Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 22/6/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016 (viết tắt Luật BHVBQPPL năm 2015). Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân số 31/2004/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật BHVBQPPL năm 2015 có hiệu lực thi hành. Để thực hiện một quy định của Luật này, căn cứ Điều 173 Luật BHVBQPPL năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (viết tắt Nghị định 34/2016/NĐ-CP), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, thay thế Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05/3/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật;... Như vậy, Luật BHVBQPPL năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, về nội dung quy định về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành luật, nghị quyết, nghị định... khác với quy định trong Luật BHVBQPPL năm 2008. Cụ thể, Luật BHVBQPPL năm 2015 quy định luật, nghị quyết… trước khi đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; nghị định của Chính phủ trước khi soạn thảo phải lập đề nghị xây dựng văn bản, trong đó phải thực hiện một số nhiệm vụ như: tổng kết thi hành pháp luật, đánh giá tác động của chính sách, thẩm định chính sách, thông qua chính sách… Trong khi đó, theo quy định của Luật BHVBQPPL năm 2008 thì những công việc này được tiến hành trong quá trình soạn thảo văn bản. Do vậy, kể từ ngày 01/7/2016, nếu áp dụng quy định mới của Luật BHVBQPPL năm 2015 cho việc soạn thảo, trình các dự án, dự thảo văn bản nêu trên sẽ gặp khó khăn, lúng túng cho cơ quan chủ trì soạn thảo và có thể làm chậm tiến độ soạn thảo dự án, dự thảo văn bản.
Từ thực tiễn thi hành pháp luật trong hoạt động tư pháp nói riêng và một số lĩnh vực khác nói chung thời gian qua cho thấy, do ảnh hưởng của tình trạng “nợ đọng” văn bản hướng dẫn chi tiết áp dụng cũng như biện pháp thi hành một số điều luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn khá nhiều, nên dù văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về lĩnh vực đó đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật khác thay thế từ rất lâu, nhưng do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết áp dụng quy định của văn bản pháp luật thay thế, trong khi đó, thực tiễn tiến hành hoạt động tố tụng hình sự của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nói riêng, cũng như giải quyết yêu cầu của người dân trong lĩnh vực tư pháp nói chung luôn đòi hỏi phải được liên tục, đáp ứng kịp thời nguyện vọng của người dân, chính vì vậy, đã nảy sinh tình trạng cơ quan thực thi pháp luật phải áp dụng “tương tự” pháp luật, nghĩa là vận dụng quy định được ban hành hướng dẫn trong văn bản quy định chi tiết, biện pháp thi hành của văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực, để giải quyết vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Đây là một thực tế cần được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời có những giải pháp tháo gỡ tồn tại này. Chúng ta đang trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, đó là Nhà nước thực thi quyền lực của mình dựa trên nền tảng pháp luật được ban hành theo thủ tục hiến định nhằm bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của Nhân dân và công lý. Như vậy, một Nhà nước pháp quyền phải là Nhà nước chịu sự kiểm soát, sự chế ngự của pháp luật trong mọi hoạt động của mình. Trong khi đó, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm chịu sự ảnh hưởng trực tiếp từ việc áp dụng văn bản pháp luật đó. Hay nói cách khác, việc áp dụng “tương tự” pháp luật như thời gian qua từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền, xét ở khía cạnh nào đó là chưa bảo đảm tính pháp chế xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân chưa được tôn trọng.
Để tiến đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần Nghị quyết 48-NQ/TƯ ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, đồng thời khắc phục tình trạng “nợ đọng” văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã đưa ra các giải pháp phối hợp, mang tính lâu dài nhằm khắc phục tình trạng “nợ đọng” văn bản hướng dẫn thi hành luật.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng tại khoản 2 Điều 38 Nghị định 34/2016/NĐ-CP có quy định việc xác định văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực, cụ thể:
“a) Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành các Điều, Khoản, điểm được giao quy định chi tiết thi hành văn bản đó đồng thời hết hiệu lực;
b) Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật được quy định chi tiết hết hiệu lực một phần thì các nội dung quy định chi tiết phần hết hiệu lực của văn bản được quy định chi tiết sẽ hết hiệu lực đồng thời với phần hết hiệu lực của văn bản được quy định chi tiết. Trường hợp không thể xác định được nội dung hết hiệu lực của văn bản quy định chi tiết thi hành thì văn bản đó hết hiệu lực toàn bộ;
c) Trường hợp một văn bản quy định chi tiết nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó chỉ có một hoặc một số văn bản được quy định chi tiết hết hiệu lực thì nội dung của văn bản quy định chi tiết thi hành sẽ hết hiệu lực đồng thời với một hoặc một số văn bản được quy định chi tiết hết hiệu lực. Trường hợp không thể xác định được các nội dung hết hiệu lực của văn bản quy định chi tiết thi hành thì văn bản đó hết hiệu lực toàn bộ.”
