Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thi hành án dân sự

11/06/2014
Xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về XPVPHC. Trong hoạt động thi hành án dân sự (THADS), XPVPHC là một trong những chế định quan trọng của pháp luật nhằm đấu tranh phòng và chống các vi phạm hành chính, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, góp phần đưa các bản án, quyết định có hiệu lực của Toàn án được thực thi trên thực tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Tuy nhiên, trên thực tế việc XPVPHC trong hoạt động THADS vẫn chưa thực sự đi vào đời sống xã hội, chưa đáp ứng được mục tiêu đặt ra là răn đe, phòng ngừa vi phạm để từ đó nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước. Cho đến nay, số lượng chấp hành viên, Trưởng thi hành án của các địa phương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn XPVPHC trong hoạt động tư pháp chưa nhiều; cơ quan thanh tra chuyên ngành tư pháp còn rất ít khi thực hiện thẩm quyền đó. Kết quả thống kê về XPVPHC của toàn ngành THADS trong các năm như sau:

+ Năm 2010, ban hành 43 quyết định XPVPHC với tổng số tiền là 5.200.000 đồng;

+ Năm 2011, ban hành 61 quyết định XPVPHC với tổng số tiền là 10.450.000 đồng;

+ Năm 2012, ban hành 90 quyết định XPVPHC với tổng số tiền là 13.700.000 đồng;

Thực tiễn, khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động THADS, một số người có thẩm quyền còn nhiều lúng túng khi áp dụng các quy định của pháp luật để xử phạt. Trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận những người phải thi hành án và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các hoạt động THADS còn chưa cao; tại nhiều địa  phương, đã để xảy ra tình trạng chống đối cơ quan thi hành án bằng nhiều hình thức như phân tán hoặc làm hư hỏng tài sản thuộc diện kê biên để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án, thậm chí là phá huỷ niêm phong, huỷ hoại tài sản đã kê biên... Thực tế đó đã chứng tỏ vi phạm hành chính trong lĩnh vực này không những chưa giảm mà còn có xu hướng ngày càng nhiều hơn và phức tạp hơn.

Để góp phần đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn công tác THADS trên toàn quốc; đưa những quy định của pháp luật về XPVPHC trong hoạt động THADS vào thực tiễn đời sống xã hội, chuyên đề này sẽ đưa ra, thảo luận và phân tích một số nội dung cơ bản của việc xử phạt hành chính trong hoạt động THADS như: cơ sở pháp lý, đối tượng xử phạt, nguyên tắc xử phạt, thời hiệu xử phạt, hành vi vi phạm hành chính và mức xử phạt, thẩm quyền lập biên bản và xử phạt, thủ tục xử phạt cũng như cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực này.

I. Sơ lược quá trình phát triển pháp luật về XPVPHC trong lĩnh vực THADS

Vào những năm đầu của thập kỷ 90, các quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 1989, sửa đổi, bổ sung 1995 và các văn bản pháp luật có liên quan mới chỉ dừng lại ở mức quy định có tính chất định hướng cho việc XPVPHC. Thời điểm đó, chưa có quy định chi tiết và hướng dẫn cụ thể để tiến hành xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp nói chung, trong hoạt động THADS nói riêng.

Sau khi Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 ra đời, thay thế Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 1995 (tiếp tục được sửa đổi, bổ sung vào năm 2007 và 2008), Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh được ban hành và đặc biệt là Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ quy định về thủ tục, cưỡng chế và XPVPHC trong THADS (sau đây gọi tắt là Nghị định số 173/2004/NĐ-CP) cũng được ban hành, có 03 điều 32, 33 và 34 tại Chương V, là những cơ sở pháp lý cụ thể, chi tiết đầu tiên cho việc tiến hành xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động THADS. Tiếp theo, Nghị định số 37/2005/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 18 tháng 3 năm 2005 quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế XPVPHC. Sau đó, Nghị định số 76/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định XPVPHC trong lĩnh vực tư pháp (sau đây gọi tắt là Nghị định số 76/2006/NĐ-CP) được ban hành đã thay thế toàn bộ những quy định có liên quan tại Nghị định số 173/2004/NĐ-CP. Ngày 23 tháng 07 năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2009/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành ngày 18 tháng 9 năm 2009 và thay thế Nghị định số 76/2006/NĐ-CP.

