Tháo gỡ những khó khăn trong việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vắng chủ

19/03/2012
Theo quy định tại điểm 4 khoản 25 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008 quy định:"Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ tang vật, phương tiện quy định tại khoản 2 và 3 Điều này, mà không biết rõ chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp hoặc những người này không đến nhận thì người có thẩm quyền tịch thu phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết tại trụ sở cơ quan có thẩm quyền tịch thu; trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày niêm yết thông báo được công khai, nếu không xác định được chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng hợp pháp hoặc người này không đến nhận thì người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm để xử lý theo quy định tại khoản 1, Điều này".

Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật trong xử lý vi phạm hành chính tại một số cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thì việc thi hành điểm 4 khoản 25 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008 nêu trên xuất hiện tồn tại, bất cập trong công tác xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính mà không biết rõ chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp. Ví dụ như việc xử lý tang vật vô chủ trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thì không ít trường hợp việc thu giữ gỗ của người vi phạm có hành vi khai thác rừng trái phép bỏ trốn hoặc phát hiện gỗ khai thác trái phép được tập kết vào vị trí nhất định mà không biết rõ người vi phạm thì tiến hành lập biên bản, đồng thời ra quyết định tạm giữ gỗ vắng chủ sau đó ra thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 30 ngày. Thực tế, những trường hợp này thì không bao giờ chủ sở hữu đến nhận vì hành vi khai thác gỗ đã vi phạm hành chính, nếu người vi phạm đến nhận thì ngoài việc bị phạt tiền vì hành vi vi phạm thì còn bị tịch thu số gỗ đã khai thác hoặc mua bán trái phép. Do đó, việc thông báo như trên gây rất nhiều khó khăn cho công tác xử lý tang vật (gỗ) vi phạm hành chính theo quy định như: Sau thời gian thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng thì chất lượng gỗ sẽ giảm sút còn lại khoảng 80, 70%, đôi khi giảm còn 50%, như vậy, gây nên tình trạng lãng phí không đáng có. Trong trường hợp tang vật ở vị trí rất xa nơi Trung tâm, giao thông đi lại khó khăn nhiều nơi phải đi hai, ba ngày mới đến được địa điểm tang vật vi phạm hành chính, nếu thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng thì sẽ cử cán bộ kiểm lâm hoặc giao cho chính quyền địa phương hay thuê người canh giữ, túc trực để giữ tang vật vi phạm, nếu không người vi phạm sẽ tìm cách lấy lại, do vậy sẽ tốn công sức và chí phí cho việc canh giữ tang vật.

Chính vì vậy, riêng lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản nên chăng cần có hướng dẫn cho phù hợp với thực tiễn hiện nay trong công tác xử lý tang vật là gỗ do người vi phạm bỏ trốn hoặc không đến nhận (hầu như 100% người vi phạm không đến nhận), theo đó, cần phải có hướng xử lý nhanh, gọn đồng thời vẫn thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng nhưng không phải để người vi phạm đến nhận mà là thông báo việc đã xử lý tang vật vi phạm. Đây cũng là vấn đề mà nhiều lần các cơ quan, đơn vị và người có thẩm quyền xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính kiến nghị.

Rất nhiều trường hợp việc tổ chức bán đấu giá tang vật (gỗ) vi phạm hành chính thì số tiền bán ra không đủ trả chi phí cho quá trình lập biên bản đến khi ra quyết định tịch thu và tổ chức bán đấu giá như: tiền thuê người giữ tang vật, tiền mua tin, tiền thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, tiền xác minh, phí định giá tài sản…. Nếu để nhiều vụ, việc gộp lại tổ chức bán đấu giá tài sản thì chi phí lại càng cao. Do vậy, trong những trường hợp nhất định nếu tang vật vi phạm hành chính mà ở địa điểm xa xôi, giao thông đi lại khó khăn mà có giá trị thấp thì đơn vị, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm chính tiến hành thanh lý theo thủ tục đơn giản, nếu như cứ theo quy định xử lý đối với tang vật (gỗ) vắng chủ như hiện nay là một sự bất cập cần biện pháp tháo gỡ.

Bên cạnh đó, thực trạng thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng hiện nay, nhiều địa phương có nhiều cách hiểu và thực hiện khác nhau. Nếu trường hợp việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Hội đồng bán đấu giá cấp huyện thì thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng thuộc phạm vi cấp huyện, cấp tỉnh hay Trung ương, nhiều địa phương có nơi thông báo cấp huyện, nhiều nơi cấp tỉnh và nhiều nơi cấp trung ương. Do đó, việc thông báo thông tin đại chúng thuộc về ý chí chủ quan của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức bán đấu giá theo quy định. Vấn đề này rất dễ xảy ra tình trạng thông đồng trong việc tổ chức bán đấu giá, hạn chế các cá nhân, tổ chức đủ điều kiện và có nhu cầu tham gia bán đấu giá, đồng thời sẽ ảnh hưởng đến việc thất thu cho Ngân sách nhà nước. Chính vì vậy, cần có hướng dẫn cụ thể trong việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng căn cứ vào giá trị tang vật, phương tiện, thẩm quyền của cơ quan, đơn vị tổ chức bán đấu giá mới đảm bảo thống nhất cách hiểu và áp dụng tại các địa phương.  

Thiết nghĩ, trên đây là những tồn tại, bất cập trong việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vắng chủ cần có biện pháp tháo gỡ, đảm bảo việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay./.