Bàn về “nguyên tắc pháp quyền Xã hội chủ nghĩa”

13/10/2011

1. Đặt vấn đề

Với mục tiêu đưa nước ta từ nay đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Đảng và Nhà nước ta đã ngày càng nhận thức một cách sâu sắc và đầy đủ về yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền vững mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng dựa trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ luận thuyết cốt lõi của C.Mác về “biến nhà nước từ cơ quan đứng trên xã hội thành cơ quan hoàn toàn phục tùng xã hội” và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một nền dân chủ XHCN chân chính, thực sự “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân hoạt động trên cơ sở pháp luật với một nền pháp chế dân chủ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm sự phát triển tối đa và toàn diện của con người.

Khái niệm Nhà nước pháp quyền XHCN lần đầu tiên được Đảng ta chính thức sử dụng tại Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kỳ khóa VII (1994).  Tuy nhiên, cho đến nay, hệ thống lý luận nghiên cứu về xây dựng và phát triển Nhà nước pháp quyền XHCN còn chưa được xây dựng một cách đồng bộ, đầy đủ, toàn diện và khoa học. Những nội dung đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam vẫn còn đang trong quá trình định hình, hoàn thiện. Đặc biệt, một số khái niệm công cụ sử dụng trong quá trình làm sáng tỏ nhận thức về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN còn thiếu tính thống nhất, nhất quán do nội hàm của chúng còn chưa được thảo luận làm rõ.

Để tiếp tục đẩy mạnh quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, ngày 24 tháng 5 năm 2005, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Tại Phần mở đầu đánh giá về công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật sau gần hai mươi năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, cùng với những kết quả của công tác xây dựng luật, pháp lệnh đã tạo hành lang pháp lý ngày càng hoàn chỉnh hơn để Nhà nước quản lý bằng pháp luật trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, Nghị quyết cũng đã đề cập đến “nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa” và khẳng định ý nghĩa, vai trò của nguyên tắc này trong thực tiễn. Tuy nhiên, cho đến nay, những nội dung cơ bản của nguyên tắc này vẫn còn chưa được tập trung nghiên cứu, làm rõ, nội hàm của nguyên tắc chưa được nhận thức đầy đủ, nghiêm túc và chưa được áp dụng thống nhất như một nguyên tắc cơ bản trong quá trình phát triển hệ thống lý luận về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN tại Việt Nam. Bài nghiên cứu này bước đầu sẽ góp phần gợi mở, tìm hiểu và làm sáng tỏ nội dung của khái niệm “Nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa” trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

2. Quá trình hiện thực hoá Nhà nước pháp quyền XHCN sau chính sách đổi mới tại Việt Nam

Chỉ một vài năm sau khi đất nước ta thực hiện chính sách đổi mới, tiến trình dân chủ hoá đã được triển khai cả về bề rộng và chiều sâu, tính công khai, dân chủ, ý thức về công bằng xã hội đã được xây dựng và phát triển mạnh mẽ trong toàn xã hội. Đổi mới tư duy kinh tế trong thời kỳ đổi mới đã đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải khẩn trương, tích cực, quyết liệt và kiên trì đổi mới tư duy pháp lý nhằm tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Chính yêu cầu dân chủ hoá với tư tưởng “lấy dân làm gốc”, làm cho người dân thực sự làm chủ đất nước, làm chủ xí nghiệp, hợp tác xã của mình và yêu cầu nhà nước phải quản lý toàn bộ đời sống xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật đã làm cho một số học thuyết, lý luận về nhà nước và pháp luật theo truyền thống pháp luật XHCN được áp dụng nhiều thập kỷ của thời kỳ thực hiện cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, kế hoạch hoá đã tạo ra một “chiếc áo pháp lý” chật hẹp, bó buộc, thiếu tính linh hoạt và không còn thực sự đáp ứng được đầy đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn đổi mới.[1] Trong bối cảnh đó, trên cơ sở kế thừa những kinh nghiệm xây dựng nhà nước, xây dựng pháp luật và quản lý xã hội quý báu trong suốt quá trình xây dựng Nhà nước cách mạng từ năm 1945, thực hiện đổi mới tư duy pháp lý, Đảng ta đã mạnh dạn, sáng suốt lựa chọn và phát triển lý luận về Nhà nước pháp quyền XHCN. Đây là một mô hình Nhà nước được đánh giá là phương thức tổ chức quyền lực hợp lý, có điều kiện phát huy đầy đủ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng, có khả năng tạo môi trường và điều kiện cần thiết để người dân thực sự làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Quan điểm này đã được nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười sớm đưa ra từ năm 1989 và gợi ý các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu và phát triển.[2]   