Luật xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành 01/7/2013. Trên cơ sở đó, ngày 24/9/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định XPVPHC trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, THADS, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (sau đây gọi tắt là Nghị định số 110/2013/NĐ-CP), thay thế Nghị định số 60/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ quy định về XPVPHC trong lĩnh vực tư pháp; Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ về XPVPHC trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; Nghị định số 10/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ quy định XPVPHC trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản. Ngày 19 tháng 07 năm 2013, Chính phủ ban  hành Nghị định số 81/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Ngày 12 tháng 11 năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 166/2013/NĐ-CP quy định về cưỡng chế thi hành quyết định XPVPHC, có hiệu lực thi hành từ ngày 28 tháng 12 năm 2013; thay thế Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế XPVPHC.

Đây là văn bản tạo cơ sở pháp lý chi tiết, cụ thể nhất và trực tiếp nhất hiện nay cho việc tiến hành xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động THADS.

II. Một số nội dung cơ bản về XPVPHC trong lĩnh vực THADS

1. Đối tượng bị xử phạt trong lĩnh vực THADS là những ai?

Theo quy định tại khoản Điều 2 Nghị định 110/2013/NĐ-CP, đối tượng có thể bị xử phạt hành chính trong hoạt động THADS là rất rộng, bao gồm  các cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực THADS như: người phải THA, người được THA, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan… Vấn đề đặt ra là có xử phạt VPHC đối với chuyên viên, thư ký, CHV, cơ quan THADS không? Khoản 10 Điều 1 giải thích thuật ngữ “tổ chức” và Khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính không có sự phân biệt giữa cán bộ công chức, viên chức với cá nhân khác và không có sự phân biệt giữa cơ quan nhà nước với không phải là cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP tại Điều 1 quy định: “Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ được giao, thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao, thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, mà bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan”.

Do đó, việc XPVPHC không áp dụng đối với chuyên viên, thư ký, CHV và cơ quan THADS thực hiện hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao.

2. Việc XPVPHC trong lĩnh vực THADS phải tuân theo những nguyên tắc nào?

Nguyên tắc XPVPHC là những nội dung cơ bản, quan trọng chi phối mọi hoạt động trong quá trình XPVPHC và được quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

- Kế thừa Pháp lệnh: Qua thực tế thi hành pháp luật XLVPHC, các nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính được quy định trong Pháp lệnh XLVPHC 2002 đã khẳng định được sự cần thiết đúng đắn, do đó tiếp tục được quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC như nguyên tắc:

+ Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;

+ Việc XPVPHC phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;

+ Chỉ XPVPHC khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định. Nguyên tắc này cũng đưa ra 03 trường hợp cụ thể sau: một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần; nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó; một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm.

Những quy định mang tính kế thừa này thể hiện sự nhất quán trong chính sách xử lý hành chính của Đảng và Nhà nước ta từ trước đến nay, đó là nguyên tắc chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh đối với mọi hành vi vi phạm hành chính, khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra.

Ở đây, cần chú ý phân biệt giữa “tái phạm” và “vi phạm hành chính nhiều lần”, được quy định tại Điều 1 Luật XLVPHC: “Tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị xử lý vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định này mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử lý (Khoản 5) và “Vi phạm hành chính nhiều lần là trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà trước đó đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính này nhưng chưa bị xử lý và chưa hết thời hiệu xử lý” (Khoản 6).

- Quy định mới: Bên cạnh những nguyên tắc được kế thừa từ Pháp lệnh, một số nguyên tắc mới được quy định trong Luật XLVPHC như:

+ Nguyên tắc bảo đảm công bằng, công khai, khách quan, tôn trọng quyền giải trình của cá nhân, tổ chức (Điểm b Khoản 1);

+ Nguyên tắc người có thẩm quyền xử phạt, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm chứng minh hành vi vi phạm bằng việc áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ việc một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ; cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính (Điểm đ Khoản 1);

+ Để phân định mức phạt tiền giữa cá nhân và tổ chức vi phạm, phù hợp với tính chất vi phạm, một trong những nguyên tắc mới được quy định tại Luật XLVPHC  là “đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân” (Điểm e Khoản 1)

Việc bổ sung những nguyên tắc này là rất cần thiết để khắc phục thực trạng cơ quan hành chính ban hành quyết định xử phạt mang tính đơn phương, áp đặt ý chí chủ quan của người có thẩm quyền xử phạt.

