Quản lý nhà nước về xây dựng và thi hành pháp luật: Tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” của công tác Tư pháp

16/12/2010
Trong giai đoạn 2007-2010, Bộ Tư pháp nhận định "tình trạng "rừng" VBQPPL đã được giảm tải, song vẫn còn chưa thực sự hạn chế tối đa lượng văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành... Công tác xây dựng VBQPPL chưa tập trung, quyết liệt vào việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” của công tác Tư pháp". Thực trạng này cần được khắc phục bằng những giải pháp sẽ được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác Tư pháp năm 2010 sắp tới.

“Thể chế đi trước một bước”

Quán triệt chủ trương này, cùng với việc Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua 11 Luật, Pháp lệnh (giảm 02 Luật, Pháp lệnh so với giai đoạn 2001 - 2006); trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định những lĩnh vực mới của Ngành, các cơ quan tư pháp cũng đã nỗ lực làm tròn vai trò “người gác cửa pháp luật” ở địa phương khi chủ trì soạn thảo, tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền ban hành khoảng 91.564 VBQPPL trong cả giai đoạn 2007 - 2010.

Bộ Tư pháp và nhiều cơ quan Tư pháp địa phương, Tổ chức pháp chế Bộ, ngành đã chủ động nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách kịp thời, đồng bộ. Công tác góp ý, thẩm định các điều ước quốc tế, cấp ý kiến pháp lý cho các hiệp định và hợp đồng vay vốn nước ngoài, hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO) và hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) cũng đã được Bộ, Ngành chú trọng thực hiện, bảo đảm tiến độ và chất lượng ngày càng được nâng cao, kịp thời đóng góp cho việc hợp tác quốc tế về kinh tế - xã hội.

Công tác kiểm tra VBQPPL được thực hiện đúng quy trình, hướng mạnh vào những vấn đề bức xúc của xã hội, tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan giải quyết những văn bản vi phạm PL, mang lại hiệu quả rõ rệt, được các cấp chính quyền và xã hội đánh giá cao.

Để triển khai nhiệm vụ theo dõi chung tình hình thi hành PL trong phạm vi toàn quốc, Bộ Tư pháp đã soạn thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện. Một số địa phương đã ban hành Kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai công tác theo dõi thi hành PL. Đến nay, có 06 Bộ và 06 Sở Tư pháp có Phòng thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành PL.

Nhờ đó, giai đoạn 2007 - 2010, Bộ, Ngành Tư pháp đã đạt được những bước tiến đáng kể trong chủ trì việc lập dự kiến chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội; khắc phục dần tính hành chính, hình thức của hoạt động đề xuất nhu cầu lập pháp theo kiểu “đánh trống ghi tên”; tránh đưa vào chương trình những văn bản thiếu tính thực tế, tính khả thi thấp, gây lãng phí thời gian, công sức, kinh phí; bảo đảm tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện để người dân tham gia hoạt động xây dựng thể chế, góp phần làm cho PL phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, làm cho công tác xây dựng và hoàn thiện PL ngày càng có nhiều tiến bộ, góp phần nâng cao chất lượng của hệ thống PL.

   
Nỗ lực để tháo gỡ các "điểm nghẽn"

Nhưng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó không tránh khỏi những nguyên nhân chủ quan và cả khách quan nên dù giai đoạn 2007 - 2010, tình trạng ”rừng” VBQPPL đã được giảm tải song vẫn còn chưa thực sự hạn chế tối đa lượng văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành; tính khả thi, cụ thể của một số văn bản còn thấp; sự ổn định PL ở một số lĩnh vực chưa cao (như kinh tế, tài chính, ngân hàng...). Công tác xây dựng VBQPPL chưa tập trung, quyết liệt vào việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” của công tác Tư pháp.

Chất lượng thẩm định tuy được nâng cao nhưng còn chưa đáp ứng tốt yêu cầu chất lượng, tiến độ. Vai trò công tác kiểm tra VBQPPL còn hạn chế, chưa được các Bộ, ngành, địa phương coi trọng đúng mực. Việc kiểm tra VBQPPL ở cấp huyện, cấp xã còn nhiều bất cập; hoạt động tự kiểm tra còn yếu. Riêng công tác theo dõi tình hình PL sau 01 năm triển khai thực hiện chưa tạo được bước đột phá.

Để hoạt động quản lý nhà nước về xây dựng và thi hành PL đạt được đúng mục tiêu, phù hợp với vị trí được giao, trong năm 2011, toàn Ngành cần tìm giải pháp để tăng cường sự tham gia của các Tổ chức pháp chế bộ, ngành, địa phương trong công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL. Hoàn thiện thể chế về công tác kiểm tra VBQPPL. Sử dụng tốt hơn nữa cơ chế phản biện xã hội trong thẩm định các dự án, đề án xây dựng luật. Xây dựng hệ cơ sở dữ liệu chung về kiểm tra VBQPPL.

Bên cạnh đó, sẽ kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực theo dõi thực hiện công tác theo dõi thi hành PL tại Bộ và các cơ quan tư pháp địa phương. Đồng thời, phát huy mạnh mẽ vai trò của Tổ chức pháp chế, xây dựng chế độ, chính sách phù hợp cho cán bộ pháp chế...

Huy Anh