Cho đến nay, mặc dù Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) đã chính thức định danh nhưng những nội dung đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam vẫn đang trong quá trình định hình, hoàn thiện. Xét một cách khái quát, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được hiểu là phương thức tổ chức và vận hành quyền lực của nhân dân dưới hai hình thức chủ yếu là nhà nước và pháp luật theo nguyên tắc dân chủ nhằm bảo đảm các quyền và tự do của công dân. Cho đến nay, một số đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN đã được làm rõ, khẳng định và chấp nhận rộng rãi trong đời sống kinh tế - xã hội.

Thứ nhất, Nhà nước pháp quyền XHCN là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Đây là một nguyên tắc hiến định (Điều 2 Hiến pháp 1992) thể hiện rõ nét và sâu sắc bản chất của nền dân chủ XHCN chân chính, triệt để, đảm bảo thực hiện quyền lực thực sự của nhân dân trong chế độ XHCN. Dân chủ và phát huy dân chủ luôn được xác định là mục tiêu trọng tâm của nhà nước pháp quyền XHCN, chính vì vậy, nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân đã trở thành nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương, cũng như của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Thứ hai, quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quyền lực nhà nước là thống nhất chính là sự khẳng định tất cả quyền lực nhà nước là thuộc về nhân dân, trong đó, yêu cầu phân công, phối hợp quyền lực nhà nước và kiểm soát quyền lực nhà nước bảo đảm cho quyền lực nhà nước thống nhất, loại bỏ sự chồng chéo, đảm bảo cho tổ chức lao động quyền lực nhà nước khoa học, hiệu quả, góp phần ngăn chặn một cách có hiệu quả sự lạm quyền từ phía các cơ quan nhà nước.

Thứ ba, Nhà nước ban hành pháp luật; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế XHCN; Hiến pháp và các đạo luật có vị trí tối cao trong việc điều chỉnh các quan hệ thuộc tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc trưng nổi bật này thể hiện sự thay đổi căn bản mối quan hệ giữa nhà nước và pháp luật, theo đó, tuy pháp luật do nhà nước ban hành nhưng pháp luật lại có vai trò thống trị đối với chính nhà nước đã ban hành ra nó.

Thứ tư, Nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân. Đồng thời, Nhà nước có cơ chế và biện pháp kiểm tra, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân; giữ nghiêm kỷ cương xã hội, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.

Thứ năm, Nhà nước tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người. Các quyền và nghĩa vụ công dân do Hiến pháp và pháp luật quy định. Hiến pháp 1992 - Hiến pháp của đất nước giai đoạn đầu thời kỳ đổi mới, đã dành 34 trong tổng số 147 điều quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Tiêu chí về quyền con người, quyền công dân đã được ghi nhận như một nguyên tắc cơ bản trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, trong đó, Nhà nước pháp quyền XHCN giữ vai trò góp phần tạo dựng một không gian chính trị - pháp lý nhằm đảm bảo và phát huy các quyền cơ bản của con người.         

Thứ sáu, Nhà nước tôn trọng và thực hiện đầy đủ các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là thành viên. Thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế, Việt Nam đã ký kết và gia nhập nhiều điều ước quốc tế và trở thành thành viên của nhiều tổ chức trong khu vực và quốc tế. Chính vì vậy, trong quá trình hội nhập và hợp tác, Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm thực hiện đầy đủ, có thiện chí và tận tâm các cam kết quốc tế của mình.

Thứ bảy, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước pháp quyền XHCN, sự giám sát và phản biện xã hội của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Đây cũng là một nguyên tắc Hiến định (Điều 4, Điều 9 Hiến pháp 1992) nhằm khẳng định vai trò là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam, vai trò giám sát xã hội của nhân dân, chức năng phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân nhân dân của Mặt trận Tổ quốc cũng như các tổ chức chính trị - xã hội.    

