Đảng và nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật trong lĩnh vực này và xác định giải quyết khiếu nại, tố cáo là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước; làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo một mặt để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, một mặt sẽ góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình khiếu nại, tố cáo đang diễn ra bức xúc, gay gắt ở nhiều nơi, biểu hiện rõ nhất là số đoàn đông người tăng mạnh, thái độ khiếu kiện thiếu kiềm chế, đơn thư gửi tràn lan..., có lúc, có nơi trở thành đặc biệt phức tạp, đặc biệt gay gắt. Trong số đó, phần lớn khiếu nại, tố cáo đều nảy sinh từ xã, phường, thị trấn - cơ quan quản lý toàn diện kinh tế - xã hội ở cơ sở. Bài viết này sẽ phân tích quy đinh của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cấp xã, thực trạng việc thực hiện các quy định đó, đồng thời đề xuất một số kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cấp xã cũng như giải pháp hoàn thiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo nói chung, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cấp xã nói riêng.
I. Quy đinh của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Ủy ban nhân dân cấp xã
1.1. Khiếu nại, tố cáo là quyền Hiến định của con người
Khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền tự nhiên của con người trước những vấn đề bị vi phạm để tự bảo vệ mình. Hay nói một cách khác, bản chất của quyền khiếu nại, tố cáo là quyền tự vệ hợp pháp trước những hành vi vi phạm để tự bảo vệ mình hoặc bảo vệ quyền và lợi ích của xã hội. Đó là quyền hiến định, quyền phản hồi, quyền dân chủ và hơn thế nữa, đó là quyền để bảo vệ quyền. Chính vì vậy, khiếu nại, tố cáo là hiện tượng khách quan trong đời sống xã hội. Từ khi có giai cấp, các giai cấp thống trị xã hội với những biện pháp, cách thức khác nhau để giải quyết hiện tượng này.
Ở nước ta, từ trước đến nay, đều ghi nhận khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân, trong đó Hiến pháp 1992 ghi nhận tại Điều 74: “Công dân có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc bất cứ cá nhân nào. Việc khiếu nại, tố cáo phải được cơ quan nhà nước xem xét và giải quyết trong thời hạn pháp luật quy định…”. Quy định này đã được Hiến pháp 2013 sửa đổi, bổ sung tại Điều 30, cụ thể là: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”.
Theo quy định này, khiếu nại, tố cáo không chỉ là quyền Hiến định của công dân Việt Nam (những người có quốc tịch Việt Nam) mà đã được công nhận là quyền con người, được tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ. Khiếu nại và tố cáo là một trong những phương thức thực hiện quyền tự do, dân chủ, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, giảm bức xúc trong nhân dân. Đây cũng là phương thức để nhân dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của mình và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Khiếu nại, tố cáo đều hướng tới bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm minh, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa nhằm xây dựng nhà nước pháp quyền.
1.2. Khái niệm, thẩm quyền, trách nhiệm và trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã
1.2.1. Khái niệm về khiếu nại, tố cáo
Khiếu nại và tố cáo rất khác nhau, việc phân biệt giữa khiếu nại với tố cáo có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp công dân thực hiện quyền khiếu nại, quyền tố cáo của mình đúng thủ tục và đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời giúp cho cơ quan nhà nước giải quyết khiếu nại, tố cáo nhanh chóng, kịp thời, chính xác, tránh nhầm lẫn, sai sót trong khi giải quyết khiếu nại, tố cáo. Do đó, ngày 11 tháng 11 năm 2011, Quốc hội Khóa 13 đã thông qua Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo, 02 Luật này đều có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2012 và thay thế Luật Khiếu nại, tố cáo. Đây là lần đầu tiên khiếu nại, tố cáo được tách thành 02 Luật và quy định cụ thể về khái niệm, thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết quyết rất khác nhau.
Về khiếu nại: Theo quy định của Luật Khiếu nại “Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình” (Khoản 1 Điều 2). Trong đó, quyết định hành chính, hành vi hành chính và quyết định kỷ luật cán bộ, công chức được định nghĩa như sau:
- Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành để quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể (Khoản 8 Điều 2 Luật Khiếu nại);
- Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật (Khoản 9 Điều 2 Luật Khiếu nại);
- Quyết định kỷ luật là quyết định bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để áp dụng một trong các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý của mình theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức (Khoản 10 Điều 2 Luật Khiếu nại).
