1. Sự ra đời và thực trạng hoạt động của sàn giao dịch bất động sản trong thời gian qua
Năm 2006, khái niệm: “Sàn giao dịch bất động sản” chính thức được thừa nhận trong Luật Kinh doanh bất động sản (Luật)[1] và được kỳ vọng sẽ là nơi diễn ra các giao dịch bất động sản (BĐS) và cung cấp dịch vụ về BĐS. Cơ quan quản lý cho rằng, tổ chức sàn BĐS sẽ giúp cho nhà nước quản lý được các giao dịch, hạn chế thất thu thuế do việc chuyển nhượng, mua bán ngầm bên ngoài và góp phần bình ổn thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, khi giao dịch qua sàn giá cả được công khai, thông tin đầy đủ sẽ tránh được rủi ro và thiệt hại cho các bên...
Ra đời khi thị trường BĐS đang trong giai đoạn “nóng sốt” và nhờ có quy định của Luật mà hàng trăm ngàn sàn giao dịch, cò đất, môi giới, đầu cơ... được mọc lên như nấm[2]… Nhưng trên thực tế trong những năm qua hoạt động của sàn giao dịch đã diễn ra không theo dự tính của cơ quan quản lý. Kết quả của một số đợt thanh tra, kiểm tra gần đây cho thấy có hàng loạt sai phạm từ chủ đầu tư kinh doanh BĐS: “Qua kiểm tra 128 sàn bất động sản tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đoàn kiểm tra đã lập 62 biên bản vi phạm hành chính với mức phạt từ 50 – 180 triệu đồng/sàn, tổng số tiền phạt là 1,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, số sàn vi phạm chấp hành quyết định xử phạt nghiêm túc mới chỉ đạt 50%. Như vậy, những sai phạm và lừa đảo ở sàn giao dịch bất động sản là có thật"[3]. Trong đó chủ yếu là các hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh BĐS được giao dịch qua sàn, về hợp đồng, thủ tục giao dịch qua sàn, vi phạm về cấp giấy chứng nhận giao dịch qua sàn, vi phạm về việc công khai thông tin sản phẩm trên sàn và thông báo trước khi ký hợp đồng huy động vốn...
Khi thị trường BĐS đóng băng, hàng loạt các sàn giao dịch kinh doanh BĐS đã giải thể hoặc đóng cửa, chỉ còn một số lượng nhỏ hoạt động cầm chừng. Điều này cho thấy, năng lực hoạt động của các sàn rất thấp, các sàn giao dịch kinh doanh BĐS đủ điều kiện hoạt động và tương đối minh bạch chiếm tỷ lệ rất ít: Tại Hà Nội, theo một báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội về tình hình hoạt động thị trường BĐS thì: “…Từ năm 2011 đến nay, trong số 500 sàn giao dịch địa ốc, có tới 122 sàn ngừng hoạt động, trên 200 sàn không có giao dịch thành công)[4]. Còn tại TP. Hồ Chí Minh: “…thì trên địa bàn thành phố… có 479 sàn giao dịch BĐS. Tuy nhiên, tính đến nay đã có một nửa trong số đó ngừng hoạt động hoặc chuyển địa điểm mà không hề có thông báo với cơ quan quản lý”[5].
Để xẩy ra thực trạng trên, một phần cũng do sự buông lỏng của các cơ quan chức năng trong việc thiếu kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch BĐS trong những năm qua đã làm cho tính minh bạch, giá cả BĐS biến động không đúng với giá trị thực và hoạt động của các sàn giao dịch kinh doanh BĐS chưa tuân thủ đúng quy định của Luật, thậm chí một số sàn giao dịch lớn còn cố tình vi phạm quy định nhưng vẫn không bị phát hiện hay phát hiện chậm, không cương quyết xử lý khi phát hiện ra vi phạm… Bởi vậy, sàn giao dịch BĐS không phải là bài thuốc được kỳ vọng để chữa trị những căn bệnh của thị trường BĐS, ngược lại còn làm méo thị trường này hơn.
