Tân Hiệp Phát (viết tắt THP) một doanh nghiệp 100% vốn của Việt Nam, đã tung ra thị trường Việt Nam một loại bia cao cấp mới - bia Laser vào cuối năm 2003.
VBL đã ký nhiều hợp đồng với nhiều nhà hàng, quán nhậu, khách sạn… (tức các điểm bán bia và tiêu thụ (uống) bia tại chỗ). Theo đó VBL có quyền độc quyền bán và tổ chức các hoạt động khuyến mại, quảng cáo và tiếp thị các loại bia do công ty này sản xuất, đặc biệt là hai loại bia cao cấp mang nhãn hiệu Heineken và Tiger tại các điểm bán và uống bia ngay ở điểm bán. Đổi lại, VBL cam kết “tài trợ” cho đối tác hợp đồng một khoản tiền mặt được thanh toán trong thời hạn hiệu lực của hợp đồng.
Do các hợp đồng có tính độc quyền giữa VBL và các điểm bán bia và tiêu thụ bia tại chỗ nói trên, các điểm bán đã ký hợp đồng với VBL về mặt pháp lý không thể bán bia Laser của THP.
Ngay từ khi Luật Cạnh tranh năm 2004 (LCT) có hiệu lực, THP đã nỗ lực khiếu nại hành vi hạn chế cạnh tranh của VBL. THP cho rằng VBL đã có vị trí thống lĩnh thị trường trên thị trường bia cao cấp ở Việt Nam và thông qua hệ thống các hợp đồng độc quyền nêu trên, VBL đã ngăn cản đối thủ cạnh tranh mới (như THP) gia nhập thị trường là đã vi phạm khoản 6 Điều 13 LCT. Tuy nhiên tại thời điểm bấy giờ, cơ quan quản lý cạnh tranh theo LCT chưa được thành lập cũng như chưa có cơ quan có thẩm quyền nào thụ lý đơn khiếu nại của THP.
Tháng 01/2007, sau khi các cơ quan chức năng được thành lập, THP tiếp tục khiếu kiện VBL lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường. Vụ việc này sau đó đã được cơ quan có thẩm quyền thụ lý.
Trong quá trình thụ lý hồ sơ, Cục quản lý cạnh tranh đã yêu cầu THP bổ sung hồ sơ ba lần. Trong đó, THP cần bổ sung các tài liệu chứng minh thị trường liên quan, thị phần của VBL, hành vi hạn chế cạnh tranh của VBL.
Tháng 8/2007, Cục Quản lý cạnh tranh (CQLCT) ra quyết định điều tra sơ bộ. Ngày 12/10/2007, CQLCT ra quyết định điều tra chính thức. Đến ngày 21/4/2010 (tức hơn 20 tháng kể từ ngày hết thời hạn điều tra chính thức), Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh mới ra quyết định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh (HĐXLVVCT). Ngày 21/5/2010, HĐXLVVCT đã ra Quyết định số 09/QĐ-HĐCT-HĐXL đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh theo điểm a khoản 1 Điều 101 LCT. Ngày 17/6/2010 THP đã tiến hành khiếu nại Quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh này. Tuy nhiên, Hội đồng cạnh tranh đã bác bỏ hoàn toàn tất cả các khiếu nại của THP và ra Quyết định số 15/QĐ - HĐCT giữ nguyên Quyết định của HĐXLVVCT về việc đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh.
THP khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại của Hội đồng cạnh tranh tại Tòa hành chính – TAND TP. HCM. Ngày 21/02/2011 TAND TP. HCM ra quyết định đình chỉ vụ án hành chính với lý do không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa này. Đến đây xem như đã khép lại quá trình tố tụng đối với việc khiếu kiện của THP.
2. Vấn đề pháp lý phát sinh từ vụ việc
Nội dung cần xem xét ở đây đó chính là xác định xem VBL có thực hiện hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường hay không. Liên quan đến điều này có mấy vấn đề pháp lý phát sinh như sau:
+ Vấn đề thứ nhất: Xác định xem VBL có được coi là Doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường hay không?