3. Thời hiệu XPVPHC và thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính trong THADS

3.1. Thời hiệu XPVPHC được hiểu thế nào?

Thời hiệu XPVPHC được hiểu là khoảng thời gian do pháp luật về XLVPHC quy định mà nếu hết thời gian đó thì không được xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Luật XLVPHC, thời hiệu XPVPHC trong THADS: 01 năm (đối với một số lĩnh vực khác là 02 năm, hoặc có quy định riêng). Luật XLVPHC có bổ sung quan trọng về cách xác định thời điểm để tính thời hiệu XPVPHC:

- Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.

- Đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.

Trường hợp XPVPHC đối với cá nhân do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến, Luât nhấn mạnh thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu XPVPHC. Đây là thay đổi cơ bản so với Pháp lệnh XLVPHC. Luật quy định chỉ tính lại thời hiệu trong trường hợp cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu XPVPHC được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

3.2. Thời hạn được coi là chưa bị  XPVPHC quy định thế nào?

Luật XLVPHC quy định thời hạn được coi là chưa bị  XPVPHC theo hướng rút ngắn hơn so với quy định của Pháp lệnh XLVPHC, cụ thể: Đối với cá nhân, tổ chức bị XPVPHC, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định XPVPHC mà không tái phạm thì được coi là chưa bị XPVPHC;

3.3. Thời gian, thời hạn, thời hiệu trong xử  phạt vi phạm hành chính được tính thế nào?

Luật XLVPHC  quy định cách tính thời gian, thời hạn, thời hiệu trong xử lý vi phạm hành chính được áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự (ngày bình thường), trừ trường hợp tại một số điều của Luật quy định là ngày làm việc.

Đây là điểm mới so với cách tính trước đây, thời gian tính theo ngày không được hiểu chung là ngày làm việc, không bao gồm ngày nghỉ. Chỉ khi Luật quy định “ngày làm việc” thì khoảng thời gian đó mới được tính là ngày làm việc, không bao gồm ngày nghỉ theo quy định của Bộ luật Lao động.

4. Những trường hợp nào không XPVPHC?

Nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất Điều 11 Luật XLVPHC đã quy định bổ sung một điều về 05 trường hợp không XPVPHC bao gồm các vi phạm: trong tình thế cấp thiết, do phòng vệ chính đáng, do sự kiện bất ngờ, do sự kiện bất khả kháng hoặc đối tượng thực hiện hành vi vi phạm không có năng lực trách nhiệm hành chính hay do chưa đủ tuổi bị XPVPHC.

5. Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định những hành vi nào bị nghiêm cấm?

Có thể nói, đây là quy định mới, tiến bộ của Luật XLVPHC mà Pháp lệnh XPVPHC chưa đề cập tới. Để hạn chế tối đa việc vi phạm pháp luật, lạm quyền của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong khi thi hành công vụ, Luật cũng quy định bổ sung một điều về các hành vi bị nghiêm cấm trong xử lý vi phạm hành chính bao gồm 12 khoản, trong đó 11 khoản quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính  (Điều 12 Luật XLVPHC).

6. Hành vi vi phạm và hình thức xử phạt

Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị XPVPHC. Trong hoạt động THADS, các hành vi vi phạm hành chính và hình thức xử phạt những hành vi vi phạm hành chính đó đã được quy định cụ thể tại Điều 52 của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP.

Về hình thức xử phạt, việc XPVPHC trong hoạt động THADS không áp dụng hình thức xử phạt bổ sung mà chỉ áp dụng hình thức xử phạt chính, gồm hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Nghị định số 60/2009/NĐ-CP chỉ quy định có 3 mức phạt tiền, mức thấp nhất là từ 50.000đ đến 200.000 đồng, từ 200.000đ đến 500.000đ và từ 2.000.000đ đến 5.000.000đ. Những quy định này đã không còn phù hợp và không có tính răn đe trong tình hình hiện nay. Khắc phục hạn chế trên, Nghị định số 110/2013/NĐ-CP đã tách các hành vi vi phạm hành chính trước đây thành các hành vi riêng biệt và áp dụng 07 mức xử phạt theo các khung sau:

+ Khung 1: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 Đ;

+ Khung 2: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng;

+ Khung 3: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng;

+ Khung 4: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;

+ Khung 5: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;

+ Khung 6: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;

+ Khung 7: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng

Căn cứ vào tính chất nguy hiểm, phức tạp của các hành vi vi phạm, Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định mức xử phạt tương ứng với các hành vi như sau:

Thứ nhất, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi đã nhận giấy báo, giấy triệu tập lần thứ hai của người có thẩm quyền thi hành án nhưng không đến địa điểm ghi trong giấy báo, giấy triệu tập mà không có lý do chính đáng.

