Đoàn kiểm tra văn bản QPPL tỉnh Thừa Thiên Huế kết luận công tác kiểm tra tại thành phố Huế

04/03/2008
Thực hiện Quyết định số 1544/QĐ-UBND ngày 05/5/2005 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về uỷ quyền cho Giám đốc Sở Tư pháp thành lập các đoàn kiểm tra văn bản QPPL tại các huyện và thành phố Huế, Giám đốc Sở Tư pháp đã ký Quyết định số 145/QĐ-STP thành lập Đoàn kiểm tra văn bản QPPL do HĐND và UBND thành phố Huế ban hành từ ngày 01/01/2006 đến 30/6/2007. Trong thời gian từ ngày 27/12/2007 đến 10/01/2008, Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra 176 văn bản có một phần hoặc toàn bộ nội dung QPPL và đã kết luận như sau:

Nhiều văn bản QPPL đã không ghi năm ban hành sau số văn bản ban hành theo quy định tại khoản 1 điều 7 Luật ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND. Ví dụ: Quyết định số 1490/QĐ-UBND ngày 22/9/2006 ban hành quy định tạm thời về sử dụng hệ thống thư tín điện tử của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố Huế hoặc đa số các Chỉ thị có nội dung QPPL ban hành trong năm 2006 đều có lỗi tương tự.

Trích dẫn sai căn cứ pháp lý để ban hành văn bản. Ví dụ: Quyết định số 539/QĐ-UBND ngày 09/5/2007 về việc phân loại vị trí đất để tính thuế có viện dẫn tên gọi của Thông tư số 83/TT-TCT ngày 07/10/1994 của Bộ Tài chính quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh thuế nhà, đất và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thuế nhà, đất là không chính xác vì tên gọi (trích yếu nội dung) của Thông tư này là hướng dẫn thi hành Nghị định 94/CP ngày 25/8/1994 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh thuế nhà đất.

Không quy định tính hiệu lực của văn bản: Ví dụ: Quyết định số 596/QĐ-UBND ngày 16/5/2006 quy định giá vé bơi tại Trung tâm thể dục thể thao Thành phố đã không có điều khoản nào quy định thời điểm có hiệu lực khi áp dụng, thực hiện giá vé bơi tại Trung tâm thể dục thể thao Thành phố.

Quy định sai thời điểm hiệu lực của văn bản: Nhiều văn bản QPPL do UBND Thành phố Huế ban hành quy định tính hiệu lực của văn bản kể từ ngày ký là trái với quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 51  Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND, điều luật này quy định: “văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp huyện có hiệu lực sau bảy ngày và phải được niêm yết chậm nhất là ba ngày, kể từ ngày HĐND thông qua hoặc Chủ tịch UBND ký ban hành, trừ trường hợp văn bản quy định ngày có hiệu lực muộn hơn”. Ví dụ: Quyết định số 239/2007/QĐ-UBND ngày 15/3/2007 ban hành Chương trình hành động của UBND Thành phố về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2007.

Quy định hiệu lực trở về trước: Ví dụ:Quyết định số 539/QĐ-UBND ngày 09/5/2007 phân loại vị trí đất để tỉnh thuế. Văn bản này ban hành ngày 09/5/2007 nhưng tại điều 3 của quyết định lại quy định tính hiệu lực của văn bản là ngày 01/01/2007 (trước 04 tháng 9 ngày) là trái với quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND, điều luật này quy định: “Không quy định hiệu lực trở về trước đối với văn bản QPPL của HĐND, UBND”.

Không ký, đóng dấu vào bản Quy chế ban hành kèm theo Quyết định là trái với hướng dẫn theo mẫu trình bản văn bản 1.6 phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP. Ví dụ: Quyết định số 1193/2006/QĐ-UBND ngày 07/8/2006 ban hành Quy chế làm việc của UBND Thành phố Huế.