Theo khoản 1 Điều 11 LCT thì “Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây cạnh tranh một cách đáng kể”; cơ sở để xác định khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của doanh nghiệp trên thị trường liên quan được quy định tại Điều 22 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP:
“Khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của doanh nghiệp trên thị trường liên quan được xác định dựa vào một hoặc một số căn cứ chủ yếu sau đây:
1. Năng lực tài chính của doanh nghiệp.
2. Năng lực tài chính của tổ chức kinh tế, cá nhân thành lập doanh nghiệp.
3. Năng lực tài chính của tổ chức, cá nhân có quyền kiểm soát hoặc chi phối hoạt động của của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hoặc điều lệ của doanh nghiệp.
4. Năng lực tài chính của công ty mẹ.
5. Năng lực công nghệ.
6. Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp.
7. Quy mô của mạng lưới phân phối”.
Kết quả điều tra CQLCT cho rằng đối với vụ việc THP và VBL hiện không có đủ chứng cứ để chứng minh khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của VBL. Thông thường thì các cơ quan quản lý cạnh tranh, Hội đồng cạnh tranh sẽ căn cứ vào thị phần của doanh nghiệp để xác định doanh nghiệp đó có hay không có vị trí thống lĩnh thị trường. Cụ thể trong vụ việc này, để xác định VBL có vị trí thống lĩnh thị trường hay không sẽ liên quan đến vấn đề là số phần trăm thị phần của VBL trên thị trường liên quan là bao nhiêu. Theo khoản 1 Điều 3 LCT: “Thị trường liên quan bao gồm thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan. Thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả. Thị trường địa lý liên quan là một khu vực địa lý cụ thể trong đó có những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau với các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực lân cận”.
Như CQLCT đã xác định VBL có thị phần là 18,2% - 22,4%, nằm dưới ngưỡng 30% trên thị trường bia Việt Nam, nên VBL không phải là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường. Như vậy, cơ sở để CQLCT làm căn cứ xác định thị trường liên quan là thị trường bia Việt Nam, có nghĩa chỉ bao gồm thị trường địa lý liên quan là thiếu chính xác.
Mặt khác, theo phía THP cũng như các giới nghiên cứu bình luận về vụ việc này cho rằng VBL có thị phần là trên 85%, bởi dựa theo cả thị trường bia Việt Nam trên phạm vi toàn quốc và cả căn cứ vào thị trường sản phẩm (thị trường sản phẩm bia chia thành 3 phân khúc: thị trường bia cao cấp, thị trường bia truyền thống, thị trường bia bình dân), thì dòng sản phẩm bia Laser, Heneiken, Tiger đều thuộc phân khúc thị trường bia cao cấp. Bởi vì các loại bia này có thể thay thế cho nhau, trong khi đó, nếu so sánh với thị trường bia bình dân thì chắc chắn bia bình dân không thể thay thế cho dòng bia cao cấp, trước tiên là về mặt giá cả. Như vậy, trong thị trường bia cao cấp này, thị phần của bia Heneiken, Tiger là 85%. Với thị phần như vậy, VBL chắc chắn chiếm được địa vị thống lĩnh thị trường bia cao cấp.
Có thể nói việc xác định sản phẩm liên quan ảnh hưởng rất lớn đến việc xác định doanh nghiệp có ở vị trí thống lĩnh thị trường hay không. Việc HĐXLVVCT xác định thị phần của doanh nghiệp trên thị trường liên quan là thị trường bia Việt Nam nói chung là chưa hợp lý, mà cần xác định thị phần của doanh nghiệp trên thị trường liên quan tức bao gồm cả thị trường địa lý liên quan và thị trường sản phẩm liên quan là mới phù hợp.
+ Vấn đề thứ hai: Xác định VBL có thực hiện một trong các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường theo quy định tại Điều 13 của LCT hay không?
