Đề tài cấp cơ sở “Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc mở rộng phạm vi đăng ký và cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của động sản” - giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

21/12/2010
Nhằm chỉ rõ thực trạng đăng ký và cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của động sản ở nước ta trong thời gian vừa qua, qua đó để nhận thức được sự cần thiết phải mở rộng phạm vi đăng ký và cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của động sản, đồng thời đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan tại Việt Nam, Cục Đăng ký đã triển khai nghiên cứu, thực hiện một số phân tích về mặt pháp lý và bảo vệ thành công Đề tài cấp cơ sở “Cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc mở rộng phạm vi đăng ký và cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của động sản”. Sau đây là một số nội dung chủ yếu của đề tài:

1. Khái niệm hoạt động đăng ký

Dưới giác độ là biện pháp nhằm công khai và minh bạch hoá tình trạng pháp lý của động sản và lợi ích của việc đăng ký đối với các chủ thể có liên quan, thì đăng ký được hiểu là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ghi nhận và chứng thực về mặt pháp lý quyền sở hữu và các giao dịch bảo đảm bằng động sản theo nghĩa rộng của từ này.

Nếu xét dưới giác độ nội dung của chế định quyền sở hữu, đăng ký được xem là bước cuối cùng trong quá trình thiết lập hoặc chuyển dịch quyền sở hữu. Sau khi đăng ký, người đăng ký có quyền sở hữu tài sản.

Tuy nhiên, khác với cơ quan đăng ký sở hữu tài sản, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm không ghi nhận sự tồn tại hoặc dịch chuyển quyền sở hữu. Ngoài ra, khác với đăng ký sở hữu, việc đăng ký tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm có hai chức năng quan trọng, đó là:

Thứ nhất, làm giảm rủi ro cho các bên khi ký kết, thực hiện các hợp đồng, đặc biệt là hợp đồng tín dụng có sự bảo đảm bằng tài sản thông qua việc thông báo công khai cho bên thứ ba là người có quyền lợi liên quan, ví dụ như người mua, chủ nợ có bảo đảm hoặc không bảo đảm khác của các nghĩa vụ liên quan tới tài sản mà bên mắc nợ đang sở hữu.

Thứ hai, là căn cứ pháp lý để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán, dựa theo thời điểm thực hiện đăng ký giữa những người cùng có quyền lợi đối với một tài sản bảo đảm.

2. Lợi ích của hoạt động đăng ký trong việc công khai và minh bạch hóa tình trạng pháp lý của động sản

Việc đăng ký các quyền đối với tài sản ban đầu không mang tính phổ biến trong hệ thống pháp luật thành văn, tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, việc không công khai thực trạng các giao dịch về động sản gây tiềm ẩn nhiều rủi ro. Có thể nói, việc công khai và minh bạch hóa tình trạng pháp lý của động sản thông qua hệ thống đăng ký đem lại những lợi ích cơ bản sau:

Thứ nhất, đối với bên có quyền đối với động sản, nhưng không phải chủ sở hữu động sản  

Đăng ký là một trong những cách thức để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bên có quyền đối với động sản, nhưng không phải là chủ sở hữu động sản (ví dụ: bên nhận bảo đảm trong giao dịch bảo đảm; bên thuê động sản trong hợp đồng thuê...), vì thông qua hệ thống đăng ký, trước khi ký kết hợp đồng các chủ thể có quyền liên quan đến động sản nêu trên có thể xác định chính xác những chủ thể có quyền sở hữu, quyền và lợi ích liên quan đến động sản để loại trừ rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng có đối tượng là động sản. Ngoài ra, do việc đăng ký mang ý nghĩa “giao dịch, hợp đồng đã  được đăng ký, thì coi như được mọi người nhận biết”. Vì vậy, pháp luật thừa nhận giao dịch, hợp đồng được đăng ký mang ý nghĩa công bố công khai quyền lợi của bên nhận bảo đảm, bên thuê mua động sản, bên bán có bảo lưu quyền sở hữu... với người thứ ba, đồng thời tất cả các chủ thể (người thứ ba) khi xác lập giao dịch liên quan đến động sản là đối tượng của giao dịch, hợp đồng đã đăng ký đều buộc phải biết về sự hiện hữu của các quyền liên quan đến tài sản đó.

