Luật tự nhiên và hệ thống pháp luật XHCN trong giai đoạn hiện nay

22/02/2012

 

"Pháp luật tự nhiên là hệ thống tư tưởng chính trị và pháp quyền về một hệ thống pháp luật lý tưởng, dường như xuất phát từ bản tính con người, lấy lí trí con người làm nền tảng, không phụ thuộc vào nhà nước và các điều kiện xã hội… Từ thế kỷ 19, pháp luật tự nhiên đã nhường chỗ cho pháp luật thực định.”

Từ điển Bách khoa Việt Nam (Tập 3 trang 420-421, Nhà Xuất bản Từ điển Bách Khoa)

1. Đặt vấn đề

Học thuyết về luật tự nhiên (natural law) được hình thành và phát triển từ thời Hy Lạp cổ đại và trở thành một học thuyết có ảnh hưởng hết sức sâu rộng trong nền khoa học pháp lý thế giới. Khác với luật thành văn, luật tự nhiên là một hệ thống những nguyên tắc chính trị, đạo đức được con người đồng thuận và chấp nhận rộng rãi. Chính vì vậy, luật tự nhiên được mệnh danh là luật được khắc sâu trong trái tim và lương tri của mỗi con người. Khi nói đến một trận đấu, người ta thường nói đến “chơi đẹp” (fair play), khi nói về một cuộc bầu cử, người ta thường nói đến yêu cầu “công bằng và minh bạch” (fair and square), trong công tác tư pháp xét xử, người ta nói đến “công lý” (justice), trong quản lý xã hội, người ta nói đến đạo lý, lương tri (common sense), tất cả những giá trị đó đều gợi mở về các nguyên tắc của luật tự nhiên. Sau nhiều thế kỷ phát triển mạnh mẽ, đến thế kỷ 19, vai trò và ảnh hưởng của luật tự nhiên đối với nền khoa học pháp lý thế giới đã suy giảm đáng kể do sự thắng thế của chủ nghĩa công lợi và do luật thực định (human/positive law) ngày càng chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, bước sang thế kỷ 20, luật tự nhiên đã dần lấy lại được vị thế vốn có của mình nhờ tiến trình dân chủ hoá, các phong trào chống chế độ độc tài và đặc biệt là yêu cầu ngày càng cao của các tổ chức quốc tế trong việc bảo vệ và thực thi các quyền con người.

Tại Việt Nam, với tư cách là một trong những giải pháp cơ bản đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020, yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN đã trở thành một nhiệm vụ chiến lược, có tính cương lĩnh. Tuy nhiên, mặc dù từ năm 2002, khái niệm “Nhà nước pháp quyền XHCN” đã chính thức được định danh và trở thành một nguyên tắc hiến định trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước Việt Nam nhưng nội hàm khái niệm và những tiêu chí, thuộc tính để đánh giá hiệu lực của nhà nước pháp quyền XHCN lại chưa được làm sáng tỏ. Tại Đại hội lần thứ 17 Hội Luật gia Dân chủ quốc tế diễn ra tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng khẳng định: Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở Việt Nam là “sự kết hợp tính phổ biến của nhà nước pháp quyền với những giá trị độc đáo của nó ở Việt Nam”. Có thể nói, việc tích lũy tri thức pháp quyền trong nền văn minh nhân loại và tìm tòi những giá trị phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, truyền thống, tính cách dân tộc của Việt Nam đang đặt ra nhiều câu hỏi cho các nhà nghiên cứu.

Trên con đường nhận thức khoa học về nhà nước pháp quyền XHCN, một số nhà nghiên cứu cho rằng luật tự nhiên là một phần không thể thiếu đối với nhà nước pháp quyền, khi nói đến nhà nước pháp quyền là nhắc đến những giá trị của luật tự nhiên. Từ đó, một số nghiên cứu về nhà nước pháp quyền XHCN đã có sự liên hệ với luật tự nhiên, vai trò của luật tự nhiên trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ gợi mở và phân tích mối liên hệ và sự tương thích giữa luật tự nhiên và hệ thống pháp luật XHCN trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN tại Việt Nam. Bài viết bao gồm một số nội dung chính sau: (i) Giới thiệu sự hình thành và phát triển của luật tự nhiên, (ii) Nhận thức về vai trò của luật tự nhiên tại Việt Nam, (iii) Một số kiến nghị về nghiên cứu luật tự nhiên phục vụ yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN tại Việt Nam.

