Một trong những điểm mới của Luật Phá sản năm 2014 (so với LPS 2004), đó là các quy định về QTV. QTV có thẩm quyền nhất định đối với “con nợ”, “tài sản” và có trách nhiệm nhất định đối với “chủ nợ” để bảo đảm rằng LPS được thi hành một cách hiệu quả và công bằng (Điều 16). Do vậy, QTV phải có đủ tiêu chuẩn thích hợp, sự hiểu biết rộng về pháp luật, sâu về lĩnh vực và có kinh nghiệm cũng như năng lực cá nhân để bảo đảm quản lý hiệu quả các thủ tục phá sản.
Sẽ không xa nữa, Luật Phá sản sẽ có hiệu lực (01/01/2015), vậy từ thời điểm Luật có hiệu lực, QTV hoạt động theo cơ chế nào vẫn còn là một dấu hỏi. Ở một số nước áp dụng cơ chế cấp phép, một số nước áp dụng cơ chế đăng ký. Rõ ràng ở cơ chế nào cũng có hiệu quả, vấn đề là với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam thì áp dụng cơ chế nào? Cơ chế cấp phép ở một số nước đã chứng tỏ được nhiều ưu thế như: có một đầu mối duy nhất quản lý QTV; thuận lợi trong việc phối hợp quản lý QTV; có xu hướng năng động và liên tục trong việc nâng cao chuẩn mực nghề nghiệp của QTV. Tuy nhiên với cơ chế này phải mất một thời gian nhất định, thậm chí kéo dài vài năm, trong khi chỉ vài tháng nữa Luật Phá sản có hiệu lực mà chưa có văn bản quy định rõ ràng vấn đề này thì quy định của Luật sẽ thành “quy định treo” mà không thể thực hiện được. Ở một số nước như Nga, Ba Lan, Rumani, Tuynidi… đã có cơ chế quản lý đội ngũ cán bộ xử lý phá sản, tuy nhiên sự tồn tại của cơ quan quản lý, cấp phép chuyên trách chỉ là ngoại lệ chứ không phải quy định bắt buộc.
Ở Việt Nam, vai trò của Tòa án trong Luật Phá sản được thể hiện rõ nét, chính điều này đã “ngầm ủng hộ” mô hình đăng ký QTV. Bởi khi Thẩm phán là người ra quyết định trong vụ việc phá sản thì QTV sẽ không còn toàn quyền hành động, vì thế yêu cầu cấp phép, quản lý đầy đủ với QTV cũng sẽ giảm. Trong trường hợp Việt Nam lựa chọn cơ chế đăng ký QTV thì việc đăng ký thì cần phải có các tiêu chuẩn cho việc đăng ký, QTV ngoài việc có kiến thức chung về pháp luật, kinh doanh, tài chính, kế toán, cần thiết phải có kinh nghiệm, có kỹ năng chuyên môn để xác định doanh nghiệp có còn đủ khả năng tồn tại, tái cơ cấu và giám sát hoạt động của doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu. Trong trường hợp lựa chọn cơ chế cấp phép sẽ gặp khó khăn trong giai đoạn đầu, vì cần phải có ngay một đội ngũ QTV thực hiện nhiệm vụ sau khi Luật Phá sản có hiệu lực. Trong trường hợp này, cần có một số “đặc cách” hay gọi khác là thực hiện “miễn trừ”. Việc cấp phép được thực hiện dựa trên một số tiêu chí nhất định về trình độ, năng lực và kinh nghiệm, giống với cơ chế đăng ký. Sau thời gian này, sẽ tiến hành cơ chế cấp phép với những tiêu chí khắt khe hơn để tuyển chọn được những QTV thực sự đủ năng lực. Một trong các tiêu chí khắt khe của cơ chế cấp phép đó là phải trải qua đào tạo và thi sát hạch. Tuy nhiên, nếu lựa chọn cơ chế cấp phép thì cần phải xác định cơ quan quản lý, có thể giao cho một số tổ chức tư nhân hoạt động theo mô hình tự điều tiết, hoặc giao cho một cơ quan nhà nước ở Trung ương như Bộ Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước, Tòa án nhân dân hay Viện kiểm sát nhân dân. Đối với Việt Nam, một nước chưa nhiều kinh nghiệm về các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp tự quản, nên nếu giao cho các tổ chức này thì khó có thể thực hiện tốt vai trò cơ quan quản lý.
Cho dù lựa chọn cơ chế nào cho QTV, cấp phép hay đăng ký thì QTV đều phải đáp ứng yêu cầu về bằng cấp, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm về các lĩnh vực có liên quan như pháp luật, kế toán, tài chính, kinh doanh để QTV luôn hành động với năng lực chuyên môn đầy đủ gắn với đạo đức nghề nghiệp, có như vậy Luật Phá sản mới được thực hiện hiệu quả./.
- Thanh Bình -
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Phá sản năm 2004
2. Luật Phá sản năm 2014
3. Một số vấn đề chính sách liên quan đến quản tài viên của International Finance Corration