2. Một số vụ lừa đảo của sàn giao dịch bất động sản và hậu quả để lại
Trong thời gian qua đã có rất nhiều phi vụ lừa đảo, bán “nhà ma”, “thổi giá”, thu tiền vênh… xảy ra trong hoạt động “kinh doanh… BĐS phải thông qua sàn” bị phát hiện và xử lý hình sự… Nhưng hậu quả của nó đã để lại là không nhỏ cho các chủ thể tham gia và cho thị trường BĐS, chúng ta có thể điểm mặt một số vụ việc điển hình:
Vụ thứ nhất: Lừa mua chung cư mini Petromanning qua sàn giao dịch BĐS Hà Thành: Đầu năm 2011, trên các sàn giao dịch bất động sản Hà Nội, "Chung cư mini Petromanning" được hàng loạt sàn bất động sản gắn cho cái mác rất oách là chung cư tư nhân "siêu cao cấp" như một loại hàng "hot" vì có chủ đầu tư là Công ty cổ phần phát triển nguồn lực và dịch vụ Dầu khí Việt Nam (Petromanning) cao đến 16 tầng, được rao bán với giá hàng tỷ đồng một căn.
Tuy nhiên, qua điều tra tại thời điểm đó phía chủ đầu tư lại khẳng định, hiện dự án chưa khởi công, chưa bán một căn nào. Riêng với sàn giao dịch BĐS Hà Thành chủ đầu tư đã đề nghị công an vào cuộc điều tra hành vi lừa đảo. Như vậy, theo như khẳng định của chủ đầu tư Petromanning thì hàng loạt khách hàng, nhà đầu tư của các sàn BĐS đang có nguy cơ là nạn nhân của vụ siêu lừa đảo hàng trăm tỷ đồng. Ngay sau khi có được thông tin từ chủ đầu tư về việc có hiện tượng lừa đảo bán căn hộ chung cư mini Petromanning, phóng viên Báo Gia đình và Xã hội (GĐ&XH) đã làm việc với lãnh đạo sàn BĐS Hà Thành để kiểm chứng. Chủ sàn Hà Thành thừa nhận đã rao bán căn hộ chung cư Petromanning mà không có bất cứ hợp đồng nào với chủ đầu tư và hiện chưa xác định được số căn đã bán. Thậm trí Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH nhà đất Hà Thành, ông Vũ Văn Thành đã hỏi một câu mà khiến phóng viên Báo GĐ&XH phải giật mình: "Vậy là họ vẫn chưa xây. Đất vẫn bỏ trống à?"[6]…???
Vụ thứ hai: Khoảng tháng 3/2011, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã triệt phá một đường dây lừa đảo bán đất tiền tỷ tại các dự án khu Dương Nội, theo đó, Tạ Tất Toàn là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Đài Việt cùng đồng bọn đã sử dụng tài liệu giả như: Văn bản đồng ý của Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội giao cho Công ty Indochina làm chủ đầu tư dự án Dương Nội, giấy ủy quyền huy động vốn của Công ty Indochina cho Công ty Đài Việt, bản đồ thửa đất…, làm giả con dấu của UBND thành phố Hà Nội, Công ty Indochina…, ký hợp đồng bán 01 lô đất tại Dự án Dương Nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội tại sàn Galaxy trên đường Lê Văn Lương, chiếm đoạt tài sản của khách hàng hơn 4 tỷ đồng[7]…
Vụ thứ ba: Sáng ngày 3/6/2011, tại sàn giao dịch Công ty cổ phần Đầu tư & Quản lý BĐS UDIC, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an thành phố Hà Nội đã bắt quả tang một vụ "ăn vênh" tiền chênh lệch số lượng lớn trong mua bán, giao dịch căn hộ do chính UDIC là chủ đầu tư,.... Cơ quan Công an đã thu giữ tại chỗ số tiền 4.391.100.000 đồng là tang vật[8]. Tiếp đó, ngày 6/6/2011, PC46 Công an thành phố Hà Nội đã tiến hành bắt khẩn cấp Trương Chiến Bình (38 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) là Tổng Giám đốc công ty cổ phần Đầu tư và quản lý bất động sản UDIC, để điều tra làm rõ về hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Đây là một trong những vụ án tham nhũng đầu tiên trong lĩnh vực kinh doanh BĐS được phát hiện tại Hà Nội. Mở rộng điều tra, cơ quan công an bước đầu xác định, tại sàn giao dịch bất động sản UDIC đã tiến hành giao dịch thành công 7/12 căn hộ liền kề thấp tầng tại Dự án khu K thuộc Khu nhà Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), thu về số tiền “vênh” gần 30 tỷ đồng…