2. Luật tự nhiên trong nền khoa học pháp lý thế giới

Triết gia nổi tiếng thời Hy Lạp cổ đại Aristotle vẫn thường được coi là cha đẻ của học thuyết về luật tự nhiên. Trong giai đoạn này, triết học Hy Lạp đã có sự phân biệt thuộc tính biến đổi và bất biến giữa hai loại luật: luật thực định và luật tự nhiên. Theo đó, luật thực định có thể thay đổi từ nơi này đến nơi khác, giữa quốc gia này với quốc gia khác, trong khi đó, luật tự nhiên phải mang tính phổ quát và được hiểu thống nhất như nhau. Học thuyết về luật tự nhiên đã được tiếp tục phát triển và có ảnh hưởng sâu rộng trong nền văn minh nhân loại, đặc biệt là trong các lĩnh vực chính trị, triết học, luật học, tôn giáo, đạo đức và nhân quyền. Các tên tuổi nổi bật trong quá trình kế thừa và phát triển học thuyết về luật tự nhiên phải kể đến là Thomas Aquinas, Thomas Hobbes, Hugo Grotius, John Locke…

Trong nền khoa học pháp lý thế giới hiện đại, các học thuyết về luật tự nhiên là rất đa dạng. Tuy nhiên, các học thuyết về luật tự nhiên đều đồng quy tại một điểm, đó là coi nguồn của luật tự nhiên là sự nhận thức, sự phán xét của lương tâm và lương tri con người, là những lý do nội tại khởi nguồn từ những nguyên tắc đạo lý tự nhiên mách bảo con người phải làm điều tốt và tránh xa điều xấu. Trong mối quan hệ giữa luật thực định và luật tự nhiên, chúng ta có thể thấy ba điểm nổi bật sau: (1) Hệ thống pháp luật chấp nhận luật tự nhiên sẽ có hai hệ thống luật song song tồn tại, luật thực định và luật tự nhiên, (2) Luật thực định phải khởi nguồn từ những quy tắc của luật tự nhiên và luật tự nhiên được coi là cao hơn so với luật thành văn, (3) Luật tự nhiên hướng tới cái nên làm (ought to be), còn luật thực định hướng tới cái phải làm (is), vì vậy, luật thực định là sự cụ thể hóa luật tự nhiên.

Những ai đọc cuốn “ Nguồn gốc văn minh” của Will Durant - Nhà sử học, triết học Hoa Kỳ, chúng ta có thể có sự ngộ nhận, lầm lẫn luật tự nhiên với thời kỳ sơ khai không có pháp luật hay sự tự do thời nguyên thuỷ. Chúng ta có thể khẳng định về mặt nhận thức rằng luật tự nhiên không phải là một loại “luật” thực sự và cũng không phải là một học thuyết pháp lý mà thực chất là một học thuyết đạo đức, luân lý, hoặc có lẽ có nhiệm vụ làm cầu nối giữa đạo đức và chính trị bằng cách đặt chính trị dưới sự kiểm soát chặt chẽ của những luân lý đạo đức hoặc ngược lại. “Tự nhiên” trong cụm từ luật tự nhiên được hiểu là phù hợp với lý trí, là lẽ phải, thuộc về lẽ phải. Luật tự nhiên, được hiểu là có những nguyên tắc đạo đức bất biến, chung cho hết thảy loài người, vì đức hạnh là cái thuộc về bản tính tự nhiên của con người. Luật tự nhiên chính là quy tắc hạnh kiểm được xem là đặt cơ sở trên sự hợp lý vốn cố hữu trong mọi sự. Ví dụ, với Thomas Hobbes, đó là nguyên tắc hoà bình (peace), là nguyên tắc thiện chí (good will), nguyên tắc một cá nhân không thể xét xử vụ án của chính mình…

Trong những nghiên cứu gần đây, vai trò và mối quan hệ giữa luật tự nhiên với luật thực định được nhìn nhận với cách tiếp cận đa chiều. Các quan điểm truyền thống đặt luật tự nhiên trong quan hệ đối lập với luật thực định. Quan điểm này cho rằng luật tự nhiên chính là yếu tố kiềm chế trong hoạt động lập pháp và là tác nhân kiểm tra, đánh giá hiệu lực của luật thực định. Quan điểm này được thể hiện rõ nét trong khẩu hiệu “Luật pháp không công bằng thì không phải là luật pháp” (Unjust laws are not laws). Rõ ràng, cách tiếp cận này đã coi luật tự nhiên như một yếu tố giới hạn, chế ước quyền lực nhà nước và đặt luật thực định ở một vị trí thấp hơn so với luật tự nhiên.[1] Với hướng tiếp cận này, khi nghiên cứu về Hiến pháp Hoa Kỳ, đặc biệt là phần mở đầu của bản hiến pháp, Andrew J. Reck đã khẳng định rằng luật tự nhiên chính là nền tảng luật pháp cao hơn để hình thành và xây dựng bản hiến pháp của Hoa Kỳ.[2]

