Tuy nhiên, trong những năm qua, vị trí, vai trò, giá trị và các nguyên tắc cơ bản của công lý trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền còn chưa được đầu tư, quan tâm nghiên cứu đúng mức. Cho đến nay Việt Nam vẫn còn thiếu vắng những công trình nghiên cứu cặn kẽ, đầy đủ và tường minh về công lý, vấn đề công lý trong chế độ XHCN, và đặc biệt là trong Hiến pháp, văn kiện chính trị - pháp lý, đạo luật cơ bản của mỗi quốc gia. Để có một nhìn tổng quan về tình hình nghiên cứu về công lý, bài viết này giới thiệu những công trình nghiên cứu về công lý nổi bật trên thế giới và tại Việt Nam.
1. Tình hình nghiên cứu trên thế giới
- Cuốn sách: “The theory of justice” (Lý thuyết về công lý) của Rudolf Stammler (1856-1938), 587 trang, do Macmilan xuất bản năm 1925 và Augustus M. Kelley Pubisher tái bản năm 1969. Rudolf Stammler là luật gia và giáo sư các trường đại học: Marburg, Giessen, Halle và Berlin, Đức. Rudolf Stammler được đánh giá là một trong những triết gia pháp lý có ảnh hưởng nhất đầu thế kỷ 20. Cuốn sách của ông tập trung làm rõ khái niệm công lý trong luật pháp và coi luật pháp là một cơ chế nhằm nỗ lực hiện thực hóa công lý. Cuốn sách cũng luận giải những khía cạnh, giá trị cơ bản của công lý và phương thức bảo đảm công lý trong luật pháp, bảo đảm luật pháp phải là luật pháp công bằng (just law).
- Cuốn sách: “General Theory of Law and State” (Lý luận chung về pháp luật và nhà nước) của Hans Kelsen (1881-1973), 447 trang, do Harvard University Press xuất bản năm 1946. Hans Kelsen là nhà luật học người Mỹ gốc Áo (Do Thái), giảng dạy luật tại Khoa luật Đại học Berkeley, Hoa Kỳ. Ông là người theo trường phái thực chứng pháp lý, đồng thời là cha đẻ của lý thuyết thuần túy về pháp luật. Hans Kelsen được đánh giá là một trong những nhà luật học nổi tiếng nhất thế kỷ 20. Theo ông, mong ước của loài người về công lý là mong ước bất diệt về hạnh phúc, một thứ hạnh phúc mà con người không thể tìm kiếm với tư cách là một cá nhân tách biệt mà phải tìm kiếm trong một xã hội, do đó, công lý là hạnh phúc xã hội. Tuy nhiên theo ông, công lý là loại lý tưởng phi lý nên cần có sự tách biệt lý tưởng công lý ra khỏi quá trình áp dụng pháp luật. Chính luận điểm này của ông đã bị giáo sư Lon Fuller, người kiên định cho rằng luật học phải khởi nguồn từ công lý, phản đối và không chấp nhận khi ông ứng cử làm giáo sư tại Đại học Berkeley.
- Cuốn sách: “Justice according to law” (Công lý dựa trên nền tảng luật pháp) của Nathan Roscoe Pound (1870-1964), 91 trang, do Yale University Press xuất bản năm 1951. Roscoe Pound là một nhà giáo dục và là một nhà nghiên cứu pháp lý Hoa Kỳ xuất sắc, ông là Trưởng Khoa Luật Đại học Harvard trong thời gian 20 năm, từ 1916-1936. Với các công trình nghiên cứu của mình, ông được Tạp chí nghiên cứu pháp lý của Đại học Chicago (The Journal of Legal Studies) đánh giá là một trong những học giả pháp lý được trích dẫn nhiều nhất của thế kỷ 20. Trong cuốn sách của mình, Pound đã hệ thống hóa và luận giải các quan niệm, khía cạnh cơ bản của công lý và pháp luật. Theo ông, công lý được cho là sự tôn trọng khát vọng về một cuộc sống văn minh mà chúng ta biết rằng sớm hay muộn nó cũng sẽ tới. Công lý có thể được quan niệm là một phẩm hạnh cá nhân, một quan niệm đạo đức hay một cơ chế kiểm soát xã hội.