Vụ thứ tư: Đầu tháng 7/2011, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã bắt khẩn cấp, tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Hữu Trọng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại quốc tế Galaxy BSG Việt Nam. Tại sàn BĐS của mình, Trọng đã dùng giấy tờ giả mạo để “vẽ” dự án không có thật mang tên “Dự án nhà ở dân cư chất lượng cao Galatic BSG”, tại ô đất C12-1, Khu đô thị Nam Trung Yên, rồi đem bán cho khách hàng. Nhiều nạn nhân bị lừa, với số tiền lên đến hàg chục tỷ đồng[9]…
Hậu quả để lại: Chính từ những sàn “bán chuyên” và không chuyên này (Đặc biệt là ở các sàn bán sản phẩm thứ cấp - Theo thống kê của một tổ chức nghiên cứu BĐS hiện nay có đến 90% giao dịch trên thị trường BĐS là giao dịch thứ cấp), hàng loạt vụ kiện cáo, tố tụng liên quan tới hoạt động môi giới không lành mạnh được phanh phui. Từ chuyện sàn giao dịch bán hàng chênh giá đến lừa đảo, chiếm dụng vốn của khách, thậm chí là sử dụng vốn sai mục đích gây rủi ro cho người mua nhà đã làm ảnh hưởng đến cả những sàn hoạt động bài bản, chuyên nghiệp… Các vụ án lừa đảo liên quan dự án BĐS khi giao dịch qua sàn với những thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh như: Tổ chức làm giả con dấu, tài liệu trong hồ sơ pháp lý của dự án đất, dùng các tài liệu, thông tin giả… tiếp cận với các bị hại, thuyết phục họ tin các đối tượng là chủ đầu tư thực sự của dự án, dự án đã được phê duyệt, đang triển khai… để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của người tham gia mua nhà, đất. Hậu quả để lại là: Người mua bị ăn chặn, chiếm đoạt tiền, không mua được nhà đất,... hiện tượng gian lận, trốn thuế vẫn tồn tại, gây thất thu cho ngân sách nhà nước, làm lũng đoạn, thiếu minh bạch cho thị trường BĐS.
2. Những bất cập của quy định giao dịch bất động sản phải qua sàn
Trước đây, khi xây dựng Luật hiện hành với quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản khi bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản...”[10] với kỳ vọng sẽ “hãm” bớt những bất cập của thị trường lúc đó, khi giao dịch qua sàn giá cả sẽ được công khai, minh bạch, thông tin đầy đủ từ đó sẽ tránh được rủi ro và thiệt hại cho các bên; đồng thời giúp Nhà nước kiểm soát được thị trường, tránh gian lận thuế, trốn thuế... Tuy nhiên, trái với những kỳ vọng của thị trường BĐS và các cơ quan quản lý, sự gia đời của tổ chức trung gian này đã để lại nhiều tác động tiêu cực với thị trường BĐS. Diễn biến của thị trường BĐS trong những năm qua đã chứng minh những bất cập đó, ngoài yếu tố thị trường khó khăn, nguyên nhân khiến cho nhiều sàn giao dịch BĐS đóng cửa và giải thể là do chính những bất cập tồn tại từ các quy định của Luật và hoạt động không minh bạch, không hiệu quả của các sàn, cụ thể:
Thứ nhất, quy định nêu trên đã gián tiếp tạo tạo điều kiện cho các sàn giao dịch, cò đất, môi giới, đầu cơ… xuất hiện và cùng nhau chen chân vào lướt sóng điều khiển thị trường BĐS, dẫn đến thị trường BĐS và nhà ở bị méo mó, cán cân sản phẩm lệch lạc, giá trị BĐS và thu nhập của nguồn cầu thực luôn giữ khoảng cách một trời một vực, tình trạng gian lận thuế vẫn diễn ra[11], trong khi đó người có nhu cầu người mua nhà ở thực bị bóp chẹt do bị sàn giao dịch thổi giá, đẩy giá ngay cả khi thị trường không có dấu hiệu tăng nhiệt, thậm trí còn để lại những hậu quả cho các chủ thể khi tham gia giao dịch mua bán nhà, đất qua sàn giao dịch BĐS. Cũng vì quy định giao dịch mua bán nhà đất phải qua sàn khiến cho các chủ đầu tư, khách hàng bị hạn chế sự lựa chọn phương thức tiếp thị, tiếp cận sản phẩm. Vô hình chung tạo ra một nhóm đối tượng “cò mồi” thổi giá. Bên cạnh đó, chưa kể việc quy định giao dịch qua sàn khiến thủ tục phức tạp, chi phí sản phẩm bị tăng lên vì phải bao gồm thêm thuế, phí dịch vụ giao dịch.
