Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN - bệ đỡ cho việc thực thi và bảo vệ các quyền con người tại Việt Nam

23/05/2011

“Xét vì điều cốt yếu là các quyền con người phải được bảo vệ bằng nhà nước pháp quyền…”

- Tuyên ngôn thế giới về Quyền con người -

(Viện Thông tin khoa học - Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh năm 1988 trang 1)

Đặt vấn đề

Trong thời gian qua, đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới và tại Việt Nam về vai trò của nhà nước pháp quyền trong việc nâng đỡ, thực thi và bảo vệ các quyền con người. Các hướng tiếp cận về mối quan hệ này là rất đa dạng và phong phú. Có quan điểm cho rằng pháp quyền chỉ là một trong những thành tố cấu thành của quyền con người. Cũng có quan điểm cho rằng pháp quyền chỉ tồn tại khi quyền con người được công nhận và thực thi trong thực tế. Ngược lại, cũng có quan điểm cho rằng pháp quyền là một cơ chế hữu hiệu trong việc nâng đỡ, đảm bảo thực thi và bảo vệ các quyền con người. Mặc dù có nhiều cách tiếp cận khác nhau nhưng điểm đồng quy của hầu hết các nghiên cứu là đều nhấn mạnh đến mối quan hệ qua lại chặt chẽ, không thể tách rời giữa pháp quyền và quyền con người. Chính vì vậy, ngay tại Lời mở đầu của Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948, vai trò nâng đỡ và mối quan hệ chặt chẽ, không thể tách rời giữa nhà nước pháp quyền và các quyền con người đã được khẳng định như một nguyên tắc xuyên suốt và trở thành linh hồn của toàn bộ văn bản này.

Tại Việt Nam, quá trình đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo từ năm 1986 đã đạt được những thành tựu nổi bật. Tiến trình dân chủ hoá trong suốt hơn hai mươi năm đổi mới đã tạo ra sự trưởng thành về nhận thức, ý thức và năng lực dân chủ, tạo ra các điều kiện chín muồi cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, phấn đấu đến năm 2020 đưa đất nước về cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại, yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN đã được xác định là một nguyên tắc hiến định, một nhiệm vụ chính trị mang tính cương lĩnh và là một xu thế tất yếu khách quan không thể đảo ngược.

Có thể nói, sự hình thành và phát triển quan điểm, lý luận xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Đảng ta gắn liền với quá trình hoạch định và thực hiện đường lối đổi mới, là một bộ phận quan trọng hợp thành tổng thể lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Để góp phần làm rõ hơn nhận thức khoa học về các tiêu chí của một nhà nước pháp quyền XHCN vững mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực thực thi và bảo vệ quyền con người, bài viết này sẽ tập trung phân tích các nội dung chính sau: (i) Mối quan hệ giữa nhà nước pháp quyền và quyền con người trong các nghiên cứu trên thế giới, (ii) Tiêu chí về đảm bảo quyền con người trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, (iii) Mối quan hệ giữa Nhà nước pháp quyền XHCN trong việc nâng đỡ, đảm bảo thực thi và bảo vệ quyền con người tại Việt Nam.