Thứ hai, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp thông tin, không giao giấy tờ liên quan đến tài sản bị xử lý để thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền thi hành án mà không có lý do chính đáng.

Thứ ba, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong 04 hành vi: không thực hiện công việc phải làm, không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định; trì hoãn thực hiện nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp có điều kiện thi hành án; không thực hiện đúng cam kết đã thỏa thuận theo quyết định công nhận sự thỏa thuận của Tòa án nhân dân; cung cấp chứng cứ giả cho cơ quan THADS.

Thứ tư, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong 03 hành vi: làm hư hỏng tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản; phá hủy niêm phong tài sản đã kê biên; không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc trừ vào thu nhập.

Thứ năm, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: tẩu tán tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản; sử dụng trái phép, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc thay đổi tình trạng tài sản đã kê biên; hủy hoại tài sản đã kê biên; không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ; cố ý không thực hiện quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án nhân dân hoặc bản án, quyết định phải thi hành ngay.

Thứ sáu, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc khấu trừ tài khoản, thu hồi giấy tờ có giá của người phải thi hành án; không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án; về việc thu tiền của người phải thi hành án đang giữ.

Thứ bảy, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc phong tỏa tài khoản của người phải thi hành án theo quyết định của người có thẩm quyền thi hành án.

7. Những ai có thẩm quyền XPVPHC trong lĩnh vực THADS?

Để thực hiện xử phạt hành chính đúng thì phải xác định đúng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành án trong THADS. Thẩm quyền XPVPHC trong THADS theo quy định của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP gồm 02 loại cơ quan, là cơ quan thanh tra (Điều 46 Luật XLVPHC) và cơ quan THADS (Điều 49 Luật XLVPHC), các thẩm quyền này được cụ thể hóa tại Nghị định số 110/2013/NĐ-CP như sau:

7.1. Thẩm quyển của Thanh tra Bộ Tư pháp

Điều 67 của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định thẩm quyền XPVPHC của thanh tra viên Bộ Tư pháp đang thi hành công vụ và của Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, ngày 29/5/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Tư pháp, có hiệu lực thi hành ngày 20/7/2014. Theo quy định của Nghị định này  thì chỉ hoạt động thanh tra hành chính, không có hoạt động thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực THADS. Như vậy, trên thực tế, về thẩm quyền xử phạt của cơ quan thanh tra chỉ còn lại thẩm quyền XPVPHC của Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp. Theo quy định tại Khoản 3, Điều 67 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp có quyền: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực THADS và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các chương V của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP. Với thẩm quyền về mức phạt tiền như trên, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp có quyền xử phạt đối với tất cả các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực THADS được quy định tại Điều 52 của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP và áp dụng  các biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do các hành vi:

- Làm hư hỏng tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản.

- Tẩu tán tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản;

- Sử dụng trái phép, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc thay đổi tình trạng tài sản đã kê biên.

7.2. Thẩm quyền của cơ quan THADS

Trong hoạt động THADS thì cơ quan THADS là cơ quan thường xuyên và trực tiếp phải xử lý những vi phạm hành chính của người phải thi hành án và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác. Thẩm quyền này được quy định cụ thể như sau:

(1). Chấp hành viên THADS đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo.

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng.

Tương tự như thẩm quyền đối với Thanh tra viên, CHV chỉ có thể xử phạt cảnh cáo đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1, Điều 52 Nghị định 110/2013/NĐ-CP.

(2). Chi cục trưởng Chi cục THADS có quyền:

a) Phạt cảnh cáo.

b) Phạt tiền đến 2.500.000 đồng.

Với thẩm quyền như vậy, Chi cục trưởng Chi cục THADS cũng chỉ phạt được những hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 bằng cả phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền.

(3). Chấp hành viên THADS là Tổ trưởng tổ quản lý, thanh lý tài sản của vụ việc phá sản có quyền:

a) Phạt cảnh cáo.

b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng.