- Cuốn sách: “Justice” (Công lý) của Josef Pieper (1940-1997), 121 trang, do Pantheon Books xuất bản năm 1955. Josef Pieper là giáo sư triết học thiên chúa của Đại học Münster, Đức. Ông là người đứng đầu của làn sóng chủ nghĩa Thomas mới của thế kỷ 20. Thomas Aquinas (1225-1274) là nhà tư tưởng chính trị, nhà thần học nổi tiếng của chế độ phong kiến, hình ảnh tiêu biểu của triết học trung cổ Tây Âu. Cuốn sách của Josef Pieper tập trung làm rõ những luận điểm của Thomas với quan điểm cho rằng các quyền là cái có trước, công lý là điều xuất hiện sau. Khi các quyền được thừa nhận thì công lý sẽ xuất hiện nếu các quyền bị vi phạm, do đó công lý chính là nghĩa vụ với người khác. Lý thuyết về công lý được coi là học thuyết về triển vọng phát triển sự cộng tác của con người, trong mối quan hệ giữa người này với người khác, đây chính là một dấu hiệu của sự xói mòn và ngày càng khô cằn của các mối quan hệ xã hội.
- Cuốn sách: “Anthropology of Law-A Comparative Theory” (Nhân loại học về pháp luật- Một lý thuyết so sánh), 347 trang, của Leopold Pospísil, Đại học Yale, xuất bản năm 1971 và Hraf Press tái bản năm 1974. Cuốn sách gồm 09 chương phân tích cảm nhận về luật pháp, công lý của các dân tộc trên thế giới. Chương 7 (từ trang 233 đến 272) trình bày những cảm nhận phổ quát và đặc thù của từng dân tộc về công lý, cách phân chia công lý như công lý vụ việc/công lý pháp luật, công lý bản thể/công lý hình thức. Luật pháp phải có chức năng “phân phối công lý”. Có thể nói, với 39 trang phân tích về công lý, Leopold Pospísil đã tái hiện một bản đồ sinh động và cụ thể, tinh tế và sâu sắc về cảm nhận công lý của các dân tộc trên thế giới.
- Cuốn sách: “Foundations of Jurisprudence” (Sự hình thành của luật học) của Jerome Hall, Giáo sư luật Đại học California và Đại học Indiana, Hoa Kỳ, The Bobbs-Merrill Company xuất bản năm 1973. Jerome Hall là nhà tiên phong trong việc phân tích các vấn đề pháp lý liên ngành. Mặc dù đã mất từ năm 1992 nhưng những tác phẩm của ông vẫn thường xuyên được trích dẫn tại các tạp chí luật học danh tiếng. Quan điểm xuyên suốt của ông qua cuốn sách là nhấn mạnh luật pháp có bản chất và khởi nguồn từ công lý, muốn hiểu được pháp luật thì phải nắm bắt được bản chất của vấn đề công lý.
- Cuốn sách: “Procedural Justice - A psychological Analysis” (Công lý tố tụng - Một phân tích từ khía cạnh tâm lý) của John Thibaut and Laurens Walker Đại học Bắc Carolina do Lawrence Erlbaum Asociates, Publishers xuất bản năm 1975. Đây là một cuốn sách liên ngành nhằm liên kết tri thức trong hai lĩnh vực luật học và tâm lý xã hội với mục tiêu làm sáng rõ bản chất của công lý thủ tục. Việc đánh giá được thực hiện trên cơ sở các nội dung cơ bản của công lý thủ tục như: Lựa chọn thủ tục, Đối tụng hay thẩm vấn, Việc chống lại những định kiến từ bên trong và bên ngoài, Nhận thức về công lý từ góc độ hài lòng với quyết định của tòa án.
- Cuốn sách: “A theory of justice”(Một lý thuyết về công lý), 607 trang, của John Rawls (1921-2002) do The Belknap Press xuất bản năm 1977. John Rawls là đại biểu nổi tiếng của chủ nghĩa tự do của Hoa Kỳ, chủ tịch hội triết học chính trị và pháp lý Hoa Kỳ. Học thuyết của Rawls thuộc hệ thống công bằng xã hội, đó là công lý mà theo đó lợi ích của hợp tác kinh tế và xã hội được phân phối. Cuốn sách được ghi nhận là sự đóng góp lớn cho công việc suy tư về tình trạng xung đột giữa công lý xã hội và hiệu quả kinh tế.
- Bài viết: On the Adversary system and Justice (Bàn về hệ thống đối tụng và công lý) của Martin P.Golding, giáo sư danh dự chuyên ngành triết học Đại học Duke Hoa Kỳ trong cuốn Luật pháp triết học, Bronaugh xuất bản năm 1978. Bài viết phân tích công lý từ khía cạnh các học thuyết tố tụng, đặc biệt là trong hệ thống đối tụng. Ví dụ như lý thuyết tìm kiếm sự thật, một trong những học thuyết có nhiều ảnh hưởng trong lĩnh vực tố tụng tại các quốc gia có hệ thống pháp luật phát triển, cũng nhấn mạnh rằng mặc dù các cơ chế tố tụng đều hướng tới việc tìm ra sự thật khách quan của vụ việc nhưng công lý và sự thật khách quan của vụ việc là không hoàn toàn đồng nhất. Công lý là một điều gì đó rộng lớn và có ý nghĩa sâu sắc hơn so với sự thật, sự thật khách quan của vụ việc chỉ là một trong những thành tố cơ bản của công lý.
