Nam Định triển khai có hiệu quả công tác hoà giải cơ sở

07/03/2008
Hoà giải có ý nghĩa to lớn trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.

Tại tỉnh Nam Định đến nay đã tổ chức được 3.581 tổ hoà giải với gần 19.000 hoà giải viên ở khắp tất cả các thôn xóm, tổ dân phố, cụm dân cư thuộc các phường, xã, thị trấn; số vụ việc hoà giải thành đạt tỷ lệ 82%, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai. Hoạt động hoà giải cơ sở tại một số xã, phường, thị trấn ở một vài huyện, tổ hoà giải được kiện toàn về mặt tổ chức; hoà giải viên đại diện cho các đoàn thể chính quyền, nhờ đó có điều kiện gần dân. Bằng việc vận dụng những quy định của pháp luật để giải thích, phân tích, kết hợp với đạo lý truyền thống và phong tục tập quán, những hoà giải viên không chỉ giúp người dân hàn gắn hạnh phúc gia đình, gắn kết tình làng nghĩa xóm, mà thông qua đó đã góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, giúp người dân hiểu pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Trong dịp triển khai thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, Uỷ ban nhân dân tỉnh Nam Định đã chỉ đạo Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tổ chức Hội thi “Hoà giải viên giỏi” lần thứ nhất (năm 2000); Hội thi “Hoà giải viên giỏi” lần thứ hai (năm 2005). Hội thi các cấp đã thu hút trên 2000 hội viên hoà giải cơ sở tham gia, 10 huyện, thành phố và hàng trăm đơn vị cấp xã đã tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để hội thi thành công. Ngoài ra, các ban, ngành, đoàn thể khác cũng rất tích cực trong việc chỉ đạo đơn vị mình tham gia vào công tác hoà giải ở cơ sở. Hội cựu chiến binh đã động viên 3.216 hội viên cựu chiến binh tham gia tổ chức hoà giải ở cơ sở, hoà giải thành công hàng trăm vụ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã tích cực tham gia hoà giải ở cơ sở, giải quyết đơn thư thuộc tổ chức Hội, phối hợp với các ban, ngành đoàn thể hoà giải thành 85% vụ mâu thuẫn trong nhân dân.

Hoạt động tập huấn nâng cao kiến thức thường xuyên được ngành tư pháp quan tâm. Tháng 10 năm 2005, Sở tư pháp phối hợp với Sở nội vụ Nam Định tổ chức tập huấn pháp luật cho đội ngũ cán bộ công chức hộ tịch xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh – người quản lý công tác tư pháp cơ sở nói chung. Trong tháng 5 năm 2006, Sở tư pháp Nam Định đã tổ chức tập huấn pháp luật cho hơn 100 hoà giải viên đang trực tiếp tham gia công tác tuyên truyền pháp luật, hoà giải ở cơ sở. Đặc biệt trong năm 2007, Thực hiện Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến 2010, Sở Tư pháp là đơn vị chủ trì thực hiện Đề án thứ tư đã chỉ đạo  các huyện, thành phố trong tỉnh đã tập huấn cho đội ngũ hoà giải viên cơ sở. Thông qua các lớp tập huấn đã trang bị kiến thức, kỹ năng PBGDPL cho học viên và pháp luật trên các lĩnh vực dân sự, hành chính, hình sự, khiếu nại tố cáo, hôn nhân gia đình.

Có thể khẳng định hoạt động hoà giải đã góp phần tích cực trong việc chuyển tải những quy định của pháp luật tới  đối tượng, giải hoà những mâu thuẫn xích mích trong cộng đồng dân cư  góp phần giữ vững tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

          Tuy nhiên, hoạt động hoà giải ở cơ sở vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như vấn đề kinh phí nên việc cung cấp nguồn tài liệu, văn bản pháp luật, đặc biệt là những văn bản mới cho đội ngũ hoà giải viên chưa thực sự đầy đủ. Bên cạnh đó, Ban tư pháp cấp xã chưa thực sự chủ động triển khai thực hiện các quy định về công tác hoà giải ở địa phương, đề xuất với chính quyền địa phương biện pháp kiện toàn về tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động hoà giải.  Trong thời gian tới, ngành tư pháp Nam Định cần có biện pháp tháo gỡ những hạn chế trên để công tác hoà giải ngày càng phát huy vai trò trong đời sống cộng đồng.

Trần Hồng Nhung