Đây là thẩm quyền của Chấp hành viên THADS là Tổ trưởng tổ quản lý, thanh lý tài sản của vụ việc phá sản được xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định tại chương VI của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP. Theo đó, Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thấp nhất là cảnh cáo và phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Các mức phạt tiền tiếp theo là:

- Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng

- Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng

- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng

- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng

- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng

- Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng

Do vậy, CHV trong trường hợp này chỉ được phạt đối với các hành vi vi phạm có áp dụng khung phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng và từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

(4). Cục trưởng Cục THADS, Trưởng phòng Phòng Thi hành án cấp quân khu có quyền:

a) Phạt cảnh cáo.

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng.

Tương tự như đối với Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Tư pháp, đối chiếu với quy định tại Điều 52, thì Cục trưởng Cục THADS, Trưởng phòng Phòng Thi hành án cấp quân khu  có thẩm quyền xử phạt vi phạm chính đối với các hành vi được quy định từ Khoản 1 đến Khoản 5 (Điều 52) Nghị định số 110/2013/NĐ-CP.

(5). Tổng cục trưởng Tổng cục THADS có quyền:

Theo quy định của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP, tương tự như Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp, Tổng cục trưởng có quyền xử phạt đối với tất cả các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực THADS và áp dụng các biện pháp khắc phục hẩu quả được quy định tại Điều 52 của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP.

8. Thủ tục xử phạt

Thủ tục XPVPHC phải tuân theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này.

8.1. Buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính

Buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính được người có thẩm quyền đang thi hành công vụ áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính đang diễn ra nhằm chấm dứt ngay hành vi vi phạm. Buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính được thực hiện bằng lời nói, còi, hiệu lệnh, văn bản hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật (Điều 55).

8.2. XPVPHC không lập biên bản (Điều 56 Luật)

XPVPHC không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định XPVPHC tại chỗ. Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.

Quyết định XPVPHC tại chỗ phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt.

Đối chiếu với Điều 52 của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP, thì việc xử phạt hành chính không lập biên bản chỉ có thể là phạt cảnh cáo vì mức phạt tiền đối với các hành vi đều từ 500.000 trở lên.

8.3. XPVPHC có lập biên bản

XPVPHC có lập biên bản được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không thuộc trường hợp XPVPHC không lập biên bản. Việc XPVPHC có lập biên bản phải được người có thẩm quyền xử phạt lập thành hồ sơ XPVPHC. Hồ sơ bao gồm biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính, các tài liệu, giấy tờ có liên quan và phải được đánh bút lục. Hồ sơ phải được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản. Theo quy định tại điểm a và điểm đ khoản 2 Điều 65 Nghị định 110/2013/NĐ-CP thì người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực THADS gồm 02 nhóm:

- Nhóm 1: Những người có thẩm quyền xử phạt bao gồm: Thanh tra viên Thanh tra Bộ Tư pháp, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Tư pháp, Chánh Thanh tra Bộ tư pháp; CHV, Chi cục trưởng, Cục trưởng và Tổng cục trưởng;

- Nhóm 2: Công chức, viên chức đang thi hành nhiệm vụ, công vụ, gồm: Thẩm tra viên, thư ký, chuyên viên cơ quan THADS lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của cơ quan THADS.

8.4. Xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính

 Đây là quy định mới so với Pháp lệnh, theo đó, Điều 59 Luật XLVPHC  quy định:

- Khi xem xét ra quyết định XPVPHC, trong trường hợp cần thiết người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh có hay không có vi phạm hành chính xảy ra trên thực tế; chủ thể thực hiện hành vi vi phạm, lỗi, nhân thân của cá nhân vi phạm; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; tính chất, mức độ thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra và các tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc xem xét, quyết định xử phạt.

- Người có thẩm quyền xử phạt cũng có thể trưng cầu giám định và việc giám định phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định.

Quá trình xác minh phải được thể hiện bằng văn bản để bảo đảm tính khách quan, tính chính xác của các tình tiết của vụ việc vi phạm (khoản 2 Điều 59 ).

8.5. Quyết định XPVPHC

a) Thời hạn ra quyết định XPVPHC: Người có thẩm quyền XPVPHC phải ra quyết định XPVPHC trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản. Trường hợp vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình mà cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.

