Luật quốc tế với quyền của những người nhiễm HIV/AIDS

12/10/2011
Từ thập kỷ 90 thế kỷ XX đến nay, đã có nhiều văn kiện quốc tế được ban hành chứa đựng những cam kết về HIV/AIDS trong đó ít hoặc nhiều đều đề cập việc xoá bỏ sự phân biệt đối xử với những người sống chung với HIV/AIDS và những người thân của họ.

Một số văn kiện tiêu biểu bao gồm: Các hướng dẫn quốc tế về HIV/AIDS và quyền con người (1996); Tuyên bố về “Những hành động then chốt để tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển” (1999); Tuyên bố chính trị và các sáng kiến và hành động tiếp theo nhằm thực hiện các cam kết được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển xã hội (2000); Tuyên bố chính trị và các sáng kiến và hành động tiếp theo nhằm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh (2000); Tuyên bố Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (2000), Tuyên bố cam kết về HIV/AIDS - Khủng hoảng toàn cầu, hành động toàn cầu (2001)…. Trong số này, các hướng dẫn quốc tế về HIV/AIDS và quyền con người là văn kiện nổi bật, chứa đựng những nguyên tắc, tiêu chuẩn và đề ra những mục tiêu cơ bản về bảo vệ quyền con người của những người sống chung với HIV/AIDS.

Các hướng dẫn quốc tế về HIV/AIDS và quyền con người

Như tên gọi của nó, các hướng dẫn quốc tế về HIV/AIDS và quyền con người là văn kiện trực tiếp và cụ thể nhất về vấn đề quyền của những người sống chung với HIV/AIDS. Văn kiện này được thông qua tại Hội nghị tư vấn quốc tế lần thứ hai về HIV/AIDS và quyền con người do Cao uỷ Liên hợp quốc, Trung tâm Quyền con người và Chương trình về HIV/AIDS của Liên hợp quốc đồng tổ chức ở Giơnevơ trong các ngày từ 23 đến 25/9/1996. Mục đích của văn kiện này là để hỗ trợ các quốc gia trong việc vận dụng những quy phạm quốc tế về quyền con người vào hoạt động thực tiến trong bối cảnh HIV/AIDS. Văn kiện gồm hai phần: Phần thứ nhất xác định những nguyên tắc cơ bản về quyền con người làm nền tảng cho cách ứng xử tích cực trong bối cảnh HIV/AIDS; phần thứ hai đưa ra các biện pháp mang tính định hướng hành động mà các chính phủ cần thực hiện trong các lĩnh vực pháp luật, chính sách và thực tiễn quản lý hành chính nhằm bảo vệ các quyền con người và đạt được các mục tiêu về bảo vệ y tế công liên quan tới HIV/AIDS.

Dù không phải là một điều ước quốc tế nên không có hiệu lực ràng buộc về mặt pháp lý, tuy nhiên, các hướng dẫn quốc tế về HIV/AIDS và quyền con người đặc biệt hữu ích cho các tổ chức quốc tế, các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và các chủ thể khác có liên quan và tham gia vào quá trình phòng chống đại dịch HIV, cũng như cho bản thân những người sống chung và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, trong việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người và tự do cơ bản của họ. Trên thực tế, văn kiện này được coi là một cuốn cẩm nang cho các chủ thể quốc gia và quốc tế trong các hoạt động về HIV/AIDS nói chung, về quyền của những người sống chung với HIV/AIDS nói riêng.

Các quyền con người có ý nghĩa quan trọng đối với những người sống chung với HIV/AIDS

Trong hệ thống các quyền con người được ghi nhận trong pháp luật quốc tế, có một số quyền có ý nghĩa quan trọng đối với những người sống chung với HIV/AIDS, gồm: Quyền bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng; Quyền sống; Quyền được hưởng chuẩn mực cao nhất có thể về sức khỏe thể chất và tinh thần; quyền được tự do và an toàn cá nhân; quyền tự do đi lại và cư trú; quyền được tìm kiếm và được cho lánh nạn; quyền được bảo vệ sự riêng tư; quyền được tự do bày tỏ chính kiến, diễn đạt và tự do nhận, trao đổi thông tin; quyền được tự do lập hội; quyền được kết hôn và lập gia đình; quyền bình đẳng trong tiếp cận với giáo dục; quyền được có mức sống thích đáng; quyền được hưởng an sinh, trợ cấp và cứu trợ xã hội; quyền được tham gia vào đời sống văn hóa và công cộng của cộng đồng; quyền không bị tra tấn, đối xử hay trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm…

Theo Luật quốc tế về quyền con người, các quốc gia có thể quy định trong pháp luật những giới hạn áp dụng với một số quyền trong những HIV/AIDS hoàn cảnh cụ thể, nhằm bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng và các quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Nguyên tắc này cũng được áp dụng đối với các quyền của những người sống chung với HIV/AIDS. Trên thực tế, bảo đảm sức khỏe của cộng đồng là lý do được các nhà nước viện dẫn nhiều nhất khi giới hạn các quyền của những người sống chung với HIV/AIDS.