Một số điều khoản trong hợp đồng của VBL với các đối tác: “Bên B (nhà hàng, quán nhậu) đồng ý cho bên A (VBL) độc quyền bán và tổ chức các hoạt động khuyến mãi, quảng cáo, tiếp thị cho các nhãn hiệu của Bên A (Heneiken, Tiger) tại cơ sở kinh doanh của Bên B”, như vậy, về bản chất điều khoản này của hợp đồng là VBL đã yêu cầu đối tác của mình không được bán, quảng cáo, tiếp thị cho các sản phẩm khác không phải của VBL tại cơ sở kinh doanh của đối tác mà VBL đã ký kết. Nghĩa là VBL đã tạo ra những rào cản nhằm ngăn cản việc gia nhập thị trường của những đối thủ cạnh tranh mới bằng việc yêu cầu khách hàng của mình không giao dịch với đối thủ cạnh tranh mới. Như vậy, việc VBL độc quyền bán và tổ chức các hoạt động khuyến mãi, quảng cáo, tiếp thị cho các nhãn hiệu Heneiken,Tiger tại các cơ sở kinh doanh (nhà hàng, quán nhậu, điểm bán tạp hóa,…) của các đối tác là đã vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP ngày 15/9/2005 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh.
+ Vấn đề thứ ba: Thông qua các hợp đồng mà phía VBL ký kết với các đối tác (nhà hàng, quán nhậu, tiệm tạp hóa, siêu thị…) đồng ý để VBL độc quyền bán và tổ chức các hoạt động khuyến mãi, quảng cáo tiếp thị,… đổi lại phía đối tác của VBL sẽ được nhận thêm phần chiết khấu ưu đãi vào cuối năm ngoài khoản chiết khấu thương mại bình thường. Như vậy, đây có phải là hành vi ngăn cản việc tham gia thị trường của những đối thủ cạnh tranh mới được quy định tại khoản 6 Điều 13 LCT không hay thuộc trường hợp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm mà pháp luật về cạnh tranh chưa dự liệu?
+ Vấn đề thứ tư: Trong quá trình THP khiếu nại thì đã phát sinh một số vấn đề về thủ tục tố tụng cạnh tranh, đó là:
CQLCT đã buộc bên THP phải xuất trình các chứng cứ là các hợp đồng giao kết giữa VBL và các điểm bán bia, mà theo đó, nếu là bản sao thì phải có công chứng, chứng thực hợp pháp – Đây là việc không dễ dàng thực hiện đối với THP.
Điều 60 của Luật này có quy định về chứng cứ:
“1. Chứng cứ là những gì có thật, được điều tra viên, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi vi phạm quy định của Luật này.
2. Chứng cứ được xác định từ các nguồn sau đây:
a) Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện vi phạm, tiền và những vật khác có giá trị chứng minh hành vi vi phạm quy định của Luật này;
b) Lời khai của người làm chứng, giải trình của tổ chức, cá nhân liên quan;
c) Tài liệu gốc, bản sao tài liệu gốc, bản dịch tài liệu gốc được công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận;
d) Kết luận giám định”.
Điều 77 của Nghị định số 116/2005/NĐ-CP ngày 15/9/2005 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh có quy định về việc giao nộp chứng cứ, như sau:
“1. Các bên liên quan có nghĩa vụ giao nộp chứng cứ cho cơ quan quản lý cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh trong quá trình điều tra, giải quyết vụ việc cạnh tranh.
2. Việc giao nộp chứng cứ quy định tại khoản 1 Điều này phải được lập biên bản. Biên bản phải ghi rõ tên gọi, hình thức, nội dung, đặc điểm của chứng cứ; số bản, số trang của chứng cứ và thời gian nhận; chữ ký hoặc điểm chỉ của người giao nộp và chữ ký của người nhận và dấu của cơ quan quản lý cạnh tranh, Hội đồng cạnh tranh. Biên bản phải lập thành hai bản, một bản lưu vào hồ sơ vụ việc cạnh tranh và một bản giao cho bên nộp chứng cứ giữ”.
Nhưng LCT và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định rõ trách nhiệm thu thập chứng cứ, vì trên thực tế không phải mọi chứng cứ các bên có liên quan dễ dàng thu thập được, chính vì lẽ đó trong vụ việc này CQLCT đã 03 lần yêu cầu phía THP bổ sung thêm chứng cứ, việc thực hiện yêu cầu đó đối với THP gặp rất nhiều khó khăn, trong khi đó, để có được những chứng cứ này nếu như CQLCT tự mình thu thập trong quá trình điều tra, rõ là điều không hề khó.
