Phổ biến giáo dục pháp luật: Nhà nước là trụ cột!

21/12/2009
Một trong những nguyên nhân khiến các vụ việc khiếu nại tố cáo vẫn còn nhiều và nhiều vụ kéo dài là do pháp luật chưa đi vào cuộc sống. Điều đó đặt ra yêu cầu xác định rõ chủ thể và nội dung phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) để đưa văn hóa pháp lý thành nếp sống của mỗi người dân.

Nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị

PBGDPL là một hoạt động quan trọng để đưa pháp luật đến với từng cá thể trong xã hội. Nhưng từ trước đến nay, PBGDPL mới chỉ được coi là trọng trách của Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, chứ chưa được các chủ thể khác trong xã hội cùng “gánh vác”. Nghĩa là hoạt động PBGDPL phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn ngân sách nhà nước, trong khi đây là hoạt động cần được đầu tư nhiều, lâu dài mới phát huy hiệu quả. Vậy là chủ thể chính thực hiện hoạt động PBGDPL sẽ liên quan đến nguồn tài chính và trách nhiệm nếu văn bản (VB) PL không đến được với dân.

Thực tế cho thấy, những dự án Luật được tài trợ từ bên ngoài thì hoạt động PBGD bao giờ cũng “rôm rả”, dày đặc và đa dạng hơn. Do đó, ông Nguyễn Văn Pha – Phó Chủ tịch Uỷ ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, người dân có nhu cầu được PBGDPL nhưng cần phải xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ yếu. Còn ông Nguyễn Đắc Bình (Ủy ban Dân tộc) lại yêu cầu quy định rõ chủ thể, chứ không thể quy định chung chung là Nhà nước.

Trong Điều 8 và 10 dự thảo 2 Luật PBGDPL mà Bộ Tư pháp đang chủ trì soạn thảo, xác định, trách nhiệm thực hiện PBGDPL thuộc về tổ chức Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, UBND cấp xã, tổ chức pháp chế, cơ sở giáo dục, cơ quan báo chí, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các cá nhân “được giao nhiệm vụ” hoặc “khuyến khích thực hiện PBGDPL”. Ồng Trương Khánh Hoàn (Bộ Tư pháp) không đồng tình với quy định tại Điều 8 khoản 1 điểm a, b. Ông thấy rằng, theo Luật Ban hành VBQPPL, cơ quan nào soạn thảo dự án Luật nào thì có trách nhiệm phổ biến văn bản đó, chứ không chỉ có Bộ Tư pháp. Hơn nữa, cơ quan có trách nhiệm PBGDPL có thể phân công một tổ chức nào đó thuộc cơ quan thực hiện, mà không nhất thiết là tổ chức pháp chế. Do vậy, quy định như Điều 8 khoản 1 vô hình chung đã hạn chế sự tham gia hoạt động PBGDPL của các chủ thể là các Bộ, ban, ngành khác và cũng không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề này.

Nhất trí với ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật PBGDPL Hà Hùng Cường - nhấn mạnh, đây phải là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trên cơ sở xác định rõ cơ quan ban hành là cơ quan phổ biến văn bản, mà nòng cốt là Nhà nước nên cũng không cần quy định về vấn đề xã hội hóa hay Quỹ PBGDPL. Những vấn đề này có thể được xem xét vào năm 2020, sau khi Luật PBGDPL góp phần tạo được đột phá cho nếp “sống và làm việc theo Hiến pháp và PL” trong nhân dân và cả cán bộ công chức.

Chỉ phổ biến những văn bản pháp luật đã ban hành

Với quy định về nội dung PBGDPL quy định tại Điều 22 dự thảo 2 Luật PBGDPL được cho là quá rộng so với thực tiễn. Ông Lê Minh Đức (Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam) cho biết, ở địa phương, chủ yếu PBGD các VBPL của TƯ, tỉnh, chứ không quan tâm đến các VBPL quốc tế hay điều ước quốc tế. Ông Trương Khánh Hoàn cũng thấy, nếu quy định như Điều 22 là sẽ bất khả thi trong điều kiện dân trí cũng như nhu cầu tìm hiểu PL của đại đa số người dân. Theo ông, chỉ cần PBGD những VB mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết. Đồng thời phải cân nhắc việc PBGD những dự án, dự thảo VBQPPL vì đã được Luật Ban hành VBQPPL điều chỉnh trong quy trình xây dựng PL. Do vậy, Điều 22 nên thu hẹp quy định đối với các VBPL đã ban hành. Đồng thời, cũng cần cân nhắc để không “đá nhau” với Luật Tiếp cận thông tin (mà Bộ Tư pháp cũng đã chủ trì soạn thảo).

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng lưu ý, dự thảo Luật PBGDPL chỉ điều chỉnh hoạt động PBGDPL trực tiếp, không nên “ôm” cả các hoạt động PBGDPL gián tiếp khác như hoạt động của tổ chức báo chí, tư vấn PL, trợ giúp pháp lý…, tránh đi quá xa trọng tâm của dự thảo Luật. Hơn nữa, những hoạt động gián tiếp này đã được điều chỉnh trong các VBPL khác./.

Huy Anh

Ông Nguyễn Văn Pha – Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Phổ biến pháp luật nhiều khi mới tiếp cận được các "chức sắc"

PV: Từ thực tiễn hoạt động PBGDPL của MTTQVN, ông nhận thấy lực lượng nào báo cáo viên, tuyên truyền viên hay cộng tác viên nên được phát triển?

Ông Nguyễn Văn Pha: Số lượng báo cáo viên rất hạn chế (mỗi tỉnh khoảng 25 người, còn mỗi huyện cũng chỉ khoảng 5-7 người), khó có thể đảm trách nhiệm vụ PBGDPL. Vì thế nên phát triển đội ngũ cộng tác viên để tận dụng được sự linh hoạt, kiến thức rộng rãi và đông đảo của họ. Tuy nhiên, phải có cơ chế phù hợp để khuyến khích các thành phần trong xã hội tham gia lực lượng này.

PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò của các cơ quan thông tấn báo chí trong hoạt động PBGDPL?

Ông Nguyễn Văn Pha: Đây là kênh quan trọng vì đến được với từng người dân. Các kênh PBGDPL hiện nay chủ yếu mới chỉ tiếp cận được các “chức sắc” như cán bộ thôn, xã.... Cần có những quy định cụ thể hơn để tăng cường vai trò của kênh thông tin này trong PBGDPL.