Về tố cáo: Theo quy định của Luật Tố cáo quy định: “Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức” (Khoản 1 Điều 2). Tố cáo được chia làm 02 loại như sau:
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ là việc công dân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ (Khoản 2 Điều 2 Luật Tố cáo);
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực là việc công dân báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào đối với việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực (Khoản 3 Điều 2 Luật Tố cáo).
Có thể nói rằng, đây chính là những cơ sở pháp lý cần thiết để công dân tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước những hành vi trái pháp luật của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước. Đồng thời cũng là căn cứ pháp lý để người dân thực hiện tốt quyền làm chủ và giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần làm trong sạch bộ máy nhà nước đồng thời cũng qua đó phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, thể hiện đúng bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta - Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
1.2.2. Thẩm quyền, trách nhiệm và trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã
Khoản 2, Điều 117, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân quy định Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn: “tổ chức tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân theo thẩm quyền”.
Theo quy định tại Khoản 11 Điều 2 Luật Khiếu nại thì giải quyết khiếu nại được giải thích là việc thụ lý, xác minh, kết luận và ra quyết định giải quyết khiếu nại. Giải quyết khiếu nại có thể được thực hiện qua nhiều lần ở các cấp khác nhau và với trách nhiệm là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước ở cấp cơ sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn là người có thẩm quyền giải quyết lần đầu đối với vụ việc khiếu nại. Điều 17 của Luật Khiếu nại quy định: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã); thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp”.
Như vậy thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã bao gồm 2 loại vụ việc:
Một là: các khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của chính mình, đó là các quyết định hành chính bằng văn bản do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành hoặc những hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong khi thi hành công vụ mà người khiếu nại cho rằng trái pháp luật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Hai là: khiếu nại đối với việc làm của cán bộ, nhân viên thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã khi họ thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân hay Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giao cho hoặc phân công phụ trách.
Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại ở cấp xã (giải quyết khiếu nại lần đầu) do Luật khiếu nại số 02/2011/QH13 ngày 11 tháng 11 năm 2011, Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật khiếu nại quy định và được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính. Theo quy định này, quy trình giải quyết khiếu nại gồm 03 bước: thụ lý, chuẩn bị xác minh nội dung khiếu nại; tiến hành xác minh nội dung khiếu nại và kết thúc giải quyết khiếu nại.
- Thụ lý, chuẩn bị xác minh nội dung khiếu nại: thụ lý giải quyết khiếu nại, thông báo việc thụ lý (hoặc không thụ lý); kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức bị khiếu nại; quyết định xác minh nội dung khiếu nại; xây dựng và phê duyệt kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại
- Tiến hành xác minh nội dung khiếu nại: công bố quyết định xác minh nội dung khiếu nại; làm việc trực tiếp với người khiếu nại, người đại diện, người được ủy quyền, luật sư, trợ giúp viên pháp lý của người khiếu nại; Làm việc trực tiếp với người bị khiếu nại; yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng; Tiếp nhận, xử lý thông tin, tài liệu, bằng chứng; xác minh thực tế; Trưng cầu giám định; Làm việc với các bên trong quá trình xác minh nội dung khiếu nại; tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại (nếu cần thiết); báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại; đình chỉ việc giải quyết khiếu nại; tham khảo ý kiến tư vấn trong việc giải quyết khiếu nại (nếu cần thiết); tổ chức đối thoại (nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh còn khác nhau).
- Kết thúc giải quyết khiếu nại, gồm: ban hành, gửi, công khai quyết định giải quyết khiếu nại và lập, quản lý hồ sơ giải quyết khiếu nại.
1.2.3. Thẩm quyền, trách nhiệm và trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã
Theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 Luật Tố cáo thì giải quyết tố cáo được giải thích là việc tiếp nhận, xác minh, kết luận về nội dung tố cáo và việc xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo. Giải quyết khiếu tố cáo cũng có thể được thực hiện qua nhiều lần ở các cấp khác nhau và thẩm quyền giải quyết tố cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn được quy định tại Khoản 1, Điều 13, Luật tố cáo: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp”.