Ngoài ra, việc đăng ký còn giúp cho bên nhận bảo đảm trong giao dịch bảo đảm, bên thuê mua động sản trong hợp đồng thuê mua, bên bán có bảo lưu quyền sở hữu trong hợp đồng mua bán có bảo lưu quyền sở hữu động sản... có được thứ tự ưu tiên cao hơn so với các chủ thể khác (ví du: trong trường hợp hợp đồng bảo đảm đã được đăng ký thì bên nhận thế chấp động sản có thứ tự ưu tiên thanh toán cao hơn so với các chủ nợ khác khi xử lý tài sản bảo đảm), vì thời điểm đăng ký là căn cứ để xác định thứ tự ưu tiên giữa các chủ thể có quyền liên quan đến động sản.

Thứ hai, đối với bên có nghĩa vụ

Một trong những yêu cầu đặt ra trong đời sống kinh tế - xã hội là việc ký kết, thực hiện hợp đồng, giao dịch liên quan đến động sản không được ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của bên có nghĩa vụ (ví dụ: bên bảo đảm trong giao dịch bảo đảm; bên cho thuê mua có bảo lưu quyền sở hữu..)  Điều này có nghĩa, bên bảo đảm vẫn giữ tài sản bảo đảm và tiếp tục khai thác, sử dụng tài sản nhằm phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh của mình. Đặc điểm này vô cùng quan trọng trong nền tài chính hiện đại, thông qua cơ chế đăng ký giao dịch bảo đảm, bên bảo đảm vừa đạt được mục đích dùng tài sản để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ, vừa duy trì được hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình. Chính nguồn lợi thu được từ việc khai thác tài sản bảo đảm sẽ giúp bên nhận bảo đảm từng bước thu hồi vốn, tái đầu tư và thanh toán được nợ cho bên nhận bảo đảm. Do vậy, nếu phải giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm hoặc người thứ ba giữ, thì mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh của bên bảo đảm bị ngưng trệ. Điều này đi ngược lại với mục đích của giao dịch bảo đảm hiện đại, đó là vừa giúp các giao dịch được an toàn, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, đối với bên thứ ba

Trong nhiều trường hợp, do thiếu thông tin nên bên thứ ba có thể dễ dàng cho rằng tài sản vẫn chưa được dùng để bảo đảm cho bất kỳ một nghĩa vụ nào trên thực tế. Vậy việc công khai hóa thông tin về tình trạng pháp lý của động sản được đăng ký là một giải pháp, bên thứ ba có thể tìm hiểu thông tin tại cơ quan đăng ký có thẩm quyền để biết được những giao dịch bảo đảm liên quan đến tài sản bảo đảm đã tồn tại từ trước, vì những thông tin về tình trạng pháp lý được lưu giữ, công bố rộng rãi. Công khai thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản nói chung và động sản nói riêng là mục tiêu quan trọng hàng đầu của hệ thống đăng ký giao dịch, tài sản hiện đại, vì qua đó sẽ giúp các chủ thể có thể đánh giá và phòng ngừa những rủi ro khi ký kết, thực hiện hợp đồng, giao dịch.

Thứ tư, đối với nền kinh tế - xã hội

Nền kinh tế - xã hội phát triển đòi hỏi tình trạng pháp lý của động sản được đăng ký chính xác, thuận lợi với chi phí hợp lý, qua đó giúp tiết kiệm chi phí giao dịch (gồm chi phí về thời gian, công sức, tiền của...) và nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế, giúp hạn chế được những tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội. Bên cạnh đó, thông qua hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm, Nhà nước sẽ có được những thông tin cần thiết phục vụ cho quá trình hoạch định các chính sách mang tính vĩ mô, đặc biệt liên quan trực tiếp đến chính sách bảo đảm an toàn tín dụng. Hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm được vận hành hiệu quả sẽ khuyến khích hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu vốn trong xã hội, nhờ đó nguồn vốn trong xã hội sẽ được luân chuyển liên tục, khắc phục tình trạng khan hiếm vốn và sự mất cân đối về nhu cầu vốn giữa các thành phần kinh tế.