1. Mối quan hệ giữa nhà nước pháp quyền và quyền con người trong các nghiên cứu trên thế giới

1.1. Học thuyết về quyền con người hiện đại được khởi nguồn kể khi diễn ra các cuộc tranh luận, bàn thảo giữa các quốc gia về sự thành lập của Liên hợp quốc hơn 60 năm trước đây. Từ đống đổ nát sau Thế chiến thứ hai, khối Đồng minh đã tuyên bố chiến thắng phát xít là để bảo vệ cuộc sống, tự do, độc lập và tự do tôn giáo, và đặc biệt là để bảo vệ công lý và quyền con người. Từ năm 1945, phạm vi của quyền con người từng bước được làm sáng tỏ và trở thành một phần thiết yếu trong đời sống quốc tế. Ngày 10 tháng 12 năm 1948, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người đã được thông qua và tuyên bố theo Nghị quyết số 217A (III) của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Đây là một văn bản mang mang tính chất khuyến nghị sâu sắc, xác định những chuẩn mực chung cho tất cả các dân tộc và các quốc gia trong quá trình xây dựng các chính sách phát triển của mình. Đến những năm 1960, 1970, với nỗi quan ngại trước sự gia tăng đáng báo động về tình hình vi phạm các quyền con người, cộng đồng quốc tế đã có nhiều nỗ lực đồng lòng dốc sức trong việc bảo vệ quyền con người từ cả bình diện địa phương, quốc gia và quốc tế. Trong giai đoạn này, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hoá và xã hội, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Công ước quốc tế về quyền trẻ em… đã được ký kết và trở thành những nguyên tắc nền tảng trong các quan hệ quốc tế. Với tầm quan trọng đó, các công ước này đã nhanh chóng được phê chuẩn và nội luật hoá, đặc biệt là trong hiến pháp của nhiều quốc gia trên thế giới.

Ngày nay, “văn hoá về quyền con người” đã trở thành những chuẩn mực vừa mang tính quốc tế, vừa mang tính quốc gia, có ảnh hưởng hết sức sâu sắc trong đời sống xã hội. Quyền con người đã trở thành một loại chuẩn mực đạo đức và pháp lý để đánh giá thiết chế bộ máy của từng quốc gia, là tiêu chuẩn hướng tới của các cuộc cải cách và cũng là thước đo để đánh giá các chính sách và thực tiễn hoạt động của các tổ chức chính trị, kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, do các chuẩn mực này được tạo dựng trong lòng xã hội Châu Âu, chứa đựng những giá trị văn hoá phương Tây sâu sắc nên trong quá trình thâm nhập vào đời sống chính trị của từng quốc gia, các chuẩn mực về quyền con người không được tiếp nhận  một cách hoàn toàn và đầy đủ. Đông Nam Á là một ví dụ điển hình cho sự xung đột mạnh mẽ giữa học thuyết quyền con người và các giá trị của Châu Á. Hai nhà lãnh đạo có nhiều ảnh hưởng trong khối này là Lý Quang Diệu (Singapore) và Mohathir Mohamad (Malaysia) cho rằng một số quyền chính trị và dân sự như các quyền về tham dự chính trị và tự do ngôn luận của phương Tây là không phù hợp với văn hoá Á Đông, vì vậy, việc áp đặt toàn bộ những chuẩn mực này trong bối văn hoá, chính trị của các nước Á Đông là không hoàn toàn thích hợp.  

1.2. Có nhiều cách tiếp cận về mối quan hệ giữa nhà nước pháp quyền và quyền con người trên thế giới.

Cách tiếp cận thứ nhất cho rằng nhà nước pháp quyền và quyền con người là những khái niệm độc lập, không có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Quan điểm này cho rằng nhà nước pháp quyền chỉ đơn giản được hiểu là một cơ chế hoạt động của hệ thống pháp luật, không nói lên rằng luật pháp trong hệ thống pháp luật đó có hợp lý, công bằng và có bảo vệ quyền con người hay không. Do đó, một quốc gia phi dân chủ hay một quốc gia không tôn trọng quyền con người cũng có thể tồn tại nhà nước pháp quyền.[1]  

Cách tiếp cận thứ hai xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa lập hiến về nhà nước pháp quyền. Quan điểm này cho rằng quyền con người chính là sự mở rộng, hay nói một cách khác, là một sự diễn giải hiện đại của khái niệm nhà nước pháp quyền truyền thống. Rõ ràng, quyền con người có sự gắn kết chặt chẽ với nhà nước pháp quyền từ khía cạnh hạn chế sự tuỳ tiện của cơ quan quyền lực nhà nước và yêu cầu chế ước có hiệu quả việc thực thi quyền lực nhà nước bởi quốc hội hay chủ quyền nhân dân.[2] Từ đó, một số nhà nghiên cứu theo quan điểm này đã đặt quyền con người trong sự đối lập với chính phủ và cho rằng pháp luật về quyền con người chính là ngưỡng giới hạn quyền lực đối với các hoạt động của chính phủ.[3]