- Cuốn sách: “Justice” (Công lý), 171 trang, do Eugene Kamenka và Alice Erh-Soon Tay biên tập, Edward Arnold xuất bản năm 1979. Cuốn sách là tập hợp 07 bài viết về các chủ đề xoay quanh các khía cạnh của công lý: Công lý là gì? (Eugene Kamenka); Công lý dân sự (J.A.Passmore); Công lý tương giao (Brian Barry), Cảm nhận về công lý trong hệ thống luật án lệ (Alice Her-Soon Tay); Công lý chứ không phải sự bình đẳng (Julius Stone); Chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa tự do và công lý (Wieslaw Lang) và Các hình thức của bình đẳng (Ferenc Feher and Agnes Heller).
- Cuốn sách: “Justice- Alternative Political Perspectives” (Công lý - Các triển vọng chính trị lựa chọn), 258 trang, của James P.Sterba Đại học Notre Dame, Wadsworth Inc. xuất bản năm 1980. James P.Sterba là giáo sư triết học, nguyên là chủ tịch hiệp hội triết học Hoa Kỳ, ông đã viết 25 cuốn sách và trên 150 bài nghiên cứu tạp chí liên quan đến triết học về công lý. Trong cuốn sách, James P.Sterba đã phân tích sự năng động của khái niệm công lý, các đặc tính cơ bản của trường phái công lý chính như công lý tương giao, công lý vị lợi, công lý tự do và công lý xã hội chủ nghĩa.
- “Natural Justice”(Công lý tự nhiên), 207 trang, của Geofrey A Flick, luật sư tranh tụng tòa tối cao New South Wales, Australia, xuất bản năm 1979, Butterworths tái bản năm 1984. Cuốn sách tập trung luận giải về công lý tự nhiên hay sự công bằng về thủ tục trong hoạt động xét xử để đảm bảo tòa án thực sự là thiết chế khách quan, công tâm, không thiên vị. Các nội dung cơ bản của cuốn sách bao gồm: Các nguyên tắc xét xử; Các nguyên tắc kiểm tra chứng cứ; Nghĩa vụ đưa ra lý do; Các nguyên tắc khách quan, không thành kiến.
- Cuốn sách: “Marx and Justice-The Radical Critique of Liberalism” (Marx và công lý - Phê bình chủ nghĩa tự do), 195 trang, của Allen E. Buchanan, giáo sư Đại học Duke, Hoa Kỳ do Methuen xuất bản năm 1982. Cuốn sách được viết với hai mục đích cơ bản: Thứ nhất, tập hợp, tổng hợp lại và đánh giá những tư tưởng của Marx về công lý. Thứ hai, ứng dụng những đánh giá này vào các khía cạnh của cuộc sống. Nhận định chung, Allen E. Buchanan cho rằng tư tưởng của Marx về công lý không chỉ dừng lại ở công lý phân phối như các nhận định truyền thống mà Marx còn có những thẩm bình mang tính gợi mở về công lý hình sự, về sự công bằng trong hình phạt mà ngày nay chúng ta gọi là công lý trong lĩnh vực chính trị và dân sự.
- Cuốn sách: “Justice - Views from the Social Sciences” (Công lý - Những góc nhìn của các ngành khoa học xã hội), 267 trang, do Tiến sĩ Ronald L.Conhen từ Cao đẳng Bennington, Hoa Kỳ, biên tập, Plenum Press xuất bản năm 1986. Nội dung cơ bản của cuốn sách là tập trung nhận diện công lý trong mối quan hệ giao thoa giữa các ngành khoa học xã hội, bao gồm: Triết học và công lý, Kinh tế học và công lý, Chính trị học và công lý, Xã hội học và công lý, Tâm lý học và công lý, Nhân chủng học và công lý, Chính sách công và công lý.
- Cuốn sách: “Natural Law and Justice” (Luật tự nhiên và Công lý), 313 trang, của giáo sư Lloyd L. Weinbeb, Havard University Press xuất bản năm 1987. Xuất phát điểm từ sự xung đột giữa luật tự nhiên và luật thực định, câu hỏi về những ý tưởng, giá trị của công lý có đóng góp, bổ sung gì đối với những ý tưởng về tự do và bình đẳng, cuốn sách tập trung làm rõ lời đáp cho những câu hỏi trên thông qua lăng kính của luật tự nhiên.