Không đồng ý với Quyết định số 15/QĐ-HĐCT của HĐCT, THP đã khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa hành chính-TAND TP. HCM. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính với lập luận rằng Quyết định số 15/QĐ-HĐCT là quyết định giải quyết khiếu nại về Quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh. Mà tại thời điểm này, quy định ở khoản 21 Điều 11 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính thì Tòa án chỉ có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện đối với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh (không bao gồm quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh), vì vậy Tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính.
3. Kiến nghị
Mặc dù vụ việc THP kiện VBL có hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường đã khép lại, nhưng qua vụ việc này chúng tôi có vài kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật cạnh tranh nước ta như sau:
Thứ nhất, Khoản 1 Điều 93 LCT và các văn bản hướng dẫn thi hành đã không có quy định rõ trong thời hạn bao lâu sau khi kết thúc điều tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh phải chuyển báo cáo điều tra cùng toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh đến HĐCT. Để tránh việc các bên phải chờ đợi do sự kéo dài không cần thiết từ phía cơ quan có thẩm quyền giải quyết và đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, nhất thiết cần phải bổ sung quy định rõ thời hạn này.
Thứ hai, về thu thập chứng cứ khi sửa đổi, bổ sung LCT sắp tới nên cần nghiên cứu bổ sung thêm quy định này theo hướng cụ thể hơn, chặt chẽ hơn, mà theo đó, chúng tôi đề xuất như sau: Điều …Thu thập chứng cứ
“1. Trong trường hợp xét thấy tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc cạnh tranh chưa đủ cơ sở để giải quyết thì Cơ quan quản lý cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ.
2. Trong các trường hợp do luật này quy định, Điều tra viên, thành viên Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp sau đây để thu thập tài liệu, chứng cứ:
a) Trưng cầu giám định;
b) Ủy thác thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ;
c) Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc cạnh tranh”.
Thứ ba, để việc cạnh tranh trên thị trường thật sự lành mạnh, đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần quy định bổ sung thêm vào Điều 13 LCT hành vi bị cấm, đó là: Doanh nghiệp bán lẽ nhận thêm phần chiết khấu từng tháng, cuối năm ngoài phần chiết khấu thương mại bình thường. Đây thực chất là hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường nhằm hạn chế cạnh tranh, hạn chế sự phát triển của các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp mới.
Thứ tư, cần bổ sung vào Điều 105 LCT quy định những nội dung cần thể hiện rõ trong Quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh. Ngoài ra còn một vấn đề liên quan đến thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Theo khoản 1 Điều 115 LCT: “Trường hợp không nhất trí với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, các bên liên quan có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với một phần hoặc toàn bộ nội dung của quyết định giải quyết khiếu nại ra Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền”. Có lẽ pháp luật đã “quên” không điều chỉnh đối với trường hợp khiếu kiện đối với Quyết định giải quyết khiếu nại về Quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh? Khi Luật Tố tụng hành chính năm 2010 được ban hành vẫn không khắc phục được thiếu sót này, nghĩa là vẫn quy định không khác gì so với Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, mà theo đó, tại điểm e khoản 1 Điều 30 của Luật Tố tụng hành chính quy định : “Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án”. Do vậy chúng tôi đề nghị: hoặc quy định cụ thể trong LCT là quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bao gồm cả quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh hoặc là phải quy định rõ trong Luật Tố tụng hành chính việc khiếu kiện các quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh cũng thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Có như vậy, mới xác định căn cứ pháp lý rõ ràng tạo điều kiện cho các cơ quan pháp luật hiểu đúng về loại quyết định này, tạo điều kiện cho các bên bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Kết luận
Tuy LCT ra đời với mục tiêu thiết lập và duy trì một thị trường có tính cạnh tranh lành mạnh, nhằm đảm bảo quyền tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh của doanh nghiệp trong khuôn khổ của pháp luật, thế nhưng việc quy định của luật còn thiếu chặt chẽ và chưa đầy đủ như trên đã đề cập đã tạo ra những cách hiểu thiếu thống nhất và gây khó khăn cho quá trình tố tụng cạnh tranh, kéo dài quá trình tố tụng dẫn đến xâm phạm quyền và lợi ích của các bên trong vụ việc khiếu nại. Chính vì thế lẽ đó, một khi pháp luật cạnh tranh chưa hoàn thiện thì quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp trên thị trường cạnh tranh sẽ không được bảo vệ một cách hữu hiệu.
Lê Văn Sua