Như vậy, theo tinh thần quy định như vừa trích dẫn, kể từ ngày 01/7/2016 mọi hành vi áp dụng “tương tự” pháp luật như trên đã đề cập là vi phạm pháp luật, do vậy, văn bản áp dụng quy phạm pháp luật của cơ quan ban hành mà viện dẫn nội dung quy định tại văn bản hướng dẫn chi tiết áp dụng pháp luật của văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thi hành thì bị coi là trái pháp luật. Vấn đề đặt ra, nếu chiếu theo điểm a khoản 2 Điều 38 của Nghị định 34/2016/NĐ-CP đã nêu, trong lĩnh vực tố tụng hình sự, công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự sẽ gặp rất nhiều khó khăn, do có rất nhiều hướng dẫn được quy định trong các nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC, Thông tư liên tịch của các cơ quan tư pháp trung ương hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS năm 1985 tuy đã hết hiệu lực áp dụng, nhưng hiện các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải dựa vào tinh thần hướng dẫn từ các nội dung quy định chi tiết tại các văn bản quy phạm pháp luật này. Ví dụ, các tình tiết “
gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”; “có số lượng lớn, rất lớn” tại các điều 232, 233 BLHS năm 1999, cho đến thời điểm hiện tại, các cơ quan liên ngành tư pháp trung ương vẫn chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất về các tình tiết này, do vậy, trong thực tiễn xét xử không còn cách nào khác “buộc” Tòa án phải vận dụng tinh thần của Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 07/01/1995 của Tòa án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ Nội vụ hướng dẫn áp dụng Điều 95, Điều 96 BLHS năm 1985 để xét xử. Hoặc với tình tiết tinh thần “
bị kích động mạnh” là yếu tố định tội theo quy định tại Điều 95, Điều 105 BLHS năm 1999, nhưng cho đến hiện nay, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa có văn bản chính thức nào để hướng dẫn áp dụng tình tiết này, trong khi đó, tại điểm đ khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 có quy định tình tiết giảm nhẹ trách nhiện hình sự:
“Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra.”. Rắc rối ở đây, trường hợp nào được coi là tinh thần “
bị kích động mạnh”, trường hợp nào chỉ là “
bị kích động” nhưng không mạnh?. Mặc dù thực tiễn xét xử Tòa án đã phải xem xét rất nhiều trường hợp như thế , nhưng từ khi BLHS năm 1999 có hiệu lực thi hành cho đến nay, dù Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành nhiều nghị quyết hướng dẫn tạo điều kiện để thống nhất về nhận thức và áp dụng chính xác trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều quy định mà các cơ quan liên ngành tư pháp trung ương chưa hướng dẫn một cách cụ thể, trong đó có tình tiết
“bị kích động mạnh” về tinh thần. Đây là tình tiết tăng nặng định khung của tội giết người (khoản 3 Điều 101 BLHS năm 1985). Nghị quyết số 04-HĐTP ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thầm phán TANDTC, hướng dẫn áp dụng một số quy định của phần các tội phạm của BLHS năm 1985, mà theo đó, tại ý 1 của Điểm b Mục 1 Chương 2 có nêu rõ:
“- Tình trạng tinh thần bị kích động là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Nói chung, sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người. Nhưng cá biệt có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động đó đã âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được; nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh. …
Trong trường hợp cá biệt hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân cấu thành tội phạm nhưng là tội phạm ít nghiêm trọng (như tội làm nhục người khác, tội vu khống) thì cũng được coi là giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh và được xử lý theo Điều 101, khoản 3. Thí dụ: hai anh em đồng hao ở chung nhà bố mẹ vợ, người anh thường xuyên làm nhục thô bạo và trắng trợn vu khống người em, đến thời điểm nào đó lại lăng nhục người em nên người anh bị em giết.
Đối với trường hợp người dùng chất say (uống rượu) hoặc chất kích thích mạnh khác mà bị say, nhân có hành vi trái pháp luật không nghiêm trọng của nạn nhân mà thực hiện hành vi giết người, thì không coi là trường hợp phạm tội do bị kích động mạnh. Phải tùy theo hoàn cảnh, tính chất và mức độ sai trái của hành vi do nạn nhân thực hiện cũng như các tình tiết khác của vụ án, mà xử lý theo Điều 101 về tội giết người.