- Cuốn sách: “Beyond Justice” (Vượt trên công lý), 339 trang, của Agnes Heller, Nhà triết học Hungari sinh 1929, Basil Blackwell Inc. xuất bản năm 1987. Cuốn sách luận giải, phê bình một số học thuyết và lý luận truyền thống và hiện đại về công lý. Theo tác giả, công lý luôn khởi nguồn và bám vững vào những giá trị cơ bản khác ngoài chính bản thân công lý như tự do và cuộc sống. Công lý là điều kiện tiên quyết cho cuộc sống tốt đẹp và cuộc sống tốt đẹp chính là điều mà công lý hướng tới.
- Bài viết: “How does the constitution establish justice?” (Hiến pháp thiết lập công lý như thế nào), Havard Law Review, 1988, (1026-1042) của Abram Chayes, Giáo sư Đại học Harvard phân tích cơ chế Hiến pháp Hoa Kỳ thiết lập công lý thông qua xác lập hệ thống xét xử, thực thi quyền xét xử và thủ tục tìm kiếm công lý.
- Cuốn sách: “The Defence of Natural Law-A study of the ideas of law and justice in the writings of Lon L. Fuller, Michael Oakeshot, F.A. Hayek, Ronald Dworkin, and John Finnis”, (Bảo vệ luật tự nhiên - Một nghiên cứu về những ý tưởng về luật và công lý), 241 trang, của Charles Covell, The Macmillan Press xuất bản năm 1992. Nội dung cơ bản của cuốn sách tập trung phân tích các ý tưởng về luật pháp và công lý từ một số nghiên cứu tiêu biểu của Lon L.Fuller, Michael Oakeshot, F.A.Hayek, Ronald Dworkin và John Finnis trong bối cảnh triết học pháp lý hiện đại.
- Cuốn sách: “Justice” (Công lý), 200 trang, do Alan Ryan, giáo sư Đại học Oxford biên tập, Oxford University Press xuất bản năm 1993. Cuốn sách gồm Phần dẫn nhập giới thiệu toàn bộ những quan điểm về công lý trong nền văn minh nhân loại, những điểm mạnh, yếu, giới hạn và những điểm còn hồ nghi về vai trò của công lý trong cuộc sống đương đại. Cuốn sách cũng dẫn trích các tác phẩm nổi tiếng về công lý bao gồm: Nền cộng hòa của Plato, Đạo đức học Nicomachus của Aristoste, Nghĩa vụ của Cicero, Phê phán cương lĩnh Gôta của Karl Marx.
- Cuốn sách: “Justice as fittingness” (Công lý như là sự phù hợp), 177 trang, của Geoffrey Cupit, Clarendon Press xuất bản năm 1996. Không hoàn toàn đồng nhất với cách tiếp cận truyền thống coi công lý là “đòi hỏi mỗi cá nhân hoặc tổ chức được hưởng những gì mà họ xứng đáng”, Geoffrey Cupit đề xuất một lý thuyết mới về bản chất của công lý với lập luận cho rằng bất công được hiểu là một hình thức của việc đối xử không phù hợp mà tiêu biểu là việc đối xử thấp hơn đối với vị trí một con người. Công lý do đó gần hơn với sự thiếu tôn trọng và khinh miệt vô căn cứ giữa con người với con người.
- Cuốn sách: “Administrative Justice in the 21st Century” (Công lý hành chính trong thế kỷ 21), 585 trang, do Michael Harris và Martin Partington, giáo sư luật của Đại học Bristol Anh quốc biên tập, Hart Publishing xuất bản năm 1999. Cuốn sách tập trung phân tích với nhận định công lý hành chính chính là “hoạt động hành chính công bằng”. Mọi người có quyền được bảo đảm có hoạt động hành chính hợp pháp, hợp lý và công bằng về thủ tục. Các dịch vụ công phải được cung cấp một cách khách quan, công bằng và không thiên vị. Các thiết chế giám sát, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải mạnh mẽ và hiệu quả.
- Cuốn sách: “Civil Justice in Crisis: Comparative Perpectives of Civil Procedure”, (Công lý dân sự trong khủng hoảng) của Adrian A.S. Zuckerman, giáo sư chuyên ngành tố tụng dân sự của Đại học Oxford Anh quốc, Oxford xuất bản năm 1999. Cuốn sách khẳng định tất cả các hệ thống tố tụng đều phải hướng tới tìm kiếm công lý và công lý được lượng hóa thông qua ba hướng: Tìm ra sự thật, tiết kiệm thời gian và chi phí tiếp cận công lý. Tác giả dành phần lớn dung lượng của cuốn sách để bàn về cách thức hiện thực hóa công lý trong hệ thống đối tụng.
