Tình hình và hết quả thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính vào ngày thứ bảy tại An Giang

07/03/2008
Thực hiện Quyết định số 127/2007/QĐ-TTg ngày 01/08/2007 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tư Pháp đã ban hành công văn số 209/STP-VP ngày 17/08/2007 hướng dẫn làm việc vào ngày thứ bảy hàng tuần để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Theo đó, Văn phòng Sở Tư pháp, các phòng công chứng, Phòng Tư pháp cấp huyện và cán bộ tư pháp - hộ tịch của UBND cấp xã bắt đầu thực hiện nghiêm túc chế độ làm việc vào ngày thứ bảy từ ngày 01/9/2007.

Qua 6 tháng thực hiện, nhìn chung cho thấy Thủ trưởng, cán bộ công chức các bộ phận phải làm thêm ngày thứ bảy đều xác định rõ mục đích yêu cầu và tình thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo UBND tỉnh.  Việc tổ chức làm việc ngày thứ bảy tại Văn phòng Sở Tư pháp, các Phòng Công chứng đã giải quyết kịp thời một số yêu cầu đối người nước ngoài về công chứng, hộ tịch cũng như những vụ việc bức xúc cần giải quyết gấp của công dân trong nước (chủ yếu là hợp đồng thế chấp tài sản); Giảm bớt một phần áp lực công việc cho những ngày làm việc bình thường trong tuần.

                Tuy nhiên, do các hoạt động công chứng, hộ tịch có liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, nhất là đối với các cơ quan hành chính khác không trực tiếp tiếp xúc, giải quyết công việc của người dân, hoặc các tổ chức tín dụng, ngân hàng…lại không làm việc vào ngày thứ bảy, nên thực chất các công việc giải quyết cho người dân trong ngày thứ bảy cũng không thể giải quyết trọn vẹn theo yêu cầu của người dân. Hơn nữa, sau khi Luật Công chứng có hiệu lực, Phòng Công chứng chỉ thực hiện công chứng các hợp đồng giao dịch dân sự, kinh tế là chủ yếu, việc chứng thực, sao y do UBND cấp xã thực hiện nên số lượng công việc còn còn tồn đọng như trước. Tính từ 1/9/2007 đến nay, tại các phòng Công chứng, vào ngày thứ bảy hàng tuần mỗi phòng phân công  03 đến 04 cán bộ trực giải quyết công việc vào ngày thứ bảy hàng tuần gồm: 01 lãnh đạo, 01 công chứng viên và 01 hoặc 02 chuyên viên, nhưng trong 6 tháng chỉ tiếp nhận 202 hồ sơ, thu lệ phí 50.340.000đ, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 06 hồ sơ. Trong khi đó, tổng số tiền chi bồi dưỡng làm thêm ngoài giờ cho cán bộ, công chức lên đến 40 triệu đồng.

                Tương tự đối với công tác Hộ tịch, Nghị định 158/2005/NĐ-CP đã phân cấp một số nhiệm vụ về đang ký quản lý hộ tịch cho UBND cấp huyện và xã nên áp lực công việc về hộ tịch tại Sở Tư pháp đã được tháo gỡ, do đó số lượng công việc tiếp nhận và giải quyết vào ngày thứ bảy tại các phòng Công chứng và Văn phòng Sở Tư pháp thời gian qua không đáng kể. Số lượng hồ sơ tiếp nhận tính từ 1/9/2007đến nay là 96 vụ việc, trung bình tiếp nhận 4 hồ sơ mỗi ngày thứ bảy. Công việc chủ yếu là tiếp nhận hồ sơ mới hoặc hẹn trả hồ sơ đã được giải quyết. Việc chuyển, nhận hồ sơ có liên quan đến các ngành, bộ phận như Phòng QLXNC, Phòng Hồ sơ, Phòng QLHCTTXH công an tỉnh An Giang, Văn phòng UBND tỉnh không thể thực hiện vì các nơi này không làm việc vào ngày thứ 7. Tổng số tiền chi bồi dưỡng làm ngoài giờ là : 16.234.000đ, bình quân mỗi ngày thứ bảy chi hơn 1.000.000.đ.

          Kết quả trên cho thấy, cần phải xem xét thực hiện làm việc thêm vào ngày thứ bảy tại Sở Tư pháp . Bởi lẽ bỏ ra một số tiền không nhỏ từ NSNN để phục vụ chỉ vài người, trong khi nhu cầu của họ cũng không phải thực sự bức thiết, là một sự lãng phí không cần thiết trong khi đất nước còn nghèo, hơn nữa người dân cũng không muốn tiền thuế của mình bị sử dụng không hiệu quả. Đồng thời, thực tế cho thấy, việc thực hiện bồi dưỡng làm thêm giờ ngày thứ bảy ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tiết kiệm chi hành chính của đơn vị (chỉ riêng tại VP Sở Tư pháp bình quân mỗi tháng chi gần 6 triệu đồng, mỗi phòng công chứng bình quân từ 3 -4 triệu đồng/ tháng. Trong khi đó, các phòng Công chứng chỉ được sử dụng số tiền được trích 20% từ nguồn thu lệ phí để trả lương ngoài giờ. Ví dụ : Tại Phòng Công chứng số 2, đến nay còn nợ chi chế độ làm thêm giờ cho cán bộ, công chức theo quy định là  3.306.800 đồng). Bên cạnh đó, việc phân công cán bộ trực làm thêm ngày thứ bảy, theo quy định thì họ được nghỉ bù hoặc hưởng theo chế độ bồi dưỡng làm thêm ngoài giờ. Nhưng, những người này lại không thể nghỉ bù vào ngày khác, vì không có ai thay họ giải quyết công việc, do thực hiện việc khoán biên chế, kinh phí nên biên chế ở các bộ phận, cơ quan, đơn vị này đã được phân bổ khá sát với yêu cầu nhiệm vụ. Do đó, chỉ có thể thực hiện bồi dưỡng làm thêm ngoài giờ cho những người làm việc vào ngày thứ bảy.  Điều này làm ảnh hưởng không ít tới sức khoẻ cán bộ và chất lượng công việc. 

Trước thực trạng trên, Sở Tư pháp An Giang đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thêm một số cơ quan hữu quan cùng thực hiện làm việc vào ngày thứ bảy để giải quyết kịp thời các công việc có tính liên thông; Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh xem xét và cho phép Sở Tư pháp chỉ làm vào sáng ngày thứ bảy hàng tuần đối với các bộ phận phải làm việc ngaỳ thứ bảy, vì số lượng công việc giao dịch tínhg nhiều và số công dân đến giao dịch chủ yếu chỉ tập trung vào sáng thứ bảy./. 

Trần Hải Quân