- Để có thể xác định tinh thần của người phạm tội có bị kích động mạnh hay không và để phân biệt giữa “kích động” với “kích động mạnh”, cần xem xét một cách khác quan, toàn diện các mặt: thời gian, hoàn cảnh, địa điểm, diễn biến, nguyên nhân sâu xa và trực tiếp của sự việc; mối quan hệ giữa nạn nhân với người phạm tội, trình độ văn hóa, chính trị, tính tình, cá tính của mỗi bên: mức độ nghiêm trọng của hành vi trái pháp luật của nạn nhân, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân với tình trạng tinh thần bị kích động mạnh của người phạm tội”.
Nhưng đấy là nội dung của Nghị quyết hướng dẫn về việc áp dụng một số quy định của Phần các tội phạm của BLHS năm 1985, nếu chiếu theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 38 Nghị định 34/2016/NĐ-CP, kể từ ngày 01/7/2016 các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự nói chung, Tòa án nói riêng không thể dẫn chiếu tinh thần hướng dẫn trên để vận dụng khi xét xử tội danh quy định tại Điều 95, Điều 105 BLHS năm 1999 nay là Điều 125, Điều 135 BLHS năm 2015, tội “
Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”; tội “
Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”. Đây là một số trong rất nhiều trường hợp mà khi giải quyết án, Tòa án phải chấp nhận việc áp dụng pháp luật “tương tự”, dù biết rằng việc áp dụng đó là thiếu cơ sở pháp lý vững chắc, bởi theo quy định tại khoản 4 Điều 154 Luật BHVBQPPL năm 2015:
“Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành, văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực.”
Không chỉ riêng trong lĩnh vực hình sự, mà cả tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hình chính, rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết là nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC; thông tư liên tịch của các cơ quan tư pháp trung ương; thông tư của Bộ Công an;…đã được ban hành để thực hiện BLTTHS năm 2003, BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011), Luật Tố tụng hành chính năm 2010, mà theo đó, kể từ ngày 01/7/2016 sẽ hết hiệu lực, do được thay thế bởi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Để không bị coi là vi phạm pháp luật, một khi “buộc” phải dẫn chiếu nội dung quy định tại các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực, nhất là hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của Tòa án. Trong khi chờ, HĐTP TANDTC, các cơ quan tư pháp liên ngành trung ương ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất một số điều của BLHS năm 2015, BLTTHS năm 2015, theo quan điểm đề xuất của tác giả, cần lùi hiệu lực thi hành quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định 34/2016/ND-CP một thời gian đủ để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền rà soát và ban hành hướng dẫn chi tiết áp dụng một số điều luật thuộc phạm vi thẩm quyền của mình. Thiết nghĩ đây là giải pháp hợp lý nhất để tránh những rắc rối không đáng có xảy ra, bởi nếu chiếu theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định 34/2016/NĐ-CP, hàng loạt các văn bản tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, như kết luận điều tra, cáo trạng, bản án có thể bị luật sư, người tham gia tố tụng trong vụ án thực hiện quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật tố tụng, nghiêm trọng hơn có thể bị kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm do có sai lầm trong áp dụng pháp luật.
Một vấn đề khác cũng cần quan tâm, đó là, việc
lùi hiệu lực thi hành một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật sắp đến ngày có hiệu lực thi hành được quy định tại điều khoản về hiệu lực thi hành của văn bản đó cũng đang là vấn đề còn có ý kiến khác nhau, vì Luật BHVBQPPL năm 2008 và Luật BHVBQPPL năm 2015 đều không quy định nào với trường hợp cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật được lùi hiệu lực thi hành văn bản quy phạm pháp luật đó, mà chỉ quy định với các trường hợp ngưng hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật mà thôi. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 153 Luật BHVBQPPL năm 2015, có quy định văn bản quy phạm pháp luật
ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần cho đến khi có quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong các trường hợp sau đây:
“a) Bị đình chỉ việc thi hành theo quy định tại khoản 3 Điều 164, khoản 2 Điều 165, khoản 2 và khoản 3 Điều 166, khoản 2 và khoản 3 Điều 167 của Luật này. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định bãi bỏ thì văn bản hết hiệu lực; nếu không ra quyết định bãi bỏ thì văn bản tiếp tục có hiệu lực;
b) Cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật quyết định ngưng hiệu lực của văn bản đó trong một thời hạn nhất định để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội phát sinh.”
