Tuyên Quang quy định thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông

04/03/2008
Thực hiện Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Ngày 11 tháng 01 năm 2008, Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Quyết định số 04/QĐ-UBND về việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết công việc của tổ chức và cá nhân tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Theo nội dung Quyết định số 04/QĐ-UBND, Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang quy định có 90 loại công việc thực hiện cơ chế một cửa, 35 loại công việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh. Trong đó, cấp tỉnh thực hiện 76 loại công việc thuộc cơ chế một cửa, 26 loại công việc thuộc cơ chế một cửa liên thông; cấp huyện thực hiện 08 loại công việc theo cơ chế một cửa, 05 loại công việc theo cơ chế một cửa liên thông; cấp xã thực hiện 06 loại công việc theo cơ chế một cửa; có 04 loại công việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông giữa UBND cấp xã với cơ quan chuyên môn cấp huyện.

          Trong số 17 lĩnh vực thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, thì lĩnh vực tài nguyên và môi trường 25 loại việc (cấp tỉnh 16, cấp huyện 05 và cấp xã 04); lĩnh vực tư pháp có 21 loại việc (cấp tỉnh 14, cấp huyện 02 và cấp xã 05); lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thông có 14 loại việc thực hiện ở cấp tỉnh; lĩnh vực xây dựng có 09 loại việc (cấp tỉnh 05, cấp huyện 03 và cấp xã 01). Các lĩnh vực có ít loại việc thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đó là: dân tộc tôn giáo, phát thanh và truyền hình, công nghiệp, giáo dục và đào tạo, đầu tư kinh doanh…mỗi lĩnh vực có từ 01 đến 02 loại việc.

          Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn có nội dung công việc thực hiện theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông có trách nhiệm bố trí phòng làm việc, trang thiết bị, bố trí cán bộ, công chức đúng chuyên môn, nghiệp vụ cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; ban hành quy chế quy định quy trình tiếp nhận, chuyển hồ sơ, xử lý, trình ký, trả lại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; trách nhiệm của các bộ phận liên quan trong thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; trách nhiệm của cán bộ, công chức làm việc ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; niêm yết công khai các quy định, thủ tục hành chính, giấy tờ, hồ sơ, mức thu phí, lệ phí và thời gian giải quyết các loại công việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; tập huấn về nghiệp vụ và cách giao tiếp với tổ chức, cá nhân trong quá trình giải quyết công việc đối với đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; thông tin, tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân biết về hoạt động của cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

Nguyễn Thị Thược