Với những ý nghĩa nêu trên, có thể khẳng định, việc công khai hoá thông tin về tình trạng pháp lý của động sản là cần thiết. Do vậy, “pháp luật cần quy định hình thức công khai hoá phù hợp để tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời tạo ra được công cụ pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các bên và của cá nhân, tổ chức có liên quan, ngăn ngừa các tranh chấp có thể phát sinh, trong đó đăng ký là một chế định phổ biến

3. Thực trạng pháp luật về đăng ký, cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của động sản tại Việt Nam

Đăng ký và cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của động sản được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó phải kể đến các văn bản như Bộ luật dân sự, Bộ luật hàng hải, Luật Hàng không dân dụng, Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định số 08/2000/NĐ-CP, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP, Thông tư số 06/2006/TT-BTP, Thông tư số 03/2006/TT-BTP, Thông tư số 04/2007/TT-BTP, Thông tư số 07/2007/TT-BTP…Các văn bản này đã tạo thành khung pháp luật quan trọng cho việc mở rộng phạm vi đăng ký và cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của động sản.

Theo quy định của pháp luật nêu trên, phạm vi đăng ký và cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của động sản bao gồm: quyền sở hữu, giao dịch bảo đảm, hợp đồng, việc kê biên tài sản thi hành án bằng động sản.

Đăng ký và cung cấp thông tin về quyền sở hữu đối với động sản: Theo Điều 167 Bộ luật dân sự 2005, “Quyền sở hữu đối với bất động sản được đăng ký theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đăng ký bất động sản. Quyền sở hữu đối với động sản không phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”. Như vậy, nếu như đăng ký bất động sản mang tính nguyên tắc chung, thì đăng ký động sản chỉ mang tính ngoại lệ đối với một vài trường hợp. Theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ số ít động sản như tàu bay, tàu biển và các sản phẩm trí tuệ mới thuộc diện đăng ký quyền sở hữu hoặc có văn bằng xác nhận quyền sở hữu và giá trị pháp lý (hiệu lực) của việc đăng ký không có sự đồng nhất trong mọi trường hợp. Theo đó, đối với tàu bay, tàu biển và quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, việc đăng ký làm phát sinh quyền sở hữu của người đăng ký. Còn những trường hợp còn lại, đăng ký quyền sở hữu không có giá trị bắt buộc mà chỉ có ý nghĩa công khai thông tin về chủ thể quyền sở hữu cho bên thứ ba.

Đăng ký và cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng động sản

Theo quy định của pháp luật hiện hành, giao dịch bảo đảm bằng động sản thuộc diện đăng ký và yêu cầu cung cấp thông tin bao gồm: giao dịch bảo đảm bằng tàu bay, giao dịch bảo đảm bằng tàu biển, giao dịch bảo đảm bằng các động sản khác.

Theo quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006, “thế chấp, cầm cố tàu bay” là một trong các quyền đối với tàu bay (điểm c khoản 1 Điều 28) và các quyền đối với tàu bay (bao gồm cả quyền thế chấp, cầm cố) bắt buộc phải đăng ký (Điều 29); và theo quy định của Nghị định số 29/2009/NĐ-CP, thì “Tàu biển Việt Nam được đăng ký thế chấp tại cơ quan đăng ký tàu biển khu vực mà tàu biển đó đăng ký” (Điều 17); đối với các loại động sản khác (trừ tàu bay, tàu biển) thuộc diện đăng ký giao dịch bảo đảm đã được quy định cụ thể, chi tiết tại Thông tư số 06/2006/TT-BTP và Thông tư số 03/2007/TT-BTP. Sự đa dạng và mở rộng các loại động sản hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của một hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm hiện đại. Đồng thời, những quy định về cung cấp thông tin về động sản cũng được công khai có hiệu quả, tạo thuận lợi và cơ hội tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng tăng, đáp ứng được nhu cầu về vốn trong xã hội.