Thứ hai, Luật, Thông tư số 13/2008/TT-BXD[12] quy định về mô hình tổ chức và hoạt động của sàn giao dịch BĐS như: Nhân lực, trình độ môi giới, quản lý, chứng chỉ hành nghề…, các sàn giao dịch đều dễ dàng đáp ứng bởi nhân viên môi giới lẫn lãnh đạo sàn cơ bản đều được "phổ cập" chứng chỉ theo quy định mà chứng chỉ hành nghề thì đa phần "mua là có" (!), bên cạnh đó vẫn tồn tại những sàn giao dịch vỏn vẹn 20m2 (Trong khi Luật quy định sàn giao dịch BĐS phải có diện tích sử dụng để giao dịch tối thiểu 50m2 phục vụ cho hoạt động môi giới, giao dịch và thêm 20m2 cho mỗi hoạt động dịch vụ bổ sung, đồng thời đảm bảo có trang thiết bị phù hợp với nội dung hoạt động)... Thực trạng này xẩy ra do việc buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng trong việc đào tạo, cấp chứng chỉ và kiểm tra. Chỉ riêng việc quy định quá dễ dàng về điều kiện môi giới đã làm cho sàn giao dịch bất động sản trở thành cái “chợ trời” mua bán nhà đất, nơi các nhân viên không được đào tạo, “cò mồi” làm xiếc, giở trò chợ búa để lừa dối khách hàng bất chấp quy định của pháp luật.
Thứ ba, Thông tư số 13/2008/TT-BXD cho phép các các tập đoàn, chủ đầu tư lớn và nhóm sàn giao dịch BĐS do các cá nhân hoặc tập thể có kinh nghiệm lập hoặc thuê sàn giao dịch của các tổ chức, cá nhân khác để bán sản phẩm của mình, vô hình trung quy định giao dịch BĐS phải qua sàn trở thành…thừa. Việc thành lập sàn giao dịch BĐS của chủ đầu tư đa phần chỉ để hợp thức hóa các thương vụ chuyển nhượng địa ốc đã trở thành "mốt", thậm trí còn nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của khách hàng (Điển hình là thời điểm năm 2011 vụ việc đã gây xôn xao dư luận là một số cán bộ, nhân viên công ty cổ phần đầu tư và quản lý bất động sản UDIC (Hà Nội) bị bắt quả tang đang nhận số tiền chênh lệch 30 tỉ đồng trong vụ mua bán căn hộ do UDIC làm chủ đầu tư[13]) khiến nhiều người băn khoăn về chuyện mua bán, tính minh bạch thông tin, giá cả và các giao dịch qua sàn BĐS cũng theo đó giảm đi đáng kể bởi luôn tồn tại nhóm thứ 3 là các cò đất “ăn theo” các dự án khi thị trường nóng sốt.
Thứ tư, Luật Kinh doanh BĐS đã có những quy định về việc thành lập và quy chế hoạt động của sàn giao dịch BĐS. Tuy nhiên, luật lại cho phép các doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về hoạt động của sàn và chỉ cần thông báo với cơ quan thẩm quyền tại địa phương trước khi hoạt động (!). Điều này khiến cho việc quản lý hoạt động các sàn trở nên khó khăn hơn. Rất nhiều sàn thành lập ra rồi đóng cửa nhưng không báo cáo cơ quan quản lý khiến việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Cơ quan quản lý khó đánh giá được chất lượng cũng như năng lực thật sự của các sàn giao dịch hiện nay. Bên cạnh đó, quy định thiếu đồng nhất giữa việc các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh BĐS phải giao dịch qua sàn, trong khi không áp dụng với cá nhân, tổ chức khác (không kinh doanh BĐS nhưng vẫn giao dịch). Vậy là vô vàn bất cập, hậu quả không đáng có đã xảy ra với toàn bộ thị trường địa ốc.