- Cuốn sách: Justice in the twenty-first century (Công lý trong thế kỷ 21) của Hon Russell Fox AC QC, Cavendish Publishing xuất bản năm 2000. Trong cuốn sách, Russell Fox -Thẩm phán nghỉ hưu của Tòa án cấp cao Australia đã luận giải công lý trong bối cảnh đổi mới, cải cảnh cách hệ thống tố tụng dân sự. Trong hệ thống đó, công lý là thuật ngữ có nghĩa gần với sự công bằng (fairness). Chất lượng công lý tại tòa án chủ yếu được bảo đảm bởi sự liêm chính, vô tư và độc lập của các thẩm phán.
- Cuốn sách: “Common Truths - New Perspective on Natural Law” (Sự thật hiển nhiên - Viễn cảnh mới về luật tự nhiên), 317 trang, do Edward B. McLean biên tập, ISI Books xuất bản năm 2000. Cuốn sách gồm 04 chương 13 bài viết về lịch sử hình thành và những vấn đề căn cốt nhất của luật tự nhiên trong cuộc sống đương đại. Công lý, với tư cách là một giá trị cơ bản, bất biến của luật tự nhiên, được luận giải xuyên suốt nội dung của cuốn sách.
- Cuốn sách: “Law and Philosophy: An introduction with readings” (Luật pháp và Triết học: Dẫn nhập với những bài đọc), 522 trang, của Thomas W.Simon, Đại học Illinois, Hoa Kỳ, Mc.Graw Hill xuất bản năm 2001. Cuốn sách bao gồm tập hợp những bài luận triết học tiêu biểu (trích) cùng với những thẩm bình của tác giả trong việc giải quyết những vấn đề cơ bản của pháp luật. Công lý được đánh giá dưới góc độ là giá trị của luật tự nhiên thông qua ba trường phái luật tự nhiên chính, bao gồm Luật tự nhiên tôn giáo (Religious natural law), Luật tự nhiên thế tục (Secular natural law) và Luật tự nhiên về thủ tục chặt chẽ (Procedural natural law).
- Cuốn sách: “Courts, Justice and Efficiency” (Tòa án, Công lý và sự hiệu quả), 265 trang, của Hecstor Fix-Fierro, Hart Publishing xuất bản năm 2003. Đây là một công trình nghiên cứu liên ngành xã hội và kinh tế về tính hợp lý kinh tế trong hoạt động xét xử, trong đó nhấn mạnh vị trí của công lý như là một thành tố của hiệu quả kinh tế của hệ thống tranh tụng.
- Cuốn sách: “Justice” (Công lý), 180 trang, của Giáo sư Harry Brighouse, Đại học Wisconsin-Madison, Hoa Kỳ, Polity Press xuất bản năm 2004. Cuốn sách tập trung cung cấp những lý lẽ về sự xuất hiện và phát triển của các lý thuyết cơ bản về công lý trong triết học chính trị đương đại, đồng thời áp dụng những lý thuyết này để luận giải một số vấn đề của thời đại như công lý trong phân công lao động xã hội theo giới hay phong trào đấu tranh đòi bình quyền của nữ giới.
- Cuốn sách: “The Philosophy of Positive Law” (Triết học về luật thực định), 205 trang, của giáo sư James Bernard Murphy Cao đẳng Dartmouth, Yale University Press xuất bản năm 2005. Theo James Bernard Murphy, thuật ngữ luật thực định (positive law) thường được dùng để chỉ các quy tắc được nhà làm luật ấn định/áp đặt một cách có ý thức, có chủ ý. Theo tác giả, pháp luật ở những khía cạnh nhất định nên phục vụ và vì công lý. Nghệ thuật áp dụng pháp luật giải quyết tranh chấp là nghệ thuật hiện thực hóa công lý.
