Đảm bảo quyền đăng ký khai sinh của trẻ em: Phải kích từ “dân trí” đến “quan trí”!

16/04/2012
22.259 trẻ em chưa được đăng ký khai sinh (ĐKKS) là con số thống kê được qua rà soát tình hình ĐKKS cho trẻ em tại 8 tỉnh chọn điểm. Đây là con số không nhỏ trong điều kiện pháp luật về hộ tịch đã có những quy định đơn giản, thuận tiện nhất để tạo điều kiện cho mọi trẻ em đều được thực hiện quyền cơ bản đầu tiên của một công dân là quyền được ĐKKS.

Quyền có giấy tờ nhân thân gốc

Giấy khai sinh được xác định là giấy tờ nhân thân gốc của mỗi cá nhân và sẽ theo suốt cuộc đời mỗi người. Nên trẻ em mới sinh ra, việc đầu tiên phải làm là ĐKKS để làm cơ sở thiết lập hồ sơ, giấy tờ cá nhân. Việc chậm trễ ĐKKS cho trẻ không chỉ dẫn đến những rắc rối sau này, mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy pháp lý khác như không xác định được chính xác độ tuổi của trẻ khi ĐKKS do mất giấy chứng sinh, hay giấy tờ thể hiện thời gian đã sinh trẻ. Trong khi đó, độ tuổi có ý nghĩa quan trọng để quy trách nhiệm hình sự và hình phạt nếu một người có hành vi vi phạm pháp luật.

Nhấn mạnh đến vai trò của giấy khai sinh, ông Trần Thất (Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp - Bộ Tư pháp) chia sẻ, những dữ liệu trong giấy khai sinh còn rất “nhạy cảm”, quyết định đến nhiều việc quan trọng trong cuộc đời một con người. Mới đây, ông nhận được tin nhắn của Chủ tịch một xã ở tỉnh Quảng Nam, đe dọa sẽ kiến nghị đến Thủ tướng về “tội” ông đã cho hủy bỏ giấy khai sinh của một “sếp” tỉnh này. Nếu có tấm giấy khai sinh bị hủy này, ông “sếp” đó sẽ tiếp tục tại vị thêm 2 năm nữa, thay vì về hưu trong năm 2012.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ trẻ em sinh ra được ĐKKS đã đạt tỷ lệ cao, kể cả ở các tỉnh miền núi (khoảng 95% hoặc trên 95%, ở TP đạt khoảng 98%). Đó là kết quả của những chuyển biến tích cực trong công tác ĐKKS, mà một phần là do đa số cán bộ tư pháp hộ tịch đã thấy rõ trách nhiệm trong việc đăng ký đầy đủ, kịp thời, chính xác sự kiện sinh, nhiều cán bộ tư pháp hộ tịch còn đến tận nhà dân để thực hiện ĐKKS cho trẻ em, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành để nắm chính xác số trẻ em sinh ra tại địa bàn để có biện pháp thúc đẩy việc ĐKKS, tuyên truyền, vận động, tiến hành ĐKKS lưu động…

Cha mẹ ngại, con không được ĐKKS

Nhưng chính đội ngũ cán bộ tư pháp hộ tịch lại cũng chính là một nguyên nhân khiến vẫn còn nhiều trẻ em sinh ra chưa được ĐKKS hay ĐKKS không đúng hạn. Theo đánh giá của Vụ Hành chính Tư pháp (Bộ Tư pháp), do phải đảm nhiệm nhiều công việc nên cán bộ tư pháp hộ tịch cơ bản không có nhiều thời gian để làm công tác hộ tịch. Tình trạng cán bộ tư pháp hộ tịch “chờ dân đến trụ sở yêu cầu mới ĐKKS” vẫn phổ biến ở nhiều địa phương. Do tình trạng “mạnh ai nấy làm” nên không có sự phối hợp giữa cán bộ tư pháp hộ tịch và các ban, ngành ở địa phương cùng với việc cán bộ tư pháp hộ tịch không nắm rõ số trẻ dưới 16 tuổi trên địa bàn nên “bỏ lọt” trẻ không được ĐKKS không phải là hiếm.

Đặc biệt, điều đáng lo ngại là nhiều bậc cha mẹ vẫn giữ nếp nghĩ “đi đâu mà cần giấy khai sinh. ĐKKS về cũng lại cất giấy khai sinh trong tủ” nên nhiều người thờ ơ với việc ĐKKS cho con mình. Không kể nhiều người vì lo đến việc mưu sinh nên không quan tâm hoặc thấy ngại đến UBND để ĐKKS cho trẻ em. Cũng có trường hợp trẻ không được ĐKKS là do “phải chờ cha mẹ đăng ký kết hôn” hoặc “nhập hộ khẩu” như phản ánh của đại diện Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên, Sở Tư pháp TP.Hồ Chí Minh.

Tuy có rất nhiều nguyên nhân, nhưng sâu xa của vấn đề vẫn là từ những người quản lý, những người có trách nhiệm ĐKKS cho trẻ em. Do vậy, đại diện các Sở Tư pháp đều cho rằng, quan trọng nhất trong công tác ĐKKS vẫn là tăng cường nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ cơ sở, cán bộ tư pháp hộ tịch và những người có trách nhiệm ĐKKS cho trẻ em, cùng với việc tuyên truyền, giáo dục về tầm quan trọng của công tác ĐKKS cho người dân…

Dự thảo Luật Hộ tịch đã bắt đầu được “khởi động” hy vọng là một bước quan trọng để tiến tới “đồng bộ hóa công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, dữ liệu cá nhân”, đơn giản hóa thủ tục ĐKKS theo hướng thân thiện với người dân để đảm bảo 100% trẻ em sinh ra được ĐKKS và nâng cao hơn nữa tỷ lệ ĐKKS đúng hạn./.

Huy Anh

Ông Trần Thất - Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp (Bộ Tư pháp): “Trước nay vẫn có xu hướng đổ lỗi cho “dân trí” là một trong những nguyên  nhân gây ra tồn tại của công tác hộ tịch, nhất là việc không ĐKKS hoặc ĐKKS không đúng hạn. Nhưng với những lo toan của cuộc sống, người dân sẽ chưa quan tâm đến giấy khai sinh nếu chưa cần dùng đến. Vậy có hoàn toàn là lỗi của người dân? Hay chính là lỗi của những người làm công tác hộ tịch (cán bộ tư pháp - hộ tịch) nói riêng và cán bộ cơ sở nói chung khi họ đã làm gì để người dân thấy cần thiết phải ĐKKS đúng hạn hay không nên tảo hôn?”.

Thực tế cho thấy, đội ngũ cán bộ cơ sở, trong đó có cán bộ tư pháp hộ tịch còn nhiều vấn đề chưa thực sự yên tâm được, nên dù nỗ lực bao nhiêu thì công tác hộ tịch vẫn trong tình trạng lủng củng, khó có chuyển động. Do đó, cần tăng cường trách nhiệm của cán bộ tư pháp hộ tịch, cán bộ cơ sở vì hộ tịch không chỉ là công việc của ngành Tư pháp mà còn ảnh hưởng đến nhiều hoạt động xã hội.”

Được sự tài trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Bộ Tư pháp đã chọn điểm 8 địa phương là TP.HCM, Đồng Tháp, An Giang, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Điện Biên và Lào Cai để thu thập thông tin, số liệu nhằm đánh giá thực trạng tình hình ĐKKS cho trẻ em trong giai đoạn hiện nay, phục vụ cho việc xây dựng dự thảo Luật Hộ tịch.