3. Bước đầu tìm hiểu nội dung cơ bản của “Nguyên tắc pháp quyền XHCN”

Khái niệm “nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa” đã được Đảng ta chính thức sử dụng tại Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24 tháng 5 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Ở đây, cũng cần có sự phân biệt giữa nguyên tắc pháp quyền XHCN với nguyên tắc pháp chế XHCN. Nguyên tắc pháp chế XHCN là nguyên tắc đã có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời trong hệ thống lý luận chính trị - pháp lý XHCN truyền thống nhằm khẳng định yêu cầu tuân thủ pháp luật nghiêm chỉnh, triệt để và thống nhất đối với tất cả các cá nhân, tổ chức. Các nguyên tắc cơ bản của pháp chế là tính thống nhất, tính hợp lý và áp dụng chung. Mục đích của pháp chế là nhằm đạt được sự tuân thủ pháp luật đối với tất các các chủ thể quan hệ pháp luật, thiết lập trạng thái hợp pháp trong hệ thống các quan hệ xã hội. Khi xây dựng và phát triển lý luận về Nhà nước pháp quyền XHCN, kế thừa những kinh nghiệm trong quá trình xây dựng nhà nước cách mạng, các nhà nghiên cứu đã cho rằng pháp chế là một trong những nội dung cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN. Theo đó, Nhà nước pháp quyền có nội hàm rộng hơn, phong phú hơn, được thể hiện và nhận diện trên nhiều phương diện khác nhau.[3] Cũng có những quan điểm cho rằng trong nhiều thập kỷ, như các hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa khác, Việt Nam chỉ quan tâm đến yêu cầu và các nguyên tắc của pháp chế mà chưa chú trọng đến pháp quyền. Tuy pháp quyền và pháp chế đều những triết lý pháp luật đề cao vai trò pháp luật nhưng chúng lại có cơ chế điều chỉnh khác nhau.[4

Pháp chế

Pháp quyền
Pháp luật là công cụ của nhà nước để quản lý xã hội bằng pháp luật Pháp luật là công cụ của công dân để kiểm tra, giám sát công quyền
Pháp luật khởi nguồn từ nhà nước nên chỉ chấp nhận luật thành văn Pháp luật khởi nguồn từ luật tự nhiên nên ngoài luật thành văn, án lệ, tập quán, công lý, lương tâm, đạo đức và các giá trị xã hội cũng được coi là nguồn của pháp quyền
Kỷ luật thép, buộc người dân phải tuân theo pháp luật của nhà nước Cho phép người dân viện dẫn đến lẽ phải, lý trí để bảo vệ mình trước những đạo luật bất hợp lý của Nhà nước

Tuy nhiên, về cơ bản, các quan điểm có ảnh hưởng trong nền khoa học pháp lý Việt Nam đều cho rằng học thuyết về pháp chế XHCN là sự kế thừa và phát triển các tư tưởng tiến bộ trước đó về nhà nước và pháp luật. Vì vậy, định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam là không thể tách rời lý luận Mác - Lê nin về pháp chế XHCN.[5]

Để có thể tiếp cận sát hơn nội dung của khái niệm “nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, chúng ta cũng cần có sự phân biệt khái niệm “Pháp quyền” với khái niệm “Nhà nước pháp quyền”. Khái niệm pháp quyền (rule of law) là thuật ngữ có nội hàm rộng, để chỉ toàn bộ một xã hội được tổ chức và vận hành trên cơ sở các quyền được pháp luật quy định rạch ròi theo luật tự nhiên, sao cho các chủ thể sử dụng quyền của mình một cách tự do để có khả năng nâng cao sự hạnh phúc của mình, nhưng lại không được xâm phạm sang các quyền chủ thể khác.[6] Khái niệm “Nhà nước pháp quyền” mà Việt Nam đang sử dụng (The state governed by the rule of law) là khái niệm để chỉ một nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật và quản lý bản thân mình cũng bằng pháp luật, bộ máy nhà nước tự đặt mình dưới pháp luật. Từ cách hiểu này, một số nhà nghiên cứu cho rằng pháp quyền là khái niệm có phạm vi điều chỉnh rộng hơn, không đơn thuần chỉ là mô thức tổ chức nhà nước mà mà còn là mô thức tổ chức xã hội. Pháp quyền có thể ứng dụng đối với cả đời sống công quyền và xã hội công dân. Theo đó, pháp quyền trong xã hội công dân chính là quyền lực của pháp luật trong xã hội công dân, công dân là chủ thể sử dụng quyền lực của pháp luật để bảo vệ các quyền và tự do của mình. Đối với pháp quyền của công quyền thì công quyền là đối tượng chịu sự kiểm soát của pháp luật. Như vậy, khái niệm pháp quyền có nội hàm rộng và phong phú hơn so với khái niệm “Nhà nước pháp quyền XHCN”.[7]