Trong trường hợp tố cáo về hành vi vi phạm nhiệm vụ, công vụ của Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thì vụ việc không thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã mà thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Đối với những tố cáo về hành vi phạm tội thì không thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước nói chung và của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nói riêng; trong trường hợp nhận được những tố cáo này thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải chuyển cho cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết theo thời hạn quy định.
Trong quá trình xem xét, giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền của mình, nếu phát hiện hành vi vi phạm về nhiệm vụ, công vụ có dấu hiệu phạm tội thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cũng phải chuyển vụ việc, các thông tin, tài liệu có được cho cơ quan chức năng giải quyết theo trình tự, thủ tục luật định.
Trình tự thủ tục giải quyết tố cáo theo quy định của Luật tố cáo số 03/2011/QH13 ngày 11/11/2011, Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tố cáo và Thông tư số 06/2013/TT-TTCP ngày 30/9/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình giải quyết tố cáo. Quy trình giải quyết tố cáo gồm 03 bước: thụ lý, chuẩn bị xác minh nội dung tố cáo; tiến hành xác minh nội dung tố cáo và kết thúc giải quyết tố cáo.
- Thụ lý, chuẩn bị xác minh nội dung tố cáo gồm các hoạt động cơ bản như: thụ lý, chuẩn bị xác minh nội dung khiếu nại như tiếp nhận tố cáo, kiểm tra điều kiện thụ lý tố cáo, ban hành quyết định thụ lý và thành lập Tổ xác minh, thông báo việc thụ lý tố cáo, kế hoạch xác minh nội dung tố cáo.
- Tiến hành xác minh nội dung tố cáo, gồm: thông báo quyết định thành lập Tổ xác minh; làm việc trực tiếp với người tố cáo, người bị tố cáo; yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng; thu thập, xử lý thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung tố cáo; xác minh thực tế; trưng cầu giám định; gia hạn giải quyết tố cáo (nếu cần thiết); báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo và tham khảo ý kiến tư vấn (khi xét thấy cần thiết).
- Kết thúc giải quyết tố cáo, gồm các hoạt động: thông báo dự thảo kết luận nội dung tố cáo; kết luận nội dung tố cáo; việc xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo; công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo và thông báo kết quả giải quyết tố cáo cho người tố cáo; lập, quản lý hồ sơ giải quyết tố cáo.
II. Thực trạng thực hiện các quy định của pháp và đề xuất hoàn thiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo tại Ủy ban nhân dân cấp xã
2.1. Thực trạng thực hiện quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Ủy ban nhân dân cấp xã
2.1.1. Kết quả đạt được
Trong những năm qua, nhất là từ sau khi Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2012, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại cấp xã nói riêng đã đạt được những kết quả nhất định. Theo Báo cáo Thanh tra Chính phủ, năm 2013, các cơ quan nhà nước đã tiếp 380.331 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo (giảm 2% so với năm 2012), với 4.481 đoàn đông người (giảm 1,2%). Các Bộ, ngành Trung ương tiếp 44.640 lượt người, 190 lượt đoàn đông người); so với năm 2012 tăng 21,1% lượt người, giảm 12,9% lượt đoàn đông người. Các địa phương đã tiếp 311.430 lượt người, 3.620 lượt đoàn đông người; so với năm 2012, giảm 5% số lượt người và 3% số đoàn đông người. Các cơ quan hành chính Nhà nước tiếp nhận, xử lý 215.789 đơn thư khiếu nại, tố cáo, trong đó: Thanh tra Chính phủ đã xử lý 16.553 trong tổng số 16.903 đơn thư tiếp nhận, trong đó có 5.124 (chiếm 31%) đơn đủ điều kiện xử lý. Các bộ, ngành tiếp nhận, xử lý 22.010 đơn thư khiếu nại, tố cáo, trong đó có 8.583 vụ việc thuộc thẩm quyền. Các địa phương tiếp nhận, xử lý 176.876 đơn thư khiếu nại, tố cáo, trong đó có 35.233 vụ việc thuộc thẩm quyền. Các cơ quan hành chính Nhà nước đã giải quyết 39.013/43.932 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao, đạt tỷ lệ trên 88,8%: trong đó: Thanh tra Chính phủ kết luận và báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết 77/116 vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao; các Bộ, ngành đã giải quyết 6.207/8.583 vụ việc thuộc thẩm quyền. Các địa phương đã giải quyết 32.729/35.233 vụ việc thuộc thẩm quyền. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 95 tỷ đồng, 89 ha đất; trả lại cho tập thể, công dân 1.083 tỷ đồng, 93 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 675 người, chuyển cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm hình sự 28 vụ việc với 89 người.
Từ những số liệu báo cáo trên có thể khẳng định rằng, trên toàn quốc, ở tất cả các cấp, trong đó có cấp xã, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần khôi phục lại những quyền và lợi ích chính đáng của công dân; kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật nhằm giữ gìn kỷ cương, trật tự tại cơ sở, tạo lòng tin của người dân vào chính quyền và cơ quan quản lý Nhà nước nơi mình đang sinh sống và lao động, động viên nhân dân tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước, thúc đẩy mọi người hoàn thành tốt các nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội.
2.1.2. Hạn chế và nguyên nhân
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Theo dự báo của Thanh tra Chính phủ, bên cạnh những vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, bức xúc trước đây chưa được giải quyết dứt điểm, thì hiện nay lại phát sinh một số vụ việc mới và điều đáng quan tâm là một số vụ việc có dấu hiệu bị các thế lực thù địch và kẻ xấu kích động, xúi giục nhân dân đi khiếu kiện đông người, phức tạp, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại một số địa bàn. Tình trạng này là do những nguyên nhân chủ quan và khách quan sau đây:
2.1.2.1 Những nguyên nhân chủ quan
Trong những năm gần đây, nhiều nơi số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo gia tăng, thậm chí có nơi tình hình khiếu nại, tố cáo diễn biến hết sức phức tạp, làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa phương. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thì có nhiều, nhưng có thể nói một trong nguyên nhân cơ bản là do một số nơi chính quyền cơ sở còn chưa quan tâm đúng mức tới công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là chính quyền cấp xã phường và chính quyền cấp quận, huyện và thị xã. Khi phát sinh khiếu nại, tố cáo, một số chính quyền cơ sở chưa làm tròn trách nhiệm của mình, thiếu quan tâm giải quyết từ gốc - nơi phát sinh khiếu nại, tố cáo, có nhiều vụ việc giải quyết chậm, thẩm tra, xác minh sơ sài, thu thập chứng cứ không đầy đủ, kết luận thiếu chính xác, áp dụng pháp luật cứng nhắc, phương án giải quyết thiếu thuyết phục, dân không đồng tình, tiếp tục khiếu nại, tố cáo. Trong khi đó, sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước để giải quyết khiếu nại, tố cáo có lúc chưa tốt, còn có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, chuyển đơn lòng vòng, trả lời thiếu thống nhất. Việc tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục, hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo và công tác hòa giải ở cơ sở chưa được quan tâm thực hiện đúng mức nên có những vụ việc đơn giản vẫn phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, bọn phản động và phần tử cơ hội lợi dụng, kích động những người đi khiếu nại, tố cáo; tổ chức, lôi kéo khiếu kiện đông người, mong muốn của bọn chúng là biến các vụ việc khiếu nại thuần túy trở thành vấn đề chính trị - xã hội, dẫn đến tình hình khiếu nại, tố cáo thời gian qua có những diễn biến phức tạp.
2.1.2.1 Những nguyên nhân khách quan
a) Bất cập, vướng mắc của pháp luật về khiếu nại
Thứ nhất, về thời hiệu khiếu nại: Điều 9 Luật Khiếu nại quy định thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính, hành vi hành chính. Trong khi đó, Điều 104 Luật Tố tụng hành chính quy định thời hiệu khởi kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính là 01 năm. Điều này gây khó khăn cho công tác thi hành quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước nói chung, Ủy ban nhân dân cấp xã nói riêng.