Người có thẩm quyền xử phạt không ra quyết định xử phạt nhưng vẫn có quyền quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành.

Người có thẩm quyền XPVPHC nếu có lỗi trong việc để quá thời hạn mà không ra quyết định xử phạt thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

b) Việc ra quyết định XPVPHC cần chú ý các quy định sau:

Trường hợp một cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính mà bị xử phạt trong cùng một lần thì chỉ ra 01 quyết định xử phạt, trong đó quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính.

 Trường hợp nhiều cá nhân, tổ chức cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì có thể ra 01 hoặc nhiều quyết định xử phạt để quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng cá nhân, tổ chức.

Trường hợp nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau trong cùng một vụ vi phạm thì có thể ra 01 hoặc nhiều quyết định xử phạt để quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm của từng cá nhân, tổ chức.

9.Thi hành quyết định XPVPHC

Việc thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định XPVPHC được quy định tại Điều 68 đến Điều 88 Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 110/2013/NĐ-CP và Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định XPVPHC.

a) Thi hành quyết định xử phạt không lập biên bản (trong lĩnh vực THADS chỉ có trường hợp phạt cảnh cáo mới thuộc diện xử phạt không lập biên bản)

Quyết định XPVPHC không lập biên bản phải được giao cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt 01 bản. Trường hợp người chưa thành niên bị xử phạt cảnh cáo thì quyết định xử phạt còn được gửi cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó.

Cá nhân, tổ chức vi phạm nộp tiền phạt tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt. Người thu tiền phạt có trách nhiệm giao chứng từ thu tiền phạt cho cá nhân, tổ chức nộp tiền phạt và phải nộp tiền phạt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày thu tiền phạt.

Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không có khả năng nộp tiền phạt tại chỗ thì nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước ghi trong quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt. Nếu quá thời hạn nêu trên, thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

b) Thi hành quyết định XPVPHC

- Cá nhân, tổ chức bị XPVPHC phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định XPVPHC; trường hợp quyết định XPVPHC có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó. Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định XPVPHC thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt. Người có thẩm quyền xử phạt đã ra quyết định xử phạt có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt của cá nhân, tổ chức bị xử phạt và thông báo kết quả thi hành xong quyết định cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp, cơ quan tư pháp địa phương.

- Thời hiệu thi hành quyết định XPVPHC là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện thuộc loại cấm lưu hành, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp cần thiết để bảo vệ môi trường, bảo đảm giao thông, xây dựng và an ninh trật tự, an toàn xã hội. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên ðýợc tính kể từ thời ðiểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.

- Trường hợp người bị xử phạt chết, mất tích, tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản thì không thi hành quyết định phạt tiền nhưng vẫn thi hành hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định.

- Hoãn thi hành quyết định phạt tiền: Quyết định phạt tiền có thể được hoãn thi hành trong trường hợp cá nhân bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng trở lên đang gặp khó khăn đặc biệt, đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc. Cá nhân phải có đơn đề nghị hoãn chấp hành quyết định XPVPHC gửi cơ quan của người đã ra quyết định xử phạt. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được đơn, người đã ra quyết định xử phạt xem xét quyết định hoãn thi hành quyết định xử phạt đó. Thời hạn hoãn thi hành quyết định xử phạt không quá 03 tháng, kể từ ngày có quyết định hoãn.

- Giảm, miễn tiền phạt: Cá nhân thuộc trường hợp được hoãn (quy định tại khoản 1 Điều 76) mà không có khả năng thi hành quyết định thì có thể được xem xét giảm, miễn phần còn lại tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt. Cá nhân phải có đơn đề nghị giảm, miễn phần còn lại hoặc toàn bộ tiền phạt gửi người đã ra quyết định xử phạt. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được đơn, người đã ra quyết định xử phạt phải chuyển đơn kèm hồ sơ vụ việc đến cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được đơn, cấp trên trực tiếp phải xem xét quyết định và thông báo cho người đã ra quyết định xử phạt, người có đơn đề nghị giảm, miễn biết; nếu không đồng ý với việc giảm, miễn thì phải nêu rõ lý do.