- Cuốn sách: “A brief history of Justice” (Khái lược lịch sử công lý), 238 trang, của David Johnston - giáo sư triết học chính trị Đại học Columbia Hoa Kỳ, Wiley-Blackwell xuất bản năm 2011. Cuốn sách phân tích một cách tường tận lịch sử hình thành, phát triển và những nội dung căn cốt nhất của các tư tưởng, học thuyết về công lý trong lịch sử văn minh nhân loại như tư tưởng công lý của Plato, Aristotle, Hobbes, Kant, các học thuyết công lý theo trường phái công lợi, công bằng xã hội…
- Cuốn sách: “The Philosophy of Law: A very short introduction” (Triết học luật pháp) của Raymond Wacks, giáo sư danh dự của Đại học Hồng Kông (bản dịch của Phạm Kiều Tùng, Nhà xuất bản Trẻ, 2011). Tác giả dành toàn bộ chương 4 bàn về Quyền và công lý, trong đó đưa ra những nét cơ bản về nhận thức về công lý, mối quan hệ giữa công lý và pháp luật.
- Bài viết: “Islamic Laws of Justice” (Luật Do Thái về công lý), Tạp chí nghiên cứu khoa học Châu Âu, năm 2011 (475-480) của Abdul Jabbar Qureshi, Phó Giáo sư Đại học Urdu Karachi Pakistan. Bài viết phân tích nhận thức về công lý trong các luật Do Thái và nhận định đây là một giá trị thiêng liêng và phổ quát trong mọi khía cạnh của cuộc sống của người Do Thái.
- Cuốn sách: “Justice: Whats’s the right thing to do”, của giáo sư Đại học Harvard Michale J. Sandel (bản dịch Hồ Đắc Phương, 401 trang, Nhà xuất bản Trẻ, năm 2011). Michael Sandel cho rằng câu hỏi một xã hội có công bằng hay không chính là câu hỏi về cách phân phối những điều chúng ta được hưởng thụ: Thu nhập và sự giàu có, Trách nhiệm và quyền lợi, Quyền lực và cơ hội, Chức vụ và danh dự. Một xã hội công bằng là xã hội phân phối những thứ này đúng cách, mỗi người nhận đúng phần mình đáng được hưởng.
- Bài viết: “Loving justice” (Yêu công lý) của Regina Mara Schwartz English Notes, 2012, từ Đại học Northwestern University, Hoa Kỳ. Bài viết đặt ra câu hỏi liệu có thể tách rời luật pháp khỏi công lý và nhận định việc tách rời công lý khỏi pháp luật là một điều hết sức nguy hiểm, tạo nhiều nguy cơ tiềm ẩn trong cuộc sống.
2. Tình hình nghiên cứu trong nước
- Cuốn sách: “Đây “công lý” của thực dân Pháp ở Đông Dương”, Nhà xuất bản Sự thật, năm 1962. Đây là cuốn sách gồm tập hợp một số bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công lý trong giai đoạn 1921-1926.
- Cuốn sách: “Hồi ký Vũ Đình Hòe”, Nhà xuất bản Hội nhà văn, năm 2004. Cuốn hồi ký có Bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của Hồ Chủ tịch tại Câu lạc bộ Đoàn kết Hà Nội ngày 12/5/1970 của đồng chí Vũ Đình Hòe với nhan đề “Công lý và pháp lý theo tinh thần “Chí công vô tư” của Hồ Chủ tịch”. Theo ông, chất lượng của công lý tại Tòa án nhân dân được đảm bảo phần lớn dựa trên sự công chính, không thiên vị và độc lập của các thẩm phán. Công lý là sự thể hiện lý tưởng “chí công vô tư” mà nội dung của lý tưởng đó phải phù hợp mỗi thời kỳ cách mạng. Trong những ngày đầu của nhà nước cách mạng, các thẩm phán phải “chí công vô tư”, công tác xét xử là để phục vụ nhân dân chứ không phải là đèn trời soi xét. Người thẩm phán phải giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng. Trong giai đoạn xây dựng xã hội chủ nghĩa, công lý xã hội chủ nghĩa chính là việc đảm bảo thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động.
- Tập “Hồi ký”, năm 1994 (bản viết tay) của Luật sư Vũ Trọng Khánh. Luật sư Vũ Trọng Khánh là Bộ trưởng Bộ Tư pháp Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, người đã tổ chức xây dựng và trình Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 13 của Chủ tịch nước ngày 24 tháng 01 năm 1946 quy định cách tổ chức toà án và các ngạch thẩm phán trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, đây được cho là văn bản đầu tiên luật hóa những giá trị công lý trong hoạt động của Nhà nước Việt Nam.
- Cuốn sách: “Triết học kinh tế trong “Lí thuyết về công lý” của Nhà triết học Mĩ - John Rawls” của Trần Thảo Nguyên, Nhà xuất bản Thế giới xuất bản năm 2006. Tác giả tập trung ý nghĩa và khả năng ứng dụng của học thuyết về công lý của John Rawls tại Việt Nam. Phân tích mệnh đề công lý như là công bằng của John Rawls, tác giả cho rằng công lý là cái gốc của công bằng, có ý nghĩa sâu sắc và khái quát hơn công bằng.