Thứ hai, về quyền của người khiếu nại, của luật sư, trợ giúp viên pháp lý: Tại Điểm d Khoản 1 Điều 12 Luật Khiếu nại quy định: “Được biết, đọc, sao chụp, sao chép, tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước”. Điểm d Khoản 1 Điều 16 của Luật cũng quy định Luật sư, trợ giúp viên pháp lý có quyền: “Nghiên cứu hồ sơ vụ việc, sao chụp, sao chép các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến nội dung khiếu nại để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà Người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung việc đối thoại. Trên thực tế có những vụ việc khiếu nại mà tài liệu, chứng cứ thu thập được từ nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương lên đến hàng ngàn trang thì việc cung cấp cho người khiếu nại, luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý khi họ yêu cầu cần có thời gian và kinh phí nhưng chưa có quy định hướng dẫn. Hơn nữa cũng chưa có hướng dẫn cách thức để thực hiện quyền sao chụp tài liệu như thế nào, chẳng hạn như một người được thực hiện quyền sao chụp bao nhiêu lần, có phải trả phí sao chụp hay không?...
Thứ ba, về tổ chức đối thoại: Khoản 2 Điều 30 Luật Khiếu nại quy định: “Người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung việc đối thoại”. Trường hợp Chủ tịch UBND cấp xã là người giải quyết khiếu nại lần đầu đồng thời là người bị khiếu nại thì quy định này là không phù hợp vì không thể người giải quyết khiếu nại thông báo bằng văn bản cho chính bản thân mình là người bị khiếu nại. Hơn nữa, trong trường hợp này ý nghĩa của việc tổ chức đối thoại cũng khó mà đảm bảo khi người chủ trì cuộc đối thoại cũng là một bên của cuộc đối thoại.
Thứ tư, về vấn đề đình chỉ giải quyết khiếu nại: Luật Khiếu nại chỉ quy định duy nhất trường hợp đình chỉ việc giải quyết khiếu nại khi người khiếu nại có đơn rút khiếu nại. Tuy nhiên, thực tế còn phát sinh các trường hợp khách quan khác cần tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết khiếu nại như: người khiếu nại là cá nhân đã chết mà quyền và nghĩa vụ của họ chưa được hoặc không được thừa kế; cơ quan, tổ chức cá nhân đã giải thể mà chưa có hoặc không có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tham gia vụ việc khiếu nại; người khiếu nại đã được triệu tập đến lần thứ ba mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng; người khiếu nại có hành vi cản trở, trốn tránh cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xác minh; người khiếu nại mất năng lực hành vi dân sự mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật; đã hết thời hiệu giải quyết khiếu nại mà người khiếu nại không thể có mặt theo yêu cầu vì lý do chính đáng…
Thứ năm, về thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật: Mục 4 Chương III Luật Khiếu nại và Chương IV Nghị định số 75/2012/NĐ-CP đã có quy định về thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật nhưng còn thiếu các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thi hành. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tính khả thi của việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại không cao.
Thứ sáu, về vấn đề xử lý hành vi vi phạm pháp luật khiếu nại: Việc xử lý hành vi vi phạm các quy định pháp luật về khiếu nại theo quy định tại Điều 68 Luật Khiếu nại còn gặp nhiều khó khăn. Pháp luật hiện nay còn thiếu các quy định cụ thể về việc xử phạt vi phạm trong lĩnh vực khiếu nại. Vì vậy, các cơ quan còn lúng túng, khó khăn khi xử lý đối với những hành vi vi phạm quy định pháp luật về khiếu nại.
b) Bất cập, vướng mắc của pháp luật về tố cáo
Thứ nhất, về thẩm quyền giải quyết tố cáo: Khoản 1 Điều 12 Luật Tố cáo quy định “Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó giải quyết”. Tuy nhiên, thực tế với nhiều vụ việc cụ thể, việc áp dụng xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo theo quy định còn chưa thống nhất, còn có những vướng mắc do xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo tại thời điểm tố cáo hay tại thời điểm người bị tố cáo thực hiện hành vi bị tố cáo. Cụ thể như xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo trong các cán bộ, công chức đã về hưu nhưng bị tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật lúc đương nhiệm; hoặc trường hợp tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức tại thời điểm cán bộ, công chức đó giữ chức vụ thấp nhưng tại thời điểm tố cáo, cán bộ, công chức này đã giữ chức vụ cao hơn, ví dụ như người bị tố cáo là công chức tư pháp - hộ tịch đã được bổ nhiệm lên Phó Chủ tịch hoặc Chủ tịch UBND cấp xã thì người có thẩm quyền giải quyết tố cáo là Chủ tịch UBND cấp xã hay là Chủ tịch UBND cấp huyện.
