“Chính sách phải bắt nguồn từ cuộc sống, muốn vậy phải có sự tham gia đóng góp của nhân dân trước khi nó được ban hành”. Ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh tại hội thảo “Đối thoại với cộng đồng tài trợ quốc tế về hoạt động thí điểm tham vấn ý kiến nhân dân” do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP tổ chức hôm qua tại Hà Nội.
Không thể “chính sách trên trời, cuộc sống dưới đất”
Tham vấn công chúng được thực hiện ở Việt Nam từ những năm 1980 bằng hình thức lấy ý kiến nhân dân vào Hiến pháp và các dự án Luật có ảnh hưởng tới lợi ích rộng rãi của số đông. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, các quy định về tư vấn vẫn còn chung chung, thiếu hợp lý, đặc biệt các hoạt động mang tính tham vấn của Quốc hội và HĐND còn hình thức và khó thực hiện.
Dự án “nâng cao năng lực các cơ quan dân cử ở Việt Nam đã ưu tiên xây dựng một quy trình tham vấn công chúng phù hợp, sử dụng thường xuyên trong hoạt động của các cơ quan dân cử. Năm 2009, Dự án tiếp tục hỗ trợ thực hiện thí điểm tham vấn đối với Ủy ban các vấn đề xã hội, HĐND 10 tỉnh, thành phố.
Ông Lương Phan Cừ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá: hoạt động tham vấn công chúng giai đoạn II đã đạt một số kết quả như tổ chức tham vấn trực tiếp tại cộng đồng ở 4 tỉnh, TP, 2 hội nghị tham vấn khu vực, đã tiến hành điều tra xã hội học, và tham vấn qua phương tiện thông tin đại chúng. Theo ông Cừ, hoạt động tham vấn được người dân đánh giá cao. Những vấn đề liên quan “sát sườn” đến cuộc sống của họ đã được thông tin đa chiều, người dân được trực tiếp đóng góp ý kiến của mình vào việc xây dựng chính sách.
“Không thể chính sách trên trời, cuộc sống dưới đất, chúng ta ban hành chính sách là để thực thi”, ông Dũng nhấn mạnh. Nhưng làm thế nào để người dân tham gia một cách dễ dàng và thiết thực nhất vào việc xây dựng chính sách?
Cần công khai thông tin
Ông Nguyễn Văn Mễ, nguyên Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa thiên - Huế khóa XI thắng thắn “Tham vấn công chúng phụ thuộc vào quyết tâm, quyết định của lãnh đạo cơ quan dân cử (như lãnh đạo Ủy ban của Quốc hội, Thường trực HĐND. Tuy nhiên, vai trò của cá nhân đại biểu còn hết sức mờ nhạt, nhiều nơi chỉ là nói một chiều và mang nặng tính nghĩa vụ”.
Ngoài việc phải “bù đắp” thiếu hụt trong hệ thống pháp luật, một vấn đề khác được ông Mễ chỉ ra là những yêu kém trong kỹ năng tham vấn công chúng. Do đó, ảnh hưởng nhất định đến kết quả thu thập thông tin. “Dự án cần tiếp tục hỗ trợ để mở thêm các lớp tập huấn về kỹ năng”.
Tuy nhiên, xét cho cùng, hiểu biết của người dân về các vấn đề được đưa ra tham vấn mới là điều quan trọng. Tại hội thảo, “bài học” nhãn tiền từ Lào Cai cho thấy, khi lấy ý kiến nhân dân vào vấn đề quy hoạch điện lực, HĐND đã “vấp” phải khó khăn lớn là đối tượng được tham vấn là người dân tộc thiểu số nên khả năng nhận định, đánh giá các ảnh hưởng của chính sách đối với đời sống còn rất hạn chế, đặc biệt những lĩnh vực có tính chuyên ngành, kỹ thuật cao.
Kiến thức của người dân về vấn đề được tham vấn là một chuyện, quan trọng hơn là việc công khai các thông tin liên quan. “Đó là trách nhiệm của cơ quan nhà nước”, ông Nguyễn Sĩ Dũng khẳng định.
Khác với ông Dũng, ông Mễ đánh giá cao vai trò của các cơ quan truyền thông. “Cần chuyển một phần trọng tâm sang việc hỗ trợ cho hình thức tham vấn công chúng qua các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử… nhằm ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan và đại biểu dân cử”.
“Quốc hội cần ban hành quy trình về tham vấn thống nhất trên toàn quốc, trong đó quy định rõ trách nhiệm xử lý, phản hồi kết quả tham vấn, nhất là trong việc giải quyết những ý kiến cụ thể gắn với quyền lợi trực tiếp của người dân”, ông Vi Lam Sơn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lào Cai đề nghị
Thu Hằng
Ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: cơ quan nhà nước phải công khai và có trách nhiệm với yêu cầu của người dân, xem chính sách, đạo luật đó có cần không. Phải đưa cuộc sống vào chính sách pháp luật trước… Ông Nguyễn Văn Mễ, nguyên Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội Thừa Thiên - Huế khóa XI: “vai trò của cá nhân đại biểu còn hết sức mờ nhạt, nhiều nơi chỉ là nói một chiều và mang nặng tính nghĩa vụ”. |