- Bài viết: “Tiếp cận công lý và các nguyên lý của nhà nước pháp quyền” của Vũ Công Giao, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Luật học 25, năm 2009. Bài viết phân tích khái niệm và đặc điểm của tiếp cận công lý, nền tảng của tiếp cận công lý và sự tương thích giữa các nguyên tắc của tiếp cận công lý với các nguyên tắc của nền pháp quyền tại Việt Nam.
- Cuốn sách: “Quyền con người trong thi hành công lý” của Tòa án nhân dân tối cao, 545 trang, Nhà xuất bản lao động - xã hội, năm 2010. Cuốn sách gồm 15 chương, cung cấp những thông tin nhằm giúp người đọc mà chủ yếu là cán bộ tòa án có kiến thức tương đối toàn diện và sâu sắc về các quyền cơ bản của con người và việc bảo đảm các quyền này trong quá trình thực thi công lý.
- Bài viết: “Quyền tiếp cận công lý trong tố tụng hình sự ” của Ths. Đinh Thế Hưng, Tạp chí Nghề luật, số 1 năm 2011. Tác giả luận giải khái niệm công lý nói chung và công lý trong tố tụng hình sự nói riêng, xác định quyền tiếp cận công lý trong tố tụng hình sự là một quyền con người cơ bản trong nhà nước pháp quyền XHCN, đồng thời nhận diện những trở ngại trong quá trình tiếp cận công lý của hệ thống tố tụng hình sự tại Việt Nam.
- Cuốn sách: “Tòa án Việt Nam trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền”, 377 trang, Nhà xuất bản Đại học quốc gia, năm 2012, Nguyễn Đăng Dung chủ biên. Cuốn sách xác định một trong những đặc trưng cơ bản của Tòa án trong Nhà nước pháp quyền là hoạt động phán xét công lý. Công lý là chuẩn mực đạo đức xã hội mà pháp luật có nhiệm vụ duy trì và bảo vệ. Hoạt động xét xử là hoạt động trực tiếp bảo vệ công lý. Tòa án không chỉ phán xét tính hợp pháp mà còn cả tính đúng đắn của hành vi. Vì vậy, ngoài căn cứ vào pháp luật, tòa án còn căn cứ vào công lý.
- Báo cáo: “Chỉ số công lý - Thực trạng về Công bằng và Bình đẳng dựa trên ý kiến của người dân năm 2012” của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (tháng 7/2013). Chỉ số công lý giới thiệu một hướng tiếp cận mới để đánh giá kết quả tiến trình cải cách luật pháp và tư pháp đang diễn ra. Chỉ số công lý năm 2012 được thực hiện trên 21 tỉnh, thành phố, dựa trên 5 trục nội dung về thực thi pháp luật và bảo đảm công lý, bao gồm: Khả năng tiếp cận, Công bằng, Liêm chính, Tin cậy và hiệu quả, Bảo đảm các quyền cơ bản. Tuy nhiên, khảo sát mới chỉ đưa ra được ý niệm về công lý của người dân trên cở sở cảm nhận tâm lý học xã hội.
- Cuốn sách “Dân luật khái luận” của Vũ Văn Mẫu (1914-1998), xuất bản năm 1961. Vũ Văn Mẫu là Trưởng khoa luật đầu tiên của Đại học Sài Gòn, Thủ tướng cuối cùng của chế độ Việt Nam cộng hòa. Trong cuốn sách, ông cho rằng trong giai đoạn xã hội sơ khai, bán khai, pháp luật dựa trên các giải pháp thô sơ là sử dụng “cường lực”, “bạo lực”, hay “bản năng”, lẽ phải sẽ thuộc về kẻ khỏe hơn, mạnh hơn. Cùng với sự tiến hóa của nhân loại, vai trò của “cường lực”, “bạo lực”, “sức mạnh” ngày càng phai nhạt. Khi bước sang giai đoạn phát triển văn minh hơn, loài người nhận ra rằng không thể để cho các cá nhân tự ý định đoạt khu xử, trật tự xã hội cần phải được thiết lập trên cơ sở công lý.
- Bài viết: “Về khái niệm “công lý” trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” của Ths. Nguyễn Xuân Tùng, Tạp chí Tổ chức nhà nước, số tháng 11/2013. Bài viết tập trung phân tích sự hình thành và phát triển nhận thức về công lý từ khi hình thành Nhà nước cách mạng nhân dân đến Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
- Bài viết: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về công lý” của Ths. Nguyễn Xuân Tùng, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số tháng 11/2013. Bài viết tập trung hệ thống, phân tích và làm rõ hơn tư tưởng Hồ Chí Minh về công lý. Theo đó, công lý được khẳng định là một bộ phận quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân.
