Tại chương trình tập huấn do Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) của Thủ tướng Chính phủ tổ chức, phóng viên báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tư vấn Nguyễn Hưng Quang xung quanh mô hình chi phí chuẩn và cách thức sử dụng nhằm tính toán chi phí tuân thủ TTHC. Ông Quang cho biết:
Ưu điểm lớn nhất của phương pháp tính toán chi phí tuân thủ TTHC là giúp cho những nhà lập chính sách, nhà lập pháp tính toán được mỗi một quy định pháp luật liên quan đến TTHC sẽ gây ra gánh nặng gì cho người dân, doanh nghiệp và cho cả nhà nước phải chi, phải đầu tư để thực hiện TTHC đó. Phương pháp tính toán này không đánh giá về mặt nội dung, nội hàm của mối quan hệ xã hội mà quy định pháp luật điều chỉnh chỉ giúp cho việc xác định nghĩa vụ của bên phải thực hiện.
* Ông có thể nêu một ví dụ đơn giản để minh họa cho lợi ích của phương pháp tính toán trên?
- Tôi xin đưa ra một ví dụ về gánh nặng cho người dân khi thực hiện các thủ tục xin học cho con. Họ thường phải thực hiện ít nhất 2 bước. Bước đầu tiên là đến trường xin một mẫu đơn rồi về nhà khai đơn, bước 2 là đến trường nộp đơn và mỗi lần đến trường, họ phải xin nghỉ làm không lương theo quy định của Bộ luật Lao động. Nếu lương tháng của họ là 3 triệu đồng thì 2 lần đến trường là mất 1 ngày làm việc, tức mất đi 100 nghìn. Đây là một khoản tiền tưởng là nhỏ, song khi tính trên số lượng khoảng 10 triệu ông bố, bà mẹ phải làm trước ngày khai giảng 5/9 đã là một con số khổng lồ và có thể coi đó là lãng phí xã hội. Nếu như các trường học đều áp dụng đăng ký xin học qua mạng, các ông bố bà mẹ không cần phải xin nghỉ làm và sẽ không phải mất đi khoản thu nhập để thực hiện TTHC, nghĩa vụ xin học cho con. Ngoài ra, trong lúc đi xin học, họ có thể phải bỏ thêm chi phí đầu tư bổ sung như mua sách vở mới hoặc mất một khoản lệ phí xin học, đăng ký lên lớp, chuyển trường từ 100 - 200 nghìn.
Nhà nước cần phải cân bằng lệ phí thu được của người dân để bù đắp cho chi phí bỏ ra nhằm thực hiện thủ tục đáp ứng lại nghĩa vụ của người dân. Nếu nhà nước tính không được chính xác, người dân sẽ phải chịu gánh nặng nhiều hơn mức phí nhà nước cần phải thu.
* Vậy theo ông, doanh nghiệp sẽ được lợi gì?
- Đây là mô hình áp dụng cho các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan lập pháp. Nhưng bản chất của mô hình lại là phương pháp được lấy lên từ hoạt động quản lý, quản trị doanh nghiệp, từ cách chia chi phí cho từng hoạt động của DN.
* Được biết, mô hình chi phí chuẩn xuất hiện đầu tiên tại Hà Lan và được giới thiệu tại Việt Nam cách đây 3 - 4 năm. Vì sao, bây giờ mô hình mới được tập huấn cho cán bộ các bộ ngành Việt Nam?
- Thực ra mô hình đã được áp dụng vào việc xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Doanh nghiệp. Sắp tới đây sẽ có những văn bản sửa đổi mà trong quá trình sửa đổi đã vận dụng phương pháp tính toán này. Chẳng hạn, việc đăng ký kinh doanh sẽ hoàn toàn thực hiện trên mạng và bởi thế sẽ giảm đi rất nhiều nghĩa vụ tuân thủ. Hay các văn bản cũng loại bỏ một số nghĩa vụ khác hiện vẫn đang được quy định.
* Thủ tướng yêu cầu đơn giản hóa 30% các quy định về TTHC. Ông có thể lượng hóa chi phí tuân thủ TTHC được cắt giảm tương ứng không?
- Chi phí giảm còn tùy thuộc từng loại TTHC. Nếu giảm 30% TTHC trong lĩnh vực khoáng sản thì chi phí giảm theo rất lớn mà tính toán mới đây cho thấy, mới chỉ thực hiện trên 100 doanh nghiệp đã tiết kiệm được 20 tỷ/năm. Đây là khoản tiền có thể dành cho đầu tư xã hội. Số tiền tiết kiệm có thể lên tới mấy nghìn tỷ mà tại Lễ công bố Bộ cơ sở dữ liệu TTHC quốc gia Thủ tướng Chính phủ đã đề cập.
* Mô hình chi phí chuẩn nêu cao tính chủ động của từng ngành thì theo ông liệu có dẫn đến sự tùy tiện không?
- Đây là phương pháp giúp nhà lập pháp tính được là nếu quy định pháp luật không được làm rõ, không tính trước chi phí phải bỏ ra thì dẫn đến hệ quả gì. Phải nói rõ phương pháp là một cách phòng ngừa, trường hợp có tùy tiện thế nào vẫn là cách có lợi cho người dân.
* Trước đây, việc cắt giảm TTHC thường nêu chung chung chứ chưa nhìn thấy lợi ích từ các con số cụ thể. Với phương pháp tính toán trên, ông có cho rằng CCTTHC sẽ được đẩy nhanh hơn không?
- Chính xác, nó sẽ gây tác động lớn trong xã hội.! Bản thân các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan lập pháp sẽ đo lường được ngay các quy định nếu không rõ ràng sẽ làm mất bao nhiêu chi phí. Phương pháp này cũng “chẻ” ra được từng hoạt động một và nhận đinh được ngay là quy định có chung chung hay không, có tạo ra sự khó hiểu cho người dân hay không và tạo ra nhận thức cho người dân về việc thực hiện thủ tục như thế nào.
Hoàng Thư
Ngày 09/12, Tổ công tác chuyên trách CCTTHC của Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức buổi tập huấn cho Tổ công tác thực hiện Đề án 30 tại các bộ, ngành về cách thức tính toán chi phí tuân thủ TTHC đối với các TTHC được rà soát trong khuôn khổ Đề án. Theo đó, các chuyên gia đã trang bị cho cán bộ các Tổ công tác bộ, ngành cách thức tính toán chi phí tuân thủ TTHC để làm cơ sở cho các bộ, ngành tính toán được lợi ích của việc đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của mình. Đại diện nhóm truyền thông của Tổ công tác chuyên trách cho biết, việc sử dụng mô hình chi phí chuẩn làm công cụ tính toán nhằm phân tích chi tiết đến từng hoạt động của mỗi cá nhân, tổ chức trong việc tuân thủ các quy định về TTHC sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước lượng hóa được lợi ích do Đề án 30 mang lại. Chẳng hạn, nếu giảm tần suất báo cáo thuế từ 12 lần/năm xuống 4 lần/năm sẽ giúp tiết kiệm cho DN 650 tỷ đồng, hay việc bãi bỏ thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc bảo vệ thực vật sẽ giúp tiết kiệm được gần 31 tỷ đồng/năm. |