Đáng tiếc là nguyên tắc kể trên đôi khi bị các nhà nước lạm dụng. Nhiều quốc gia đưa ra những giới hạn quá mức về quyền của những người sống chung với HIV/AIDS, vi phạm nguyên tắc về không phân biệt đối xử với nhóm người này. Ví dụ, loại trừ cơ hội về giáo dục, việc làm, chăm sóc sức khỏe, đi lại, an sinh xã hội, nhà ở và kể cả việc cho phép tị nạn với những người nhiễm HIV; vi phạm đời tư khi cưỡng bức xét nghiệm và công khai tình trạng nhiễm HIV của một người; chia tách những người sống chung với HIV/AIDS khỏi những người bình thường… Những biện pháp như vậy là cần thiết với nhiều lây nhiễm nguy hiểm nhưng được coi là quá mức, không thích đáng với những người sống chung với HIV/AIDS. Bởi lẽ, như đã đề cập ở trên, HIV không lây nhiễm qua những con đường tiếp xúc thông thường.

Các hướng dẫn hành động cho quốc gia

Văn kiện đưa ra hướng dẫn về một số vấn đề nhằm giúp các quốc gia thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người trong bối cảnh HIV/AIDS. Các hướng dẫn này gắn liền với các chuẩn mực quốc tế hiện hành về quyền con người và được đúc kết từ những kinh nghiệm thực tế thu thập được trong các hoạt động trên lĩnh vực này trong nhiều năm cụ thể như sau:

Thứ nhất, về cơ cấu tổ chức quốc gia: Các nhà nước cần thiết lập một cơ cấu tổ chức quốc gia hiệu quả để tổ chức các hoạt động đối phó với HIV/AIDS nhằm bảo đảm một sự tiếp cận có tính phối hợp, tính cùng tham gia, tính minh bạch và có trách nhiệm, lồng ghép nghĩa vụ về chính sách và chương trình liên quan đến HIV/AIDS trong hoạt động của toàn bộ các ban, ngành của chính phủ. Điều này có thể bao gồm việc thành lập một cơ quan liên bộ để quản lý chung hoạt động trên lĩnh vực này của tất cả các chủ thể có liên quan.

Thứ hai, hỗ trợ các tổ chức cộng đồng: Các nhà nước cần bảo đảm để có sự tham vấn của cộng đồng trong một giai đoạn xây dựng, lên kế hoạch, thực hiện và đánh giá các chính sách về HIV/AIDS, và bảo đảm rằng các tổ chức dựa trên cộng đồng được phép thực hiện một cách hiệu quả các hoạt động của họ, kể cả trong các lĩnh vực về đạo đức, pháp luật và quyền con người.

Thứ ba, rà soát, sửa đổi pháp luật về y tế công, hình sự, chống phân biệt đối xử và bảo vệ: Các nhà nước cần xem xét và sửa đổi pháp luật về y tế công để bảo đảm những vấn đề về y tế công nảy sinh từ khía cạnh HIV/AIDS được chú trọng thỏa đáng, các quy định pháp luật áp dụng cho các bệnh lây truyền thông thường không áp dụng cho HIV/AIDS, và các quy định pháp luật đó là phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người.

Các nhà nước cần rà soát và sửa đổi luật hình sự về HIV/AIDS. Hệ thống hình phạt để bảo đảm rằng chúng tương thích với các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người và không bị lạc hậu trong bối cảnh HIV/AIDS hoặc không hướng vào việc chống lại những nhóm xã hội dễ bị tổn thương. Cụ thể, luật hình sự và những quy định về y tế công không nên bao gồm những tội phạm đặc biệt về hành vi cố ý lây truyền HIV hoặc những quy định cấm các hành vi tình dục (bao gồm ngoại tình, tình dục đồng giới nam, thông dâm và mua bán dâm) giữa những người đã thành niên. Luật cần cho phép hoặc hợp pháp hóa và thúc đẩy các chương trình trao đổi bơm kim tiêm; hủy bỏ các quy định hình sự hóa việc tàng trữ, cung cấp và phân phát bơm kim tiêm. Thêm vào đó, luật cần tạo điều kiện cho tù nhân (và nhân viên nhà tù nếu cần thiết) được tiếp cận với các thông tin, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS và những dụng cụ phòng tránh, đồng thời cấm các hình thức xét nghiệm bắt buộc và giam cầm cách ly những người tù nhiễm HIV dương tính…

