Điều 20 BLHS năm 1999 quy định về đồng phạm:
“1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
3. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.”
Điều 17 BLHS năm 2015 quy định về đồng phạm:
1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.”
Về cơ bản quy định về đồng phạm của BLHS năm 2015 giữ nguyên so với quy định tại BLHS năm 1999, có một số sửa đổi, bổ sung như sau:
Thứ nhất: Điều 17 BLHS năm 2015 được quy định thành 04 khoản (BLHS năm 1999 là 03 khoản), khoản 2 của Điều 20 BLHS năm 1999
“2. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.”
Được sửa đổi thành khoản 3 của BLHS năm 2015 kết cấu được thay đổi như sau:
“3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.”
Thứ hai: Khoản 3 Điều 20 BLHS năm 1999 được quy định thành khoản 2 Điều 17 của BLHS năm 2015.
Thứ ba: Điều 17 BLHS năm 2015 bổ sung thêm khoản 4 “
Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.”
Đồng phạm là một khái niệm pháp lý nói lên quy mô tội phạm, được thể hiện trong một vụ án có nhiều người tham gia. Tuy nhiên, không phải cứ có nhiều người tham gia là đồng phạm, mà nhiều người tham gia đó phải cố ý cùng thực hiện một tội phạm, nếu có nhiều người phạm tội nhưng không cùng thực hiện một tội phạm thì không gọi là đồng phạm. Giữa những người phạm tội đó có sự bàn bạc, thống nhất trước khi thực hiện tội phạm hoặc có sự tiếp nhận về mặt ý chí giữa những người phạm tội.
Chế định đồng phạm quy định trong Bộ luật hình sự có hai loại mà theo khoa học luật hình sự gọi là đồng phạm giản đơn và đồng phạm phức tạp (phạm tội có tổ chức).
Đồng phạm giản đơn là trường hợp tất cả những người cùng thực hiện một tội phạm đều là người thực hành.
Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm (khoản 2 Điều 17 Bộ luật hình sự) là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện một tội phạm, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu và là một hình thức đồng phạm, có sự phân công, sắp đặt vai trò của những người tham gia. Trong đó mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi và phải chịu sự điều khiển của người cầm đầu.
Khoản 3 Điều 17 BLHS năm 2015 xác định người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Căn cứ để xác định vụ án đồng phạm:
Thứ nhất: căn cứ khách quan gồm căn cứ vào số lượng người tham gia trong vụ án, căn cứ vào tính liên kết về hành vi cùng thực hiện một tội phạm, căn cứ vào hậu quả do vụ án đồng phạm gây ra.
- Căn cứ và số lượng người trong vụ án: Điều 17 BLHS năm 2015 quy định trong vụ án đồng phạm phải có từ hai người trở lên, những người này đều phải có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
- Căn cứ vào tính liên kết về hành vi: Những người trong vụ án đồng phạm phải cùng nhau thực hiện một tội phạm. Hành vi của người đồng phạm này liên kết chặt chẽ với hành vi của người đồng phạm kia. Hành vi của những người đồng phạm phải hướng về một tội phạm, phải tạo điều kiện, hỗ trợ cho nhau để thực hiện một tội phạm thuận lợi, nói cách khác hành vi của đồng phạm này là tiền đề cho hành vi của đồng phạm kia. Hành vi của tất cả những người trong vụ án đồng phạm đều là nguyên nhân dẫn đến hậu quả tác hại chung của tội phạm.
- Căn cứ vào hậu quả tác hại: Hậu quả tác hại do tội phạm gây ra trong vụ án đồng phạm là hậu quả chung do toàn bộ những người đồng phạm gây ra. Hành vi của mỗi người trong vụ án đều là nguyên nhân gây ra hậu quả chung ấy, mặc dù có người trực tiếp, người gián tiếp gây ra hậu quả tác hại. Đây là đặc điểm về quan hệ nhân quả trong vụ án đồng phạm.
Thứ hai: Căn cứ chủ quan. Tất cả những người trong vụ án đồng phạm phải có hình thức lỗi cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Tất cả họ đều thấy rõ hành vi của toàn bộ những người trong vụ án đều nguy hiểm cho xã hội. Mỗi người đồng phạm đều thấy trước hành vi của mình và hành vi của người đồng phạm khác trong vụ án đồng phạm là nguy hiểm, thấy trước hành vi của tất cả những người đồng phạm đều là nguyên nhân dẫn đến hậu quả tác hại. Vụ án có yếu tố đồng phạm khác vụ án thông thường do một người thực hiện ở những điểm sau đây:
- Vụ án có yếu tố đồng phạm có hai người trở lên, còn vụ án khác chỉ có một người thực hiện.
