Quan chức và công chức: Những góc nhìn đa diện  

19/04/2012
Ngày nay, trên rất nhiều bài báo và các phương tiện truyền thông đại chúng, chúng ta có thể bắt gặp sự xuất hiện khá thường xuyên của cụm từ “quan chức” như: “Kiểm soát thu nhập của quan chức” (Tiền phong online ngày 8/3/2012), “Quan chức xin ấn cũng phải xếp hàng như dân” (VnExpress ngày 18/01/2012), “Vợ quan chức bị kỷ luật tại Hải Phòng nói gì” (giáo dục.net.vn ngày 10/02/2012), “khi tiếp xúc với chúng tôi, một quan chức Vụ Y tế Dự phòng lại cho rằng…” (Bài Trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan đến đâu - Báo Gia đình và Xã hội số 64 (374).

Có thể nói, trong thời gian gần đây, người ta đang có xu hướng khá “dễ dãi” và thái độ thiếu thận trọng khi sử dụng cụm từ “quan chức”. Tuy nhiên, trong cả nhận thức và thực tế, việc lạm dụng cụm từ “quan chức” sẽ tạo ra khoảng cách, sự cách biệt, xa lạ, thiếu đồng thuận, thống nhất giữa người dân và đội ngũ cán bộ, công chức hành chính nhà nước.

Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học thì “quan” là viên chức có quyền hành trong bộ máy nhà nước phong kiến, thực dân. “Quan chức” là người có chức vụ cao trong bộ máy nhà nước của chế độ phong kiến hoặc tư bản. Khi nói đến từ “quan chức”, người ta lại liên tưởng đến những cụm từ có liên quan, có hàm ý xấu, bị xã hội phê phán, lên án như quan lại, quan cách, quan liêu... Trước cách mạng tháng Tám, khái niệm “viên chức nhà nước” đồng nghĩa với khái niệm “quan chức”, tầng lớp được coi là “dưới vua nhưng trên dân thường”, là “quan phụ mẫu”, là “cha mẹ” của dân…

Trong xã hội phong kiến, khái niệm quan với khái niệm dân luôn hàm chứa sự bất công, phản kháng, đối lập của người dân với kẻ có chức, có quyền. Sự phản kháng đó đã hằn sâu trong nhiều câu tục ngữ, thành ngữ của nhân dân như: Quan có cần nhưng dân chưa vội, quan có vội quan lội quan sang (Thái độ phản ứng bất hợp tác của quần chúng nhân dân với giai cấp thống trị), Quan phủ đi, quan chi đến (Hết kẻ này đến kẻ khác, thay nhau áp bức bóc lột), Quan tha, nha bắt (Hết bị người này làm khổ lại đến người khác hạch sách, điêu đứng khổ sở), Quan muốn sang, nhà hàng muốn đắt (Ai cũng muốn có lợi cho mình), Con ơi nhớ lấy câu này, Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan… Với ý nghĩa nói trên, khái niệm “quan” là một chức vụ không tồn tại trong chế độ xã hội của chúng ta và khái niệm “quan chức” không thể được dùng để chỉ đội ngũ cán bộ, công chức hành chính trong bối cảnh đất nước ta đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Trong lịch sử xây dựng nhà nước cách mạng Việt Nam, ngay sau khi thành lập chính quyền nhân dân năm 1945, Nhà nước ta đã gọi những người có nhiệm vụ, trách nhiệm trong bộ máy chính quyền là “cán bộ chính quyền nhân dân”. Trong bài viết “Sao cho được lòng dân?” đăng báo Cứu quốc số 65 viết ngày 12 tháng 10 năm 1945 với bút danh Chiến Thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Dân ghét các ông chủ tịch, các ông uỷ viên vì cái tật ngông nghênh cậy thế cậy quyền… Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý…”.

Từ đó đến nay, người cán bộ, công chức luôn được xác định là công bộc của nhân dân, tận tuỵ phục vụ nhân dân, tôn trọng nhân dân và liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Đảng và Nhà nước ta luôn dày công bồi dưỡng, vun trồng, trọng dụng những cán bộ có tâm đức và tài năng, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Cán bộ, công chức phải tham gia sinh hoạt với cộng đồng dân cư nơi cư trú, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân. Cán bộ, công chức không được quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh đã xác định: “Cán bộ, công chức phải xây dựng và thực hành phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học hỏi và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.  

Ngày nay, câu chuyện “công chức” và “quan chức” lại trở thành một vấn đề giành được nhiều sự quan tâm và đánh giá của dư luận xã hội. Trong cuốn Người Việt Phẩm chất và Thói hư tật xấu (Nhà xuất bản Thanh niên - Báo Tiền phong), người ta vẫn băn khoăn, trăn trở với câu chuyện coi uy tín cơ quan nhà nước như “của chùa” để trục lợi, với câu chuyện “nhất thân, nhì quen” trong quan hệ tìm việc, thăng quan tiến chức…để rồi còn có một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức trong bộ máy Đảng, Nhà nước và đoàn thể nổi lên tệ quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, xa dân, hống hách với dân và trở thành những “ông quan cách mạng”. Nghị quyết số 12-NQ/TW - Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4  Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” cũng đã thẳng thắn nhận định: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...  Từ nhận định đó, Đảng và nhân dân ta đã và đang nghiêm khắc phê phán, lên án và loại ra khỏi đội ngũ cán bộ, công chức những cán bộ, công chức thoái hoá, biến chất, lấy lại sự tin tưởng của nhân dân vào đội ngũ cán bộ này.

Trong “Thư gửi Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” đăng báo Cứu quốc số 69 ngày 17 tháng 10 năm 1945 với bút danh Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ, thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết thành một khối… Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta.". Ngày nay, việc sử dụng cụm từ “quan chức” một cách tuỳ tiện, thiếu thận trọng sẽ gây tâm lý cách biệt, xa rời giữa người dân và đội ngũ cán bộ, công chức, làm cho đội ngũ cán bộ, công chức trở thành một nhóm người có chức quyền tách biệt và đứng trên nhân dân. Điều này hoàn toàn không phù hợp với bản chất dân chủ của Nhà nước ta, không phù hợp với chủ trương cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân của Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Thạc sỹ luật so sánh Nguyễn Xuân Tùng - Trưởng phòng Công tác cán bộ Vụ TCCB