Các nhà nước cần ban hành hoặc củng cố luật về chống phân biệt đối xử và những luật khác để bảo vệ những người sồng chung và dễ bị tổn thương bởi HIV/AIDS. Điều này liên quan đến việc bảo đảm tính riêng tư, bảo mật và đạo đức trong nghiên cứu về HIV và trong xét nghiệm, điều trị những người nhiễm HIV. Luật về người khuyết tật cần bao gồm cả người sống chung với HIV/AIDS. Cần sửa đổi những tập quán và luật tục có tính chất phân biệt đối xử với những người sống chung với HIV/AIDS. Cần ban hành luật về bảo mật và đời tư trong đó cấm việc sử dụng và/hoặc xuất bản trái phép những thông tin cá nhân liên quan đến HIV/AIDS đồng thời cho phép cá nhân có thể biết và yêu cầu sửa đổi hồ sơ y tế của mình để bảo đảm rằng những thông tin cá nhân là chính xác, phù hợp, hoàn chỉnh và được cập nhật. Cũng cần ban hành hoặc sửa đổi các luật, quy định và thỏa ước tập thể để bảo đảm các quyền tại nơi làm việc phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người của những người sống chung với HIV/AIDS. Thêm vào đó, cũng cần ban hành các quy tắc đạo đức trong việc tham gia các nghiên cứu liên quan đến HIV/AIDS nhằm bảo vệ một số nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất trong bối cảnh người nhiễm HIV là phụ nữ, trẻ em, người có quan hệ tình dục đồng giới….

Thứ tư, tiếp cận dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc, điều trị và phòng chống: Các nhà nước cần bảo đảm sự sẵn có và cơ hội tiếp cận với các phương tiện và dịch vụ phòng chống HIV an toàn, hiệu quả với chi phí phù hợp. Điều này bao gồm các loại thuốc chống tái phát bệnh, các biện pháp chuẩn đoán và các công nghệ liên quan tới việc chăm sóc mang tính phòng, chống, chữa trị và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS.

Thứ năm, dịch vụ hỗ trợ pháp lý: Các nhà nước cần cung cấp những dịch vụ pháp lý miễn phí nhằm giúp những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS biết về các quyền của họ và để tăng cường các quyền này. Trong vấn đề này cần tận dụng các cơ chế bảo vệ và hệ thống Tòa án, các cơ quan của Bộ Tư pháp, kiểm tra, giám sát Quốc hội, các ủy ban về quyền con người và những cơ quan tiếp nhận khiếu nại về y tế. Đồng thời, có thể gắn với những trung tâm trợ giúp pháp lý cộng đồng và/hoặc những dịch vụ pháp lý dựa trên mạng lưới các tổ chức hoạt động trên các lĩnh vực đạo đức, luật, quyền con người và dịch vụ HIV/AIDS. Cũng cần hỗ trợ các chương trình giáo dục, nâng cao nhận thức về quyền và xây dựng lòng tự trọng cho những người sống chung với HIV/AIDS cũng như cho việc xuất bản và phổ biến những tài liệu pháp lý giới thiệu về quyền của những người sống chung với HIV/AIDS dưới dạng tài liệu hướng dẫn cho các quan chức, sổ tay, sách hướng dẫn thực hành, sách giáo khoa, giáo trình mẫu cho các khóa học luật và bồi dưỡng giáo dục pháp luật.

Thứ sáu, tạo môi trường trợ giúp và thuận lợi cho phụ nữ, trẻ em và các nhóm dễ bị tổn thương khác: Các nhà nước cần thực hiện điều này bằng cách phối hợp với cộng đồng và thông qua đối thoại với cộng đồng nhằm phê phán những định kiến tiềm ẩn và những hành vi hay những ứng xử bất bình đẳng, đồng thời tổ chức các dịch vụ y tế xã hội đặc biệt nhằm trợ giúp các nhóm dễ bị tổn thương này.

Thứ bảy, thay đổi thái độ phân biệt đối xử thông qua giáo dục, đào tạo và các phương tiện thông tin đại chúng: Các nhà nước cần đẩy mạnh việc truyền bá rộng rãi và liên tục các chương trình giáo dục, đào tạo và các chiến dịch thông tin đại chúng nhằm thay đổi thái độ phân biệt đối xử và kỳ thị liên quan đến HIV/AIDS. Điều này cần thực hiện qua việc hỗ trợ các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức phi chính phủ, mạng lưới những người sống chung với HIV/AIDS sử dụng các phương tiện truyền thông nhằm mục đích trên cũng như thông qua việc khuyến khích các cơ sở giáo dục, các tổ chức công đoàn và các công sở, xí nghiệp đưa các vấn đề về quyền con người của những người sống chung với HIV/AIDS vào những chương trình giảng dạy có liên quan, hỗ trợ các hoạt động tập huấn, hội thảo về quyền của những người có HIV cho các quan chức chính phủ, cảnh sát, quản giáo, các nhà chính trị cũng như các nhà lãnh đạo cộng đồng, tôn giáo và các nhà chuyên môn.

Thứ tám, phát triển những tiêu chuẩn ứng xử cho các khu vực tư nhân, công cộng và những cơ chế để thực hiện các tiêu chuẩn liên quan đến HIV/AIDS: Các nhà nước cần bảo đảm rằng chính chủ và khu vực tư nhân sẽ xây dựng các bộ quy tắc ứng xử liên quan đến vấn đề HIV/AIDS trong đó đưa những nguyên tắc về quyền con người vào các bộ quy tắc về trách nhiệm và hoạt động chuyên môn cùng với những cơ chế để bảo đảm các quy tắc đó được thực thi.

Nguyễn Đình Thơ