Đăng ký và cung cấp thông tin về hợp đồng

Việc cho thuê tài chính, thuê hoạt động dài hạn, việc bán các hợp đồng bán hàng có bảo đảm và các quyền lưu giữ tài sản không phải là những quyền lợi bảo đảm thực sự đúng nghĩa. Tuy nhiên thực tế cho thấy sự cần thiết đưa những loại việc trên vào hệ thống đăng ký và tuân theo những quy tắc ưu tiên giống như giao dịch bảo đảm truyền thống nhằm bảo vệ bởi quyền và lợi ích của bên thứ ba và các bên có liên quan. Do đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 về giao dịch bảo đảm quy định cách xác định thứ tự ưu tiên giữa bên nhận bảo đảm ngay tình với bên bán tài sản trả chậm, trả dần, bên thuê tài sản hoặc bên nhận chuyển giao quyền đòi nợ đối với tài sản mua trả chậm, trả dần, tài sản thuê hoặc quyền đòi nợ được chuyển giao căn cứ vào thời điểm đăng ký các hợp đồng bảo đảm, hợp đồng mua trả chậm, trả dần, hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ. (Điều 13, Điều 22). Trên cơ sở này, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 04/2007/TT-BTP ngày 17/5/2007 hướng dẫn về thẩm quyền, trình tự và thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về hợp đồng mua trả chậm, trả dần có bảo lưu quyền sở hữu của bên bán, hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng cho thuê tài chính và hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ (sau đây gọi là Thông tư số 04/2007/TT-BTP). Sự ra đời của Thông tư này được đánh giá là một bước tiến quan trọng của Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu của một hệ thống đăng ký hiện đại.

Thông báo việc kê biên tài sản thi hành án và cung cấp thông tin về tài sản kê biên

Thông báo việc kê biên tài sản không chỉ góp phần bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của người phải thi hành án, người được thi hành án (những chủ thể có quyền lợi liên quan trực tiếp đến quyết định kê biên của cơ quan thi hành án dân sự), mà còn góp phần đảm bảo cho các giao dịch, cũng như quyền lợi của tổ chức, cá nhân khác được thực hiện an toàn, minh bạch, tránh được những rủi ro pháp lý có thể xảy ra khi ký kết, thực hiện hợp đồng liên quan đến tài sản bị kê biên.

Trên cơ sở những văn bản có liên quan của cơ quan có thẩm quyền, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 07/2007/TT-BTP ngày 09 tháng 10 năm 2007 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về thông báo việc kê biên tài sản thi hành án và cung cấp thông tin về tài sản kê biên tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp.

4. Một số hạn chế cơ bản trong quy định của pháp luật hiện hành về phạm vi đăng ký và cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của động sản

Qua việc áp dụng pháp luật cho thấy, về cơ bản, các văn bản này đều đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn đời sống. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế cơ bản trong quy định của pháp luật hiện hành về phạm vi đăng ký và cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của động sản, đòi hỏi sớm được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện trong thời gian tới. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, cách tiếp cận của pháp luật Việt Nam về giao dịch bảo đảm chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, dẫn đến hệ quả đã thu hẹp phạm vi đăng ký và yêu cầu cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của động sản.

Thứ hai, phạm vi đăng ký và cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của động sản trong một số trường hợp chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và một số điều ước quốc tế mà Việt Nam đang làm thủ tục gia nhập.

Thứ ba, phạm vi đăng ký và cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của động sản còn hẹp chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn, có một số quy định của pháp luật về vấn đề này còn chồng chéo, mâu thuẫn.

Thứ tư, pháp luật hiện hành chưa quy định rõ ràng về thứ tự ưu tiên thanh toán giữa quyền thu nợ xuất phát từ bản án, quyết định dân sự, quyết định của cơ quan có thẩm quyền... với quyền thu nợ của chủ nợ có bảo đảm phát sinh từ giao dịch bảo đảm.

5. Mục tiêu cơ bản trong việc mở rộng phạm vi đăng ký và cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của động sản tại Việt Nam

Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích những tồn tại và một số hạn chế cơ bản trong quy định của pháp luật hiện hành về phạm vi đăng ký và cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của động sản, Đề tài cấp cơ sở cũng đã đặt ra yêu cầu đối với việc mở rộng phạm vi đăng ký và cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của động sản, đặc biệt là việc hoàn thiện pháp luật theo hướng mở rộng phạm vi đăng ký và cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của động sản của nước ta trong thời gian tới cần phải đáp ứng một số yêu cầu cơ bản sau đây:

Thứ nhất, việc mở rộng phạm vi đăng ký và cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của động sản phải đảm bảo nguyên tắc phù hợp và đồng bộ với hệ thống pháp luật về giao dịch bảo đảm