Thứ năm, Nhà nước muốn kiểm soát thị trường, tránh gian lận thuế, trốn thuế nên mới xây dựng quy định yêu cầu mọi giao dịch phải thông qua sàn. Nhưng trên thực tế ngay cả giao dịch qua sàn cũng không kiểm soát được thị trường, tình trạng gian lận thuế vẫn diễn ra trong khi đó người mua bị bóp chẹt do bị sàn giao dịch thổi giá, đẩy giá ngay cả khi thị trường không có dấu hiệu tăng nhiệt.
Giai đoạn thị trường BĐS tăng nhiệt, sàn BĐS mở ra “như nấm gặp mưa” đã làm lũng đoạn thị trường, làm cho giá thị trường tăng ảo, làm cho người mua nhà không tiếp cận được với giá thật của nó, các sàn thì béo bở tha hồ “hét” giá chênh, thu tiền chênh mà chủ đầu tư có thể biết, có thể không biết và họ kiếm lời trên lưng của chủ đầu tư. Sàn BĐS cũng có thể góp tay với chủ đầu tư để ăn không khoản thuế GTGT của Nhà nước khoản tiền chênh, khoản GTGT ưu đãi chỉ 5% với giá bán chung cư dưới 15 triệu diện tích nhỏ hơn 70 m2 (thông thường là 10%) và lợi dụng gói tín dụng 30 ngàn tỷ ưu đãi cứu thị trường BĐS… để có giá bán cạnh tranh “rẻ”…[14], người môi giới BĐS, sàn BĐS chỉ cần môi giới được, bán được hàng là đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng. Có nơi, giá gốc mỗi mét vuông chung cư chỉ từ 13-16 triệu đồng, nhưng khi qua sàn bị thổi lên 30-40 triệu đồng/m2 không chỉ gây thiệt hại cho người dân, mà còn gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp không thu được khoản chênh lệch này để đầu tư mở rộng hoạt động, giảm vốn vay ngân hàng, giảm chi phí qua đó giảm được giá bán.
3. Giao dịch bất động sản phải thông qua sàn “lợi bất cập hại” giữ hay bỏ?
Từ nửa cuối năm 2011, thị trường BĐS "xuống dốc", các doanh nghiệp kinh doanh BĐS và nhà ở đua nhau tháo chạy cùng với sự lo lắng về quyền lợi, tài chính của khách hàng, những yêu cầu quản lý về giao dịch qua sàn đã trở nên "việt vị". Sau thời gian "ủ bệnh", "ung nhọt" thị trường đã vỡ, với các vụ kiện tụng, tranh chấp, "tín dụng đen", tồn kho cao, thanh khoản âm, nợ xấu… tăng thêm thủ tục, thêm chi phí cho người mua, thuê nhà đất. Bên cạnh đó các công cụ chế tài quản lý việc cấp phép, kiểm tra hoạt động sàn, lại lỏng lẻo, hoạt động kém hiệu quả và đến nay sàn giao dịch BĐS đang bộc lộ những khiếm khuyết rõ rệt. Như vậy, quy định bán qua sàn là bất hợp lý. Quy định này đã ngăn cản người dân được tiếp cận trực tiếp với sản phẩm từ nhà cung cấp (doanh nghiệp kinh doanh BĐS) với giá gốc, mà phải thông qua khâu trung gian khiến chi phí bị đội lên, thậm chí giá nhà đất về đến tay người dân tăng hàng chục triệu đồng, hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng so với giá gốc. Rõ ràng các sàn giao dịch BĐS đã không làm lành mạnh thị trường BĐS như các nhà quản lý BĐS mong đợi mà đang đi ngược lại, đang lừa dối khách hàng, lũng đoạn thị trường, tiếp tay cho một số chủ đầu tư “chơi xấu” lách luật với thủ đoạn cạnh tranh không bình đẳng đang làm cho các doanh nghiệp BĐS tốt xấu, đồng thau lẫn lộn.
Quy định tại Điều 59 của Luật Kinh doanh Bất động sản[15], phải chăng là "lợi bất cập hại"?! vì thực tế quy định này đã tạo ra sân chơi để những “kẻ xấu” – lợi dụng sàn BĐS để kinh doanh nhà, đất kiếm lời phi pháp.
Sau gần 08 năm ra đời và phát huy hiệu quả tích cực trong cuộc sống, đến nay Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006 đã bộc lộ nhiều quy định không còn phù hợp với thực tế, hoặc thực tế phát sinh nhưng chưa được điều chỉnh trong Luật nên việc sửa bổ sung Luật là điều cần thiết.