- Thông thường vụ án đồng phạm có tính chất, mức độ ngy hiểm hơn vụ án do một người thực hiện.
- Vụ án đồng phạm có hình thức lỗi cố ý, còn vụ án do một người thực hiện có thể cố ý hoặc vô ý.
- Hành vi của những người trong vụ án đồng phạm có sự liên kết chặt chẽ để cùng thực hiện một tội phạm, còn hành vi của người phạm tội đơn lẻ không liên kết với ai.
- Hậu quả tác hại trong vụ án đồng phạm là hậu quả chung do toàn bộ những người đồng phạm gây ra, hậu quả tác hại trong vụ án do một người thực hiện là hậu quả riêng do chính hành vi của người đó gây ra.
Qua thực tiễn nghiên cứu chế định đồng phạm theo quy định BLHS năm 2015, cho thấy đồng phạm là việc những người phạm tội có sự bàn bạc thống nhất trước khi thực hiện tội phạm hoặc có sự tiếp nhận về mặt ý chí tức là sự ăn ý, hiểu ý giữa những người phạm tội mặc dù không có sự bàn bạc, thống nhất trước khi thực hiện hành vi phạm tội, tuy nhiên không phải mọi trường hợp có sự tiếp nhận về mặt ý chí đều là đồng phạm mà cần lưu ý một số vấn đề như sau:
Thứ nhất: Theo Từ điển tiếng Việt thì
“Ý chí là cái hình thành từ trong ý thức mà ra”, như vậy, sự tiếp nhận về mặt ý chí là sự ăn ý, hiểu ý giữa những người phạm tội trong việc thực hiện tội phạm mọi sự tác động về mặt khách quan dẫn đến hình thành việc tiếp nhận ý chí trong đồng phạm thì đó không phải là sự tiếp nhận về mặt ý chí.
Ví dụ: Ngày 13/5/2015 Nguyễn Văn A điều khiển xe máy rủ Đào Hoàng B lên thành phố X chơi, khi đến ngõ số 3, đường M, thành phố X thì A dừng xe máy lại và bảo B đứng chờ một lát để sang bên kia đường mua nước, B ngồi trên xe máy đứng chờ A. Lát sau, A phá khóa lấy 01 chiếc xe máy dựng bên đường chạy lại chỗ B đang đứng chờ nói “Mày đi theo tao?”, B biết là A đã ăn trộm chiếc xe máy nên đi theo B. Sau đó A và B bị bắt, chiếc xe máy được định giá là 5.000.000 đồng. Trong trường hợp trên có ý kiến cho rằng B đã có sự tiếp nhận về mặt ý chí nên B là đồng phạm trong tội trộm cắp tài sản.
Trong trường hợp này, hành vi của B có sự tiếp nhận về mặt ý chí tuy nhiên sự tiếp nhận về mặt ý chí của B không phải hình thành từ trong ý thức mà có sự tác động về mặt khách quan mới hình thành, tức là khi A sang bên đường B không biết là A đi trộm cắp chiếc xe, B chỉ hiểu A trộm cắp tài sản và đi theo khi A nói
“Mày đi theo tao?”. Như vậy, việc hình thành sự tiếp nhận về mặt ý chí của B là có sự tác động về mặt khách quan nên B không đồng phạm với A trong tội trộm cắp tài sản.
Thứ hai: Thời điểm hình thành việc tiếp nhận ý chí: Việc tiếp nhận về mặt ý chí nếu được hình thành sau khi hành vi phạm tội của người thực hành đã hoàn thành không phải là đồng phạm.
Trong trường hợp trên, hành vi trộm cắp tài sản của A đã hoàn thành kể từ thời điểm dịch chuyển tài sản một cách bất hợp pháp, sau khi hành vi trộm cắp tài sản đã hoàn thành của A thì B mới có sự tiếp nhận về mặt ý chí. Như vậy, việc tiếp nhận về mặt ý chí của B diễn ra sau khi tội phạm của A đã hoàn thành nên B không phải là đồng phạm của tội trộm cắp tài sản được.
Các quy định của BLHS năm 2015 về đồng phạm mang tính kế thừa những quy định của BLHS năm 1999, tuy nhiên việc vận dụng đúng khái niệm đồng phạm trong thực tiễn tố tụng để giải quyết các vụ án là rất quan trọng./.
Trần Văn Hùng - Tòa án quân sự Khu vực 2 Quân khu 4