Luật Đất đai năm 2013 góp phần tăng cường tính công khai, dân chủ trong quản lý, sử dụng đất.

24/03/2014
Ngày 29/11/2013, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai năm 2013, Luật này sẽ có hiệu lực kể từ 01/7/2014. So với Luật Đất đai 2003, Luật Đất đai (sửa đổi) có 14 chương với 212 điều, tăng 7 chương và 66 điều. Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã tiếp tục kế thừa một số quy định của Luật đất đai năm 2003 và bổ sung một số quy định mới nhằm đảm bảo tính khả thi của Luật, khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, đặc biệt đã tăng cường tính công khai, dân chủ trong quản lý, sử dụng đất thể hiện ở những điểm sau:
Thứ nhất, về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Tại Điều 43 Luật Đất đai năm 2013 quy định cơ quan tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quy định cụ thể về hình thức, nội dung, thời gian lấy ý kiến nhân dân; trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến của nhân dân trong quá trình lập quy hoạch sử dụng đất đối với tất cả các cấp nhằm tăng cường hơn tính công khai, dân chủ. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt phải được công bố và công khai trong suốt kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm nâng cao tính minh bạch để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan biết và nhân dân giám sát thực hiện.

Thứ hai, về thu hồi đất: Đây là một trong những vấn đề “nóng” nhất, mà khi Luật đang còn là dự thảo đã được người dân tham gia góp ý nhiều nhất vì nó liên quan đến quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân và hộ gia đình. Mặt khác, vấn đề thu hồi đất là lý do cơ bản nhất của tình trạng khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua; phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm trong thu hồi đất. Do đó, Luật Đất đai năm 2013 đã quy định theo hướng thu hẹp hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Ngoài các dự án đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư, các trường hợp còn lại phải được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét về sự cần thiết phải thu hồi đất.

Để tránh tùy tiện, sai sót trong việc thu hồi đất trong thời gian qua, Luật Đất đai năm 2013 đã quy định chặt chẽ, cụ thể về trình tự, thủ tục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và thực hiện cưỡng chế quyết định thu hồi đất nhằm tạo điều kiện cho các địa phương triển khai thực hiện thống nhất; tăng cường hơn sự tham gia trực tiếp của nhân dân trong việc đo đạc, kiểm đếm đất đai, tài sản gắn liền với đất và xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; trách nhiệm đối thoại và giải trình của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi người dân chưa có ý kiến đồng thuận.

Thứ ba, về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất: Luật Đất đai năm 2013 đã bổ sung những quy định rất quan trọng, như quy định giá đất bồi thường là giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Quy định điều kiện được bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại và tài sản gắn liền với đất đối với từng loại đất và từng đối tượng cụ thể. Quy định các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, gồm: Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tạo việc làm; hỗ trợ tái định cư và một số khoản hỗ trợ khác.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2013 cũng quy định cụ thể trách nhiệm lập và tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tổ chức đối thoại đối với trường hợp còn có ý kiến không đồng ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Khu tái định cư tập trung phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng; phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền. Việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng của khu tái định cư. Quy định cụ thể về việc xử lý đối với trường hợp chậm chi trả bồi thường do lỗi của cơ quan Nhà nước và do lỗi của người có đất thu hồi gây ra để bảo đảm trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong thực thi công vụ, cũng như tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.

Thứ tư, về giá đất: Luật Đất đai năm 2013 quy định rõ nguyên tắc định giá đất phải theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá, theo thời hạn sử dụng đất, phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường hoặc thu nhập từ việc sử dụng đất. Khung giá đất, bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và được điều chỉnh khi thị trường có biến động. Trường hợp các địa phương không thống nhất được giá đất tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định. Bảng giá đất được quy định để áp dụng các trường hợp người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, như tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích trong hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích trong hạn mức giao đất ở; tính thuế sử dụng đất; tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai; tính giá trị quyền sử dụng đất để trả cho người tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước.

Để các quy định của Luật Đất đai năm 2013 sớm đi vào cuộc sống, cần khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.

Nguyễn Văn Bảy