Một số vấn đề về triển khai công tác đánh giá công chức, viên chức và bổ sung lý lịch công chức, viên chức Bộ Tư pháp năm 2011

26/09/2011
Ngày 22 tháng 9 năm 2011, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 5651/BTP-TCCB đề nghị thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ tổ chức công tác đánh giá công chức, viên chức và kê khai bổ sung lý lịch công chức, viên chức của đơn vị trong năm 2011. Bài viết này sẽ góp phần làm rõ hơn một số vấn đề lý luận và thực tiễn về mục đích, ý nghĩa, nội dung, yêu cầu của công tác đánh giá công chức, viên chức và bổ sung lý lịch công chức, viên chức tại các đơn vị.

1. Công tác đánh giá công chức, viên chức

Đánh giá công chức, viên chức là công việc của tập thể có thẩm quyền và người đứng đầu tổ chức, đơn vị xác định phẩm chất, năng lực và hiệu quả công việc của công chức, viên chức, làm căn cứ cho việc quyết định bố trí, sử dụng và triển khai các mặt công tác cán bộ, phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và tổ chức nhân sự của tổ chức, đơn vị đó. Đánh giá công chức, viên chức hàng năm là công việc thường xuyên nhằm góp phần tạo ra một cơ chế cạnh tranh, một môi trường làm việc lành mạnh, từ đó thực hiện sàng lọc công chức, viên chức qua thực tế công việc, phát hiện, trọng dụng và tôn vinh người tài, sàng lọc những kẻ cơ hội, không có năng lực công tác ra khỏi nền công vụ.

Mục tiêu của công tác đánh giá công chức hàng năm là đánh giá năng lực, trình độ, kết quả công tác, phẩm chất đạo đức để làm cơ sở bố trí, sử dụng, đào tạo bồi dưỡng, bổ nhiệm, đề bạt và thực hiện chính sách khác đối với công chức, viên chức trong những năm tiếp theo. Cơ sở pháp lý của công tác đánh giá công chức, viên chức bao gồm: Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08 tháng 9 năm 1998 của Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, Quyết định số 286-QĐ/TW ngày 08 tháng 02 năm 2010 của Bộ Chính trị (khoá X) về việc ban hành Quy chế đánh giá cán bộ, công chức. Riêng đối với đội ngũ viên chức, các đơn vị sự nghiệp có thể tham khảo Điều 39, 40, 41, 42, 43, 44 Luật Viên chức năm 2010 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2012).

Đánh giá công chức, viên chức khác với việc đánh giá một con người trong các quan hệ xã hội thông thường. Đánh giá công chức, viên chức là công việc của một tập thể có thẩm quyền và kết quả của công tác đánh giá phải là căn cứ để cấp có thẩm quyền ra quyết định bố trí, sử dụng và thực hiện các chính sách cán bộ khác đối với từng công chức, viên chức. Vì vậy, quá trình đánh giá công phải dựa trên những quan điểm, nguyên tắc, tiêu chuẩn, quy trình, phương pháp khoa học, thống nhất và chặt chẽ.

Công  tác đánh giá là việc làm khó, nhạy cảm, có thể ảnh hưởng đến các khâu khác của công tác cán bộ. Đánh giá công chức đúng sẽ là tiền đề quan trọng để đảm bảo toàn bộ quy trình công tác cán bộ chính xác, hiệu quả, giúp mỗi công chức, viên chức hồ hởi, phấn khởi, hăng say phấn đấu tiến bộ, tăng cường đoàn kết nội bộ, góp phần tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, đơn vị. Nếu đánh giá sai, thiếu khách quan, thiên vị đối với một vài người sẽ đẩy những công chức, viên chức có năng lực, có phẩm chất vào tâm trạng hoài nghi, chán nản, là nhân tố tiềm ẩn gây mất đoàn kết, triệt tiêu dần những động lực phấn đấu, phát triển của đội ngũ công chức, viên chức.