Ngày nay, các hướng tiếp cận về pháp quyền trong nền khoa học pháp lý thế giới là hết sức phong phú, đa dạng. Để có thể hiểu được toàn diện khái niệm pháp quyền trong nền khoa học pháp lý thế giới, chúng ta cần xem xét các học thuyết pháp quyền trong mối quan hệ biện chứng, liên tục, đan xen, gắn bó và bổ sung cho nhau. Trong khi hệ thống pháp luật Anh-Mỹ nhấn mạnh pháp quyền (the rule of law) như một cơ chế đảm bảo cho sự vận hành hợp lý và hiệu quả của hệ thống pháp luật nhằm giúp các cá nhân trong xã hội có thể hợp tác và theo đuổi những kế hoạch phát triển của mình thì các học thuyết pháp quyền của Đức (Rechtsstaat) nhấn mạnh đến nguyên tắc phân chia, phân công quyền lực trong tổ chức bộ máy nhà nước, củng cố cơ chế tiếp cận công lý và đảm bảo quyền con người. Hướng tiếp cận về pháp quyền của Trung Quốc, quốc gia có hệ thống pháp luật XHCN lại thể hiện thái độ thận trọng trên con đường tìm kiếm, thể nghiệm mô hình nhà nước pháp quyền XHCN. Trong khi đó, các tổ chức quốc tế lại nhấn mạnh đến tính linh hoạt, tính mở và năng động của khái niệm pháp quyền tùy thuộc vào đặc điểm cụ thể của hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, truyền thống, tính cách dân tộc của từng quốc gia. Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế đều cho rằng pháp quyền phải là yếu tố căn bản, cốt yếu để bảo vệ cá nhân khỏi sự chuyên quyền của chính phủ và giúp các cá nhân có được những phẩm giá của con người.[8]

Theo định nghĩa tại Từ điển tiếng Việt, nguyên tắc là điều cơ bản định ra, nhất thiết phải tuân theo trong một loạt việc làm. Nguyên tắc pháp quyền XHCN là một nguyên tắc mới được hình thành trong lĩnh vực chính trị - pháp lý trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tuy nhiên, mục tiêu và nội dung cơ bản của nguyên tắc pháp quyền XHCN không hoàn toàn đồng nhất với mục tiêu và đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN, mà nó bao hàm một nội dung rộng lớn hơn với những mục tiêu phong phú hơn. Nguyên tắc pháp quyền XHCN, trước hết, đó phải là tinh thần thượng tôn pháp luật của toàn xã hội, là ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật của cơ quan nhà nước, công chức, viên chức và mọi người dân. Nguyên tắc pháp quyền XHCN đòi hỏi sự ngự trị tuyệt đối của pháp luật như là sự hạn chế ảnh hưởng của việc sử dụng quyền lực một cách tùy tiện. Hoạt động hành pháp của chính phủ phải đảm bảo tính dân chủ và pháp quyền, phải tuân thủ những quy tắc đã được ấn định và công bố từ trước. Các cơ quan công quyền có trách nhiệm áp dụng pháp luật một cách nhất quán, bình đẳng và không thiên vị. Nguyên tắc pháp quyền XHCN cũng đòi hỏi phải xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai và minh bạch. Hệ thống pháp luật này phải đáp ứng được những yêu cầu khách quan của xã hội, đồng thời cũng phải thể hiện các giá trị tiến bộ xã hội như tự do, nhân đạo, công bằng, bảo đảm và bảo vệ các quyền con người. Dưới ánh sáng của nguyên tắc pháp quyền, một đạo luật sẽ mất đi tính pháp quyền nếu nó không phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật, không thể hiện được các giá trị cao cả như lương tri, tự do, bình đẳng, công bằng, không phù hợp với tiến bộ xã hội và các giá trị nhân văn của xã hội nói chung. Ngoài ra, nguyên tắc pháp quyền XHCN cũng đòi hỏi sự liêm chính trong quá trình xét xử, các nguyên tắc tố tụng phải chặt chẽ và hợp lý để tìm ra sự thật. Các cơ quan tư pháp phải thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế XHCN, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm.