Trong nỗ lực hài hoà hoá luật tự nhiên và luật thực định, các nghiên cứu gần đây cho rằng giữa luật tự nhiên và luật thực định có mối quan hệ không thể tách rời. Cách tiếp cận này không nhấn mạnh sự kiềm chế mà nhấn mạnh sự tương thích giữa luật tự nhiên với luật thực định. Bằng cách mạnh mẽ phê bình chủ nghĩa ảo tưởng tự nhiên, chủ nghĩa vô chính phủ, cách tiếp cận này nhấn mạnh vai trò hỗ trợ của luật tự nhiên đối với luật thực định và coi mối liên hệ giữa luật tự nhiên và luật thực định là sự nối tiếp. Theo đó, luật tự nhiên cần phải được nhận thức là luật lý tưởng, luật của tính phổ quát, luật thực định là luật mang tính cá biệt, của từng quốc gia, từng nhóm người cụ thể.[3] Ngoài ra, cũng có những nghiên cứu cho rằng nội dung căn bản của luật tự nhiên nhấn mạnh đến giá trị đạo đức của luật pháp, luật tự nhiên chính là những nguyên tắc đạo đức cao nhất mà loài người hướng tới. Từ đó, cách tiếp cận này đồng nhất giữa luật tự nhiên và những quy tắc đạo đức (moral law).[4]

 Sự “hồi sinh ” của luật tự nhiên trong thế kỷ 20 một phần cũng phải kể đến sự trưởng thành về nhận thức trong việc thực thi và bảo vệ các quyền con người của các tổ chức quốc tế. Các nhà nghiên cứu cho rằng các quyền con người xuất phát từ học thuyết của John Locke khi Locke sử dụng thuật ngữ quyền tự nhiên (natural rights) để chỉ những quyền đương nhiên có được đơn giản bởi vì là một con người. Những quyền đó là tự nhiên bởi vì nguồn của nó bắt nguồn từ bản chất con người (human nature).[5] Nói cách khác, do luật tự nhiên tạo ra quyền tự chủ cá nhân nên được coi là nguồn của luật pháp về quyền con người.[6] Ngày này, luật tự nhiên, quyền tự nhiên, quyền con người, quyền công dân, quyền hiến định là khái niệm được thường xuyên nhắc đến trong một xã hội văn minh. Tuyên bố Viên năm 1993 về các quyền con người cũng đã khẳng định “Các quyền con người và các quyền tự do cơ bản là các quyền tự nhiên của loài người”.

3. Nhận thức về luật tự nhiên tại Việt Nam

Ở Việt Nam, hình bóng của luật tự nhiên, quyền tự nhiên đã được thể hiện ngay từ những dòng đầu tiên tại Bản Tuyên ngôn độc lập khi Chủ tịch Hồ Chí Minh  nhắc đến những quyền cơ bản mà “Tạo hoá” đã ban cho loài người: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.[7] Trong thời gian gần đây, vấn đề luật tự nhiên lại tiếp tục được nhắc đến trong khuôn khổ một số bài nghiên cứu về học thuyết pháp quyền như là một điều kiện để xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc tiếp nhận và ứng dụng luật tự nhiên vẫn là một chủ đề cần được tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng trong nền khoa học pháp lý Việt Nam.

Trong quá trình hoàn thiện hệ thống lý luận về nhà nước pháp quyền XHCN, các học thuyết về luật tự nhiên được nhắc đến khá nhiều tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ qua, cũng như những hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa khác, Việt Nam chỉ quan tâm đến các nguyên tắc pháp chế mà chưa chú trọng đến pháp quyền. Trong khoa học pháp lý, tuy pháp quyền và pháp chế đều là những triết lý pháp luật đề cao vai trò pháp luật nhưng chúng lại có cơ chế điều chỉnh khác nhau. Một nghiên cứu gần đây đã khu biệt pháp chế khỏi pháp quyền tại ba nội dung cơ bản, đặc biệt là coi luật tự nhiên như là một nguồn của pháp luật thực định, pháp luật là công cụ của công dân để kiểm tra, giám sát công quyền, pháp luật khởi nguồn từ luật tự nhiên nên ngoài luật thành văn, án lệ, tập quán, công lý, lương tâm, đạo đức và các giá trị xã hội cũng được coi là nguồn của pháp quyền, ngoài ra, pháp quyền cho phép người dân viện dẫn đến lẽ phải, lý trí để bảo vệ mình trước những đạo luật bất hợp lý của Nhà nước.[8]