Cách tiếp cận thứ ba chia quyền con người thành 05 nhóm cơ bản:

(i)  Các quyền con người liên quan đến quyền được sống, tự do và an ninh cá nhân; quyền được bảo vệ sự riêng tư và tự do đi lại; quyền sở hữu tài sản; tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo, nghiêm cấm nô lệ, tra tấn và các hình phạt hạ thấp nhân phẩm.

(ii) Các quyền gắn với nhà nước pháp quyền bao gồm quyền được công nhận bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ như nhau; yêu cầu có hình phạt hữu hiệu đối với các hành vi vi phạm các quyền hợp pháp; quyền được xét xử công bằng; quyền được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh là phạm tội; và nghiêm cấm việc bắt giữ tuỳ tiện.

(iii) Các quyền chính trị bao gồm tự do bày tỏ quan điểm, lập hội, tham gia chính quyền, bầu cử công bằng và phổ thông đầu phiếu.

(iv) Các quyền kinh tế và xã hội bao gồm quyền có mức sống hợp lý, quyền tự do lựa chọn việc làm, được bảo vệ trước nạn thất nghiệp, được trả công tương xứng và công bằng, được tham gia các tổ chức công đoàn, thời gian làm việc phù hợp, được đào tạo nghề, được bảo đảm an ninh xã hội, được bảo vệ sức khoẻ về thể chất và tinh thần.

(v) Quyền liên quan đến các cộng đồng thiểu số bao gồm quyền tự quyết và bảo vệ các nền văn hoá dân tộc thiểu số.

Như vậy, cách tiếp cận này coi nhà nước pháp quyền là một thành tố quan trọng của các quyền con người. Vì vậy, không có tách biệt rõ rệt giữa khái niệm nhà nước pháp quyền và quyền con người.[4]

Cách tiếp cận thứ tư cho rằng nhà nước pháp quyền và quyền con người là hai khái niệm độc lập, trong đó nhà nước pháp quyền giữ một vai trò quan trọng trong việc nâng đỡ, đảm bảo thực thi và bảo vệ các quyền con người. Quan điểm này bắt nguồn từ Đoạn 3 Lời mở đầu của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người: “Xét vì điều cốt yếu là các quyền con người phải được bảo vệ bằng nhà nước pháp quyền, nếu con người không bị bắt buộc nổi dậy chống lại sự độc tài và áp bức như là phương sách cuối cùng…”.

Phản biện cách tiếp cận này, một số nhà nghiên cứu cho rằng tuy Nhà nước có vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo thực thi và bảo vệ quyền con người nhưng trong thực tế, quyền con người được bảo đảm bằng nhiều biện pháp và hình thức khác nhau. Trong thực tế, việc vi phạm quyền con người không chỉ phát sinh từ phía nhà nước mà còn có thể phát sinh từ các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế và thậm chí là thể nhân khác. Vì vậy, mặc dù Tuyên ngôn nhấn mạnh đến vai trò của nhà nước pháp quyền trong việc bảo vệ quyền con người nhưng không có nghĩa là nhà nước pháp quyền có thể trực tiếp bảo vệ các quyền con người trong mọi trường hợp. Một mình nhà nước pháp quyền là chưa hoàn toàn đủ cho việc bảo đảm các quyền con người trong thực tế.[5]

Cách tiếp cận thứ năm do Uỷ ban luật gia quốc tế (International Commission of Jurists) đề xuất, trong đó nhận định nhà nước pháp quyền và quyền con người là những khái niệm độc lập. Trong mối quan hệ giữa hai khái niệm này, Uỷ ban luật gia quốc tế coi quyền con người là một điều kiện tiên quyết đối với nhà nước pháp quyền. Hay nói cách khác, nhà nước pháp quyền chỉ tồn tại khi quyền con người được công nhận. Phản biện cách tiếp cận này, một số nhà nghiên cứu cho rằng cách tiếp cận như vậy là không thể chấp nhận về mặt phương pháp luận bởi nếu suy diễn thì cứ có bất kỳ sự vi phạm quyền con người nào cũng dẫn đến phủ nhận sự tồn tại nhà nước pháp quyền. Do đó, cách tiếp cận này là không phù hợp, đặc biệt là trong bối cảnh, điều kiện của các quốc gia đang phát triển và khi phạm vi của các quyền con người còn chưa có sự nhận thức hoàn toàn thống nhất.[6]

Cách tiếp cận thứ sáu cho rằng giữa nhà nước pháp quyền và quyền con người có mối quan hệ qua lại, biện chứng và quy định lẫn nhau. Trong từng mức độ nhất định, chúng đối lập nhau nhưng cũng có thể phụ thuộc vào nhau. Nếu không có nhà nước pháp quyền thì các quyền con người không thể được hiện thực hoá trong khuôn khổ các hoạt động của nhà nước, tuy nhiên nhà nước pháp quyền cũng không tự mình là yếu tố bảo đảm cho các quyền con người.[7]  

2. Tiêu chí quyền con người trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

2.1. Nhận thức của Việt Nam về quyền con người:

Những tư tưởng về quyền con người đã được Nguyễn Ái Quốc sớm truyền bá trong cuộc đấu tranh nhằm thức tỉnh ý thức đoàn kết dân tộc, ý chí đấu tranh đòi độc lập dân tộc và các quyền cơ bản của người dân xứ thuộc địa. Trong Yêu sách của nhân dân An Nam (năm 1919), Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra yêu sách đòi cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu Châu; xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ khủng bố và áp bức. Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật; Đảm bảo các quyền tự do báo chí, ngôn luận, lập hội, hội họp, cư trú và học tập cho người dân.[8]

Trong giai đoạn từ năm 1936 đến năm 1939, Đảng Cộng sản Đông Dương đã cùng các tầng lớp nhân dân đoàn kết tổ chức cuộc vận động vì các quyền dân sinh, dân chủ ở Việt Nam. Về mục tiêu của cuộc vận động, Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố sẵn sàng liên hiệp để hành động với mọi giai cấp, tầng lớp để “bảo vệ hoà bình, đòi các quyền tự do dân chủ, cơm áo cho quần chúng nhân dân”. Đường lối chiến lược và sách lược đấu tranh này đã nhanh chóng giành được sự ủng hộ tự giác, mạnh mẽ và sâu rộng của quảng đại quần chúng nhân dân. Nhận xét về cuộc vận động này, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng với mục tiêu và đường lối chiến lược đúng đắn, cuộc đấu tranh này đã góp phần giác ngộ chính trị ở một mức độ nhất định đối với quần chúng nhân dân, tạo ra bước chuẩn bị quan trọng cho thắng lợi của Cách mạng tháng Tám sau này.[9]

Sau gần 100 năm người dân Việt Nam phải sống dưới xiềng xích thực dân, cuộc Cách mạng giành chính quyền tháng Tám năm 1945 - Cuộc hồi sinh vĩ đại của một dân tộc đoàn kết- là cơ hội đem lại những quyền con người cơ bản cho nhân dân Việt Nam. Quyền con người của một đất nước độc lập đã được thể hiện ngay tại Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam cũng như toàn cõi Á Đông: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.[10]   

Trong những năm qua, xuất phát từ bản chất dân chủ của nhà nước XHCN là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Việt Nam đã tham gia ký kết và nội luật hoá hầu hết các công ước về quyền con người. Trên con đường hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định quyền con người là giá trị chung của văn minh nhân loại, quyền con người thống nhất với quyền dân tộc cơ bản. Trong quá trình nhận thức và giải quyết các vấn đề cụ thể, cần có sự kết hợp giữa tính phổ biến và tính đặc thù của quyền con người. Tuy nhiên, quyền con người mang tính giai cấp sâu sắc, vì vậy các quyền này phải được thể hiện trong quyền công dân và được pháp luật bảo hộ. Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh đối thoại và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người.[11]

2.2. Nhận thức về tiêu chí quyền con người trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam  

Khái niệm Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam tuy đã chính thức được định danh nhưng nội hàm của khái niệm vẫn đang trong quá trình định hình. Do mô hình nhà nước pháp quyền XHCN vẫn đang trong quá trình tìm tòi, thể nghiệm nên hệ thống lý luận về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân mới chỉ dừng lại ở hệ quan điểm, nguyên tắc và phương hướng chỉ đạo mà chưa thực sự có được những kết luận rõ ràng về các tiêu chí của một nhà nước pháp quyền XHCN vững mạnh. Chính vì vậy, cho đến nay, đã có nhiều cách tiếp cận, nhận thức và định nghĩa khoa học khác nhau về Nhà nước pháp quyền XHCN. Tuy nhiên, trong lĩnh vực quyền con người, tiêu chí về quyền con người, mối quan hệ giữa nhà nước pháp quyền XHCN với việc đảm bảo thực thi và bảo vệ quyền con người mới đang được các nhà nghiên cứu từng bước làm sáng tỏ ở một số phương diện nhất định. Cụ thể như sau:

Cách tiếp cận thứ nhất xuất phát trực tiếp từ bản chất của nhà nước XHCH. Lí luận về chủ nghĩa xã hội ở nước ta khẳng định nhà nước XHCN mang bản chất giai cấp công nhân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo để phục vụ lợi ích của đa số nhân dân lao động. Nhà nước XHCN là thành quả cách mạng của nhân dân và là Nhà nước của nhân dân. Mục tiêu của xây dựng XHCN ở nước ta là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Vì vậy, triết lý phát triển của chúng ta là lấy con người làm trung tâm, linh hồn cốt lõi của Nhà nước pháp quyền XHCN là phải thể hiện được triết lý tổng quát của Hồ Chí Minh: Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đầu vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.  Từ cách tiếp cận này, các nhà nghiên cứu cho rằng Nhà nước pháp quyền XHCN phải là nhà nước đề cao vai trò và bảo vệ các quyền của cá nhân, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam phải thể hiện mối liên hệ dân chủ giữa Nhà nước với cá nhân, giữa Nhà nước và xã hội; tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người.[12]

Cách tiếp cận thứ hai xuất phát từ phương diện chế ước quyền lực nhà nước của chủ nghĩa lập hiến. Cách tiếp cận này cho rằng một trong những mục đích chính của mỗi bản hiến pháp là bảo vệ các quyền con người. Quyền con người chính là ngưỡng giới hạn nhằm ngăn ngừa nguy cơ tuỳ tiện, lạm quyền, chuyên quyền từ phía cơ quan, viên chức nhà nước dẫn đến vi phạm các quyền con người. Bảo vệ quyền con người phải vừa là mục đích, vừa là cách thức chế ước quyền lực nhà nước. Tại Việt Nam, việc quy định đảm bảo quyền con người trong các Hiến pháp chính là một biện pháp chế ước quyền lực nhà nước.[13]    

Cách tiếp cận thứ ba xuất phát từ yêu cầu nâng cao năng lực của các thiết chế tổ chức, hoàn hiện hệ thống pháp luật và thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế của Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Cách tiếp cận này được thể hiện tại Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24 tháng 5 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Theo đó, để hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với yêu cầu của nhà nước pháp quyền XHCN, trong lĩnh vực quyền con người, Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân. Yêu cầu này tập trung vào 03 nội dung căn bản: (1) Củng cố cơ sở pháp lý về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc xây dựng thể chế và tổ chức thực thi pháp luật, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá-xã hội, (2) Hoàn thiện chế độ bảo hộ của Nhà nước đối với các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, (3) Hoàn thiện pháp luật về mở rộng các quyền dân chủ của người dân.

3. Nâng đỡ, đảm bảo thực thi và bảo vệ các quyền con người cần được coi là một trong những tiêu chí cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân

Tại Đại hội lần thứ 17 Hội Luật gia Dân chủ quốc tế diễn ra tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã khẳng định: Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở Việt Nam là sự kết hợp tính phổ biến của nhà nước pháp quyền với những giá trị độc đáo của nó ở Việt Nam. Có thể nói, việc hoàn thiện lý luận về nhà nước pháp quyền XHCN trên cơ sở tích lũy tri thức pháp quyền trong nền văn minh nhân loại và tìm tòi, lựa chọn những giá trị phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, truyền thống, tính cách dân tộc của Việt Nam đang đặt ra nhiều câu hỏi cho các nhà nghiên cứu.

Mặc dù các nghiên cứu trên thế giới về mối quan hệ giữa nhà nước pháp quyền và quyền con người là rất đa dạng, đan xen do nhận thức khác nhau về nhà nước pháp quyền, nhưng xét về bản chất, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trước hết cần được hiểu là phương thức tổ chức và vận hành quyền lực của nhân dân dưới hai hình thức chủ yếu là nhà nước và pháp luật theo nguyên tắc dân chủ nhằm bảo đảm các quyền và tự do của công dân[14]. Xuất phát từ bản chất của một nhà nước XHCN của nhân dân, do nhân dân, và vì nhân dân và yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam, tiêu chí về quyền con người cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và ghi nhận như một nguyên tắc cơ bản trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Rõ ràng, trong mối quan hệ giữa nhà nước pháp quyền XHCN và quyền con người, nhà nước pháp quyền XHCN cần giữ vai trò góp phần tạo dựng một không gian chính trị - pháp lý nhằm đảm bảo và phát huy các quyền cơ bản của con người. Tại Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 tại Đại hội đại biển toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định yêu cầu phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân và các điều kiện để mọi người được phát triển toàn diện. Nhà nước pháp quyền XHCN phải là Nhà nước tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người. Nhà nước pháp quyền XHCN phải là một nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân.[15]

Nguyễn Xuân Tùng


[2] Rhona K.M.Smith, Textbook on International Human Rights, Oxford University Press, 2003.

[3] David M. Trubek and Alvaro Santos (ed), The World Bank’s uses of the “rule of law” promise in economic development (2006), 8.

[4] Charles R.Beitz, Human Rights as a Common Concern (2001) 95 The Amerian Political Science Review 269, 271.

[5] Mary Ann Glendon, The Rule of Law in the Universal Declaration of Human Rights (2004) 2 Northwestern Journal of International Human Rights 1,1.

[6] Christopher H. Zimmerli, “‘Human rights and the The rule of law in Southern Rhodesia” (1971) 20 The International and Comparative Law Quarterly 239, 243.

[7] Như trên, 243. 

[8] Hồ Chí Minh: Bàn về Nhà nước và pháp luật, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, 2005, tr. 72.

[9] Phạm Hồng Tung: Lịch sử cuộc vận động vì các quyền dân sinh, dân chủ ở Việt Nam (1936-1939), Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, 2008.

[10] Hồ Chí Minh: Bàn về Nhà nước và pháp luật, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, 2005, tr. 315.

[11] Bộ Tư pháp: Việt Nam với vấn đề quyền con người, Hà Nội năm 2005.

[12] GS.TSKH. Đào Trí Úc: Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia năm 2005 trang 338.

[13] PGS.TS. Nguyễn Đăng Dung: Chế ước quyền lực nhà nước, Nhà Xuất bản Đà Nẵng năm 2008 trang 166.

[14] Học viện Chính trị - Hành chính khu vực I: Tập bài giảng Về Nhà nước và pháp luật, Nhà Xuất bản Chính trị - Hành chính, tr. 79-80, năm 2011.

[15] Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thư XI, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2011.