Đưa bảo hiểm thất nghiệp vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, cần cân nhắc

19/05/2006
Đưa bảo hiểm thất nghiệp vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, cần cân nhắc
Sáng nay (19-5), QH làm việc tại hội trường, thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH). Vấn đề có đưa bảo hiểm thất nghiệp và BHXH bắt buộc vào dự thảo Luật hay không, việc thực thi các vấn đề này như thế nào được sự quan tâm chú ý của nhiều đại biểu QH.

Trong quá trình thảo luận về dự thảo Luật này có 3 loại ý kiến khác nhau: thứ nhất, giữ nguyên phạm vi điều chỉnh như dự thảo bao gồm: BHXH bắt buộc hiện hành (chế độ hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp), bảo hiểm thất nghiệp, BHXH tự nguyện (được quy định tương tự như BHXH bắt buộc). Thứ hai, Luật này chỉ điều chỉnh BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, không điều chỉnh bảo hiểm thất nghiệp. Thứ ba, Luật này chỉ điều chỉnh BHXH bắt buộc gồm các chế độ hiện hành, không điều chỉnh bảo hiểm thất nghiệp và BHXH tự nguyện.

 

* Đại biểu Neáng Kim Cheng: Tôi chưa thật sự an tâm về tính khả thi trong tổ chức thực hiện cho loại hình bảo hiểm thất nghiệp, một loại hình còn rất mới và rất khó quản lý. Ban soạn thảo nên hết sức cân nhắc, theo tôi, trong điều kiện kinh tế nước nhà chưa phát triển thì chưa nên đưa loại hình bảo hiểm này vào dự thảo Luật BHXH, có chăng chỉ nên đưa thành pháp lệnh.  

* Đại biểu Nguyễn Kim Cúc: Các vấn đề về độ tuổi, sức khỏe và vấn đề bỏ việc giữa chừng của người lao động sẽ được tính ra sao khi tham gia loại hình bảo hiểm này?   

* Đại biểu Nguyễn Văn Ngàng: Thời điểm thực hiện bảo hiểm thất nghiệp nên lui lại đến năm 2011 thì phù hợp hơn so với thời điểm 1/1/2009 như đã ghi trong dự thảo Luật. 

Về các vấn đề nói trên, UBTVQH nhận thấy: Việc quy định tất cả các hình thức và chế độ BHXH tại dự thảo Luật là bước cụ thể hóa quy định trong Hiến pháp và Nghị quyết của Đảng về phát triển các loại hình BHXH, từng bước mở rộng đối tượng tham gia BHXH, góp phần đáp ứng mục tiêu an sinh xã hội. 

 

 

Bên cạnh đó, bảo hiểm thất nghiệp và BHXH tự nguyện tuy là những loại hình mới nhưng đã được quy định tại Bộ luật Lao động. Hơn nữa, việc xây dựng và thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, BHXH tự nguyện  sẽ làm cơ sở pháp lý cho đông đảo người lao động tham gia BHXH. Ngoài ra, có chế độ bảo hiểm thất nghiệp chúng ta sẽ chủ động trong việc hỗ trợ người lao động khi mất việc làm và là cơ sở từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế khi VN gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Còn việc quy định BHXH tự nguyện như BHXH bắt buộc sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động hưởng chế độ khi vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc, vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện, đáp ứng sự chuyển dịch lao động trong nền kinh tế thị trường.  

 

Vì vậy, UBTVQH tán thành với việc sẽ quy định cụ thể hơn và có sự liên thông giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Còn BHXH tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp là những vấn đề mới, sẽ có nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Vì vậy dự thảo Luật lần này chỉ mang tính nguyên tắc và làm cơ sở để Chính phủ sẽ có quy định chi tiết phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, từng bước đáp ứng nhu cầu và nhiệm vụ an sinh xã hội trước mắt và lâu dài.  

 

Đây cũng là cơ sở để khoản 3 và khoản 4 của Điều 2 dự thảo Luật chưa áp dụng bảo hiểm thất nghiệp đối với mọi đối tượng có quan hệ lao động mà chỉ quy định: "Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là công dân VN làm việc theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng ở những nơi có sử dụng lao động từ 10 lao động trở lên".  

 

Chiều nay, QH tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật nói trên. 

 

(Theo Hà nội mới)