Có thể nói, chất lượng của tổ chức đảng, của cấp uỷ đảng, trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, đơn vị có ý nghĩa quyết định đối với tính đúng đắn và hiệu quả của công tác đánh giá công chức, viên chức, mà trong đó, thái độ khách quan, dân chủ, công tâm của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đánh giá cán bộ giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Trong quá trình đánh giá công chức, cũng cần xem xét kỹ hoàn cảnh, điều kiện công tác cụ thể của từng công chức, viên chức, đánh giá hiệu quả hoàn thành chức trách cá nhân và đóng góp của cá nhân vào sự lãnh đạo của tập thể cấp uỷ, lãnh đạo chính quyền. Đánh giá công chức, viên chức cũng đòi hỏi phải “cá biệt hoá” và “cụ thể hoá” những mặt tốt, những mặt còn hạn chế của từng công chức, đồng thời chỉ ra phương hướng phấn đấu của từng công chức, viên chức trong thời gian tới. Trong quá trình đánh giá, cũng cần khắc phục tư tưởng bè phái, ê kíp, thiên vị hoặc tư tưởng trung bình chủ nghĩa, tâm lý yên vị của không ít cán bộ, nhất là những người không còn tuổi phát triển hoặc không giữ cương vị chủ chốt.

Trong quá trình đánh giá công chức, viên chức, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền tổ chức đánh giá cần đảm bảo nguyên tắc tập thể, dân chủ, công khai, kết luận theo đa số và nguyên tắc khách quan, toàn diện, biện chứng, lịch sử - cụ thể và phát triển. Quá trình đánh giá công chức cần phải thực chất, thiết thực và ý nghĩa, là diễn đàn để thúc đẩy mỗi cá nhân công chức, viên chức tiếp tục hoàn thiện mình trên cơ sở đánh giá khách quan kết quả công việc, tránh việc tổ chức đánh giá mang tính hình thức, phiến diện, nể nang, dựa vào ý kiến chủ quan, không hiệu quả,

Công tác đánh giá công bộ cần gắn với công tác tự phê bình và phê bình của các cấp uỷ đảng. “Văn hoá phê bình” rất đa dạng trong thực tế cuộc sống. Phê bình và tự phê bình không phải là “bới lông tìm vết”, là thiếu tôn trọng đồng chí, là công kích, hạ thấp uy tín, hạ bệ lẫn nhau, là phương tiện để chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, mà cốt lõi là giúp đỡ nhau cùng tiến bộ với một tinh thần trong sáng, thẳng thắn, trung thực, chân thành xây dựng, một tấm lòng nhân ái rộng mở của người đồng chí. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau cùng tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”.

2. Công tác bổ sung hồ sơ công chức, viên chức

Hồ sơ cán bộ, công chức là tài liệu pháp lý phản ánh các thông tin cơ bản nhất về cán bộ, công chức bao gồm: nguồn gốc xuất thân, quá trình công tác, hoàn cảnh kinh tế, phẩm chất, trình độ, năng lực, các mối quan hệ gia đình và xã hội của cán bộ, công chức. Xây dựng và quản lý hồ sơ công chức, viên chức là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý công chức, viên chức. Cơ sở pháp lý của công tác bổ sung hồ sơ công chức, viên chức là Quy chế quản lý hồ sơ cán bộ, công chức ban hành kèm theo Quyết định số 14/2006/QĐ-BNV ngày 06 thành 11 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Công tác xây dựng và quản lý hồ sơ công chức, viên chức cần được thực hiện thống nhất, khoa học để quản lý được đầy đủ, chính xác thông tin của từng công chức, viên chức từ khi được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước cho đến khi ra khỏi cơ quan nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, thống kê, đánh giá, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, điều động, biệt phái, luân chuyển, bố trí sử dụng, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu và các chế độ, chính sách khác đối với công chức, viên chức.

Mục tiêu của công tác bổ sung hồ sơ công chức hàng năm là nhằm bổ sung kịp thời, đầy đủ các thông tin mới có liên quan đến bản thân, quan hệ gia đình và xã hội để cập nhật, hoàn thiện hồ sơ công chức, viên chức, phục vụ công tác quản lý hồ sơ công chức, viên chức. Định kỳ hàng năm, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý hồ sơ cán bộ, công chức hướng dẫn cán bộ, công chức kê khai những thông tin phát sinh trong năm có liên quan đến bản thân, quan hệ gia đình và xã hội để bổ sung vào hồ sơ cán bộ, công chức theo quy định.

Phiếu “Bổ sung lý lịch cán bộ, công chức” là tài liệu do công chức, viên chức kê khai bổ sung theo định kỳ hàng năm. Tất cả công chức, viên chức cần phải nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của công tác bổ sung hồ sơ và có trách nhiệm kê khai đầy đủ, rõ ràng, trung thực các thông tin bổ sung của mình theo hướng dẫn hoặc theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý công chức, viên chức. Phiếu “Bổ sung lý lịch cán bộ, công chức” tập trung cập nhật các thông tin thay đổi của công chức, viên chức với các nội dung chính sau:

(1) Chức danh, chức vụ, đơn vị công tác: Chức danh, chức vụ được bổ nhiệm, bầu cử, điều động, miễn nhiệm trong đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan nhà nước hoặc liên doanh với nước ngoài.

(2) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, chuyên ngành đào tạo, bồi dưỡng, thời gian và hình thức đào tạo, bồi dưỡng, văn bằng, chứng chỉ đạt được.

(3) Khen thưởng.

(4) Kỷ luật.

(5) Đi nước ngoài: Kê khai thời gian, cơ quan, tổ chức đã làm việc, nội dung công việc.

(6) Tình trạng sức khỏe tại thời điểm hiện tại.

(7) Tình hình kinh tế bản thân: Nhà ở, đất ở tự làm, mua, được thừa kế, được cấp và tài sản có giá trị lớn khác theo quy định của pháp luật.

(8) Gia đình: Những phát sinh mới về số lượng và hoàn cảnh kinh tế, chính trị của các thành viên trong gia đình bao gồm bố, mẹ, vợ, chồng, các con, anh chị em ruột.

(9) Những vấn đề khác.

Theo yêu cầu tại Công văn số 5651/BTP-TCCB ngày 22 tháng 9 năm 2011 của Bộ Tư pháp, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ nghiêm túc quán triệt yêu cầu của công tác đánh giá công chức, viên chức và bổ sung lý lịch công chức, viên chức; Tổ chức việc đánh giá và hoàn thiện hồ sơ công chức, viên chức đối với các công chức, viên chức thuộc đơn vị. Các công chức, viên chức không thực hiện việc đánh giá công chức, viên chức và bổ sung lý lịch công chức, viên chức sẽ không có căn cứ để thực hiện việc bố trí, sử dụng, quy hoạch, nâng lương, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chính sách cán bộ khác.

Về thời hạn, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm tổ chức việc đánh giá công chức, viên chức và bổ sung Phiếu lý lịch công chức, viên chức năm 2011 và gửi về Vụ Tổ chức cán bộ (Phòng Công tác cán bộ) trước ngày 10 tháng 10 năm 2011 để Vụ tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ.

Riêng đối với ngành thi hành án dân sự, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm tổ chức đánh giá và bổ sung hồ sơ công chức của Tổng cục theo phân cấp quản lý công chức của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và hướng dẫn cơ quan thi hành án dân sự các địa phương tiến hành đánh giá và bổ sung lý lịch công chức theo quy định.   

Ths. Nguyễn Xuân Tùng - Trưởng Phòng Công tác cán bộ Vụ TCCB

Tài liệu tham khảo:

1. PGS.TS. Trần Đình Hoan (Chủ biên): Đánh giá, quy hoạch, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Nxb. Chính trị quốc gia (năm 2009).