Thứ hai, về thời hiệu tố cáo: Thực tế hiện nay có nhiều tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật đã diễn ra từ lâu, không còn tính nguy hiểm cho xã hội nhưng cơ quan nhà nước vẫn thụ lý và xem xét, giải quyết. Điều này gây tốn kém, lãng phí trong quá trình giải quyết tố cáo. Pháp luật hiện hành không quy định về thời hiệu tố cáo hành chính.
Thứ ba, về bảo vệ người tố cáo: Việc bảo vệ người tố cáo đã được Luật Tố cáo và Nghị định số 76/20012/NĐ-CP ngày 3/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo quy định. Tuy nhiên, quy định “khi có căn cứ cho rằng việc tố cáo có thể gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe, xâm hại đến tài sản, uy tín, danh dự, nhân phẩm...” còn rất chung chung, khó xác định ở chỗ những biểu hiện nào, hành vi nào thì được coi là có căn cứ. Ngoài ra, chưa có quy định cụ thể về việc phối hợp giữa các cơ quan trong việc bảo vệ người tố cáo cũng là nguyên nhân dẫn đến việc các quy định về bảo vệ người tố cáo chưa thật sự đi vào cuộc sống, chưa thật sự tạo nên thiết chế khiến người tố cáo yên tâm, dẫn đến vẫn còn tố cáo nặc danh, mạo danh nhiều.
Thứ tư, về tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ: Pháp luật tố cáo không quy định cụ thể đối với xử lý đơn tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ, nếu như đơn có nội dung rõ ràng, người tố cáo đã cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu hoặc các bằng chứng khác được kiểm chứng xác thực thì cơ quan có thẩm quyền có thể thụ lý để giải quyết nhằm bảo vệ lợi ích công bằng và đáp ứng yêu cầu phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật. Trên thực tế nhiều vụ việc tố cáo không rõ họ, tên địa chỉ, bút tích của người tố cáo vẫn được một số cơ quan xem xét, giải quyết hoặc một số trường hợp thì không xem xét. Thực tiễn trên gây ra sự thiếu thống nhất trong hoạt động áp dụng pháp luật.
Thứ năm, về khen thưởng người tố cáo: Luật Tố cáo cũng đã quy định về khen thưởng người tố cáo nhưng mức khen thưởng đối với cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo cũng còn chưa tương xứng với công sức, trách nhiệm thu thập thông tin, tài liệu để phát hiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt mức khen thưởng đối với tố cáo hành vi tham nhũng được quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2011/TTLT-BNV-TTCP ngày 6/5/2011 của Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ.
Thứ sáu, về vấn đề xử lý hành vi vi phạm pháp luật tố cáo: Việc xử lý hành vi vi phạm các quy định pháp luật về tố cáo theo quy định tại Điều 46, 47 và Điều 48 Luật Tố cáo còn gặp nhiều khó khăn. Pháp luật hiện nay còn thiếu các quy định cụ thể về việc xử phạt vi phạm trong lĩnh vực tố cáo. Vì vậy, các cơ quan còn lúng túng, khó khăn khi xử lý đối với những hành vi vi phạm quy định pháp luật về tố cáo.
2.2. Giải pháp, kiến nghị
2.2.1. Giải pháp, kiến nghị chung
Để hạn chế đến mức thấp nhất những khiếu kiện, Uỷ ban nhân dân cấp xã phải làm tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ đồng thời không ngừng tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân, thực hiện tốt công tác dân vận, có như vậy mới thực sự gần dân. Khi có khiếu nại, tố cáo phát sinh, Uỷ ban nhân dân cấp xã phải giải quyết kịp thời, đúng pháp luật sẽ sớm chấm dứt vụ việc, ngược lại nếu không giải quyết ngay, hoặc giải quyết không đúng thì vụ việc sẽ trở lên phức tạp, tiếp khiếu lên cấp trên hoặc phát sinh thành điểm nóng, gây mất ổn định, ảnh hưởng xấu đến sự đoàn kết của cộng đồng dân cư, bỏ lọt tội phạm, thiệt hại về tính mạng, tài sản, danh dự, uy tín… của công dân và Nhà nước. Chính vì vậy mà Uỷ ban nhân dân cấp xã cần hết sức coi trọng và làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở thuộc phạm vi trách nhiệm của mình. Ngoài ra, thực hiện tốt công tác này còn giúp các cơ quan Nhà nước kịp thời phát hiện những sai lầm, hạn chế trong hoạt động của mình để uốn nắn, sửa chữa nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, để hạn chế những khiếu kiện, cấp cơ sở cũng cần thường xuyên kiểm tra, xem xét những hoạt động quản lý của mình. Chính vì những lẽ đó, Khoản 3, Điều 5 của Luật Khiếu nại đã quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm kiểm tra, xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật của mình, nếu thấy trái pháp luật thì kịp thời sửa chữa khắc phục để tránh phát sinh khiếu nại”.