4. Một vài kiến nghị thay cho lời kết

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương và đồng thuận, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã tiếp tục khẳng định quyết tâm đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, hoàn thiện các thể chế nhằm bảo đảm và phát huy các quyền con người, quyền công dân, chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người, trong đó, nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện. Trong bối cảnh đó, lý luận về xây dựng và phát huy dân chủ XHCN luôn là hạt nhân lý luận, là tâm điểm phát triển của lý luận pháp quyền XHCN. Lý luận về pháp quyền XHCN luôn là điểm quy tụ những đặc điểm ưu việt của chế độ XHCN, đặc biệt là khi đất nước ta đang đẩy mạnh tiến trình dân chủ hoá mọi mặt của đời sống xã hội.  

Lý luận về Nhà nước pháp quyền XHCN tại Việt Nam đã thực sự tìm được mảnh đất để nảy mầm, phát triển khi nước ta thực hiện chính sách đổi mới, đẩy mạnh tiến trình dân chủ hoá, đổi mới tư duy kinh tế, tư duy pháp lý. Cùng với lý luận nghiên cứu về Nhà nước pháp quyền XHCN, nguyên tắc pháp quyền XHCN đã được ghi nhận trong các văn bản chính thức của Đảng và Nhà nước, đã từng bước thấm vào nhận thức và quá trình hoạt động của bộ máy nhà nước và toàn thể xã hội. Tuy nhiên, để có thể trở thành một hệ thống lý luận khoa học, một học thuyết mang tính toàn diện giúp tìm hiểu và tiếp cận tri thức cũng như chân lý khoa học, những nội dung cơ bản của các khái niệm trong hệ thống lý luận, học thuyết về pháp quyền XHCN nói chung, nguyên tắc pháp quyền XHCN nói riêng, cần được nghiên cứu, làm rõ, để từ đó đưa đến sự nhận thức thống nhất. Sự thống nhất này chính là điều kiện tiên quyết cho việc nhận thức và tạo dựng sự đồng thuận chung trong toàn xã hội, tạo ra sự nhất trí, sức mạnh tổng hợp, ý chí đoàn kết hoàn thành mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra.       

Nguyễn Xuân Tùng - Thạc sỹ luật so sánh, Trưởng Phòng Công tác cán bộ Vụ TCCB


[1] Diễn văn của đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng bí thư Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá VIII, phần nói về đổi mới tư duy pháp lý. Xem: Bộ Tư pháp: Xây dựng hệ thống pháp luật và nền tư pháp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng - Nhà xuất bản Tư pháp, năm 2005, tr. 134).

[2] Bài phát biểu của đồng chí Đỗ Mười, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tại Hội nghị Tư pháp năm 1989). Xem: Bộ Tư pháp: Xây dựng hệ thống pháp luật và nền tư pháp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng - Nhà xuất bản Tư pháp, năm 2005, tr. 154).

[3] Hoàng Thị Kim Quế: Chế độ pháp chế thống nhất, hợp lý và áp dụng chung, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 9 (162) năm 2005, tr.9.

[4] Nguyễn Đăng Dung (chủ biên), Bùi Ngọc Sơn và Nguyễn Mạnh Tường: Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội, 2007, tr. 94.

[5] Khoa Nhà nước và pháp luật Học viện Chính trị - Hành chính khu vực I: Tập bài giảng về Nhà nước và Pháp luật, Nhà xuất bản Chính trị - Hành chính, năm 2011, tr. 208.

[6] Nguyễn Sĩ Dũng, Cội nguồn của pháp quyền, Tuổi trẻ ngày 16/8/2004.

[7] Nguyễn Đăng Dung (chủ biên), Bùi Ngọc Sơn và Nguyễn Mạnh Tường: Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội, 2007, tr. 94.

[8] Nguyễn Xuân Tùng: Về khái niệm “Nhà nước pháp quyền XHCN”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 4 (264) năm 2010, tr.14.