Tương tự như cách tiếp cận trên, TS. Ngô Huy Cương cũng cho rằng khái niệm nhà nước pháp quyền liên quan đặc biệt đến luật tự nhiên bởi nhà nước pháp quyền là một khái niệm chính trị - pháp lý đòi hỏi phải tuân thủ luật tự nhiên và thiết lập cơ chế nhằm bảo vệ các quyền tự nhiên của con người. Vì vậy, luật tự nhiên cần phải được đề cao và phản ánh trong Hiến pháp. Đây là điểm khác biệt căn bản giữa nhà nước pháp quyền và pháp chế xã hội chủ nghĩa, tuy nhiên, vấn đề này còn chưa được giải quyết một cách rõ ràng và dứt khoát tại Việt Nam.[9]

Trong thời gian qua, trước yêu cầu cải cách, đổi mới trong lĩnh vực lập pháp, những tư tưởng và giá trị của luật tự nhiên đã từng bước được tiếp nhận, nhìn nhận và đánh giá cao. Về nguyên tắc lập pháp, từ lăng kính của luật tự nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng nhiệm vụ của nhà nước pháp quyền là bảo vệ những quyền tự nhiên của công dân, những quyền mà tạo hoá ban cho khỏi sự lạm dụng quyền lực của cơ quan công quyền. Các quy phạm pháp luật do con người đặt ra phải tránh xung đột với pháp luật tự nhiên bởi trong mọi cuộc xung đột, cuối cùng bao giờ pháp luật tự nhiên cũng chiến thắng.[10] Về đổi mới tư duy lập pháp, các nhà nghiên cứu cho rằng tư duy pháp luật tự nhiên đòi hỏi phải hiểu lập pháp chỉ là thủ tục xác định những quy tắc phổ quát, tự nhiên của xã hội chứ không phải là một quyền sinh ra quy tắc. Pháp luật chỉ có quyền lực đối với xã hội khi nào phản ánh các quyền tự nhiên của con người.[11]

Như vậy, có thể nói yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN tại Việt Nam đã tạo ra những điều kiện cần thiết cho việc nghiên cứu và ứng dụng luật tự nhiên mà trước hết là phục vụ cho quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, một nghiên cứu sâu sắc và toàn diện về tính tương thích và khả năng, phạm vi ứng dụng của luật tự nhiên trong hệ thống pháp luật XHCN của Việt Nam vẫn còn là một đề tài bị bỏ ngỏ.

4. Luật tự nhiên trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

Quá trình đổi mới từ năm 1986 đến nay đã tạo sự trưởng thành về ý thức và năng lực dân chủ, tạo ra các điều kiện chín muồi cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN tại Việt Nam. Tuy nhiên, vận dụng tư tưởng nhà nước pháp quyền vào xây dựng nhà nước Việt Nam là một quá trình đấu tranh giữa nhận thức cũ và nhận thức mới trong suốt gần 20 năm đổi mới đất nước. Do đang trong quá trình tìm tòi, thể nghiệm nên lý luận về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân mới chỉ dừng lại ở hệ quan điểm, nguyên tắc và phương hướng chỉ đạo mà chưa có được những kết luận rõ ràng về các tiêu chí của một nhà nước pháp quyền XHCN vững mạnh. Đây cũng chính là một hạn chế nổi bật trong lý luận về xây dựng và đổi mới chế độ chính trị xã hội trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt Nam.[12]

Việt Nam là một quốc gia có hệ thống pháp luật XHCN trên cở sở các học thuyết Maxist. Tuy nhiên trong lịch sử, học thuyết Maxist lại giữ một thái độ khá xa cách với luật tự nhiên. Trong học thuyết của mình, hệ thống pháp luật XHCN khẳng định sự tồn tại của duy nhất một hệ thống pháp luật thành văn.[13] Rõ ràng, việc áp dụng toàn bộ học thuyết về luật tự nhiên trong các quốc gia có hệ thống pháp luật XHCN là không phù hợp, thậm chí việc áp dụng luật tự nhiên có thể làm suy yếu hệ thống pháp luật này.

