Chi phí thẩm định giá: Người được thi hành án có thể ứng trước?

25/08/2009
Từ 01/7, ngày Luật Thi hành án dân sự (THADS) có hiệu lực đã không còn tồn tại Hội đồng định giá tài sản như Pháp lệnh cũ. Quyền mời tổ chức thẩm định giá đã được giao về cho đương sự và chấp hành viên có trách nhiệm đứng ra ký hợp đồng. Tuy nhiên, cũng từ những quy định này đã nảy sinh một số vấn đề khó khăn cho chính các cơ quan THA

“Chi phí lớn quá”

Đó là lời “than” của Trưởng THADS tỉnh Đắk Lắk Bùi Đăng Thủy khi nói về kinh phí cho việc thẩm định giá. Ông Thủy ước tính mỗi hợp đồng thẩm định giá trung bình từ 15 đến 20 triệu đồng, khoản chi phí này được tạm ứng từ nguồn kinh phí chi cho việc cưỡng chế THA. Trong khi đó, ông Thủy dẫn chứng số lượng các vụ việc phải ký hợp đồng thẩm định giá trên địa bàn tỉnh là rất lớn, nhưng nguồn kinh phí này được giao cho cơ quan THADS tỉnh chỉ là 70 triệu và các đơn vị cấp huyện là 20 đến 30 triệu đồng. Với nguồn kinh phí như vậy không đủ để các cơ quan THADS ký hợp đồng thẩm định giá. Ông Thủy đề nghị: Bộ Tư pháp cần cấp thêm nguồn kinh phí, đồng thời có cơ chế khuyến khích người được THA tự nguyện ứng trước tiền chi phí thẩm định giá và cho phép các cơ quan THADS tạm thu khoản này để phục vụ cho việc thẩm định giá. Khoản tiền đã thu sẽ được hoàn trả lại cho người được THA sau khi xử lý được tài sản của người phải THA.

Khó khăn của THADS Đắk Lắk cũng là vấn đề chung của nhiều địa phương khác khi thực hiện quy định mới nói trên, nhất là tại các thành phố lớn, số lượng việc phải mời thẩm định giá nhiều. Ông Nguyễn Văn Lực, Trưởng THADS TP. Hồ Chí Minh cho biết, với “thực lực” hiện nay, THADS TP. Hồ Chí Minh cũng không có kinh phí để “cáng đáng” nổi khoản tiền nói trên. Ông Lực đề nghị Bộ Tư pháp cho sử dụng phí THA để tạm ứng cho chi phí định giá. Số tiền này sẽ được hoàn trả khi tài sản đã bán đấu giá thành.

Tự định giá: căn cứ vào đâu?

Điều 98 Luật THADS quy định, đương sự có quyền được về giá tài sản hoặc tổ chức thẩm định giá. Nếu đương sự không thỏa thuận được, hoặc tổ chức thẩm định giá từ chối ký hợp đồng dịch vụ thì chấp hành viên phải tự ký hợp đồng với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi có tài sản kê biên.

Với các quy định nêu trên, tổ chức thẩm định giá có vai trò rất quan trọng trong việc định giá tài sản. Tuy vậy đến nay, đặc biệt ở các tỉnh miền núi, nhiều nơi còn chưa có tổ chức thẩm định giá nên cơ quan THA phải mời tổ chức này ở nơi khác về, và đương nhiên cũng phát sinh thêm chi phí do cách trở về địa lý.

Ngược lại, một số nơi đã có tổ chức thẩm định giá nhưng họ lại rất “kén hàng”. Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 03 tổ chức thẩm định giá, tuy nhiên chủ yếu họ chỉ làm những hợp đồng lớn (như bất động sản). Mặt khác, do có trụ sở đặt tại TP. Buôn Ma Thuột, nên các tổ chức thẩm định giá cũng chỉ “khoanh vùng” địa bàn trong phạm vi bán kính khoảng 100 km trở lại. Điều đó có nghĩa là trên cùng một địa bàn tỉnh, các huyện vùng sâu, vùng xa rất khó mời được tổ chức này.

Cũng theo Điều 98 Luật THADS, đối với tài sản kê biên thuộc loại tươi sống, mau hỏng hoặc có giá trị nhỏ mà đương sự không thỏa thuận được với nhau về giá thì chấp hành viên phải tự xác định giá. Theo Trưởng THADS Bùi Đăng Thủy thì việc này sẽ gặp nhiều khó khăn thậm chí không thể xác định được giá tài sản, nếu các cơ quan chuyên môn từ chối phối hợp hoặc không kịp thời cung cấp giá tài sản đã kê biên. Trong khi đó, Luật THADS chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của từng cơ quan chuyên môn trong việc phối hợp cung cấp giá tài sản cho chấp hành viên. Do đó, ông Thủy đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Thông tư liên tịch quy định trách nhiệm của từng cơ quan trong việc phối hợp với THA xác định giá trị tài sản kê biên khi các Trung tâm thẩm định giá từ chối việc thẩm định giá và trong trường hợp các tài sản cần phải xử lý nhanh mà chấp hành viên phải tự xác định giá.

Đồng tình với ông Thủy, một chấp hành viên khác bổ sung: có nhiều loại mặt hàng mà tại địa phương chưa từng xuất hiện hoặc cũng chưa có chủng loại tương ứng để áp dụng giá tương tự. Để chấp hành viên tự định giá trong trường hợp này là rất khó khăn. Trong khi đó, tài sản mau hỏng thì phải nhanh được xử lý, nếu làm chậm, tài sản mất giá trị, chấp hành viên rất dễ bị kiện.

Thu Hằng

1. Ngay khi kê biên tài sản mà đương sự thoả thuận được về giá tài sản hoặc về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên lập biên bản về thỏa thuận đó. Giá tài sản do đương sự thoả thuận là giá khởi điểm để bán đấu giá. Trường hợp đương sự có thoả thuận về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá đó.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên tài sản, Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên trong các trường hợp sau đây:

a) Đương sự không thoả thuận được về giá và không thoả thuận được việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá;

b) Tổ chức thẩm định giá do đương sự lựa chọn từ chối việc ký hợp đồng dịch vụ;

c) Thi hành phần bản án, quyết định quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật này.

(Khoản 1,2 Điều 98 Luật THADS)

Ông Bùi Đăng Thủy, Trưởng THADS Đắk Lắk: Bộ Tư pháp cần cấp thêm nguồn kinh phí cho việc thẩm định giá, đồng thời có cơ chế khuyến khích người được THA tự nguyện ứng trước tiền chi phí thẩm định giá và cho phép các cơ quan THADS tạm thu khoản này để phục vụ cho việc thẩm định giá. Khoản tiền đã thu sẽ được hoàn trả lại cho người được THA sau khi xử lý được tài sản của người phải THA.