Nghị định 80/2009/NĐ-CP của Chính phủ cho phép từ ngày 15/11/2009, xe ô tô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái ở bên phải (thường được gọi là tay lái nghịch) được phép tham gia giao thông ở Việt Nam. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng việc tham gia giao thông ở Việt Nam đối với loại xe này cũng không dễ dàng gì
Tại sao lại cho phép?
Trước khi bàn về những vấn đề nảy sinh cần được điều chỉnh sau hơn nửa tháng thực thi việc cho phép xe tay lái nghịch tham gia giao thông ở Việt Nam, thì cũng cần nhìn lại lý do tại sao loại xe này lại được phép lưu thông ở nước ta, nhất là trong tình hình giao thông trong nước đang hết sức hỗn loạn như hiện nay. Trước đây, Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) năm 2001 quy định “tay lái của xe ô tô ở bên trái của xe” (Điểm c Khoản 1 Điều 48), điều này có nghĩa xe ô tô có tay lái bên phải - tay lái nghịch không được phép lưu thông ở Việt Nam. Thế nhưng, thời gian qua, có nhiều người nước ngoài sở hữu xe tay lái nghịch đăng ký tại nước ngoài có nhu cầu vào Việt Nam (phổ biến theo hình thức du lịch caravan và đi công tác, phục vụ hoạt động xúc tiến thị trường của các doanh nghiệp). Và do Luật GTĐB năm 2001 không cho phép nên trong từng trường hợp cụ thể bộ quản lý chuyên ngành phải lấy ý kiến các bộ có liên quan trước khi đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép. Từ sự cách rách này, khi Luật GTĐB năm 2001 được sửa đổi, bổ sung một số ngành (nhất là ngành du lịch) đã có đề xuất cho phép xe tay lái nghịch tham gia giao thông ở Việt Nam với lý do nhằm tháo gỡ việc hạn chế sự phát triển của loại hình du lịch caravan vốn rất được ưa chuộng. Hơn nữa, Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho người và hàng hoá qua lại biên giới các nước Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (gọi tắt là Hiệp định GMS) cũng đặt ra tiêu chí đẩy mạnh việc xúc tiến du lịch bằng đường bộ qua ba nước Việt Nam - Lào - Thái Lan trên tuyến hành lang Đông Tây.
Vì thế, Luật GTĐB năm 2008 đã cho phép “trường hợp xe ô tô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái ở bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam thực hiện theo quy định của Chính phủ” (Điểm c Khoản 1 Điều 53) và Nghị định số 80/2009/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 15/11/2009 đã cụ thể hóa quy định này.
Tham gia giao thông – không dễ
Bên cạnh lợi ích, cần phải nhìn nhận rằng việc cho phép xe tay lái nghịch tham gia giao thông cũng gây nên những khó khăn cho công tác quản lý và lưu thông, an toàn giao thông trên đường. Cụ thể, người điều khiển xe tay lái bên phải sẽ gặp phải những bất lợi khi tham gia giao thông ở Việt Nam như hệ thống biển báo giao thông đều được đặt ở bên phải người lái trong khi đó thói quen của người điều khiển xe tay lái bên phải là nhìn biển ở phía trái; quy tắc giao thông của Việt Nam là vượt bên trái xe bị vượt, trong khi thói quen của người điều khiển xe tay lái bên phải là vượt bên phải.... Trong khi đó, hệ thống giao thông ở Việt Nam cũng đang rất hỗn loạn, nhất là ở các đô thị. Chính vì những “tréo ngoe” này mà khi Luật GTĐB rồi Nghị định 80 còn ở giai đoạn dự thảo, đã có rất nhiều người dân phản đối việc cho phép xe tay lái nghịch vào Việt Nam.
Tiên liệu được vấn đề, nên Nghị định số 80/2009/NĐ-CP được xây dựng khá chi tiết và chặt chẽ. Bên cạnh điều kiện cần thiết để xe ô tô có tay lái ở bên phải được tham gia giao thông thì thời gian được phép tham gia giao thông tại Việt Nam tối đa không quá 30 ngày, trong trường hợp bất khả kháng, phương tiện được lưu lại Việt Nam thêm không quá 10 ngày, 6 Bộ (GTVT, Công an, Tài chính, Quốc phòng, Ngoại giao, VH-TT-DL) và UBND cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp quản lý xe tay lái nghịch.... Nhưng, đáng nói ở chỗ theo Nghị định 80 tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam có trách nhiệm bố trí xe ô tô dẫn đường, bảo đảm an toàn giao thông khi phương tiện lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam và các xe tay lái nghịch chỉ tham gia giao thông đúng trong phạm vi và tuyến đường theo văn bản chấp thuận của Bộ GTVT, đi theo đoàn và có ô tô dẫn đường.... Đơn vị dẫn đường sẽ do tổ chức, cá nhân có hợp đồng du lịch với các đoàn ôtô tay lái nghịch đảm nhận và tất cả xe dẫn đường vẫn phải tuân thủ luật và không được hưởng chế độ ưu tiên khi tham gia giao thông.
Hiểu rằng, quy định này được đề ra nhằm khắc phục những hạn chế về tầm nhìn, thói quen vượt phải của lái xe tay lái nghịch, nhưng mặt trái của nó cũng làm cho hệ thống giao thông vốn đã luôn qúa tải của chúng ta sẽ ùn tắc thêm. Thế thì liệu đây có phải bất cập không?
Hồng Minh
Xe chỉ chở người và lái xe là người nước ngoài Để tránh trường hợp phương tiện xe tải của người nước ngoài có tay lái ở bên phải ồ ạt vào Việt Nam nên theo Nghị định 80 điều kiện để xe ô tô có tay lái ở bên phải được tham gia giao thông như sau: Là xe ô tô chở người; Xe ô tô thuộc quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài, đã được đăng ký và gắn biển số nước ngoài; Xe ô tô phải có Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kĩ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng kí xe cấp và còn hiệu lực; Người lái xe là người có quốc tịch của quốc gia thực hiện quy tắc giao thông đi bên trái và vượt xe về bên phải, có Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe điều khiển... |