Thực tiễn cũng cho thấy nếu vụ việc xảy ra mà cấp cơ sở kịp thời xem xét và giải quyết đúng chính sách, pháp luật, có lý, có tình thì người dân đồng tình chấp thuận và chấm dứt khiếu nại ngay từ cơ sở. Nếu cấp cơ sở không giải quyết hoặc giải quyết không đúng thì người dân khiếu nại lên cấp trên, sự việc sẽ trở lên căng thẳng, phức tạp và khó giải quyết.
2.2.2. Giải pháp, kiến nghị về pháp luật khiếu nại
Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nghiên cứu, xem xét hoàn thiện pháp luật về khiếu nại theo hướng:
- Quy định thống nhất về thời hiệu khiếu nại và thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính trong Luật Khiếu nại và Luật Tố tụng hành chính;
- Hướng dẫn cụ thể việc sao chụp, sao chép các tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung khiếu nại để vừa đảm bảo quyền của các bên, vừa đảm bảo thống nhất giữa các cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp tài liệu cho người khiếu nại, của luật sư, trợ giúp viên pháp lý;
- Quy định rõ trường hợp người giải quyết khiếu nại lần đầu đồng thời là người bị khiếu nại thì không tổ chức đối thoại;
- Quy định bổ sung một số trường hợp cụ thể có thể xem xét tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết khiếu nại cho phù hợp với thực tế;
- Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 75/2012/NĐ-CP theo hướng bổ sung quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, đảm bảo cho các quyết định này được thực hiện nghiêm túc, nâng cao tính hiệu lực của các quyết định giải quyết khiếu nại.
2.2.3. Giải pháp, kiến nghị về pháp luật tố cáo
Để khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật về tố cáo, đề nghị cần hoàn thiện chế định này theo hướng:
- Hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với những cán bộ, công chức đã nghỉ hưu hay được điều chuyển, bổ nhiệm vào những vị trí, chức vụ công tác khác;
- Quy định về thời hiệu tố cáo hành vi vi phạm pháp luật (chưa phải là tội phạm) trong lĩnh vực hành chính để phù hợp với pháp luật hình sự và Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính;
- Quy định cụ thể về những trường hợp nào thì việc tố cáo có thể gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe, xâm hại đến tài sản, uy tín, danh dự, nhân phẩm và trách nhiệm phối hợp cụ thể để thực sự bảo vệ được người tố cáo;
- Nghiên cứu xem xét theo hướng công nhận đối với tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ nhằm đảm bảo mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị phát hiện và xử lý, đặc biệt đối với những hành vi tham nhũng;
- Cần phải điều chỉnh mức khen thưởng đảm bảo khuyến khích người dân phát hiện hành vi vi phạm pháp luật và báo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền;
- Chính phủ cần ban hành Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo làm cơ sở đấu tranh, xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, nhất là đối với các đối tượng lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối an ninh trật tự, xúc phạm cán bộ, công chức, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Nguyễn Thắng Lợi - Phó Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp
Tài liệu tham khảo:
1. Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
2. Luật khiếu nại số 02/2011/QH13 ngày 11 tháng 11 năm 2011.
3. Luật tố cáo số 03/2011/QH13 ngày 11/11/2011.
4. Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân.
5. Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật khiếu nại.
6. Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tố cáo.
7. Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính.
8. Thông tư số 06/2013/TT-TTCP ngày 30/9/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình giải quyết tố cáo.
9. Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28/4/2009 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện và Công tác Tư pháp của Uỷ ban nhân dân cấp xã.
10. Báo cáo Tổng kết công tác năm 2013 của Thanh tra Chính phủ.