này giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng tiết kiệm được nguồn lực trong hoạt động tố tụng, hạn chế việc tổ chức xét xử nhiều lần, nhiều cấp.
2. Quy định của pháp luật về TGPLTTT ở nước ta hiện nay
Hệ thống pháp luật một số nước thế giới đã bước đầu ghi nhận quy định về TGPLTTT (quyền có một luật sư từ thời điểm bị bắt; khi tham vấn người bị tình nghi bắt buộc phải có luật sư,…), đặc biệt Hướng dẫn của Liên Hợp quốc ngày 20/12/2014 đã hướng dẫn cụ thể về quyền được tiếp cận sớm TGPL ở giai đoạn đầu của quá trình tố tụng[7]; tuy nhiên, ở nước ta quy định này chưa được quy định hoặc quy định nhưng không cụ thể, làm ảnh hưởng đến quyền tố tụng của đối tượng yếu thế, nhất là đối tượng được TGPL là người bị tình nghi.
Tại Khoản 4 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa” và quyền của người bị tình nghi theo Điều 11, Điểm d Khoản 2 Điều 48 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 là quyền “tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa”. Đặc biệt, nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân và quyền bào chữa trong Hiến pháp năm 2013, từng bước hoàn thiện các nguyên tắc tiếp cận sớm TGPL trong tố tụng hình sự theo Hướng dẫn của Liên Hợp quốc ngày 20/12/2014; năm 2015, Quốc hội đã thông Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam. Đây là 02 văn bản tiếp tục khẳng định, cụ thể hóa quyền bào chữa của người bị bắt, người bị tạm giữ; cụ thể: Tại Điều 16 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Người bị buộc tội[8] có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật này và người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền “tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình, người bị bắt, người bị tạm giữ có quyền “tự bào chữa, nhờ người bào chữa[9].
Với các quy định trên, thì ở giai đoạn tiền tố tụng, người bị tình nghi là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị bắt, người bị tạm giữ thuộc đối tượng được TGPL có quyền yêu cầu người khác (người thực hiện TGPL) đại diện cho mình để bào chữa, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp chứ không phải chờ tới khi có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can (giai đoạn tố tụng) mới thực hiện quyền này. Tuy nhiên, do Luật TGPL năm 2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định về hình thức TGPLTTT hoặc có quy định nhưng chỉ nêu “tư vấn tiền tố tụng” mà chưa có một hướng dẫn hay quy định pháp lý rõ ràng trong văn bản quy phạm pháp luật; vì thế, thời gian qua người thực hiện TGPL phần lớn chỉ tham gia TGPL cho đối tượng được TGPL ở giai đoạn tố tụng (sau khi nhận được quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can) với vai trò người đại diện để bào chữa, bảo vệ quyền mà không tham gia TGPL ngay từ khi người được TGPL bị bắt hoặc bị tạm giữ (giai đoạn tiền tố tụng).
3. Một số kiến nghị
Từ những phân tích nêu trên, để góp phần hoàn thiện quy định về TGPLTTT trong pháp luật tố tụng hình sự, đặc biệt hoàn thiện Dự thảo Luật TGPL (sửa đổi); người viết có một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện quy định về TGPLTTT trong pháp luật tố tụng hình sự và TGPL; trước hết, quy định TGPLTTT là quyền cơ bản của người bị tình nghi trong pháp luật tố tụng hình sự; bên cạnh đó, trong các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự cần quy định: Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị bắt, bị tạm giữ là đối tượng được TGPL có quyền tự mình hoặc nhờ người khác bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước khi cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và xem đây là nguyên tắc đảm bảo quyền con người, quyền công dân và quyền tư pháp (không thực hiện là vi phạm tố tụng, trừ khi người bị tình nghi từ chối quyền).
Thứ hai, bổ sung nội dung, hình thức quy định TGPLTTT vào Dự thảo Luật TGPL (sửa đổi) theo hướng quy định TGPLTTT là một hình thức TGPL cơ bản và được thực hiện liên tiếp sang giai đoạn tố tụng khi có yêu cầu để phù hợp với các quy định về quyền bào chữa của đối tượng được TGPL là người bị tình nghi theo Hiến pháp và pháp luật về tố tụng hình sự.
Thứ ba, nghiên cứu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực TGPL và tố tụng nhằm đảm bảo quyền TGPLTTT; cụ thể:
Một là, xây dựng và ban hành quy định về quyền, trách nhiệm các tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL (Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư); các cơ quan tiến hành tố tụng, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán đối với việc thực hiện quyền TGPLTTT của người bị tình nghi là đối tượng được TGPL;
Hai là, ban hành cơ chế chính sách đối với người làm công tác TGPL, người trực tiếp tham gia tố tụng nhằm tạo sự ổn định trong công tác, thực hiện nhiệm vụ được giao, hạn chế tiêu cực trong hoạt động tố tụng;
Ba là, xây dựng và ban hành quy định phối hợp thực hiện quyền TGPLTTT giữa người thực hiện TGPL và cơ quan, người tiến hành tố tụng.
Thứ tư, kịp thời sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 04/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hướng dân thực hiện một số quy định của pháp luật về TGPL trong hoạt động tố tụng theo hướng đảm bảo quyền tiếp cận sớm thông tin về TGPL, quyền được TGPLTTT của người bị tình nghi.
4. Kết luận
TGPLTTT trong pháp luật về tố tụng hình sự có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ sở đảm bảo các quyền về con người, quyền công dân và quyền tư pháp được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013; đặc biệt TGPLTTT đã tạo niềm tin về một quá trình tố tụng công bằng, công khai, minh bạch và đúng pháp luật đối với nhóm yếu thế dễ bị tổn thương trong xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tố tụng… Do vậy, việc xây dựng và hoàn thiện quy định pháp luật về TGPLTTT trong thời gian đến là một yêu cầu hết sức cần thiết, là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa./.
Phạm Thanh Quang
 
[1] Một hình thức TGPL quan trọng, được quy định tại Khoản 2 Điều 27, Điều 39 Luật TGPL năm 2006.
[2] Người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em, người khuyết tật, người nhiễm HIV, nạn nhân buôn bán người, người già cô đơn và một số đối tượng yếu thế khác theo quy định của pháp luật về TGPL.
[3] Được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 (Khoản 1 Điều 16, Điều 20; Điều 25; Khoản 4 Điều 31), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (Điều 5,6 và 7; Khoản 2 Điều 48), 2015 (Điều 8,9,10 và 11; Khoản 1 Điều 58; Khoản 2 Điều 59) và Luật Thi hành tậm giữ, tạm giam năm 2015 (Khoản 3, 4 Điều 4; Khoản 1 Điều 9).
[4] Xem Điều 6 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003; Điều 10 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[5] Vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén,…
[6] Xem Khoản 1 Điều 37 Hiến pháp năm 2013; Nguyên tắc1, 3, 11 và Hướng dẫn 10, 11 Hướng dẫn của Liên Hợp quốc ngày 20/12/2014..
[7] Xem cụ thể tại Sổ tay tiếp cận sớm TGPL trong các quá trình tố tụng hình sự của Liên Hợp quốc năm  2014.
[8] Xem Điểm đ Khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[9] Xem Điểm g Khoản 1 Điều 58 và Điểm d Khoản 2 Điều 59 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.