Giữ hay bỏ quy định giao dịch kinh doanh BĐS phải thông qua sàn? câu trả lời này sẽ được trao đổi, bàn luận và cụ thể hóa trong Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đã và đang được Bộ Xây dựng soạn thảo và trình tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Nhưng theo chúng tôi các cơ quan soạn thảo, các nhà làm luật, các cơ quan quản lý kinh tế… cần phải bám sát vào tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và thực tế của thị trường BĐS… để có cái nhìn khách quan, mạnh dạn và thẳng tay hủy bỏ những quy định trong Luật Kinh doanh bất động sản không còn phù hợp, “gỡ nút” và bổ sung những quy định mới nhằm tạo “môi trường trong sạch, lành mạnh” thị trường BĐS theo hướng đảm bảo quyền lợi của các chủ thể chính (chủ đầu tư và nhà đầu tư) khi tham gia thị trường BĐS; đồng thời khắc phục được những hạn chế, bất cập... đưa thị trường BĐS trở lại quỹ đạo hoạt động có trật tự, kiểm soát, công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong các giai đoạn tiếp theo./.
Hải Việt
[1]Xem: Mục 3: Sàn giao dịch bất động sản (Điều 56-Điều 62) – Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2006 http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=detail&document_id=29775
[2]Theo Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), tính đến tháng 3/2013, cả nước có 1.012 sàn giao dịch BĐS được thành lập. Trong đó, Hà Nội có 469 sàn, TP. Hồ Chí Minh có 397 sàn, với tổng số người được cấp Chứng chỉ hành nghề môi giới, định giá BĐS lên tới hơn 35.000.
[3] Xem bài: Lừa đảo ở sàn bất động sản là có thật
http://vtc.vn/kinh-te/lua-dao-o-san-bat-dong-san-la-co-that-150668.html
[4]Xem bài: 2/3 sàn giao dịch bất động sản ngừng hoạt động
http://www.vnmedia.vn/newsdetail.asp?newsid=296075&catid=91&title=newsid_296075_catid_91&action=renew
[5]Phát hiện nhiều sai phạm tại sàn giao dịch BĐS –
http://laodong.com.vn/bat-dong-san/phat-hien-nhieu-sai-pham-tai-san-giao-dich-bds-173281.bld
[6]Xem bài: "Chung cư mini Petromanning": Chủ sàn Hà Thành thừa nhận rao bán khống
http://giadinh.net.vn/xa-hoi/chung-cu-mini-petromanning-chu-san-ha-thanh-thua-nhan-rao-ban-khong-20110429075238485.htm
[7]Xem bài: Hà Nội: Triệt phá đường dây lừa đảo bán đất tiền tỷ
http://dantri.com.vn/xa-hoi/ha-noi-triet-pha-duong-day-lua-dao-ban-dat-tien-ty-463597.htm
[8] Xem bài: Nhân viên sàn giao dịch BĐS nhận trái phép tiền chênh lệch 4,3 tỷ đồng
http://www.cand.com.vn/vi-VN/binhluan/2010/12/150279.cand
[9]Xem bài: Bắt Tổng giám đốc lừa đảo bán nhà chia lô-
http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_phapluat/_mobile_thoisu/item/17262802.html
[10] Xem Điều 59 - Kinh doanh bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản
[11]Chủ đầu tư ăn gian thuế giá trị gia tăng, làm sao đòi? -
http://bizlive.vn/thi-truong/chu-dau-tu-an-gian-thue-gia-tri-gia-tang-lam-sao-doi-113901.html
[12]Xem Thông tư số 13/2008/TT-BXD ngày 21/5/2008 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 153/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản
[13] Xem bài: Đầu tư đụng "đầu lừa" -
http://www.cand.com.vn/vi-vn/cstc/2009/9/151458.cand
[14]Sàn giao dịch bất động sản Đất Việt lừa dối khách hàng và trốn thuế
http://dongdoilaw.vn/news/Tin-tuc-Hoat-dong-cua-van-phong/San-giao-dich-bat-dong-san-Dat-Viet-lua-doi-khach-hang-va-tron-thue-552/
[15] Xem Điều 59 - Kinh doanh bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản – Luật Kinh doanh Bất động sản 2006