Tổ chức tín dụng bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt: Có nên công bố thông tin?

18/12/2009
Hôm qua, trong phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Ngân hàng nhà nước phải công bố lãi suất

Khi Dự án Luật Ngân hàng nhà nước (NHNN sửa đổi) được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII, nhiều đại biểu đã phản ứng về chuyện Chính phủ “lặng lẽ bỏ quy định về lãi suất cơ bản”, trong phiên họp hôm qua, vấn đề này một lần nữa lại được “làm nóng”

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền cho rằng: để đảm bảo cơ chế vận hành chính sách tiền tệ theo nguyên tắc kinh tế thị trường phù hợp với điều kiện nước ta và thông lệ quốc tế, thì NHNN phải công bố lãi suất để điều hành chính sách tiền tệ và điều hành thị trường. Các tổ chức tín dụng cần được quyền và có trách nhiệm trong việc xác định lãi suất trong giao dịch với khách hàng cũng như với các tổ chức tín dụng khác dựa trên nguyên tắc thị trường và lãi suất điều hành do NHNN công bố.

NHNN được quyền can thiệp cơ chế lãi suất của các tổ chức tín dụng trong trường hợp cần thiết để ổn định thị trường tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, có trách nhiệm công bố một loại lãi suất để làm căn cứ áp dụng cho các hoạt động mang tính chất dân sự ngoài phạm vi hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Văn Thuận khẳng định: phải giữ quy định về lãi suất cơ bản, vì NHNN là cơ quan của Chính phủ, phải thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Nhiều ý kiến đồng tình với ông Thuận vì cho rằng quy định lãi suất cơ bản là vấn đề rất quan trọng để định hướng chính sách tiền tệ.

Cho đây là một trong những vấn đề lớn, quan trọng và còn nhiều ý kiến khác nhau nên Ủy ban Kinh tế sẽ cùng cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến chuyên gia, đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học trong và ngoài nước để tiếp tục chỉnh lý dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội.

Kiểm soát đặc biệt: có nên công bố thông tin?

Trình bày về dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (TCTD, sửa đổi) Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho biết còn 6 vấn đề đang có ý kiến khác nhau.

Nổi bật trong Dự thảo là các quy định mang tính “siết chặt” hơn đối với hoạt động của các TCTD như giới hạn cấp tín dụng đối với khách hàng của Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần, không cho phép ngân hàng thương mại được góp vốn, mua cổ phần của các TCTD khác…

Một số Thường vụ đồng ý với các quy định trên, tuy nhiên nhiều ý kiến khác lại cho rằng, quy định như vậy là quá chặt chẽ, sẽ có ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của các TCTD.

Ông Trần Thế Vượng, Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội không đồng ý với quy định của Dự thảo về việc bầu, bổ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát của TCTD vì cho rằng cách thức làm là quá chặt. Ông phân tích, trước khi bầu, đã phải duyệt danh sách ứng cử viên. Khi bầu lại không được ngoài danh sách đó, rồi cơ quan nhà nước tiến hành bổ nhiệm trong danh sách được bầu “Khóa đầu khóa đuôi kiểu như vậy làm mất ý nghĩa của việc bầu thành viên, nên chăng cần quy định cụ thể tiêu chuẩn với từng chức danh”, ông Vượng đề xuất.

Đối với việc cho vay, cơ quan soạn thảo đề nghị giữ nguyên như dự thảo là không cho phép ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu vì rủi ro lớn, có thể gây mất an toàn. Vấn đề này, Ủy ban Kinh tế đồng ý với cơ quan soạn thảo, tuy nhiên Ủy ban cũng cho rằng quy định này là chặt, sẽ tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Do vậy, nên cho phép các Ngân hàng thương mại cho vay kinh doanh cổ phiếu nhưng để đảm bảo an toàn, NHNN phải định ra các điều kiện, các giới hạn cụ thể.

Đồng ý với Ủy ban Kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Văn Hiển gợi ý, nên cho vay nhưng cần khống chế để khỏi đi quá xa, mất an toàn.

Riêng đối với việc có nên công khai thông tin trong trường hợp TCTD bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt hay không, ông Hiển cho rằng: công khai thông tin là quan trọng nhưng thực tế ở nước ta cho thấy, công khai là rất nguy hiểm, nó có thể ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống vì Ngân hàng này đổ, ngân hàng kia sẽ rất khó khăn. Ông Hiển nghiêng về phía cơ quan soạn thảo là không công bố kiểm soát đặc biệt đối với TCTD.

Tuy nhiên, một số Thường vụ lại có ý kiến khác: không công bố mà rò rỉ thông tin thì còn nguy hiểm hơn do những nguồn tin không chính thống dễ dẫn đến phản ứng dây truyền. Nếu minh bạch thông tin sẽ tạo những giải pháp cứu trợ từ cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, NHNN có trách nhiệm lực chọn thời điểm công khai thông tin cho thích hợp nhất.

Bình An