Theo quy định vừa nêu, văn bản quy phạm pháp luật theo phân cấp bị đình chỉ, bãi bỏ, ngưng hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật đó trong các trường hợp sau:
- Trường hợp đình chỉ và bãi bỏ:
+ Ủy ban thường vụ Quốc hội có quyền
đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Tổng Kiểm toán nhà nước trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và trình Quốc hội quyết định việc bãi bỏ văn bản đó tại kỳ họp gần nhất;
bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Tổng Kiểm toán nhà nước trái với pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội;
bãi bỏ văn bản quy phạm - pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trái với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.
+ Thủ tướng Chính phủ quyết định
bãi bỏ hoặc
đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trái với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên;
đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trái với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, đồng thời đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội
bãi bỏ.
+ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực có quyền đề nghị Thủ tướng Chính phủ
đình chỉ việc thi hành,
bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có nội dung trái pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực do mình phụ trách; báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội
bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có nội dung trái pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực do mình phụ trách.
+ Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có nội dung trái pháp luật không được xử lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ
đình chỉ việc thi hành hoặc
bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật đó.
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp
đình chỉ việc thi hành,
bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật của Ủy ban nhân dân cấp dưới.
- Trường hợp thứ hai: Ngưng hiệu lực của văn bản đó trong một thời hạn nhất định để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội phát sinh. Ví dụ, trước tình hình phản ánh của nhiều doanh nghiệp, mà theo đó, nội dung quy định tại Thông tư 20/2014/TT-BKHCN được cho là làm “khó” doanh nghiệp, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 2279/QĐ-BKHCN ngày 29/8/2014 về việc ngưng hiệu lực thi hành Thông tư số 20/2014/TT-BKHCN ngày 15/7/2014 quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.
Tuy nhiên cũng từ thực tiễn cho thấy, thời gian qua cũng đã xuất hiện một số trường hợp “ngoài” dự kiến của nhà làm luật, như: Quốc hội khóa XIII đã ban hành
Nghị quyết số 93/2015/QH13, ngày 22/6/2015 về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động, gần đây nhất Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội khoá XIII, về việc lùi hiệu lực thi hành Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 và bổ sung Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016. Đặc biệt, dù lùi hiệu lực thi hành nhưng Quốc hội cũng loại trừ một số quy định của BLHS, BLTTHS vẫn được thực thi từ 01/7/2016. Mà theo đó, các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015 và điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành BLHS; tiếp tục áp dụng khoản 2 Điều 1 và các quy định khác có lợi cho người phạm tội tại Nghị quyết số 109/2015/QH13; Áp dụng các quy định của BLTTHS năm 2015 có lợi cho người phạm tội.
Một trong những lý do Quốc hội phải ban hành Nghị quyết 144/2016/QH13, được chỉ ra đó là, qua rà soát phát hiện BLHS năm 2015 có nhiều sai sót về định lượng; cách quy định không thống nhất về hậu quả, ảnh hưởng đến nội dung, chính sách xử lý hình sự; có hai cấu thành định tội trong cùng một điều luật; viện dẫn sai điều, sai kỹ thuật lập pháp. Từ thực tế này, để bảo đảm có đầy đủ căn cứ pháp lý khi phải xử lý những tình huống tương tự như trên, tác giả kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, bổ sung vào Luật BHVBQPPL năm 2015 quy định về lùi hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, nội dung điều luật được bổ sung viết như sau:
“Điều ... Lùi hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật
1. Lùi hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật toàn bộ, một phần hoặc một điều, khoản được áp dụng đối với văn bản pháp luật chưa có hiệu lực thi hành. Lùi hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a); Phát hiện có nhiều sai sót trong kỹ thuật lập pháp ảnh hưởng nghiệm trọng đến hiệu quả thi hành văn bản quy phạm pháp luật đó;
b) Theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần lùi hiệu lực của văn bản đó trong một thời hạn nhất định để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội phát sinh.
2. Thời điểm lùi hiệu lực, tiếp tục có hiệu lực của văn bản phải được quy định rõ tại văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Văn bản quy phạm pháp luật quyết định lùi hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật phải đăng Công báo, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày ra ban hành văn bản.”
Từ thực tiễn, qua nghiên cứu người viết đề xuất, nhà làm luật xem xét bổ sung vào Luật BHVBQPPL năm 2015 quy định về chủ thể có thẩm quyền và các trường hợp lùi hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật, điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong điều tiết chính sách vĩ mô nền kinh tế thị trường, đặc biệt khắc phục được sai sót về kỹ thuật xây dựng văn bản pháp luật, mà còn có đủ cơ sở pháp lý kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước ta.
Phạm Thị Hồng Đào