Trong lịch sử, các quốc gia có hệ thống pháp luật XHCN trước đây đều không chấp nhận sự tồn tại luật tự nhiên trong hệ thống pháp luật của mình. Tại Liên Xô trước đây, tư pháp tự nhiên (natural justice) bao gồm hai nguyên tắc chính là không ai có quyền tự xét xử vụ việc của mình (nemo judex in parte sua) và hai bên tranh tụng đều được xét hỏi và không ai bị kết tội nếu chưa bị xét xử (audi alteram partern) đã được chấp nhận và trở thành các nguyên tắc cơ bản trong quá trình xét xử. Đối với luật tự nhiên, Liên Xô chỉ tiếp nhận một số nguyên tắc chung và đưa vào luật thành văn, ví dụ như học thuyết về khế ước xã hội được chấp nhận trong luật hiến pháp.  Đối với các yếu tố không được chấp nhận còn lại của luật tự nhiên, nếu không tương thích với luật thành văn, thì luật thành văn được ưu tiên áp dụng.[14] Những phân tích nói trên cho ta thấy nếu Việt Nam chấp nhận luật tự nhiên sẽ dẫn đến những mâu thuẫn trong triết lý lập pháp, mà cụ thể ở đây là vấn đề xử lý mối quan hệ với luật tự nhiên.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta đã khẳng định Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân. Học thuyết về luật tự nhiên là một học thuyết chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc và có ảnh hưởng sâu rộng trong nền văn minh nhân loại, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội như chính trị, luật pháp, nhân quyền, đạo đức và tôn giáo. Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập sâu rộng với các quốc gia trên thế giới, việc nghiên cứu, lựa chọn và tiếp nhận một số thuộc tính phù hợp của luật tự nhiên phục vụ cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, bảo vệ các quyền con người và quyền công dân là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, quá trình tiếp nhận một yếu tố ngoại lai vào một hệ thống pháp luật bản địa, đặc biệt là tại các quốc gia trong quá trình chuyển đổi, cần phải có sự quan tâm đầu tư nghiên cứu  kỹ lưỡng và toàn diện. Trong thực tế, luật tự nhiên đã tìm được chỗ đứng trong nền khoa học pháp lý và từng bước khẳng định được những ảnh hưởng của mình trong quá trình Việt Nam đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và hội nhập với các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, một nghiên cứu toàn diện về phạm vi, mức độ, và những thành tố nào của luật tự nhiên có thể ứng dụng, làm phong phú tri thức khoa học pháp lý tại Việt Nam vẫn cần tiếp tục được quan tâm làm rõ.   

Thạc sỹ luật so sánh Nguyễn Xuân Tùng - Trưởng phòng Công tác cán bộ Vụ TCCB


[1] A.G. Chroros, ‘What is natural law’ (1958) 21 The Modern Law Review 609, 622.

[2] Andrew J. Reck, ‘Natural law and the constitution’ (1989) 42 Review of Metaphysics 483, 511.

[3] Sergio Cotta, ‘Positive Law and Natural Law’ (1983) 37 Review of Metaphysics 265, 285.

[4] John R. Carnes, “Whether there is a natural law” (1967) 77 Ethics 122, 122.

[5] Jack Donnelly, “Human rights as natural rights” (1982) 4 Human Rights Quarterly 391, 391.

[6] Jerome J. Shestack, “The philosophic Foundation of Human Rights” (1998) 20 Human Rights Quarterly 202, 206.

[7] Hồ Chí Minh: Bàn về Nhà nước và pháp luật, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, 2005, tr. 315.

[8] Nguyễn Đăng Dung (chủ biên), Bùi Ngọc Sơn và Nguyễn Mạnh Tường: Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền, Nhà Xuât bản Đại học quốc gia Hà Nội, 2007, tr. 94.

[9] TS. Ngô Huy Cương: Dân chủ và pháp luật về dân chủ, Nhà Xuất bản Tư pháp, 2006, tr.65.

[10] TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Thế sự-Một góc nhìn, Nhà Xuất bản tri thức, 2007, tr.90.

[11] NCS. Bùi Ngọc Sơn: Lập pháp hướng tới pháp quyền, Tạp chí nghiên cứu lập pháp số 1 năm 2005, tr. 71.

[12] PGS.TS. Tô Huy Rứa, GS.TS Hoàng Chí Bảo, PGS.TS. Trần Khắc Việt và PGS.TS. Lê Ngọc Tòng (đồng chủ biên): Quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng từ năm 1986 đến nay, Nhà Xuât bản Chính trị quốc gia Hà Nội, 2009, tr.371.

[13] Olufemi Taiwo, Legal Naturalism-A Marxist theory of law (1996) 2-3.

[14] Mary Ann Glendon, Comparative Legal Traditions (1985) 694-696.