Thứ hai, việc mở rộng phạm vi đăng ký và cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của động sản phải dựa trên quan điểm hài hoà hoá với pháp luật và thông lệ quốc tế trong điều kiện hội nhập

Thứ ba, việc mở rộng phạm vi đăng ký và cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của động sản phải đáp ứng mục tiêu bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của các bên cũng như tạo đầy đủ cơ sở pháp lý trong việc giải quyết tranh chấp

6. Một số đề xuất, kiến nghị về việc mở rộng phạm vi đăng ký và cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của động sản tại Việt Nam

Thứ nhất, Mở rộng đối tượng các giao dịch, các quyền liên quan đến động sản cần được đăng ký, công khái hóa về tình trạng pháp lý đối với người thứ ba

Thứ hai, quy định đơn giản, rõ ràng về điều kiện đối với tài sản bảo đảm là động sản
Thứ ba, quy định cụ thể, đầy đủ và chính xác về thứ tự ưu tiên

Thứ tư, xác định rõ nội hàm của khái niệm “giá trị pháp lý”

Thứ năm, rà soát, bãi bỏ những quy định không phù hợp với thực tiễn hoặc hạn chế các chủ thể thiết lập, thực hiện các giao dịch

Thứ sáu, mở rộng phạm vi cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của động sản

Thứ bảy, pháp luật cần khẳng định giá trị pháp lý của thông tin về tình trạng pháp lý của động sản được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền

Bên cạnh những giải pháp nêu trên, trong Đề tài cấp cơ sở cũng đã chỉ ra răng, về lâu dài, Việt Nam cần thiết xây dựng thiết chế công khai hóa tình trạng pháp lý của động sản đáp ứng các mục tiêu chủ yếu sau đây:

- Thể chế hoá chủ trương cải cách tư pháp, cải cách hành chính vào lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho công chúng tiếp cận với hệ thống các cơ quan đăng ký, được cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết để xem xét, quyết định trước khi giao kết các giao dịch dân sự, kinh tế;

- Phải đáp ứng yêu cầu công khai hoá và minh bạch các giao dịch bảo đảm; phù hợp với các quy định có liên quan trong Bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật khác, nhằm thúc đẩy giao dịch bảo đảm nói riêng và giao dịch dân sự, thương mại nói chung phát triển;

- Kế thừa và pháp điển hóa các quy định hiện hành còn phù hợp; vận dụng kinh nghiệm tốt của nước ngoài phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam;

- Từng bước đổi mới về tổ chức các cơ quan đăng ký, hướng tới mục tiêu giảm bớt đầu mối các cơ quan đăng ký, đăng ký tập trung, nối mạng và tin học hoá;

- Mở rộng phạm vi các trường hợp đăng ký giao dịch bảo đảm, lợi ích được bảo đảm, để tăng cường an toàn pháp lý cho các giao dịch và đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin.

- Thống nhất quy trình đăng ký các giao dịch bảo đảm, bảo đảm các nguyên tắc: Đơn giản, thuận tiện, khoa học và chính xác trong quy trình đăng ký, cung cấp thông tin; công khai hoá các giao dịch bảo đảm, lợi ích được bảo đảm cho mọi cá nhân, tổ chức có nhu cầu tìm hiểu; xác định chính xác thứ tự ưu tiên thanh toán.

Ngoài ra, bên cạnh đề xuất về mặt pháp luật, để tạo thuận lợi cho việc mở rộng phạm vi đăng ký và cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của động sản phát huy được những tác dụng tích cực trong thực tiễn, thì ngoài các giải pháp về mặt hoàn thiện thể chế nêu trên, cần thực hiện tốt các giải pháp khác như: thiết lập, hoàn thiện hoạt động đăng ký tình trang pháp lý của động sản, mà trước tiên là giao dịch bảo đảm qua mạng Internet; xây dựng mô hình cơ quan đăng ký tập trung; xây dựng cơ chế phối hợp và chia sẻ thông tin giữa cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm với cơ quan đăng ký quyền đối với động sản phục vụ công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực này…nhằm giảm thiểu rủi ro cho các bên liên quan, qua đó góp phần làm lành mạnh hoá các giao dịch bằng động sản.

Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm