Trải qua gần 13 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay Câu lạc bộ (CLB) Pháp chế doanh nghiệp (DN) đang rất cần “lột xác” nhằm thực sự trở thành cầu nối giữa Nhà nước và DN như kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ khi đồng ý cho thành lập vào năm 1999. Vì vậy, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đang được giao chủ trì xây dựng Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của CLB Pháp chế DN.
Theo Quyết định số 212/1999/QĐ-TCCB, CLB được thành lập với hai vai trò chính: là “địa chỉ” mới, đáng tin cậy cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế tìm đến để được giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế, xã hội; và là “cầu nối” giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và các DN trong việc tổ chức thực hiện pháp luật về kinh tế. Thực hiện nhiệm vụ, vai trò của mình, trong những năm qua, CLB đã đạt được một số kết quả như xây dựng thành công Trang thông tin điện tử, mở trên 80 chương trình tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ pháp chế, tổ chức được hơn 30 hội thảo, diễn đàn lấy ý kiến đóng góp của DN hội viên đối với các dự án luật, các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến DN….
Tuy nhiên, mặc dù có trên 1.000 DN hội viên nhưng số thành viên thường xuyên tham gia vào các hoạt động của CLB lại không nhiều. CLB cũng đã thành lập 5 Văn phòng đại diện tại TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bạc Liêu, Hải Phòng và Hà Nam song về cơ bản, các Văn phòng đại diện này chưa phát huy tốt chức năng của mình. Hàng chục cuộc tập huấn, hội thảo đã diễn ra nhưng nội dung chưa phong phú, chưa hấp dẫn, chưa đáp ứng được yêu cầu đa dạng của các hội viên. Ngoài ra, tổ chức bộ máy của CLB chậm hoàn thiện và không ổn định về nhân sự. Hai nguyên nhân chính được nêu lên là chưa khắc phụ được tình trạng kiêm nhiệm trong bộ máy lãnh đạo, điều hành CLB và công tác bảo trợ của Bộ Tư pháp đối với CLB còn hạn chế.
Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế, DN đang ngày càng được coi trọng thì vị trí và vai trò của CLB trong cộng đồng DN Việt Nam cũng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đặc biệt quan tâm. Vì vậy, CLB cần được “cải tổ” cả tổ chức lẫn hoạt động để đưa CLB lên một tầm cao mới, trở thành một tổ chức xã hội – nghề nghiệp quan trọng trong hỗ trợ pháp lý cho DN cũng như làm tốt nhiệm vụ “cầu nối” của mình thông qua việc xây dựng dự thảo Đề án kiện toàn tổ chức và đổi mới hoạt động giai đoạn 2012 - 2020.
Theo đó, CLB sẽ hoàn thiện từng bước, có lộ trình theo hướng ngày càng được độc lập về mọi mặt. Trong giai đoạn I (từ năm 2012 - 2015), củng cố, kiện toàn Ban Chủ nhiệm, Thường trực Ban Chủ nhiệm và bộ máy của CLB sao cho dần dần nhân sự ở các vị trí lãnh đạo CLB sẽ làm việc theo chế độ chuyên trách; thành lập một số đơn vị mới như Ban Hội viên – Thông tin – Truyền thông, Ban Hợp tác – Phát triển Dự án; tham gia tích cực và hiệu quả vào Chương trình 585 về hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho DN… Bước sang giai đoạn II (từ năm 2016 - 2020), chủ động nghiên cứu chuyển đổi mô hình của CLB thành Hiệp hội Pháp chế DN.
Ông Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế cho biết, Vụ sẽ nghiên cứu để cụ thể hóa nên có bao nhiêu thành viên kiêm nhiệm, bao nhiêu thành viên chuyên trách trong thành phần Ban Chủ nhiệm mà hiện tại đang kiêm nhiệm quá nhiều và dự thảo Đề án chưa lượng hóa được. Tuy nhiên, ông Huệ mong muốn: Với tư cách là nhà bảo trợ, Bộ Tư pháp cần có trách nhiệm giúp đỡ về mặt cơ sở vật chất, chăm lo đến tổ chức, nhân sự và định hướng cho CLB hoạt động khi Đề án chính thức được thông qua.
Cẩm Vân