- Thủ tục nộp tiền phạt: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt. Nếu quá thời hạn nêu trên, thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

Tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm thu tiền phạt tại chỗ và nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn không quá 07 ngày, kể từ ngày thu tiền phạt. Trường hợp xử phạt trên biển hoặc ngoài giờ hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được thu tiền phạt trực tiếp và phải nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày vào đến bờ hoặc ngày thu tiền phạt.

Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính bị phạt tiền phải nộp tiền phạt một lần, trừ trường hợp được nộp làm nhiều lần.. (Điều 79) Việc nộp tiền phạt nhiều lần được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây: Bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân và từ 200.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức; đang gặp khó khăn đặc biệt về kinh tế và có đơn đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần. Đơn đề nghị của cá nhân phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc xác nhận hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế; đối với đơn đề nghị của tổ chức phải được xác nhận của cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp. Thời hạn nộp tiền phạt nhiều lần không quá 06 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực; số lần nộp tiền phạt tối đa không quá 03 lần. Mức nộp phạt lần thứ nhất tối thiểu là 40% tổng số tiền phạt. Người đã ra quyết định phạt tiền có quyền quyết định việc nộp tiền phạt nhiều lần, quyết định về việc nộp tiền phạt nhiều lần phải bằng văn bản.

Mọi trường hợp thu tiền phạt, người thu tiền phạt có trách nhiệm giao chứng từ thu tiền phạt cho cá nhân, tổ chức nộp tiền phạt.

c) Thi hành biện pháp khắc phục hậu quả:  Thời hạn thi hành biện pháp khắc phục hậu quả được thực hiện theo quyết định XPVPHC hoặc trong quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có trách nhiệm thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định theo quy định của pháp luật và phải chịu mọi chi phí cho việc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đó. Người có thẩm quyền ra quyết định có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do cá nhân, tổ chức thực hiện. Trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính hoặc cá nhân chết, mất tích hoặc tổ chức bị giải thể, phá sản mà không có tổ chức nào tiếp nhận chuyển giao quyền và nghĩa vụ thì cơ quan nơi người có thẩm quyền xử phạt đang thụ lý hồ sơ vụ vi phạm hành chính phải tổ chức thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. Chi phí cho việc tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định thực hiện được lấy từ nguồn ngân sách dự phòng cấp cho cơ quan đó. Trong trường hợp khẩn cấp, cần khắc phục ngay hậu quả để kịp thời bảo vệ môi trường, bảo đảm giao thông thì cơ quan nơi người có thẩm quyền xử phạt đang thụ lý hồ sơ vụ vi phạm hành chính tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, nếu không hoàn trả thì bị cưỡng chế thực hiện.

10. Cưỡng chế thi hành quyết định XPVPHC

 Cở sở pháp của hoạt động này được quy định tại Điều 86, 87, 88 của Luật XLVPHC và tại Nghị định số 166/2013/NĐ-CP. Theo đó, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được áp dụng trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị XPVPHC không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt. Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định XPVPHC bao gồm: khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định XPVPHC do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản và buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Những người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định XPVPHC trong cơ quan THADS gồm: Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp, Chi cục trưởng Chi cục THADS, Cục trưởng Cục THADS, Trưởng phòng Phòng Thi hành án cấp quân khu, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS. Người có thẩm quyền cưỡng chế có thể giao quyền cho cấp phó. Việc giao quyền chỉ được thực hiện khi cấp trưởng vắng mặt và phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn được giao quyền. Cấp phó được giao quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được giao quyền không được giao quyền, ủy quyền tiếp cho bất kì cá nhân nào khác

11. Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện trong XPVPHC

Điều 15 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về khiếu nại, tố cáo và khởi kiện trong XPVPHC như sau:

(1). Cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

(2). Cá nhân có quyền tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

(3). Trong quá trình giải quyết khiếu nại, khởi kiện nếu xét thấy việc thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính bị khiếu nại, khởi kiện sẽ gây hậu quả khó khắc phục thì người giải quyết khiếu nại, khởi kiện phải ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định đó theo quy định của pháp luật.

Trên đây là một số nội dung cơ bản của việc XPVPHC trong hoạt động THADS nhằm giúp cho Thanh tra viên Tư pháp, đặc biệt là các Chấp hành viên, Thủ trưởng các cơ quan THADS nghiên cứu, tham khảo và áp dụng trong thực tiễn để đạt hiệu quả tốt hơn trong công tác THADS.

Nguyễn Thắng Lợi - Phó Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp