Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành một sự quan tâm đặc biệt đối với ngành Tư pháp, Người khẳng định, Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền góp phần mình thực hiện chế độ pháp trị, giữ vững và bảo vệ quyền lợi của nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ của ta. Đồng thời, ngăn ngừa, trừng trị những kẻ âm mưu, phá hoại chế độ, phá hoại lợi ích của nhân dân. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn dành một sự quan tâm đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ, công chức của ngành Tư pháp. Những lời giáo dục, dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được chắt lọc và trở thành một hệ thống triết lý về nhân cách cách mạng của người cán bộ tư pháp từ đó đến nay.
1. Cán bộ, công chức ngành Tư pháp phải là những người có học thức, có trình độ chuyên môn cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp, có lối sống mẫu mực và có bản lĩnh cách mạng gan góc, dũng cảm.
Trong thư gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc tháng 2 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Các bạn là bậc trí thức. Các bạn có cái trách nhiệm nặng nề và vẻ vang là làm gương cho dân trong mọi việc. Dân ta đã đấu tranh một cách rất dũng cảm. Lẽ tất nhiên giới trí thức phải hy sinh đấu tranh dũng cảm hơn để làm gương cho nhân dân”. Ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn từ “bậc”, từ dùng để chỉ người thuộc hàng đáng tôn kính trong xã hội, để nhận xét, đánh giá về đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tư pháp. Có thể nói, ngay từ những ngày đầu thành lập Chính phủ, người trí thức đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm và cất nhắc sử dụng. Trong báo cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thành lập Chính phủ kháng chiến trước kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá I Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, khi giới thiệu về việc cử ông Vũ Đình Hoè làm Bộ trưởng Tư pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét: (Ông) là một trong đám người trí thức và hoạt động rất nhiều trong công cuộc cách mạng.
Trong cuộc cách mạng giành độc lập tự do, kháng chiến kiến quốc, đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tư pháp phải có lối sống mẫu mực và có bản lĩnh cách mạng gan góc, đấu tranh dũng cảm, phải biết hy sinh, làm gương cho nhân dân để thực hiện những mục tiêu lớn của đất nước. Bên cạnh việc tôn vinh giới trí thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường xuyên nhắc nhở: Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều. Nhưng đôi khi người trí thức vì thế mà kiêu ngạo, lên mặt. Chứng kiêu ngạo lên mặt rất có hại cho họ. Nó ngăn trở họ tiến bộ. Người phân tích căn bệnh trầm kha của của những người trí thức sách vở, thiếu thực tiễn: Trí thức là sự hiểu biết, trong hai lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Một người học xong đại học, có thể gọi là trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại, công việc thực tế y không biết gì cả. Thế là y chỉ có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải là trí thức hoàn toàn. Từ đó, Người khẳng định: Muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái trí thức đó áp dụng trong thực tế, người trí thức cần phải biết rõ cái khuyết điểm của mình, phải khiêm tốn, chớ kiêu ngạo, phải ra sức làm việc thực tế.
2. Cán bộ, công chức ngành Tư pháp phải là những người tuyệt đối trung thành với Đảng và Nhà nước.
Trong quá trình xây dựng tổ chức bộ máy chính quyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định: Luật pháp là vũ khí của một giai cấp thống trị, dùng để trừng trị giai cấp chống lại mình; Luật pháp đặt ra trước hết để trừng trị áp bức; Phong kiến đặt ra pháp luật để trị nông dân, tư bản đặt ra luật pháp để trị công nhân và nhân dân lao động. Pháp luật của ta hiện nay bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người lao động. Tính chất quan trọng của pháp luật với tư cách là một công cụ thực hiện chuyên chính vô sản đòi hỏi những người làm công tác tư pháp phải tuyệt đối trung thành với lợi ích của nhân dân lao động. Người nói: “Các bạn là viên chức của Chính phủ Dân chủ Cộng hoà mà các bạn đã giúp xây dựng nên. Chính thể Dân chủ Cộng hoà của ta tuy còn trẻ tuổi, nhưng đã chiến thắng nhiều cuộc thử thách, nó đã chứng tỏ rằng quả thật là đầy tương lai. Do đó, nhiệm vụ của các bạn phải tuyệt đối trung thành với chính quyền dân chủ”.
3. Tinh thần đoàn kết thật sự trong đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp và trong mối quan hệ giữa ngành Tư pháp với các bộ, ngành khác là yếu tố cốt tuỷ tạo nên sức mạnh của ngành.
Tinh thần đoàn kết thật sự đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến trong Thư gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc năm 1948 và tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc năm 1957. Người khẳng định: “Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền, cho nên càng phải tinh thành đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan khác, để tránh những mối xích mích lẫn nhau, nó có thể vì lợi quyền nhỏ và riêng mà hại đến quyền lợi to và chung, cho cả tư pháp và hành chính”. Người cũng căn dặn đội ngũ công chức Tư pháp cần “nội bộ đoàn kết từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, làm gương cho nhân dân”. Người nhấn mạnh ”Đoàn kết là lực lượng của chúng ta. Lúc mới kháng chiến, lực lượng ta yếu hơn địch, nhưng ta thắng lợi vì ta đoàn kết”. Vì vậy, ngành Tư pháp muốn khắc phục khó khăn thì phải “đoàn kết nhất trí thật sự’. Người giải thích, đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tư pháp muốn “đoàn kết thật sự “thì phải “dựa trên lập trường vững vàng, tư tưởng sáng suốt, nội bộ dân chủ, giúp đỡ nhau học tập tiến bộ, thật thà phê bình, tự phê bình”.
4. Xây dựng nền tư pháp nhân dân yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tư pháp phải chăm lo việc công, giữ gìn pháp luật, công bằng, liêm khiết, trong sạch, gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân.
Nền Tư pháp nhân dân là một nền Tư pháp gắn bó với dân, gần dân, vì dân, những cán bộ Tư pháp xuất phát từ nhân dân, lăn lộn với dân và hiểu dân chứ không quan liêu, cách biệt và xa rời người dân. Với tư tưởng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên, các bạn cần phải nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo. Nhưng thế chưa đủ, Người vẫn trăn trở về việc định hình một nền Tư pháp nhân dân phục vụ cho cách mạng, Người nói: “Cán bộ, công chức tư pháp chỉ công bằng, liêm khiết, trong sạch thôi là chưa đủ, cán bộ tư pháp cần phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.
5. Công chức Tư pháp phải có một tình thương, một lẽ sống, một lý tưởng trong sáng, vì nhân dân.
Là cán bộ của nền Tư pháp nhân dân, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ Tư pháp phải tự biết xây dựng và trau dồi một tình thương, một lẽ sống, một lý tưởng trong sáng, vì nhân dân. Người căn dặn: “Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác, là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức. Phải làm sao đóng góp làm cho nước được độc lập, dân được tự do, hạnh phúc, nhân loại khỏi đau khổ”.
Ngành Tư pháp đang hoà cùng đất nước ta rộn ràng bước vào những ngày tháng Năm lịch sử, kỷ niệm 121 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện công tác bầu cử Quốc hội khoá XIII và Hội đồng nhân dân ba cấp để triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 121 của Người, đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tư pháp lại cùng nhau nhìn lại những triết lý về nhân cách cách mạng của người cán bộ tư pháp, cùng nhau thể nghiệm, suy nghĩ và trăn trở…
Ths. Nguyễn Xuân Tùng
Tài liệu tham khảo:
1. Xây dựng Hệ thống pháp luật và nền tư pháp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng - Nhà xuất bản Tư pháp (năm 2005).
2. Bàn về Nhà nước và Pháp luật - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia (năm 2005).