- Bài viết: “Yêu công lý: Phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ tư pháp Việt Nam” của Ths. Nguyễn Xuân Tùng tại Cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh (ngày 09/7/2012). Bài viết nhận định: Từ truyền thống cách mạng của Ngành Tư pháp đến những triết lý về công lý trong thế giới đương đại, tình yêu công lý, khát khao bảo vệ lẽ phải và công lý cần được xác định là một phẩm chất đạo đức cách mạng của mỗi người cán bộ tư pháp Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
- Bài viết: “Tổng quan các tư tưởng, học thuyết về công lý trên thế giới và quan niệm về công lý trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013” của Ths. Nguyễn Xuân Tùng tại Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (Chuyên mục Nghiên cứu trao đổi ngày 28/11/2013). Bài viết trình bày tổng quan những tư tưởng, học thuyết công lý tiêu biểu trên thế giới trong suốt chiều dài phát triển của lịch sử văn minh nhân loại. Bài viết cũng dành một phần quan trọng cho việc phân tích sự hình thành những tư tưởng, quan niệm về công lý tại Việt Nam qua các câu truyện cổ tích, tục ngữ ca dao, hương ước lệ làng cho đến quan niệm về công lý trong Chiến lược cải cách tư pháp và Hiến pháp Việt Nam năm 2013.
- Bài viết: “Sự cạnh tranh giữa các học thuyết công lý trong xã hội Việt Nam: nhìn từ đề xuất “nộp tiền thay thế nghĩa vụ quân sự” và “mang thai hộ vì mục đích nhân đạo” của Ths. Nguyễn Xuân Tùng tại Báo Điện tử Một thế giới ngày 06/12/2013. Bài viết khẳng định: Đề xuất “nộp tiền thay nghĩa vụ quân sự” hay “cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo” khi xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự và Luật Hôn nhân và Gia đình là những chủ đề đang tỏa sức nóng lên đời sống xã hội với những biện minh, lý lẽ giằng xé, đan xen. Những tranh luận chưa ngã ngũ, mỗi bên đều có lập luận biện minh riêng của mình, điều đó đang phản ánh sự cạnh tranh của các học thuyết công lý trong việc xử lý những vấn đề đời thường của cuộc sống trong xã hội Việt Nam hiện đại.
- Bài viết: “Công lý được xác định là giá trị căn bản trong hiến pháp nhiều quốc gia trên thế giới” của Ths. Nguyễn Xuân Tùng tại Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (Chuyên mục Nghiên cứu trao đổi ngày 16/12/2013). Qua khảo sát Hiến pháp của các quốc gia trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Ba Lan, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Cộng hòa Nam Phi, bài viết khẳng định Hiến pháp có một chức năng quan trọng là tuyên bố những giá trị căn bản được một cộng đồng chia sẻ, làm nền tảng cho hoạt động quản lý nhà nước hoặc định hướng cho những tranh luận, thương thảo, thỏa thuận trong một cộng đồng xã hội, tránh không để xảy ra xung đột giữa các nhóm lợi ích, các cá nhân. Công lý luôn được xác định là một giá trị căn bản của toàn cộng đồng xã hội được ghi nhận tại hiến pháp của nhiều quốc gia.
- Bài viết: “Cảm nhận về công lý trong nền văn hóa Nho giáo tại Việt Nam” của Ths. Nguyễn Xuân Tùng tại Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (Chuyên mục Nghiên cứu trao đổi ngày 10/01/2014). Bài viết tập trung chắt lọc, nghiên cứu những giá trị công lý trong nền văn hóa Nho giáo tại Việt Nam, một quốc gia đã có những giai đoạn lịch sử sùng Nho, mà ta thường gọi là nền Quân chủ Nho giáo.
- Bài viết: “Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải: Ý nghĩa nhân văn của hệ thống pháp luật XHCN từ Thông điệp năm mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng” của Ths. Nguyễn Xuân Tùng tại Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (Chuyên mục Nghiên cứu trao đổi ngày 28/01/2014). Bài viết khẳng định yêu cầu pháp luật phải gắn liền, bảo vệ và phụng sự công lý là một thông điệp thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ, hàm chứa ý nghĩa nhân văn sâu sắc và một niềm tin thiêng liêng về một hệ thống pháp luật vì con người trên cơ sở đạo lý, lương tri và lẽ phải./.
Ths. Nguyễn Xuân Tùng
Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp