Con người là vốn quý của xã hội, là đối tượng bảo vệ hàng đầu được pháp luật nói chung, luật hình sự nói riêng bảo vệ đặc biệt. Bảo vệ con người là bảo vệ nhân phẩm, danh dự và sự tự do của họ, vì đó là những vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với bất kỳ một con người nào. Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định:
“Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm…”. Chính vì lẽ đó, Chương XIV Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định vê nhóm tội xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của con người. Đây là Chương bao gồm những quy phạm pháp luật trực tiếp bảo vệ con người, với tư cách là chủ thể của các mối quan hệ xã hội. Qua nghiên cứu lý luận và thực tiễn, người viết thấy rằng một số điều luật quy định trong Chương này còn có vướng mắc, bất cập cần được khắc phục để việc thực thi pháp luật được thuận lợi hơn. Nhằm phục vụ cho việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện BLHS năm 2015 theo tinh thần Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội khóa XIII trong thời gian tới, tác giả đề xuất mấy kiến nghị xoay quanh các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người quy định trong BLHS năm 2015, như sau:
1. Hoàn thiện các quy định về tình tiết định tội
Thứ nhất, về Tội hiếp dâm (khoản 1, Điều 141): Theo Điều 141 của BLHS năm 2015 thì, Tội hiếp dâm được áp dụng cho người nào thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân. Trước đến nay, nhiều người có thói quen nghĩ rằng những tội xâm phạm nhân phẩm con người như hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô … thì người bị hại phải là nữ giới, chủ thể phạm tội phải là nam giới. Tuy nhiên, đó chỉ là cách nhìn nhận chịu ảnh hưởng của văn hóa Á đông, và dựa vào đặc tính sinh học của người nam giới là có sức khỏe, thường là phía chủ động trong vấn đề tình dục. Trong khi đó, ở nhiều nước phương Tây, việc Tòa án đưa ra xét xử các bị cáo là nữ giới về loại tội danh vừa nêu là điều bình thường (đặc biệt có rất nhiều vụ án liên quan đến việc cô giáo quan hệ tình dục với học sinh nam đã được đưa ra xét xử ở nhiều quốc gia).
Trở lại với quy định tại khoản 1 Điều 141 BLHS năm 2015 về Tội hiếp dâm như sau: “
Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc bằng thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.
Như đã viện dẫn, ở phần giả định của điều luật mô tả “
người nào”, có nghĩa là không phân biệt giới tính, chủ thể của tội phạm này là chủ thể thường - nam hoặc nữ có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định; hành vi khách quan của tội này là hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được hoặc hành vi khác và hành vi giao cấu trái ý muốn của nạn nhân. Chỉ cần người đó có hành vi
dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ, thì bị coi là tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự.
Về mặt lý luận về định tội danh, khả năng để phụ nữ trở thành chủ thể của tội hiếp dâm có thể được đặt ra trong các trường hợp sau đây:
Một là, theo khoa học pháp lý cũng như thực tiễn đời sống, việc phụ nữ dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nam giới để thực hiện hành vi giao cấu trái ý muốn của họ là điều khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, từ thực tiễn đấu tranh phòng chống loại tội phạm này, hiện nay hành vi dùng “
thủ đoạn khác” để giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ có thể là hành vi được thực hiện bởi nữ giới. Ví dụ: cho uống thuốc kích dục, v.v… Do đó, không thể loại trừ khả năng này trên thực tế, và hành vi người nữ giới dùng “
thủ đoạn khác” giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của nạn nhân thì có thể coi là tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định.
Hai là, về thực tiễn, vài năm gần đây ở nước ta đã xuất hiện một số trường hợp nữ giới dùng thủ đoạn tạo ra tình trạng không thể tự vệ được hoặc không thể biểu lộ được ý chí ở nam giới để giao cấu trái ý muốn hoặc không có ý muốn của nam giới nhưng không bị trừng trị về Tội hiếp dâm, dẫn đến bỏ lọt tội phạm và gây bất bình trong nhân dân (vì theo quy định hiện hành thì chủ thể của tội phạm này chỉ là nam giới);
Ba là, luật hình sự một số nước trên thế giới (như Trung Quốc, Pháp, Anh, Mỹ, Thụy Điển…) đều quy định chủ thể của Tội hiếp dâm là chủ thể thường (nam hoặc nữ). Vì bản chất, tội hiếp dâm là hành vi giao cấu trái ý muốn hoặc không có ý muốn của nạn nhân, chứ không phải là hành vi dùng vũ lực; đe doạ dùng vũ lực; lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân; lợi dụng tình trạng không thể biểu lộ được ý chí của nạn nhân; tạo ra tình trạng không thể tự vệ được hoặc không thể biểu lộ được ý chí ở nạn nhân (vì đây chỉ là những thủ đoạn để thực hiện hành vi giao cấu).
Bốn là, phụ nữ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hiếp dâm trong trường hợp đồng phạm. Dù không phải là người thực hành
(chủ thể phổ biến là nam giới), thì phụ nữ cũng có thể bị coi là phạm tội nếu có hành vi cố ý cùng thực hiện Tội hiếp dâm với người thực hành. Cụ thể, phụ nữ có thể là người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức (khoản 1, khoản 2, Điều 17 BLHS năm 2015).
Như vậy, có thể khẳng định phụ nữ cũng có thể phạm tội hiếp dâm theo quy định tại Điều 141 BLHS năm 2015
Vì vậy, để thống nhất trong nhận thức và áp dụng luật hình sự, chúng tôi đề nghị sửa lại tình tiết định tội trong Tội hiếp dâm, bao gồm cả chủ thể và hành vi, thủ đoạn thuộc mặt khách quan như sau:
i) Quy định rõ chủ thể của Tội hiếp dâm là chủ thể thường (bất cứ người nào, có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định);
ii) Quy định hiếp dâm là hành vi giao cấu trái ý muốn hoặc không có ý muốn của nạn nhân bằng thủ đoạn dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác;
iii) Bổ sung cụm từ hoặc không có ý muốn của họ để tránh tình trạng bỏ lọt tội phạm vì không chứng minh được dấu hiệu trái ý muốn của nạn nhân;
Sau khi điều luật mới được sửa đổi, khoản 1 Điều 141 BLHS năm 2015 được viết lại, như sau
: “Người nào giao cấu trái ý muốn hoặc không có ý muốn của người khác bằng thủ đoạn dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc bằng thủ đoạn khác, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.”
Thứ hai, về Tội cưỡng dâm (Điều 143), mà theo đó, tại khoản 1 của Điều luật này có quy định:
“Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.” Theo tác giả, cần sửa lại tình tiết định tội, bao gồm cả chủ thể và hành vi, thủ đoạn thuộc mặt khách quan (giống như Tội hiếp dâm – Điều 141). Đồng thời, quy định rõ cưỡng dâm là hành vi miễng cưỡng giao cấu với người khác hoặc miễng cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác của nạn nhân bằng bất kỳ thủ đoạn nào. Đồng thời, lượt bỏ cụm từ dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách để cho dễ hiểu, dễ áp dụng và dễ chứng minh về mặt tố tụng. Bởi thực tiễn cho thấy, trong xã hội ta hiện nay không thiếu những trường hợp để đạt được danh vọng và sự giàu sang về vật chất, nhiều người đã không từ bỏ bất kỳ cơ hội hay thủ đoạn nào, miễn sao
“có lợi” cho mình, nên họ sẵn sàng đánh đổi tất cả. Ví dụ: Để được ký hợp đồng lao động dài hạn làm việc tại bộ phận Marketing của Công ty có 100% vốn đầu tư của Nhật Bản tại thành phố Q, Nguyễn Thị C. đã nhiều lần tận dụng mối quan hệ giữaTrần Văn H.(Trưởng bộ phận Tài chính- kế toán của Công ty) với Phó giám đốc Chung Tuấn M.. Thời gian sau, để thực hiện “ước mơ” nắm giữ chức Trưởng bộ phận Cung ứng – xuất nhập khẩu của Công ty rồi sẽ tiến xa hơn, C. chủ động tìm đến H. và lần này “cái giá” mà C. phải trả là chấp nhận quan hệ tình dục của H. dù là miễng cưỡng, bởi C. thừa biết rằng tiếng nói của H. đối với một số thành viên của Ban lãnh đạo của Công ty, nhất là đối với bộ phận nhân sự rất có “trọng lượng”. Khi quy trình nhân sự cơ bản xong, thì bất ngờ C. nộp đơn tố cáo H. về hành vi cưỡng bức tình dục mình, vì H. đã vô tình để lộ clip hình ảnh “nóng” của hai người tại khách sạn A. Ở đây, trong mối quan hệ giữa H. và C. dù làm việc cùng Công ty, nhưng không có mối quan hệ lệ thuộc giữa thủ trưởng với nhân viên, vì H. làm việc ở bộ phận tài chính – kế toán, còn C. nhân viên của bộ phận marketing, không chịu bất kỳ sự ảnh hưởng nào từ H., trừ khi C. không muốn đạt được danh vọng của mình! Việc C. chấp nhận quan hệ tình dục với H. cũng không thuộc trường hợp quẫn bách, bởi C. không trong tình trạng hết sức khó khăn, không tự mình khắc phục được, giải quyết được để cuối cùng chọn giải pháp miễng cưỡng giao cấu với H.. Theo Từ Điển Tiếng Việt của nhà xuất bản Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học năm 1998, tại tranh 779 có giải thích quẫn bách (t) khốn đốn ngặt nghèo đến mức hết đường giải quyết.
Cảnh nhà quẫn bách. Tình thế quẫn bách. Về mặt lý luận cũng như thực tiễn để xác định đúng thế nào là trong tình trạng
quẫn bách là điều rất khó, bởi chỉ mang
“tính định tính”. Trong khi đó, bản chất của tội cưỡng dâm là hành vi một người bằng mọi thủ đoạn khác nhau ép buộc người lệ thuộc mình phải miễn cưỡng giao cấu.
Từ những suy nghĩ đó, tác gỉa đề xuất sửa đổi khoản 1 Điều 143 BLHS năm 2015. Sau khi sửa đổi, khoản 1 Điều 143 BLHS năm 2015 mới được viết lại, như sau:
“Người nào giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người khác bằng bất kỳ thủ đoạn nào buộc nạn nhân phải miễn cưỡng đồng ý, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”.
Tương tự như vậy, Điều 144 BLHS năm 2015 quy định tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi cũng được sửa đổi theo hướng phân tích trên. Cụ thể, sau khi sửa đổi, khoản 1 Điều 144 BLHS năm 2015 mới, được viết lại, như sau:
“Người nào giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi bằng bất kỳ thủ đoạn nào buộc nạn nhân phải miễn cưỡng đồng ý, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.”
Thứ ba, Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145). Mà theo đó, khoản 1 của Điều luật này cần sửa đổi tình tiết định tội theo hướng quy định rõ giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi là hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi hoàn toàn có sự tự nguyện của họ. Sở dĩ dùng thuật ngữ “tự nguyện” là muốn nhấn mạnh đến trường hợp giữa các bên có sự thỏa thuận việc giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác từ mua bán bằng tiền hoặc lợi ích vật chất khác. Việc sửa đổi này không những tạo ra sự thống nhất giữa Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi với Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142), Tội cưỡng dâm người người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144) mà còn rõ ràng hơn, giúp phân biệt được Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi với các tội khác như: cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; hiếp dâm người dưới 16 tuổi; dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.
Sau khi sửa đổi, khoản 1 Điều 145 BLHS năm 2015 mới, được viết lại, như sau:
“Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi hoàn toàn có sự tự nguyện của họ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.
Thứ tư, về Tội làm nhục người khác (Điều 155), mà theo đó, khoản 1 Điều này có quy định:
“Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.”
Quan điểm nghiên cứu của tác giả, cần bỏ cụm từ “
nghiêm trọng” trong cấu thành tội phạm cơ bản. Bởi lẽ: Đây là tội phạm có cấu thành hình thức, do vậy, nếu quy định như trên sẽ dẫn đến hiểu lầm đây chính là hậu quả của tội phạm. Hơn nữa, tội làm nhục người khác có hậu quả là thiệt hại về tinh thần nên rất khó chứng minh tính chất định tính “
nghiêm trọng” trong tố tụng. Đồng thời cũng rất khó xác định hành vi làm nhục người khác đến mức độ nào là nghiêm trọng, bởi thực tế, cũng với câu nói đó, với người này thì họ không cho rằng đã bị xúc phạm nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của mình, chẳng qua do thiếu kiềm chế cảm xúc nhất thời, không đáng kể. Nhưng với người khác nhất là người có chút địa vị nhất định trong xã hội thì họ lại cho rằng là đã xúc phạm nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của họ! Tuy nhiên, để phân định ranh giới giữa có tội làm nhục người khác với chưa có tội làm nhục người khác, tác giả cho rằng, cần bổ sung thêm điều kiện
“đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” vào cấu thành tội phạm cơ bản, sẽ dễ áp dụng hơn và chặt chẽ hơn
.
Sau khi sửa đổi, khoản 1 Điều 155 BLHS năm 2015 mới, được viết lại như sau:
“ Người nào xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, mà đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”.
Thứ sáu, về Tội vu khống (Điều 156), mà theo đó, khoản 1 Điều này có quy định:
“Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.”
Qua nghiên cứu, tác giả thấy rằng: Một trong những dấu hiệu cơ bản cấu thành tội phạm này là hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Dấu hiệu “
nghiêm trọng” thực tế để chứng minh là điều không phải dễ! Đây là tội phạm có cấu thành hình thức, hơn nữa, từ khi hành vi này bị coi là tội phạm được quy định gần đây nhất Điều 122 BLHS năm 1999 cho đến nay, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn trong trường hợp nào, thế nào là “
nghiêm trọng” khi xúc phạm nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại, trong tội vu khống. Do thiếu chuẩn mực cụ thể, nên không tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, sẽ dẫn đến tình trạng bỏ lọt tội phạm hoặc xử oan người không có tội.
Để bảo đảm chặt chẽ và chính xác trong việc xử lý tội phạm này, đồng thời để viết điều luật ngắn gọn, đủ ý mà không bỏ lọt tội phạm, người viết đề xuất bổ sung thêm điều kiện “
đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” vào cấu thành tội phạm cơ bản. Và bỏ cả cụm từ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 156
“Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền” trong cấu thành tội phạm cơ bản của Tội vu khống và chuyển sang cấu thành tội phạm tăng nặng với tính chất là tình tiết tăng nặng định khung. Cụ thể, sau khi sửa đổi, bổ sung Điều 156 BLHS năm 2015 mới, được viết lại, như sau:
“1. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt về người khác, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền tứ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tah1ng đến 01 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
…
h) Vu khống người khác phạm tội.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Vì động cơ đê hèn;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
c) Làm nạn nhân tự sát.
d) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
4…”
2. Hoàn thiện các quy định về tình tiết định khung
Trên cơ sở đối chiếu với các tội có sử dụng bạo lực như Tội giết người (Điều 123); Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134); Tội cướp tài sản (Điều 168) và thực trạng tình hình tội phạm hiếp dâm diễn biến trong thời gian qua, theo tác giả cần bổ sung các tình tiết tăng nặng định khung sau vào các khoản 2, 3 và 4 của Điều 141 BLHS năm 2015, như sau:
-Bổ sung tình tiết tăng nặng định khung gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
-Bổ sung tình tiết: Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Tái phạm nguy hiểm; Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; Làm nạn nhân mất khả năng mang thai và sinh con; Phạm tội với phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; Phạm tội đối với thầy giáo, cô giáo của mình; Phạm tội đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; Thuê hiếp dâm hoặc hiếp dâm thuê; Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; Vì động cơ đê hèn.
Sau khi sửa đổi, bổ sung Điều 141 mới được viết lại, như sau:
Điều 141. Tội hiếp dâm
“1. Người nào…;
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a)…
h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
….
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Làm nạn nhân tự sát;
đ) Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
e) Làm nạn nhân mất khả năng mang thai và sinh con;
g) Phạm tội với phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
h) Phạm tội đối với thầy giáo, cô giáo của mình;
i) Phạm tội đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
k) Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
m) Thuê hiếp dâm hoặc hiếp dâm thuê;
n) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
q) Vì động cơ đê hèn.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân”
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
b) Làm nạn nhân chết.
5. Phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó.
6. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”.
Tương tự như vậy, với Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142); Tội cưỡng dâm (Điều 143); Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144); Tội giao cấu với hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145), Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146); Tội làm nhục người khác (Điều 155); Tội vu khống (Điều 156) cũng nên sửa theo hướng này.
Phạm Thị Hồng Đào - Văn phòng luật sư Thạnh Hưng