Một số văn bản có nhiều sai sót về nội dung:

Quyết định số 197/2007/QĐ-UBND ngày 23/02/2007 ban hành quy định về điều động, luân chuyển cán bộ quản lý và giáo viên, nhân viên ngành giáo dục thành phố:

1. Một số quy định tại đoạn a khoản 1 điều 2 quy định ban hành kèm theo quyết định nêu trên của UBND thành phố Huế về việc bổ nhiệm hiệu trưởng trường tiểu học và trường trung học theo nhiệm kỳ 5 năm và không quá 2 nhiệm kỳ vào thời điểm văn bản được ban hành là đúng với quy định của Quyết định số 22/2000/QĐ-BGD-ĐT ban hành điều lệ trường tiểu học và Quyết định số 23/2000/QĐ-BGD-ĐT cùng ngày 11/7/2000 ban hành điều lệ trường trung học của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng đến ngày 31/8/2007 khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 51/2007/QĐ-BGD-ĐT về điều lệ trường tiểu học thì quy định trên của UBND thành phố Huế đã trái với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cụ thể là: Nhiệm kỳ hiệu trưởng trường tiểu học công lập là 5 năm; hết nhiệm kỳ, hiệu trưởng được luân chuyển đến một trường khác (trong lúc đó Quyết định số 197/2007/QĐ-UBND của UBND Thành phố quy định 2 nhiệm kỳ (10 năm) mới luân chuyển).

2. Ngoài ra, tại Điều 18 Quyết định số 07/2007/QĐ-BGD-ĐT và Điều 17 Quyết định số 51/2007/QĐ-BGD-ĐT nêu trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quy định nhiệm kỳ đối với hiệu trưởng chứ không phải cả phó hiệu trưởng như quy định của Quyết định số 197/2007/QĐ-UBND của UBND Thành phố Huế.

3. Theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục; các quyết định của Bộ Giáo dục: số 22/2000/QĐ-BGD-ĐT; số 23/2000/QĐ-BGD-ĐT; số 07/2007/QĐ-BGD-ĐT và số 51/2007/QĐ-BGD-ĐT ban hành các loại điều lệ trường học, đặc biệt gần đây nhất là Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ về danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức thì không có quy định nào quy định thời hạn để chuyển đổi đối với giáo viên, nhân viên các trường trung, tiểu học như quy định tại khoản 2 điều 2 quy định ban hành kèm theo Quyết định số 197/2007/QĐ-UBND nêu trên của UBND thành phố Huế.

Quyết định số 746/2007/QĐ-UBND ngày 31/5/2007 của UBND thành phố Huế ban hành quy trình bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê do thành phố Huế quản lý:

1. Đối chiếu với Nghị quyết số 23/2006/NQ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về một số giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê theo quy định tại Nghị định số 61/CP ngày 05/9/1994 của Chính phủ; Nghị quyết số 48/2007/NQ-CP ngày 30/8/2007 của Chính phủ về điều chỉnh một số nội dung chính sách bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê theo Nghị định số 61/CP; Chỉ thị số 43/2004/CT-TTg ngày 03/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao nhà ở thuộc nhà nước cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ thị số 33/2006/CT-UBND ngày 16/8/2006 của UBND tỉnh về việc đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành việc bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định số 61/CP thì UBND các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh (kể cả Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh) hiện đang quản lý quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định số 61/CP có trách nhiệm chuyển giao toàn bộ quỹ nhà ở này cho UBND tỉnh. Điểm 1 Nghị quyết số 48/2007/NĐ-CP ngày 30/8/2007 của Chính phủ quy định về thời hạn chuyển giao là: “Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm quản lý toàn bộ quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thuộc diện tự quản trên địa bàn và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chậm nhất vào ngày 01/10/2007, trong đó nêu rõ những cơ quan, đơn vị không thực hiện việc bàn giao để làm rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị đó…” Như vậy, thẩm quyền bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê theo Nghị định số 61/CP kể cả ban hành văn bản QPPL về quy trình bán nhà ở loại này thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh chứ không phải của UBND thành phố Huế.

Một số kiến nghị của Đoàn kiểm tra:

1. Kiến nghị UBND thành phố Huế  ban hành quyết định sửa đổi một phần nội dung của Quyết định số 197/2007/QĐ-UBND để phù hợp với Quyết định số 07/2007/QĐ-BGD-ĐT, Quyết định số 51/QĐ-BGD-ĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo mà Đoàn kiểm tra văn bản QPPL của tỉnh đã phát hiện.

2. Kiến nghị UBND thành phố  Huế ra quyết định thu hồi Quyết định số 746/2007/QĐ-UBND ngày 31/5/2007 ban hành quy trình bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê do thành phố Huế quản lý vì không đúng thẩm quyền về mặt nội dung khi thẩm quyền này Chính phủ đã giao cho UBND tỉnh. 

Hữu Dũng